Tra Cứu

OCOP là gì? Tham gia và đạt tiêu chuẩn OCOP đem lại lợi ích gì?

OCOP là gì?

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

OCOP là gì?
OCOP là gì?

Mục tiêu của OCOP

Mục tiêu tổng quát

– Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

– Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

– Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể

– Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã);

– Ban hành Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm;

– Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên phạm vi cả nước;

– Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp;

– Triển khai thực hiện từ 8 – 10 mô hình Làng văn hóa du lịch;

– Triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện;

– Củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP;

– Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP;

– Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP;

– Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp trung ương, tỉnh, huyện) thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc thực hiện

Phạm vi thực hiện

– Phạm vi không gian: chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn quốc; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị.

– Phạm vi thời gian: chương trình OCOP được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.

Đối tượng thực hiện

– Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

– Chủ thể thực hiện: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Nguyên tắc thực hiện

– Sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế;

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nội dung của OCOP

Triển khai thực hiện Chu trình OCOP tuần tự theo các bước:

– Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP;

– Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm;

– Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

– Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

– Đánh giá và xếp hạng sản phẩm;

– Xúc tiến thương mại.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, bao gồm:

– Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến.

– Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.

– Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.

– Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.

– Lưu niệm – nội thất – trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,… làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng.

– Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,…

Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm, bao gồm:

– Đánh giá và xếp hạng sản phẩm, gồm 05 hạng sao:

Hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao;

Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao;

Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.

– Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chương trình OCOP.

– Công tác kiểm tra, giám sát.

– Công tác đào tạo nguồn nhân lực:

Đối tượng đào tạo: Cán bộ quản lý triển khai thực hiện chương trình OCOP từ trung ương đến cơ sở; lãnh đạo quản lý, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã,… tham gia chương trình OCOP.

Nội dung đào tạo, tập huấn: Kiến thức chuyên môn quản lý chương trình OCOP; kiến thức chuyên môn quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh theo Khung đào tạo, tập huấn của chương trình OCOP.

Công tác xúc tiến thương mại:

Hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; hoạt động thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế; xây dựng hệ thống Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP (Trung tâm OCOP) gắn với hỗ trợ khởi nghiệp và thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP; điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính (cấp huyện, tỉnh, trung ương).

Các dự án thành phần của chương trình OCOP, bao gồm: Dự án phát triển thương hiệu sản phẩm chương trình OCOP; Dự án mô hình mẫu làng/bản văn hóa du lịch; Dự án một số vùng sản xuất, dịch vụ nông thôn trọng điểm quốc gia (đại diện cho một số khu vực sinh thái – văn hóa có lợi thế trong cả nước); Dự án Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các vùng trọng điểm; các dự án thành phần (dự án số 2, 3, 4) thực hiện theo hình thức PPP, được triển khai khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nội dung của OCOP
Nội dung của OCOP

Tham gia và đạt tiêu chuẩn OCOP đem lại lợi ích gì?

Thực hiện thành công chương trình OCOP mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội. Không chỉ vậy, những địa phương, đơn vị sản xuất tham gia nếu đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ có rất nhiều thuận lợi.

Đối với người sản xuất

Nếu thực hiện thành công chương trình, người dân sẽ có công ăn việc làm. Khi thu nhập được cải thiện, mức sống của người dân tại vùng nông thôn cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng tới nền kinh tế thị trường.

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội

Tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống. Không chỉ vậy, những mặt hàng này còn có cơ hội để vươn ra thị trường lớn, xuất hiện tên “kệ sản phẩm” của những thị trường nước ngoài. Điều này sẽ giúp tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn.

Mỗi xã, phường một sản phẩm, cơ hội việc làm của người dân vùng nông thôn cũng tăng lên. Từ đó làm giảm lượng người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm việc. Thêm vào đó, chương trình còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Trách nhiệm của các chủ thể tham gia OCOP

Để thực hiện thành công chương trình OCOP, mỗi chủ thể tham gia đều phải có ý thức, trách nhiệm, hoàn thành tốt vai trò của mình. Không chỉ Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội mà người dân, doanh nghiệp cũng cần làm tròn trách nhiệm của mình.

Vai trò của Nhà nước

Đơn vị có trách nhiệm tổ chức chính đề án này là Ban điều hành OCOP tỉnh. Đơn vị này có trách nhiệm trong việc xây dựng, phối hợp, làm việc với bên tư vấn để triển khai. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện đề án cũng do Ban điều hành chương trình huy động. Những sở, ban, ngành liên quan tham gia vào đề án với từng khâu cụ thể dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình. Những cơ quan, ban ngành liên quan còn có vai trò tham mưu, ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển. Cụ thể như đào tạo, trau dồi thêm kiến thức, đề ra bộ tiêu chuẩn sản phẩm, tạo các kênh phối hợp để phân phối sản phẩm, khâu quảng bá, định hướng,…

Vai trò của Chính quyền các cấp

Chính quyền các cấp có vai trò quản lý trực tiếp các bộ phận, cá nhân trong hệ thống tổ chức đề án cùng cấp. Đồng thời ban hành, triển khai chính sách hỗ trợ chủ thể tham gia dự án. Chính quyền các cấp còn có vai trò trong việc phân bổ, điều chỉnh nguồn lực. Cùng với đó là tuyên truyền về đề án thông qua hệ thống. Đây cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi sản phẩm OCOP cấp huyện để chọn ra sản phẩm tốt nhất thi vòng tỉnh.

Các tổ chức chính trị – xã hội – ngành nghề

Không chỉ Nhà nước, Chính quyền các cấp mà các tổ chức chính trị –  xã hội cũng có trách nhiệm khi thực hiện đề án OCOP. Vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội – ngành nghề như sau:

  • Liên minh HTX và DN ngoài Nhà nước: Xây dựng, phát triển HTX, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
  • Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh: Tham gia vào những giá trị hình thành trong chương trình OCOP.
  • Hội Nông Dân: Tuyên truyền, động viên hội viên tham gia vào đề án.
  • Các trường nghề trong tỉnh: Đào tạo ngành nghề liên quan, tuyên truyền cho cộng đồng tham gia đề án.

Vai trò của người dân, tổ chức kinh tế

Người trực tiếp làm ra các sản phẩm OCOP chính là các chủ thể, tổ chức kinh tế. Chính vì vậy, những người này có vai trò chủ đạo khi thực hiện đề án OCOP. Dựa vào thực tiễn, tiềm năng của quê hương, họ sẽ tính toán và đưa ra quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì”. Hay nói cách khác là những sản phẩm có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh. Sau khi xác định sản phẩm muốn hướng tới, họ sẽ lập kế hoạch và bắt tay vào sản xuất. Quan trọng nhất là tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Để chương trình thành công, phát triển bền vững thì người dân chính là “nòng cốt”. Đặt đúng vai trò, xác định vị trí trung tâm sẽ giúp đề án triển khai thuận lợi, phát triển mọi mặt.

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và chứng nhận ATTP

Sau khi tham gia OCOP, các sản phẩm truyền thống đã được nhiều người biết đến và đón nhận. Tuy nhiên, để có mặt tại các siêu thị lớn hay trở thành hàng xuất khẩu thì còn vướng phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ATTP. Sản phẩm OCOP không ít nhưng trong đó lượng sản phẩm được cấp giấy ATTP lại rất hạn chế. Chứng nhận này có thể là chứng nhận VietGap, ISO 22000:2018 hay chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ASEAN.

Chứng nhận Vietgap

Là chứng nhận thực hành nông nghiệp hàng đầu tại nước ta. Những mô hình trồng trọt được cấp loại giấy chứng nhận này cần đảm bảo tiêu chí “sạch” lên hàng đầu. Hay nói cách khác, đầu ra của mô hình VietGap là những sản phẩm an toàn. Tiêu chuẩn VietGap đưa ra nhiều nguyên tắc, quy định trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Cần thực hiện các quy chuẩn quan trọng để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người. Cụ thể là khâu sản xuất, sơ chế.

Chứng nhận VietGap dành cho các hợp tác xã, nông trường trồng trọt. Các loại sản phẩm thường làm giấy chứng nhận VietGap là lúa, rau quả, chè,…

Chứng nhận ISO 22000:2018/ HACCP CODE 2003

Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là hệ thống quản lý ATTP. Trong khi đó, HACCP CODE 2003 được hiểu là hệ thống phân tích mối nguy cũng như điểm kiểm soát tới hạn. Nếu VietGap áp dụng cho mô hình trồng trọt thì 2 tiêu chuẩn này áp dụng cho quá trình sản xuất, chế biến. Các đơn vị chế biến đồ hộp, sản xuất chè khô, đồ uống thường làm giấy chứng nhận về tiêu chí này.

Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ ASEAN

Đây cũng là loại giấy chứng nhận áp dụng cho quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến. Các sản phẩm thông qua quá trình này đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn cho sức khỏe người dùng. Không chỉ vậy, quá trình sản xuất này còn vì cuộc sống xanh, cải thiện môi trường sinh thái.

Rất ít đơn vị được cấp giấy chứng nhận này bởi các tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được cấp giấy Chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ Asean thì cơ hội tiến ra thị trường quốc tế sẽ cao hơn rất nhiều.

Đăng ký sản phẩm đạt OCOP
Đăng ký sản phẩm đạt OCOP

Tại sao sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được chú trọng?

So với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chứng nhận khác thì những sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được chú trọng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chuộng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGap hay ISO 22000:2018. Có thể kể tới những lý do khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn này được chú trọng như sau:

– Sản phẩm OCOP được đánh giá thận trọng, chuyên nghiệp về nhiều mặt. Hội đồng đánh giá gồm những cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan như y tế, môi trường,…. Không chỉ vậy, việc đánh giá còn trải qua nhiều cấp khác nhau, từ cấp huyện tới tỉnh, sau đó lên Trung Ương.

– Những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao đều có giấy chứng nhận quan trọng như VietGap, ISO,…

– Những ngôi sao đánh giá của một sản phẩm có được trải qua nhiều cơ quan thẩm định với các bộ phận chuyên môn. Cùng với đó là đánh giá của người đại diện tỉnh.

– Sản phẩm OCOP được đầu tư, chú trọng về nhiều mặt. Không chỉ chất lượng mà bao bì, hình thức sản phẩm cũng đặc biệt được quan tâm.

– Sau khi đạt được số sao, sản phẩm nằm dưới sự quản lý của cơ quan OCOP cấp tỉnh. Những sản phẩm từ 4 sao sẽ do cơ quan Trung Ương quản lý, kiểm nghiệm cũng như duy trì chất lượng.

– Một sản phẩm OCOP được tin dùng bởi số sao nhận được thể hiện được sự đầu tư, chú trọng trong các khâu. Từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản cho tới đầu ra.

Trên đây là một số thông tin về tiêu chuẩn OCOP. Có thể thấy, nếu thực hiện thành công chương trình thì không chỉ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà đời sống của người dân cũng được cải thiện. Sản phẩm Việt muốn vươn mình ra biển lớn cần đạt được những giấy chứng nhận quan trọng. Nỗ lực vì tương lai, chú trọng vào các quá trình để có được sản phẩm tốt nhất.

********************

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Tổng hợp

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button