Tra Cứu

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Đề bài: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

phan tich hinh anh doi ban tay tnu trong tac pham rung xa nu cua nguyen trung thanh

Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
 

Bạn đang xem: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, và vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh xuất thân nhân vật Tnú:
– Cuộc đời khá bất hạnh, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của dân làng Xô Man.
– Có sự giác ngộ cách mạng, tấm lòng yêu làng, yêu nước, yêu cộng đồng sâu sắc, ý thức giải phóng và bảo vệ quê hương luôn được bồi đắp từng ngày nhờ sự chỉ bảo của những cây xà nu lớn của đại ngàn như cụ Mết, anh Quyết.
– Hiện thân cho vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, được cộng đồng dày công bồi dưỡng mà theo như lời cụ Mết nhận xét “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.

b. Hình ảnh đôi bàn tay của người chiến sĩ trung thành, có tấm lòng giác ngộ cách mạng sớm, luôn chiến đấu không ngừng nghỉ.

– Khi đôi bàn tay của Tnú còn lành lặn:
+ Đôi tay chăm chỉ làm nương làm rẫy, chặt củi, xách nước, mang từng xà lét gạo vào nuôi giấu cán bộ trong rừng.
+ Đôi tay viết từng con chữ lên tấm bảng tự chế, quyết tâm mở rộng con đường làm cách mạng, làm chiến sĩ.
+ Đôi tay cầm đá đập vào đầu để tự trừng phạt bản thân vì sự chậm tiếp thu của mình.
+ Gan dạ kiên cường khi sẵn sàng mang công văn liên lạc trót lọt vượt qua tầm mắt của địch bao nhiêu lần, bị giặc bắt, dù bị tra tấn đánh đập dã man, đôi bàn tay ấy vẫn một lòng kiên trung chỉ vào bụng mình mà nói “ở đây này”
=> Đôi bàn tay chính là một hiện thân thiết thực và rõ ràng nhất cho những vẻ đẹp tâm hồn, ý chí chí chiến đấu mạnh mẽ của nhân vật Tnú.

c. Đôi bàn tay với vẻ đẹp của sự nghĩa tình, yêu thương sâu thẳm dành cho gia đình, người thân.
– Đó là đôi bàn tay của người chiến sĩ cách mạng sau ba năm bị giam giữ trong đồn giặc, vượt ngục thành công vội chạy về nắm lấy đôi bàn tay của Mai, trong những yêu thương và đồng cảm sâu sắc.
– Tnú dùng đôi tay mạnh mẽ của mình xé đồ, để cho Mai một tấm vải làm tấm địu con, bộc lộ tình cảm thắm thiết, yêu thương và biết hy sinh của nhân vật cho gia đình, cho người thân.
– Đôi bàn tay bao trọn lấy cặp mẹ con tội nghiệp thét lên rằng “Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây!”. Hình ảnh đôi tay như “như hai cánh lim chắc” che chở và ôm chặt lấy mẹ con Mai chính là biểu hiện rõ rệt nhất về tình cảm sâu nặng của Tnú dành cho gia đình, về trách nhiệm của người đàn ông.
=> Thông qua đôi bàn tay vững chãi ấy, ta nhận thấy được một vẻ đẹp rất quý giá và cần thiết ở người anh hùng ấy là tình cảm gắn bó thủy chung sâu sắc với những người thân trong gia đình.

d. Đôi bàn tay đại diện cho cuộc đời đầy đau thương mất mát và tấm lòng kiên trung của người anh hùng.
– Sau bi kịch mất người thân, bản thân Tnú lại tiếp tục gánh chịu một nỗi đau mất mát khác. Không cứu được mẹ con Mai, anh lại bị giặc bắt.
– Chúng quấn giẻ xung quanh mười đầu ngón tay anh, tẩm nhựa xà nu, rồi châm lửa đốt. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”.
– Chứng kiến 10 đầu ngón tay bắt lửa, cho đến khi từng ngón tay đau buốt đén tận xương tủy, tưởng như cháy vào cả tâm can vì lửa thiêu, anh vẫn không hề kêu lấy một tiếng.
=> Vẻ đẹp của sự kiên cường, thủy chung với cách mạng, vẻ đẹp của tấm lòng bất khuất, hiên ngang, mà mọi đớn đau, tổn thương hay mất mát cả về thể xác lẫn tinh hồn cũng không thể nào quật ngã được người chiến sĩ cách mạng.

e. Đôi bàn tay của tinh thần chống giặc bất khuất, lý tưởng cách mạng sáng rõ, đôi bàn tay của ký ức đau thương:
– Đôi tay khuyết thiếu trở thành một ký ức đau thương không bao giờ phai nhòa, là bằng chứng mạnh mẽ, rõ nét nhất tố cáo tội ác không thể dung thứ của giặc Mỹ => Khơi lên ngọn lửa đấu tranh nóng bỏng, cháy rừng rực trong trái tim, trong huyết quản của người anh hùng tuy tàn nhưng không hề phế.
– Chính đôi bàn tay mỗi ngón thiếu một đốt ấy vẫn có thể cầm được giáo mác, vẫn có thể bóp cò súng giết giặc, thậm chí chính bởi đôi bàn tay ngắn cụt ấy Tnú vẫn có thể tay không bóp chết được một thằng giặc to khỏe.
=> Hình tượng anh hùng của Tnú đã trở nên hoàn thiện, chính những bi kịch mất mát đã tôi luyện nên một người chiến sĩ cách mạng mạnh mẽ, mang những phẩm chất phi thường, sự gan lì, mạnh mẽ gấp bội trong chiến đấu.
– Khẳng định một cách mạnh mẽ về tinh thần cách mạng chung của các dân tộc anh em cũng như của toàn thể dân tộc Việt Nam rằng càng trong mất mát đau thương thì ngọn lửa cách mạng, tinh thần chiến đấu của quân dân ta lại càng thêm sáng ngời và mạnh mẽ hơn bao giờ hết

3. Kết bài

Nêu tổng kết.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Nguyễn Trung Thành là một trong những nhà văn trưởng thành từ cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt trong những năm tháng chiến đấu đầy máu lửa tại chiến trường Tây Nguyên, sự gắn bó cùng với những người con anh hùng nơi đây đã trở thành những ký ức và ấn tượng khó quên đối với nhà văn, là nguồn cảm hứng dồi dào để Nguyễn Trung Thành tạo ra những tác phẩm đặc sắc. Mà ở đó nhân vật trung tâm của tác phẩm mang trong mình những vẻ đẹp sử thi, lý tưởng của thời đại kết hợp với khuynh hướng lãng mạn, đã gây dựng nên tượng đài người anh hùng kháng chiến tiêu biểu và độc đáo, đại diện cho sức chiến đấu mãnh liệt của con người và núi rừng Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Tác phẩm Rừng xà nu được xem là tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trung Thành, nhân vật Tnú được xây dựng thành công bằng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật, từ cuộc đời, những đau thương mất mát, lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng,… Mà có lẽ điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc, khiến người ta nhớ nhiều đến Tnú hơn cả ấy chính là đôi bàn tay khuyết tật, minh chứng cho cả cuộc đời đầy đau thương và bất khuất của anh.

Tnú là một nhân vật có cuộc đời khá bất hạnh, khi ngay từ nhỏ đã phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, rồi từ đó lớn lên trong sự đùm bọc thương yêu của dân làng Xô Man, chịu nhiều ảnh hưởng từ cái nôi truyền thống. Thế nên ngày từ thời tấm bé trong trái tim Tnú đã có sự giác ngộ cách mạng, tấm lòng yêu làng, yêu nước, yêu cộng đồng sâu sắc, ý thức giải phóng và bảo vệ quê hương luôn được bồi đắp từng ngày nhờ sự chỉ bảo của những cây xà nu lớn của đại ngàn như cụ Mết, anh Quyết. Có thể nói rằng bản thân Tnú chính là hiện thân cho vẻ đẹp lý tưởng của cộng đồng, được cộng đồng dày công bồi dưỡng mà theo như lời cụ Mết nhận xét “Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Mà những vẻ đẹp ấy lại được bộc lộ rất nhiều thông qua hình ảnh đôi bàn tay của Tnú, từ lúc nó còn lành lặn cho đến lúc nó bị cụt đi cả mười đốt, có thể nói rằng sự phát triển, biến đổi và những hành động của đôi tay chính là đại diện cho cả một chặng đường cách mạng, cả cuộc đời của Tnú.

Đầu tiên ta nhắc đến hình ảnh một đôi bàn tay của người chiến sĩ trung thành, có tấm lòng giác ngộ cách mạng sớm, luôn chiến đấu không ngừng nghỉ. Ấy là chuyện khi đôi bàn tay của Tnú còn lành lặn, chính đôi tay này đã chăm chỉ làm nương làm rẫy, chặt củi, xách nước, mang từng xà lét gạo vào nuôi giấu cán bộ trong rừng. Cũng chính đôi tay này đã viết từng con chữ lên tấm bảng tự chế, quyết tâm mở rộng con đường làm cách mạng, làm chiến sĩ, rồi khi học chữ hoài mà không nhớ nổi Tnú đã dùng chính đôi tay ấy cầm đá đập vào đầu để tự trừng phạt bản thân vì sự chậm tiếp thu của mình. Thế rồi đôi bàn tay nhỏ bé ấy cũng hết sức, gan dạ kiên cường khi sẵn sàng mang công văn liên lạc trót lọt vượt qua tầm mắt của địch bao nhiêu lần. Để rồi đến khi không may bị giặc bắt, dù bị tra tấn đánh đập dã man, đôi bàn tay ấy vẫn một lòng kiên trung chỉ vào bụng mình mà nói “ở đây này”, cộng sản ở trong chính bụng của Tnú, chứ quyết không hé răng lấy một lời. Có thể nói rằng đôi bàn tay chính là một hiện thân thiết thực và rõ ràng nhất cho những vẻ đẹp tâm hồn, ý chí chí chiến đấu mạnh mẽ của nhân vật Tnú, những hành động của đôi bàn tay thể hiện một vẻ đẹp phẩm chất lý tưởng ấy là sự trung thành, tận tụy, một lòng vì cách mạng, chiến đấu vì Tổ quốc, quê hương của nhân vật.

Thứ hai nữa, đôi bàn tay của Tnú còn hiện lên với vẻ đẹp của sự nghĩa tình, yêu thương sâu thẳm dành cho gia đình, người thân. Đó là đôi bàn tay của người chiến sĩ cách mạng sau ba năm bị giam giữ trong đồn giặc, vượt ngục thành công vội chạy về nắm lấy đôi bàn tay của Mai, trong những yêu thương và đồng cảm sâu sắc. Rồi khi hai người đã kết hôn và có một đứa con nhỏ, tình thương của người cha đã biến thành hành động khi Tnú dùng đôi tay mạnh mẽ của mình xé đồ, để cho Mai một tấm vải làm tấm địu con, bộc lộ tình cảm thắm thiết, yêu thương và biết hy sinh của nhân vật cho gia đình, cho người thân. Nhưng có lẽ rằng tình cảm gắn bó sâu nặng với gia đình được bộc lộ rõ nét nhất ấy là trong cảnh ngộ đặc biệt hung hiểm. Địch vào lùng bắt Tnú, chúng đã bắt trói mẹ con Mai làm mồi nhử, rồi liên tục tra tấn đánh đập dã man nhằm dụ Tnú ra ứng cứu. Trước tình thế ấy, không phải Tnú không đủ thông minh để hiểu rằng đó là một cái bẫy lớn của lũ giặc khốn kiếp, thế nhưng trước khi là một người anh hùng cách mạng, Tnú còn là một người chồng, người cha trong gia đình, anh có trách nhiệm phải bảo vệ mẹ con Mai, anh phải cứu họ, anh tuyệt đối không thể trơ mắt nhìn vợ con mình chết đau đớn dưới tay giặc. Trước nỗi đau xót và sự cuồng nộ Tnú đã nhảy vào giữa đám giặc, dùng đôi bàn tay của mình bao trọn lấy cặp mẹ con tội nghiệp thét lên rằng “Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây!”. Hình ảnh đôi tay như “như hai cánh lim chắc” che chở và ôm chặt lấy mẹ con Mai chính là biểu hiện rõ rệt nhất về tình cảm sâu nặng của Tnú dành cho gia đình, về trách nhiệm của người đàn ông. Dù cho chỉ có đôi bàn tay trắng thế nhưng Tnú không sợ gì hết, anh quyết tâm phải che chở cho mẹ con Mai, được cùng sống cùng chết chết với họ. Mà thông qua đôi bàn tay vững chãi ấy, ta nhận thấy được một vẻ đẹp rất quý giá và cần thiết ở người anh hùng ấy là tình cảm gắn bó thủy chung sâu sắc với những người thân trong gia đình. Thiếu đi thứ tình cảm này, vẻ đẹp anh hùng lý tưởng sẽ không được trọn vẹn, bởi trước khi trở thành anh hùng của đất nước, người ta phải trở thành người hùng của gia đình, phải có những thứ tình cảm nền tảng cơ bản nhất với con người, với quê hương.

Bên cạnh hình ảnh đôi bàn tay giác ngộ cách mạng, đôi bàn tay thủy chung với gia đình, thì hình ảnh đôi bàn tay của Tnú còn đem đến cho ta những ấn tượng về một cuộc đời đầy đau thương mất mát và tấm lòng kiên trung của người anh hùng. Phải nói rằng Tnú là một người anh hùng phải chịu đựng quá nhiều bất hạnh, bởi dù đã cố gắng dùng đôi tay vững chãi để che chở, hòng mong cứu được mẹ con Mai. Thế nhưng dù có cố đến mấy, đôi tay ấy cũng không thể níu giữ được mạng sống của họ trên cõi đời, họ đã ra đi vì đòn roi tra tấn của giặc, một cái chết nhiều đau đớn và thương tâm. Đã giáng một đòn chí mạng vào cõi lòng của Tnú, cũng như đem đến cho người đọc sự xót xa thương cảm cho cuộc đời của người chiến sĩ, khi một lúc chịu cảnh mất đi cả vợ lẫn đứa con chưa đầy tháng. Không chỉ vậy, sau bi kịch mất người thân, bản thân Tnú lại tiếp tục gánh chịu một nỗi đau mất mát khác. Không cứu được mẹ con Mai, anh lại bị giặc bắt. Có lẽ rằng đôi tay của Tnú trước đây quá đỗi xuất sắc, và trung thành với cách mạng, điều đó làm bọn giặc căm tức, chúng quấn giẻ xung quanh mười đầu ngón tay anh, tẩm nhựa xà nu, rồi châm lửa đốt. “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Phải nói rằng đó là một hình thức tra tấn ác độc vô cùng. Thế nhưng người anh hùng Tnú từ lúc chứng kiến 10 đầu ngón tay bắt lửa, cho đến khi từng ngón tay đau buốt đến tận xương tủy, tưởng như cháy vào cả tâm can vì lửa thiêu, anh vẫn không hề kêu lấy một tiếng. Dù cho “máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi” nhưng Tnú vẫn vững vàng, kiên cường bất khuất với suy nghĩ “Người Cộng sản không thèm kêu van”. Có thể thấy rằng thông qua hình ảnh đôi bàn tay bị thiêu cháy, người ta lại thấy thêm một vẻ đẹp khác của Tnú ấy là vẻ đẹp của sự kiên cường, thủy chung với cách mạng, vẻ đẹp của tấm lòng bất khuất, hiên ngang, mà mọi đớn đau, tổn thương hay mất mát cả về thể xác lẫn tinh hồn cũng không thể nào quật ngã được người chiến sĩ cách mạng.

Sau tất cả những mất mát đã qua, Tnú không còn vợ con, mười đầu ngón tay mỗi ngón cụt đi một đốt, thế nhưng bấy nhiêu những mất mát đớn đau ấy chỉ càng làm cho ngọn lửa chiến đấu càng thêm mạnh mẽ, lý tưởng cách mạng của Tnú càng thêm sáng rõ, trở thành động lực mạnh mẽ cho anh trong công cuộc trả nợ nước, thù nhà. Đôi tay khuyết thiếu trở thành một ký ức đau thương không bao giờ phai nhòa, là bằng chứng mạnh mẽ, rõ nét nhất tố cáo tội ác không thể dung thứ của giặc Mỹ đối với gia đình Tnú, với bản thân Tnú và với cả quê hương anh. Từ đó khơi lên ngọn lửa đấu tranh nóng bỏng, cháy rừng rực trong trái tim, trong huyết quản của người anh hùng tuy tàn nhưng không hề phế. Chính đôi bàn tay mỗi ngón thiếu một đốt ấy vẫn có thể cầm được giáo mác, vẫn có thể bóp cò súng giết giặc, thậm chí chính bởi đôi bàn tay ngắn cụt ấy Tnú vẫn có thể tay không bóp chết được một thằng giặc to khỏe. Có thể thấy rằng hình tượng anh hùng của Tnú đã trở nên hoàn thiện, chính những bi kịch mất mát đã tôi luyện nên một người chiến sĩ cách mạng mạnh mẽ, mang những phẩm chất phi thường, sự gan lì, mạnh mẽ gấp bội trong chiến đấu. Ngoài việc làm tôn lên vẻ đẹp sử thi, lý tưởng trong cộng đồng của người anh hùng Tnú, ta còn nhận ra rằng thông qua hình ảnh đôi bàn tay khuyết tật của nhân vật này, Nguyễn Trung Thành đã khẳng định một cách mạnh mẽ về tinh thần cách mạng chung của các dân tộc anh em cũng như của toàn thể dân tộc Việt Nam rằng càng trong mất mát đau thương thì ngọn lửa cách mạng, tinh thần chiến đấu của quân dân ta lại càng thêm sáng ngời và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự tàn ác, càn quét ghê gớm của kẻ thù không bao giờ có thể giết chết ý chí đấu tranh của cả một dân tộc mà chỉ càng khiến nó ngày càng thêm lớn mạnh với cơ sở lòng căm thù giặc sâu sắc, ý thức trả nợ nước thù nhà sục sôi trong mỗi cá nhân, trở thành sức mạnh đại đoàn kết mà không một kẻ thù nào có thể vượt qua được.

Hình ảnh đôi bàn tay của Tnú là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, được Nguyễn Trung Thành tập trung xây dựng với nhiều ý nghĩa bao quanh, góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp hình tượng của người anh hùng mang tính chất sử thi và khuynh hướng lãng mạn cách mạng. Đó là đôi bàn tay cần cù, chịu khó, giác ngộ cách mạng sớm, là đôi bàn tay của yêu thương nghĩa tình, đồng thời cũng là đôi bàn tay chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng rất mực kiên cường và sau cùng trở thành đôi bàn tay mang vẻ đẹp của lý tưởng cách mạng, của tinh thần chiến đấu bất khuất không ngừng nghỉ. Từ hình ảnh đôi bàn tay, ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh người anh hùng, đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp trong chiến đấu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cũng như toàn dân tộc Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

—————————HẾT——————————

Cùng với rừng xà nu, hình ảnh đôi bàn tay Tnú là những hình ảnh đặc sắc mang tính biểu tượng cho cuộc đời nhiều đau thương và sự trưởng thành của Tnú trong quá trình đấu tranh. Khám phá đặc sắc nội dung của tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Phân tích hình tượng rừng xà nu, Chủ nghĩa anh hùng qua Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button