Tra Cứu

Dàn ý cảm nhận đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng

Dàn ý cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia – Tham khảo dàn ý chi tiết với các luận điểm và cách triển khai nhằm làm rõ được hiện thực xã hội mà tác giả vẽ nên trong tác phẩm.

Đề bài: Cảm nhận về đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” trong tác phẩm Số đỏ của tác giả Vũ Trọng Phụng

Các ý chính:

1. Sơ lược về nội dung tiểu thuyết Số đỏ và đoạn trích Hạnh phúc một tang gia

2. Bản chất lố lăng, đồi bại của các nhân vật

a. Chân dung những người mang danh thượng lưu đi đưa tang

b. Chân dung những người trong gia đình có tang

Dàn ý cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia

I. Mở bài:

– Không phải đơn thuần mà người ta gọi Vũ Trọng Phụng là bậc thầy của nghệ thuật trào phúng. Bằng việc lột tả từng nhân vật, từng cử chỉ, ngoại hình, hành động mà Vũ Trọng Phụng đã phô bày trước mắt người đọc cái bản chất lố lăng của tầng lớp tư sản thành thị thời Pháp thuộc.

– Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là đoạn tiêu biểu trong tiểu thuyết Số đỏ – một đóng góp lớn về cả nội dung và nghệ thuật trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

II. Thân bài

1. Sơ lược về nội dung tiểu thuyết Số đỏ và đoạn trích Hạnh phúc một tang gia

– Nhân vật chính của cả thiên truyện là Xuân tóc đỏ, hắn vốn là một kẻ lưu manh, sống bằng nhiều nghề khác nhau như trèo sấu, bán thuốc dạo… Khi nhặt banh trong sân quần vợt, hắn được bà Phó Đoan để mắt vì bị cảnh sát bắt tội xem trộm cô đầm thay đồ. Xuân tóc đỏ được giới thiệu vào làm việc trong tiệm may Âu hóa, từ đấy hắn tham gia cải cách xã hội. Nhờ những kinh nghiệm bán thuốc lậu, Xuân tóc đỏ trở thành sinh viên trường luật và được vợ chồng cậu Văn Minh giới thiệu chữa bệnh cho ông nội mình là cụ Cố Tổ. Vô tình hay hữu ý mà bài thuốc của hắn tiếp tay cho cái chết của người “đáng chết” và mở màn cho lớp diễn bi hài trong đoạn trích Hạnh phúc một tang gia.

2. Bản chất lố lăng, đồi bại của các nhân vật

a. Chân dung những người mang danh thượng lưu đi đưa tang

– Những ông bạn thân của cụ Cố Hồng đến dự đám tang với tất cả lòng thành kính dành cho những tấm huy chương của họ. Vũ Trọng Phụng còn đặc tả những bộ ria mép độc đáo ẩn chứa bản chất thật sự: râu dài hoặc ngắn, đen hoặc hun hun..

– Trai thanh, gái lịch bạn của vợ chồng Văn Minh và cô Tuyết thì mang đủ tâm trạng: ghen tức, soi mói, tị hiềm, tự hào… về những mẩu chuyện chẳng liên quan.

– Thực chất sự cảm động trên gương mặt của những vị khách lớn tuổi ấy chỉ dừng lại sau làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết.

– Những vị trai thanh, gái lịch thì ghen tuông nhau, cười tình nhau, hẹn hò nhau…

– Họ thực chất chỉ xứng đáng được ca ngợi bằng những từ ngữ vô liêm sỉ, vô đạo đức, vô văn hóa, những cặn bã của xã hội thượng lưu.

b. Chân dung những người trong gia đình có tang

– Cụ cố Hồng: Với Cụ Cố Hồng, đám tang của bố mình là cơ hội để ông được khen ngợi, được chú ý bởi cái sự già và bộ trang phục uy nguy.

– Ông Văn Minh: Điều ông ta băn khoăn trong cái đám tang của ông nội mình là làm sao để thực thi cái di chúc kia đúng như ông mong đợi và càng sớm càng tốt => Ta thấy được một ông Văn Minh mang bộ mặt của kẻ tham lam vừa mưu mô lại vừa thô bỉ.

– Cô Tuyết, bà Văn Minh, bà Phó Đoan: xem đám tang là dịp để trưng diện những mốt thời trang của tiệm Âu hóa, đồng thời cũng cho thiên hạ họ được một phen sáng mắt vì đã coi thường sự trinh tuyết của cô.

III. Kết bài

– Ngòi bút hiện thực trào phúng của Vũ Trọng Phụng đã khắc họa thành công những nhân vật tiêu biểu cho xã hội thượng lưu giả dối, bề ngoài đạo đức nhưng bên trong lại thối nát, bất hiếu, vô sỉ…

– Cái lố lăng, đồi bại của đám tang là đại diện cho cái lố lăng, đồi bại của xã hội tư sản thời Pháp thuộc.

>> Xem thêm: 

  • Dàn ý phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
  • Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Bài văn mẫu cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia

Hạnh phúc của một tang gia trích phần chính của chương XV trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (Tên đầy đủ của chương này là: Hạnh phúc của một tang gia Văn Minh nữa cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu). Với tài nghệ trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã miêu tả những sự việc xảy ra trước đám tang và cảnh đưa đám cụ cố Tổ của một gia đình giàu có sang trọng hạng nhất nhì Hà thành thời Pháp thuộc.

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của chương truyện thể hiện ngay ở cách đặt tên chứa đầy nghịch lí. Đã là “tang gia” thì phải đau buồn, thương xót, phải có “bối rối” thế mà ở nhà cụ cố Hồng cứ thấy tràn ngập một không khí vui vẻ, hạnh phúc, cũng có những nét đăm chiêu, lo lắng… nhưng vì những cớ khác chứ không phải vì nghĩ đến người chết. Mâu thuẫn trào phúng xuyên suốt chương truyện là mâu thuẫn giữa: hạnh phúc và bất hạnh, giữa vui sướng và buồn khổ, giữa trang nghiêm, thành kính và bát nháo, nhố nhăng, bao trùm là giữa thật và giả. Đây là tình huống để tác giả thể hiện tính tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật trong việc xây dựng những bức chân dung biếm hoạ.

Cái chết của cụ cố Tổ không làm cho người con, người cháu nào mảy may xúc động, tiếc thương mà trái lại, “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Trước hết, hạnh phúc chung và lớn nhất của đại gia đình bất hiếu này là cái “chúc thư” của cụ cố Tổ “sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”, mọi người sẽ kiếm chác được tiền tài, danh vọng từ cái chết của cụ già. Đám con cháu hám danh hám lợi trong nhà chỉ mong ông lão chết còn để thoả mãn niềm hạnh phúc quái gở, kì lạ của mình. (Ông Phán mọc sừng mãn nguyện vì được bố vợ hứa chia thêm số tiền vài nghìn đồng vì có vợ đi ngoại tình; cụ cố Hồng thì mơ màng hình dung ra cảnh thiên hạ chỉ trỏ khen “già”; ông Văn Minh tỏ ra đăm chiêu, băn khoăn vì “Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết; cậu Tú Tân háo hức vì mấy cái máy ảnh sắp được dùng đến; bà Văn Minh, ông Typn hồi hộp vì cái mẫu tang phục mới nhất sẽ được trưng diện trong đám tang; cụ bà hết sức sung sướng, cảm động khi Xuân Tóc Đỏ xuất hiện với những cỗ xe, lọng và vòng hoa, làm cho “đám ma như kể đã là danh giá nhất tất cả…”).

Không chỉ những người trong gia đình được hưởng niềm hạnh phúc do người chết mang lại mà cả những người đến dự đám tang, bạn bè và cả những viên cảnh sát cũng được dự phần (Những ông bạn thân của cụ cố Hồng ngực đeo đủ các loại huy chương, “trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rấm rậm, loăn quăn”; bạn bè thì đủ “giai thanh gái lịch nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”; sư cụ Tăng Phú “sung sướng và vênh váo ngồi trên một chiếc xe; hai viên cảnh sát Min Đơ, Min Toa thì “sung sướng cực điểm vì được thuê giữ trật tự cho đám tang…). Riêng Xuân Tóc Đỏ cũng được hưởng lợi từ cái chết của ông già “danh dự của Xuân lại càng to thêm” và được ông Phán thanh toán tờ giấy bạc năm đồng gấp tư vì có công giúp ông gây ra cái chết cho cụ cố Tổ.

Thông qua các nghịch lí, mâu thuẫn như vậy và một loại chân dung biếm hoạ hết sức sinh động, độc đáo, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày thói đạo đức giả trong gia đình và xã hội thượng lưu bấy giờ.

Đám tang của ông cụ già được tác giả miêu tả rất đặc sắc, có sự kết hợp đầy dụng ý nghệ thuật giữa miêu tả toàn cảnh và cận cảnh. Đó là một “đám ma gương mẫu” được tổ chức linh đình nhưng kì thực là một đám rước, đám hội: Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ”. Tuyết rất buồn và đau khổ vì chưa thấy “bạn giai” đến nhưng rất nhanh nhẹn, hãnh diện vì bộ y phục Ngây thơ hở hang của mình. Những ông tai to mặt lớn thì cảm động “khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết” hơn là nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng. Nhà văn rất tài tình khi miêu tả sự xuất hiện đột ngột của Xuân Tóc Đỏ trong đám tang: “cả đám phải đứng dừng lại như hàng đầu gặp phải một nạn xe cộ vậy”, giữa lúc xe có lọng và vòng hoa đồ sộ của Xuân len vào thì cậu Tú Tân “vội chạy lên bấm máy ảnh lách tách rồi xuống thưa với mẹ” để cụ bà “hớt hải chạy lên, bày tỏ sự sung sướng và biết ơn, còn Tuyết đã kịp “liếc mắt đưa tình” với nó”.

Trong hai đoạn cuối, Vũ Trọng Phụng rất thành công khi dựng không khí, tình huống và hàng loạt chi tiết để nói về “hạnh phúc” của một tang gia. Đám ma rất to, rất đông đến mức “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy. Cả một thành phố nhốn nháo lên khen đám ma to, đúng với ý muốn của cụ cố Hồng”. Đám ma thiếu hẳn niềm tiếc thương, nỗi đau buồn chân thành, sự tưởng nhớ không nguôi đối với người đã khuất mà cứ tràn ngập không khí vui vẻ, lòng sung sướng, hả hê, sự lố lăng, kệch cỡm của những người đưa đám. Qua mẩu đối thoại thì thào, rời rạc đầy soi mói, dâm đãng về cơ thể người phụ nữ, về những chuyện đồi bại trong cuộc sống thường ngày, tác giả vạch trần bản chất giả dối, vô đạo đức của những kẻ vờ có bộ mặt nghiêm chỉnh, buồn rầu đến đưa đám.

Điệp khúc “Đám cứ đi…” thật mỉa mai, bởi người đọc dễ liên tưởng đây là đám rước, đám hội vui vẻ, linh đình chứ không phải là đám ma nữa. Cảnh hạ huyệt cũng được nhà văn miêu tả bằng những chi tiết sống động: trong lúc cậu tú Tân bắt bẻ mọi người tạo dáng để chụp ảnh làm kỉ niệm thì các bạn hữu của cậu “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp “để cho ảnh khỏi giống nhau”. Cuối cùng thì đám tang cũng có tiếng khóc nhưng là những âm thanh đặc biệt: cụ Hồng “ho khạc mếu máo”, ông Phán mọc sừng khóc to, khóc mãi không thôi “Hứt. Hứt. Hứt!…”. Cùng với đó là dáng điệu “cứ oặt người đi” và động tác dúi tiền cho Xuân Tóc Đỏ của “ông cháu rể quý hoá” này khiến mặt nạ của ông Phán và những kẻ giả dối, lố bịch như ông bị lột trần không thương tiếc ở phần kết thúc chương.

Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia có thể nhận thấy nghệ thuật trào phúng phong phú, độc đáo, sắc sảo của Vũ Trọng Phụng. Chất trào phúng thể hiện trong mọi cấp độ của văn bản, từ chi tiết truyện cho đến cách dùng từ, cách so sánh, cách đặt câu, dựng đoạn, cách tạo giọng văn,… Dường như mỗi chi tiết lại chứa đựng một mâu thuẫn trào phúng nào đó và đằng sau mỗi chi tiết ấy ẩn hiện thấp thoáng nụ cười vừa thông minh, sắc sảo vừa đầy khinh bỉ, căm phẫn đối với hạng người mang danh là thượng lưu quý phái, văn minh tân tiến nhưng thực chất là vô tình vô nghĩa, giả dối, lố bịch. Cái đám tang của cụ cố Tổ được khắc hoạ bằng những cấu trúc ngôn từ nghịch lí, tương phản, pha trộn nhiều phong cách ta, Tây, Tàu, cổ hủ, hiện đại,…

Để nói về đám tang mà tác giả dùng tới 6 lần từ “sung sướng” và những từ “hạnh phúc”, “vui vẻ”, “liếc mắt đưa tình”, “cười tình”, “kháu”, “đẹp”, “xuân chán”, “đầm quá”,… lấn át hẳn những tiếng khóc lóc, ai oán… Bên cạnh khung cảnh chứa đựng mâu thuẫn trào phúng (sự hỗn hợp nhiều nền văn hoá trong trang phục, âm nhạc; sự tương phản trong hành vi, thái độ của những người dự dám tang,…), rất dễ nhận thấy những từ ngữ đầy mâu thuẫn trong một câu văn (Chẳng hạn: “người ta đã nghĩ đến cả thuốc thánh đền Bia vừa mới chữa một người ho lao và một người cảm thương hàn bằng bùn đen và cứt trâu, công hiệu đến nỗi họ mất mạng” […]; “Những việc trắc trở như thế đã làm cho ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh”; “Những cái rất ăn với nhau mà tiệm Âu hoá một khi đã lăng -xê ra thì có thể bán cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời”; “Và còn nhiều câu nói vui vẻ, ý nhị khác nữa, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma,…”). Chỉ có ngòi bút trào phúng bậc thầy như Vũ Trọng Phụng mới tạo nên giọng văn hài hước sâu sắc, thú vị như: “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài củng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…”.

Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán bản chất giả dối, rởm đời và lố bịch của những hạng người có vẻ bề ngoài sang trọng, “Âu hoá”, “văn minh”, “tiến bộ” nhưng thực chất là những cặn bã, quái thai của xã hội thuộc địa phong kiến. Chính bọn người này đã chà đạp lên truyền thống dân tộc, vì hám danh lợi mà coi thường đạo lí làm người, biến một việc bất hạnh, buồn khổ, trang nghiêm thành những trò đùa vui vẻ, hanh phúc, nhố nhăng. Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, tác giả bày tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm đối với thói đạo đức giả, hợm hĩnh, rởm đời trong xã hội thượng lưu. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học, tác phẩm Số đỏ không chỉ tập trung phê phán xã hội tư sản về phương diện đạo đức, sinh hoạt mà còn đả kích, châm biếm những tổ chức do thực dân đỡ đầu, các khuynh hướng văn học lãng mạn bế tắc,… Chỉ ngay trong đoạn trích cũng có thể tìm thấy những chi tiết trào phúng tiêu biểu, chẳng hạn: “Với cái tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám…

Từ dàn ý cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng mà thcs Hồng Thái đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 11 hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

Dàn ý cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng

 

Lập dàn ý cảm nhận Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng, dàn ý chi tiết cảm nhận tác phẩm để thấy bản chất lố lăng của tầng lớp tư sản thành thị thời Pháp thuộc.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button