Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
- Năm 1954 là năm con gì? Sinh năm 1954 là mệnh gì? Tuổi gì?
- Bài thu hoạch lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng 2021
- Khẳng định nào sau đây là sai?
- Cương lĩnh là gì? Hoàn cảnh ra đời, nội dung, ý nghĩa của cương lĩnh chính trị đầu tiên
- Giải SBT bài 4: Sự hình thành Trái đất, vỏ Trái đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất | SBT địa lí 10 kết nối tri thức
Đề bài: Người cầm quyền khôi phục uy quyền (trích Những người khốn khổ của Vích- to Huy-gô) là đoạn trích thể hiện tập trung cảm hứng phê phán và xót thương, phê phán sự tàn ác, và nhân đạo và xót thương những con người khốn khổ. Anh (chị) hãy phân tích đoạn trích để làm sáng tỏ, điều đó.
Bạn đang xem: Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
Bạn đang xem: Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
I. Dàn ý Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
1. Mở bài
– Sơ lược về Vích-to Huy-go và phong cách sáng tác.
– Dẫn vào vấn đề cần phân tích: Cảm hứng phê phán và xót thương, phê phán sự tàn ác, và nhân đạo và xót thương những con người khốn khổ trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền.
2. Thân bài
a. Nhan đề:
– Nổi bật nội dung của đoạn trích, đó là sự vùng dậy khôi phục quyền uy của lòng nhân đạo, tình thương với những con người khốn khổ.
b. Nhân vật Gia-ve đại diện cho sự tàn ác trong xã hội Pháp thế kỷ XIX:
* Ngoại hình:
– Khuôn mặt dữ tợn “gớm ghiếc”, giọng nói lạnh lùng, đay nghiến, thô lỗ, “man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm”.
– Ánh mắt với những cái nhìn sắc lẹm trông giống như “cái móc sắt”, “từng quen kéo giật về phía hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ”, dường như “thấy nó đi thấu vào tận xương tủy”.
– Điệu cười “ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”.
=> Ngoại hình của một loài thú dữ, hung dữ, tàn ác.
* Tâm hồn:
– Lạnh lùng và độc ác đến tột cùng, không mảy may quan tâm đến sự sống chết của người phụ nữ tội nghiệp trên giường bệnh.
– Không mảy may xót thương hay hối hận về cái chết của Phăng-tin.
Xem thêm : Đoạn văn tiếng Anh miêu tả mẹ (Gợi ý + 22 mẫu)
=> Nhân vật Gia-ve dù là dáng hình hay thế giới nội tâm đều thống nhất bằng hình dáng của một loài thú dữ tàn nhẫn, là một con quỷ máu lạnh đang tồn tại dưới lớp da của loài người.
=> Huy-gô khắc họa nhân vật Gia-va máu lạnh, tàn nhẫn như vậy chính là để phê phán một cách mạnh mẽ những cái tàn ác, xấu xa, sự vô nhân đạo của tầng lớp cầm quyền vẫn đang tiếp diễn ở xã hội lúc bấy giờ.
b. Nhân vật Giăng Van-giăng là biểu tượng cho lòng nhân đạo và xót thương cho những con người khốn khổ.
* Trước khi Phăng-tin chết:
– Vẫn giữ thái độ bình tĩnh, nhún nhường và hợp tác để hòng xin một ít thời gian tìm con về cho Phăng-tin. Ông cố che giấu sự thật là Cô-dét vẫn còn mất tích, để gieo cho Phăng-tin một hy vọng sống, níu giữ tính mạng cho người phụ nữ tội nghiệp bằng mọi cách, dù có phải van xin, khuất phục trước kẻ gớm ghiếc như Gia-ve.
* Sau khi Phăng-tin chết:
– Trở nên giận dữ, lạnh lùng, cương quyết và dứt khoát kết tội Gia-ve: “Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó”.
– Hết mực tình nghĩa khi sẵn sàng chiến đấu với tên mật thám hung hăng chỉ để được vĩnh biệt người đàn bà tội nghiệp vừa chết lần cuối.
c. Bàn luận:
– Người cầm quyền khôi phục uy quyền là đoạn trích kịch tính, xuất hiện sự đối đầu mạnh mẽ của cái thiện và cái ác, của lòng nhân đạo thánh thần với sự hung hăng, tàn bạo của loài thú dữ.
– Nếu Gia-ve luôn tôn thờ cái “trách nhiệm” cao cả của mình là truy lùng những kẻ bị tróc nã, với tâm hồn lạnh lẽo, tàn nhẫn thì ngược lại Giăng Van-giăng lại là hiện thân của lòng nhân đạo sâu sắc. Ông luôn dành những tình yêu thương sâu sắc với những kiếp người khốn khổ, bất hạnh như Phăng-tin, ông nhận lấy cho mình trách nhiệm bảo bọc, xua tan hết tất cả những đắng cay, đau thương vẫn đang thường trực trong xã hội như một con người đại diện cho chính nghĩa nhân đạo.
d. Ý nghĩa của cái kết:
– Cái kết của đoạn trích là một điểm sáng của chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Huy-gô, nó không đem đến sự bi thương hay bất lực, tuyệt vọng trước một cái kết tàn khốc. Mà trái lại nó mở ra cho người đọc những tư tưởng mới “Chết là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại”.
– Còn bản thân Giăng Van-giăng chấp nhận quay trở về cuộc đời khổ sai với câu nói “Và bây giờ tôi là của anh”, thể hiện tính chủ động của nhân vật, ông bước đi với sự thanh thản, tự nguyện. Chứng minh cái tàn ác không bao giờ có thể giam giữ được linh hồn thánh thiện của ông.
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
Vích-to Huy-gô (1802-1885) là một nhà văn, nhà thơ thiên tài của nước Pháp và cả thế giới. Sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc thế nhưng Huy-gô vẫn trưởng thành dưới sự giáo dục sáng suốt của mẹ, đồng thời thông qua những lần chuyển quân đầy gian lao vất vả cùng với cha, Huy-gô đã thu thập cho mình được nhiều những trải nghiệm vô cùng ấn tượng và sâu sắc mà không phải đứa trẻ nào cũng từng được nếm trải. Tất cả những điều đó cùng với tư duy của một thiên tài nở sớm, ông đã sáng tác ra những áng văn chương bất hủ cho nhân loại. Mà đặc biệt trong suốt sự nghiệp của mình, các tác phẩm của ông đều gắn liền với thế kỷ XIX, một thế kỷ đầy biến động bởi bão tố của cách mạng. Trích lời của Vích-to Huy-gô khi nói về thơ của mình “Một tiếng vọng âm vang của thời đại” cũng chính là lời tóm lược chung nhất cho tất cả các sáng tác của ông. Những người khốn khổ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Huy-gô, được xem là áng văn kiệt xuất của thời đại, có giá trị vô cùng to lớn phản ánh được tinh thần văn chương và tinh thần xã hội của Huy-gô. Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm ở đoạn cuối của phần thứ nhất trong tổng số năm phần của cuốn tiểu thuyết. Là trích đoạn tiêu biểu thể hiện tập trung cảm hứng phê phán và xót thương, bao gồm phê phán sự tàn ác, và nhân đạo và xót thương những con người khốn khổ của tác giả.
Trước hết ta nói về nhan đề “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” của tác phẩm. Người cầm quyền ở đây là ai? Là tên mật thám Gia-ve vẫn luôn phục tùng ông thị trưởng trong những nỗi hoài nghi, và cuối cùng hắn cũng đã giải đáp được mối nghi ngờ của mình khi chứng minh được ông thị trưởng hóa ra lại là tên tù khổ sai Giăng Van-giăng. Hắn đã “khôi phục uy quyền” của mình và trở thành người nắm thế chủ động, và dĩ nhiên Gia-ve đã trở thành “người cầm quyền”. Thế nhưng khi đọc toàn bộ đoạn trích, quan sát thận trọng sự tranh chấp giữa Gia-ve và Giăng Van-giăng, tên mật thám từ kẻ đang hống hách, ngang tàng cuối cùng phải chấp nhận lùi bước trước người mà hắn lùng sục bấy lâu. Thì ta có thể dễ dàng nhận ra người khôi phục uy quyền ở đây đích thị phải là người đàn ông tên là Giăng Van-giăng, đó là sự vùng dậy của thứ quyền uy đến từ tấm lòng nhân đạo, nhân ái sâu sắc của nhân vật chính.
Nhân vật Gia-ve là đại diện cho sự tàn ác của xã hội, hắn hiện lên với dáng vẻ của loài ác quỷ. Khuôn mặt dữ tợn “gớm ghiếc” khiến người phụ nữ tội nghiệp Phăng-tin chết ngất đi vì khiếp sợ, giọng nói lạnh lùng, đay nghiến, thô lỗ, “man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm”. Ánh mắt của Gia-ve là một loại ánh mắt khiến người ta ớn lạnh, đó là những cái nhìn sắc lẹm trông giống như “cái móc sắt”, “từng quen kéo giật về phía hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ” mà theo như cảm nhận của Phăng-tin thì cô dường như “thấy nó đi thấu vào tận xương tủy”. Kết hợp với cái điệu cười “ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”, quả thật người ta chỉ có thể mường tượng ra Gia-ve chính là một con thú dữ đã đói khát lâu ngày, chỉ chực chờ con mồi sơ sẩy để bắt gọn, rất hung hiểm và đầy thủ đoạn. Không chỉ mang vẻ ngoài kinh tởm của một loài thú dữ mà tâm hồn của Gia-ve còn toát ra sự lạnh lùng và độc ác đến tột cùng. Đối với tên mật thám đầy “trách nhiệm” này, hắn chỉ chăm chăm bắt được kẻ mà hắn tróc nã, truy đuổi bấy lâu. Hắn không mảy may quan tâm đến sự sống chết của người phụ nữ tội nghiệp trên giường bệnh, thậm chí người ta cảm giác rằng Gia-ve là người không có trái tim và máu của hắn thì lạnh như băng bởi những lời nói cay nghiệt dành cho Phăng-tin một người sắp chết. Hắn sẵn sàng nhục mạ, mạt sát Phăng-tin bằng những lời lẽ ghê gớm và tàn nhẫn nhất “Giờ đến lượt con này có câm họng không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai thì được làm ông nọ bà kia, còn lũ gái điếm thì được chạy chữa như những bà hoàng”. Hắn cũng không một chút mảy may quan tâm đến lời van xin của Giăng Van-giăng mà sẵn sàng công khai chuyện con của Phăng-tin vẫn còn mất tích, chặt đứt hy vọng cuối cùng của người đàn bà tội nghiệp, khiến cô vì phải chịu quá nhiều cú sốc mà chết. Những tưởng cái chết của Phăng-tin ít ra cũng làm Gia-ve cảm thấy áy náy, hối hận, nhưng không, hắn còn chẳng để tâm điều đó mà tiếp tục cái “trách nhiệm” mà hắn cho là cao cả như một con thú hau háu đói khát chờ mồi. Kết lại ở nhân vật Gia-ve dù là dáng hình hay thế giới nội tâm đều thống nhất bằng hình dáng của một loài thú dữ tàn nhẫn, là một con quỷ máu lạnh đang tồn tại dưới lớp da của loài người. Bởi chẳng có con người nào mà đến một chút lòng thương cảm, một chút lương tâm cũng không có nổi như tên mật thám trước mắt này cả. Việc Huy-gô khắc họa nhân vật Gia-ve máu lạnh, tàn nhẫn như vậy chính là để phê phán một cách mạnh mẽ những cái tàn ác, xấu xa, sự vô nhân đạo của tầng lớp cầm quyền vẫn đang tiếp diễn ở xã hội lúc bấy giờ, khiến những con người khốn khổ phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, thậm chí là phải gánh chịu cái chết đầy đau đớn như Phăng-tin.
Xem thêm : 99+ Hình nền yasuo ma kiếm 4k cho điện thoại đẹp
Trái ngược với Gia-ve, tác giả xây dựng nhân vật Giăng Văn-giăng với hình tượng một con người nhân đạo và có tình yêu thương đồng cảm với những số phận bất hạnh sâu sắc. Trước khi Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng bị Gia-ve bóc trần, đòi bắt giữ, nhưng ông vẫn giữ thái độ bình tĩnh, nhún nhường và hợp tác để hòng xin một ít thời gian tìm con về cho Phăng-tin. Ông cố che giấu sự thật là Cô-dét vẫn còn mất tích, để gieo cho Phăng-tin một hy vọng sống, níu giữ tính mạng cho người phụ nữ tội nghiệp bằng mọi cách, dù có phải van xin, khuất phục trước kẻ gớm ghiếc như Gia-ve. Thế nhưng tất cả những nỗ lực cố gắng của ông đều bị tên ác nhân, máu lạnh Gia-ve làm đổ bể, Phăng-tin cuối cùng cũng không thể gắng gượng thêm nữa, cô đã chết trước những cú sốc quá lớn. Lúc này đây, kẻ đã gián tiếp gây ra cái chết cho Phăng-tin lại vẫn cứ dửng dưng, lạnh lùng đòi bắt bớ, điều ấy càng khiến cho Giăng Van-giăng trở nên giận dữ, lạnh lùng, cương quyết và dứt khoát kết tội Gia-ve: “Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó”. Đó là dấu hiệu khôi phục “uy quyền” của Giăng Van-giăng, của con người đứng về phía chính nghĩa, để chống lại những kẻ tàn nhẫn và độc ác. Sự xoay chuyển ấy của Giăng Van-giăng khiến Gia-ve chùn bước, đặc biệt là khi thấy người đàn ông lực lưỡng, tay cầm thanh sắt giường thốt ra những lời cảnh cáo: “Tôi khuyên anh đừng quấy rầy tôi lúc này” đã khiến Gia-ve thật sự run sợ. Con quỷ dữ dằn ấy đã phải khuất phục trước uy quyền nhân ái vừa được khôi phục của kẻ mà hắn vẫn lùng sục truy tìm. Còn bản thân Giăng Van-giăng là một con người hết mực tình nghĩa khi sẵn sàng chiến đấu với tên mật thám hung hăng chỉ để được vĩnh biệt người đàn bà tội nghiệp vừa chết lần cuối. Rõ ràng rằng Giăng Van-giăng thừa sức để chạy trốn, thế nhưng ông không làm thế, ông tranh thủ chút thời gian kiềm lại sự hung hãn của Gia-ve để được ở bên cạnh Phăng-tin. Cảnh tượng ông ân cần đặt đầu Phăng-tin ngay ngắn vào chiếc gối, thắt lại dây áo, vén gọn mớ tóc vào chiếc mũ vải dịu dàng như một người mẹ sửa sang cho con, rồi nhẹ nhàng vuốt mắt cho cô thật khiến người ta cảm động. Không ai biết Giăng Van-giăng đã thì thầm với Phăng-tin điều gì, có lẽ là lời hứa tìm Cô-dét về thế nên khuôn mặt của người đàn bà ấy mới “sáng rỡ lên một cách lạ thường” như thế. Những điều ấy đã thể hiện tấm lòng nhân ái bao la như một vị thánh sống của người đàn ông này.
Người cầm quyền khôi phục uy quyền là đoạn trích kịch tính, xuất hiện sự đối đầu mạnh mẽ của cái thiện và cái ác, của lòng nhân đạo thánh thần với sự hung hăng, tàn bạo của loài thú dữ. Nếu Gia-ve luôn tôn thờ cái “trách nhiệm” cao cả của mình là truy lùng những kẻ bị tróc nã, với tâm hồn lạnh lẽo, tàn nhẫn thì ngược lại Giăng Van-giăng lại là hiện thân của lòng nhân đạo sâu sắc. Ông luôn dành những tình yêu thương sâu sắc với những kiếp người khốn khổ, bất hạnh như Phăng-tin, ông nhận lấy cho mình trách nhiệm bảo bọc, xua tan hết tất cả những đắng cay, đau thương vẫn đang thường trực trong xã hội như một con người đại diện cho chính nghĩa nhân đạo. Ông luôn xuất hiện bên cạnh những con người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ, ông lấy sự ấm áp của tình thương để chữa lành những vết thương trong cả tâm hồn và thể xác của những con người bất hạnh, cho họ cảm giác được công bằng, được yêu thương, và cho họ niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu người ta luôn dành cho Giăng Van-giăng sự trân trọng, ngưỡng mộ và tôn thờ, thì ngược lại bản thân Gia-ve dẫu là một thanh tra mật thám, vốn là người đại diện cho công bằng chính nghĩa nhưng lại không bằng cả một người tù khổ sai. Hắn bị người ta xem như loài thú dữ máu lạnh, người ta ghê tởm và khiếp sợ hắn hơn là phục tùng. Hắn tồn tại trong thế giới với tâm hồn lạnh lùng, nhẫn tâm, không có tình người thế nên cuối bản thân hắn cô độc trong chính thế giới mà hắn muốn kiểm soát. Bởi người ta chỉ thấy cái chết, sự khốn khổ khi ở cạnh hắn chứ không phải là lòng thương hay sự vị tha, bao dung.
Trong đoạn trích Phăng-tin chính là đại diện rõ ràng nhất cho những con người khốn khổ đến tột cùng, là mẹ đơn thân phải làm mọi việc để nuôi con, bán răng, bán tóc, bán máu và cuối cùng là bán thân. Rồi số phận nghiệt ngã lại nhẫn tâm chia cắt chị với con, bản thân chị thì bệnh tật nằm liệt trên giường bệnh. Đúng lúc đó Giăng Van-giăng đã trở thành cọng rơm cứu mạng cuối cùng của chị, chỉ ông mới có thể tìm Cô-dét, cho chị một chút hy vọng sống, để chị cầm cự mạng sống của. Nỗi đớn đau khi biết con mình còn mất tích khiến chị chịu không nổi, trước khi chết lời chị trăn trối cũng chỉ hướng về đứa con, chị cầu xin Giăng Van-giăng tìm đứa bé rồi tắt thở. Đó là một người đàn bà tội nghiệp và bất lực trước hoàn cảnh của bản thân, đã phản ánh rất rõ sự khốn khổ của con người trong thế kỷ XIX, đồng thời là tình tiết tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện, đẩy lòng nhân đạo và tính nhân văn của câu chuyện lên cao với hình ảnh Giăng Van-giăng hết lòng giúp đỡ người phụ nữ này.
Cái kết của đoạn trích là một điểm sáng của chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Huy-gô, nó không đem đến sự bi thương hay bất lực, tuyệt vọng trước một cái kết tàn khốc. Mà trái lại nó mở ra cho người đọc những tư tưởng mới “Chết là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại”, đối với Phăng-tin đó là sự giải thoát khỏi cõi đời khốn khổ, bất hạnh, bẩn thỉu và tăm tối để tiến đến một nơi trong sạch, tràn ngập yêu thương dưới vòng tay che chở của Chúa. Còn bản thân Giăng Van-giăng chấp nhận quay trở về cuộc đời khổ sai với câu nói “Và bây giờ tôi là của anh”, thể hiện tính chủ động của nhân vật, ông bước đi với sự thanh thản, tự nguyện. Điều đó chứng tỏ rằng từ đầu đoạn trích đến giờ ông luôn nắm giữ cục diện, chỉ khi ông cho phép thì tên Gia-ve độc ác mới có thể bắt được ông. Đồng thời hắn có thể giam cầm thể xác ông, thế nhưng tâm hồn nhân đạo, hướng thiện của ông hắn sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp được bằng cái tâm hồn tàn ác và lạnh lẽo đó của hắn cả.
Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền là một đoạn trích có giá trị nhân văn to lớn, nhắn gửi đến người đọc thông điệp rằng chỉ có tình yêu thương, đồng cảm với nhau của con người mới có thể đem lại sự ấm áp, niềm tin sự hy vọng, và tạo thành sức mạnh to lớn chống lại cường quyền độc ác. Thế nhưng, không chỉ cần sự nhân đạo bởi chỉ nhân đạo, yêu thương thôi thì vẫn chưa đủ để khiến con người thoát khỏi bể dâu, đau khổ của cuộc đời mà đòi hỏi con người cần tìm ra những con đường khác nữa.
——————–HẾT———————-
Người cầm quyền khôi phục uy quyền là đoạn trích thể hiện rõ nét chủ nghĩa nhân đạo, nguyên lí tình thương trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của V. Huy-gô. Bên cạnh bài Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định, các em học sinh có thể tìm hiểu thêm về đoạn trích thông qua việc tham khảo một số bài văn hay lớp 11 có cùng chủ đề khác như: Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu