Tra Cứu

Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê

Đề bài: Em hãy phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu.

phan tich nhan vat nhi trong truyen ngan ben que

Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê

 

I. Dàn ý Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê
 

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Bến quê”.
– Khái quát sơ lược về nhân vật Nhĩ
 

2. Thân bài

a. Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh của nhân vật

– Là người từng trải, từng đặt chân đến nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ngon, chiêm ngưỡng nhiều cảnh vật nhưng Nhĩ chưa bao giờ đặt chân lên bãi bồi bên kia sông.
– Anh bị căn bệnh liệt toàn thân quái ác hành hạ và giam cầm nơi giường bệnh, việc di chuyển trên chiếc giường chật hẹp đối với anh giờ đây hệt như bay nửa vòng trái đất và mọi sinh hoạt đều nhờ vào vợ.

b. Phân tích nhân vật thông qua những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật

– Cảm nhận về thiên nhiên của Nhĩ
+ Qua khung cửa sổ, tâm hồn Nhĩ đã nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp bình dị của quê hương: những bông hoa bằng lăng, con sông Hồng màu đỏ nhạt, bầu trời xanh cao mùa thu,…
+ Anh xúc động trước vẻ đẹp của mảnh đất thân thuộc, của quê hương xứ sở
– Cảm xúc và tình cảm Nhĩ dành cho vợ
+ Vào những ngày cuối đời trên giường bệnh, Nhĩ thấu hiểu bao vất vả, lo toan của người vợ và xót xa khi lần đầu tiên thấy Liên mặc áo vá.
+ Nhĩ nhận ra vai trò của gia đình đối với mỗi một con người.
– Cảm xúc và suy ngẫm của Nhĩ thông qua khát vọng bình dị cuối đời
+ Nhĩ gửi gắm mong ước chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bãi bồi cho Tuấn – con trai anh.
+ Khi Tuấn sà vào đám cờ vây bên đường, Nhĩ chợt nhận ra sự chùng chình, vòng vèo của đường đời khiến con người mất phương hướng.
+ Trong những giây phút cuối cùng, Nhĩ cố gắng thức tỉnh mọi người bằng hành động “giơ tay khoát khoát”.
 

3. Kết bài

Đánh giá ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng nhân vật Nhĩ.
 

II. Bài văn mẫu  Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê

Nếu như trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu được biết đến qua tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” với văn phong lãng mạn và đậm chất trữ tình thì sau cuộc chiến, trở về với cuộc sống thường nhật, ông vẫn không ngừng tìm tòi lặng lẽ và đem đến những khám phá mới mẻ, sâu sắc mang tính triết luận về cuộc sống con người. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Bến quê”. Trong tác phẩm, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Nhĩ đã để gửi gắm những suy ngẫm mang tính trải nghiệm về con người, về quê hương.

Mở đầu thiên truyện ngắn, nhân vật Nhĩ hiện lên trong hoàn cảnh đáng thương khi chống chọi với bệnh tật. Là một con người từng trải, đã từng đi nhiều nơi, “Suốt đời Nhĩ đã từng đi sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, nhưng hiện tại, anh lại bị căn bệnh liệt toàn thân quái ác hành hạ và giam cầm nơi giường bệnh. Việc di chuyển trên chiếc giường chật hẹp đối với anh giờ đây hệt như bay nửa vòng trái đất và mọi sinh hoạt đều nhờ vào vợ. Điều này khiến cho nhân vật cảm thấy mình giống như đứa trẻ được chăm sóc bởi bàn tay người mẹ: “Nhĩ thấy hoàn cảnh của mình thật buồn cười, y như một đứa bé mới đẻ đang toe toét cười với tất cả, tận hưởng sự chăm sóc và chơi với”. Như vậy, ngay từ đầu tác phẩm, nhân vật đã được đặt trong hoàn cảnh chứa đầy sự nghịch lí, nhưng đây cũng chính là bối cảnh để tác giả xây dựng thành công hình tượng nhân vật với những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc.

Qua khung cửa sổ của buồng bệnh, Nhĩ đã nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên “Cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng, lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn với vàng non – những sắc màu quen thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Qua đôi mắt, tâm trạng mang chiều sâu nội tâm của nhân vật Nhĩ, cảnh sắc thiên nhiên trong buổi sáng đầu thu hiện lên như một bức tranh có hồn với những nét vẽ tinh tế, tài hoa. Vòm trời mùa thu như xanh cao vời vợi hơn với những bông hoa bằng lăng đậm sắc cuối mùa và sắc đỏ nhạt của sông Hồng: “Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. Nắng soi lên dòng sông uốn lượn mềm mại, đỏ nhàn nhạt màu nước phù sa, soi lên cái chiều rộng, chiều sâu của bãi bồi ngay trước khung cửa sổ”. Dù đã từng đặt chân đến nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên Nhĩ cảm nhận được vẻ đẹp thân thuộc, gần gũi của quê hương.

Những năm tháng cuối đời nằm trên giường bệnh còn là lúc Nhĩ nhận ra nét đẹp ẩn sâu trong tâm hồn của Liên. Khi thấy Liên mặc tấm áo vá, trong lòng anh xuất hiện nỗi buồn xen lẫn sự xót xa. Lần đầu tiên Nhĩ thấu cảm sự vất vả cùng những hi sinh thầm lặng của người vợ: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm… mà em vẫn nín thinh”. Quãng ngắt mà anh bỏ lửng trong câu nói là biết bao khó khăn, vất vả mà Liên chịu đựng, gánh vác trên đôi vai bé nhỏ. Anh cũng nhận ra những phẩm chất tốt đẹp vẫn vẹn nguyên của người vợ thảo hiền: “Cũng như bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ vẹn nguyên những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa”, để rồi anh nhận thức được giá trị của tình cảm gia đình – chỗ dựa vững chắc và đầm ấm nhất của mỗi một con người.

Khi nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như những phẩm chất cao đẹp của vợ, trong lòng Nhĩ bỗng xuất hiện những cảm xúc và suy ngẫm về khát vọng bình dị cuối đời. Anh chợt thức tỉnh, xót xa khi mình chưa từng đặt chân lên mảnh đất của bãi bồi bên sông và khao khát đến đó để chiêm ngưỡng, tận hưởng vẻ đẹp bình dị, thân quen. Đến cuối cùng, một con người từng ngao du nhiều mảnh đất xa lạ như Nhĩ lại gửi gắm mong ước đặt chân lên vùng đất ngay trước khung cửa sổ cho Tuấn- con trai của anh. Nhĩ háo hức chờ đợi giây phút con trai anh chậm rãi khoan thai bước đi trên cái bãi bồi như một nhà thám hiểm. Nhưng đáng buồn thay, Tuấn vẫn chưa đủ từng trải để hiểu được khao khát mãnh liệt của Nhĩ, để rồi dễ dàng chú ý và bị thu hút bởi đám người chơi phá cờ thế trên hè phố như một điều tất yếu: “người ta khó tránh khỏi những điều vòng vèo và chùng chình”. Khi nỗi niềm mong ước cuối đời không thực hiện được, anh đã cố gắng để thúc giục anh con trai thoát khỏi những “vòng vèo”, “chùng chình” của cuộc đời: “Anh đang cố thu hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại bấu chặt vào cái cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy” để “giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Đó còn là hành động gửi gắm lời nhắn nhủ về sự thức tỉnh đối với những giá trị đích thực của cuộc sống. Như vậy, qua dòng diễn biến nội tâm của nhân vật, chúng ta có thể khẳng định Nhĩ là nhân vật tư tưởng, thể hiện rõ những suy ngẫm mang tính triết lí về con người, về cuộc đời mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải và gửi tới độc giả.

Qua hình tượng nhân vật Nhĩ, chúng ta có thể thấy được dòng suy ngẫm cũng như những trải nghiệm về cuộc đời. Những chiêm nghiệm, triết lí đã được chuyển hóa vào dòng nội tâm nhân vật, tạo nên khoảng lặng sâu lắng về ý nghĩa của cuộc sống nhân sinh.

——————–HẾT———————-

Bên cạnh bài  Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê, các em học sinh có thể tìm hiểu giá trị nội dung, tư tưởng của truyện ngắn Bến quê thông qua một số bài văn hay lớp 9 có nội dung liên quan như: Phân tích truyện Bến quê, Nhân vật Nhĩ và những suy nghĩ về cuộc đời, con người trong truyện ngắn Bến quê, Cảm nhận truyện ngắn Bến quê, Suy nghĩ về triết lí sống trong truyện ngắn Bến quê

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button