Lớp 10

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể SGK trang 23 Văn 10 Chân trời sáng tạo

Hướng dẫn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể SGK trang 23 Văn 10 Chân trời sáng tạo ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 10 chi tiết. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất.

Đọc ngữ liệu tham khảo

Câu 1 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể chưa? Vì sao?

Lời giải 

Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được đúng yêu cầu của kiểu bài phân tích, đánh giá một truyện kể. Vì:

– Bố cục có đầy đủ ba phần. Mỗi phần thực hiện được nhiệm vụ, chức năng của nó

+) Mở bài: giới thiệu được truyện kể sẽ phân tích và hướng làm của bài viết.

+) Thân bài: tập trung trình bày những đặc điểm nổi bật như chủ đề, đề tài, những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật

+) Kết bài: khái quát được vấn đề, đưa ra nhận xét về giá trị ý nghĩa nội dung và nghệ thuật của của tác phẩm.

– Về cách lập luận: mạch lạc, chặt chẽ và có sức thuyết phục.

Câu 2 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự nào, có hợp lí không?

Lời giải 

– Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự từ chủ đề đến đặc sắc về nghệ thuật.

– Trình tự này hợp lý vì nó đã làm rõ được chủ đề của truyện, từ đó tạo tiền đề để khám phá những đặc sắc về nghệ thuật và nội dung.

Câu 3 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng như thế nào? Nêu ví dụ.

Lời giải

     Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ, bằng chứng, luận điểm.

Ví dụ: Ở luận điểm số 2 (Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật).

– Các hình thức nghệ thuật được chia nhỏ ra để phân tích, giúp người đọc dễ nhìn hơn.

– Ở mỗi hình thức nghệ thuật, dẫn chững đều chỉ rõ tên hình thức đó, được thể hiện qua những từ ngữ nào và tác dụng ra sao.

– Đưa ra các dẫn chứng đứng ngay phía sau lí lẽ để bổ sung, minh chứng.

–  Cụ thể, ở 3a (Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống).

+) “Thông thường, khi muốn thể hiện lối ứng xử, tính cách của nhân vật nào đó, tác giả truyện ngụ ngôn sẽ đặt các nhân vật trước những tình huống thách thức khó khăn, nguy hiểm” 

+) “Trong truyện Chó sói và chiên con, tình huống nguy hiểm ấy là chiên con đang uống nước thì gặp sói, sói kiếm cớ bắt tội để có lí do “trừng phạt” chú chiên tội nghiệp và hợp thức hóa hành động tàn bạo của mình”, sử dụng bằng chứng đứng ngay sau lý lẽ để làm rõ vấn đề được nói tới

+) “Tình huống và diễn biến ấy khiến cho điều mà người kể chuyện đúc rút, khái quát công khai ở đầu truyện – cái lí luôn thuộc về kẻ mạnh – mỗi lúc một sáng tỏ thêm qua từng chi tiết, từng dòng thơ” và đưa ra tác dụng của hình thức nghệ thuật đó.

Câu 4 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Bạn có nhận xét gì về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề?

Lời giải 

Việc phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề có sự thống nhất, mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau.

Câu 5 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật nào của truyện kể? Chúng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể?

Lời giải 

– Những nét đặc sắc được phân tích bao gồm

+) Nghệ thuật tạo tình huống truyện.

+) Nghệ thuật xây dựng tuyến nhân vật giàu tính biểu trưng.

+) Nghệ thuật kể chuyện bằng thơ.

+) Nghệ thuật miêu tả nhân vật thông qua đối thoại.

=> Nhận xét: Nét đặc sắc của nghệ thuật giúp làm nổi bật tính các nhân vật. Thông qua đó chủ đề của truyện được làm sáng tỏ, giúp tô đậm và để lại những bài học cho người đọc.

Câu 6 (trang 26, SGK Ngữ Văn 10 tập 1)

Đề bài: Từ ngữ liệu trên, bạn rút ra được những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể?

Lời giải 

   Những lưu ý cần nhớ khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học bao gồm:

– Luôn lập dàn ý trước khi viết bài.

– Phân tích, đánh giá bài theo một trình tự nhất định, để tạo ra sự liên kết giữa các phần và các đoạn trong bài

– Cần đưa ngay dẫn chứng để chứng minh, làm sáng rõ luận điểm, lí lẽ.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể SGK trang 23 Văn 10 Chân trời sáng tạo

Thực hành viết theo quy trình

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.

Lời giải 

Dàn ý chi tiết

I. Mờ bài

     Giới thiệu truyện kể. Nêu khái quát định hướng của bài viết.

   Cây khế là truyện cổ tích đặc sắc của kho tàng truyện dân gian Việt Nam, câu chuyện đã phản ánh những nét đặc trưng trong nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật của truyện cổ tích

II. Thân bài

1. Tóm tắt truyện

      Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải, tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác, mọi việc đều đổ hết lên đầu vợ chồng người em. Thậm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia gia tài, chiếm hết của nải, đẩy vợ chồng em ra túp lều nát với cây khế của cha mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho cây khế ra quả, chim quý đến ăn và đã trả công vợ chồng em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh, người anh tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn bằng vàng, nhưng vì tính tham lam vô độ của người anh nên đã bị chim quý hất xuống biển sâu.

2. Chủ đề và ý nghĩa của chủ đề

– Chủ đề: Đề cập đến lòng tham và sự ích kỷ của con người

– Ý nghĩa của chủ đề: phê phán những con người có lòng tham vô đáy, ích kỷ, tham lam chỉ nghĩ đến đồng tiền mà quên đi tình anh em.

3. Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

3.1 Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống

– Tác giả xây dựng tình huống chim quý đến ăn khế, từ đó tạo cái cớ để nhân vật bộc lộ bản chất của mình

– Tác dụng:chim quý xuất hiện là nhân vật chức năng vừa giúp mang lại may mắn cho người xứng đáng và trừng trị những kẻ không xứng đáng.

3.2 Phân tích, đánh giá cách xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng và tác dụng trong việc thể hiện chủ đề

– Nhân vật anh trai và em trai là đại diện cho hai tuyến nhân vật bất hạnh và kẻ tham lam, ích kỷ trong truyện cổ tích. Việc xây dựng hai tuyến nhân vật quen thuộc giúp tác giả dân gian tô đậm chủ đề và bài học của truyện.

3.3 Phân tích, đánh giá cách khắc họa tính cách nhân vật qua lời thoại, ngôn ngữ

– Qua lời thoại của nhân vật chúng ta thấy rõ sự đối lập giữa hai tuyến nhân vật, một bên là người hiền lành, chịu khó biết thế nào là đủ; một bên là người tham lam, ích kỷ, mờ mắt vì đồng tiền.

III. Kết bài

– Khẳng định lại giá trị của chủ đề và sự đặc sắc của các nét nghệ thuật.

– Tác động của truyện đối với bản thân và người đọc.

 Bài viết chi tiết

     Nhắc đến những câu chuyện cổ tích của nước ta, không thể bỏ qua truyện “Cây khế”. Đây được xem là một trong những tác phẩm truyện cổ tích đặc sắc nhất trong kho tàng truyện dân gian của nước ta.

      Truyện kể về hai anh em nhà nọ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống nương tựa vào nhau. Cha mẹ mất để lại cho hai anh em một cây khế và một chút ruộng vườn, của cải, tuy không khá giả nhưng hai anh em vẫn có cuộc sống no đủ. Từ khi người anh trai lấy vợ bỗng sinh ra lười nhác, mọi việc đều đổ hết lên đầu vợ chồng người em. Thậm chí sợ em tranh công nên anh trai đã chia gia tài, chiếm hết của nải, đẩy vợ chồng em ra túp lều nát với cây khế của cha mẹ để lại. Vợ chồng người em chăm chỉ làm lụng, chăm bẵm cho cây khế ra quả, chim quý đến ăn và đã trả công vợ chồng em trai bằng vàng bạc. Tiếng đồn đến tai người anh, người anh tham lam nên gạ đổi gia tài lấy cây khế. Chim quý cũng đến ăn và hứa trả ơn bằng vàng, nhưng vì tính tham lam vô độ của người anh nên đã bị chim quý hất xuống biển sâu. Cốt truyện tuy rất đơn giản, ngắn gọn nhưng chất chứa trong đó những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc và thấm thía.

     Truyện “Cây khế” phản ánh cuộc xung đột giữa hai tuyến nhân vật trong một gia đình, một bên là vợ chồng người em trai hiền lành, chăm chỉ, chịu khó; một bên là vợ chồng người anh trai tham lam, ích kỉ, chỉ nghĩ đến đồng tiền. Thông qua khai thác xung đột trong gia đình này, tác giả dân gian đã phản ánh chủ đề của chuyện đó là phê phán sự tham lam, ích kỉ của con người, ca ngợi những con người chịu khó, chăm chỉ, biết sống lương thiện, biết thế nào là đủ. Câu chuyện còn là lời cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem nhẹ tình anh em trong gia đình, cắt đứt tình máu mủ ruột rà chỉ vì những cái lợi trước mắt. Chủ đề truyện này không mới nhưng nó vẫn có giá trị không riêng với thế giới cổ tích mà còn cả xã hội hiện thực bây giờ.

     Góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện, ngoài giá trị của chủ đề và bài học sâu sắc trong truyện Cây khế thì không thể quên sự đóng góp của các hình thức nghệ thuật. Chính những hình thức nghệ thuật đặc sắc ấy đã giúp cho chủ đề và bài học trong truyện trở nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả hơn.

     Yếu tố nghệ thuật đầu tiên cần kể đến đó là nghệ thuật tạo tình huống. Tình huống truyện chia gia tài, vốn rất quen thuộc trong truyện kể dân gian. Nhờ tình huống này bản chất xấu xa tham lam của vợ chồng người anh trai được bộc lộ. Tình huống thứ hai, góp phần giúp mạch truyện tiến triển là tình huống chim quý xuất hiện và ăn khế của vợ chồng em trai. Nhờ chim quý vợ chồng em trai được đền đáp xứng đáng cho tấm lòng, sự lương thiện của mình. Cũng nhờ chim quý mà vợ chồng người anh trai đã bị trừng trị thích đáng cho bản tính tham lam, mờ mắt vì tiền của mình. Nhân vật chim quý đóng vai trò là nhân vật chức năng, thế lực siêu nhiên, thay nhân dân thực hiện mong ước của họ. Đây cũng là kiểu nhân vật khá quen thuộc trong truyện cổ tích Việt Nam.

     Xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng cũng là một nét nổi bật cho truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó người anh trai là tuyến nhân vật đại diện cho kiểu người tham lam, chỉ nghĩ đến đồng tiền; nhân vật em trai là đại diện cho tuyến nhân vật bất hạnh, mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, cam chịu. Hai tuyến nhân vật chính – tà khá quen thuộc trong truyện cổ tích, là đại diện cho các kiểu người trong xã hội phân chia giai cấp thời bấy giờ.

     Nét đặc sắc cuối cùng em muốn nói đến trong bài viết là cách khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Nhân vật trong truyện cổ tích vốn chưa có những tâm lý hay nét tính cách độc đáo, riêng biệt như trong văn xuôi của các tác giả văn học. Nhưng thông qua lời thoại, ngôn ngữ, hành động chúng ta cũng thấy được phần nào những nét tính cách đặc trưng của nhân vật. Chẳng hạn qua thái độ “rối rít, mừng quýnh, vái lấy vái để “ khi gặp chim thần của vợ chồng anh trai cũng đủ thấy vợ chồng anh ta là người tham lam, ích kỉ, tôn sùng vật chất, luôn trông chờ vào vận may; hành động “nhét đầy vàng vào tay áo, ống quần, lết mãi mới ra khỏi hang” đủ thấy anh trai tham lam đến mờ lý trí… còn vợ chồng người em trai thấy con chim thần chỉ biết than “ ông chim ơi, ông ăn hết khế nhà cháu…” rồi hành động “chỉ nhặt vừa đủ vàng bạc nhét vào túi rồi ra về” cũng đủ thấy người em trai vốn bản tính lương thiện, hiền lành. Nhân vật chỉ được khắc họa qua hành động, ngôn ngữ nhưng những nét tính cách nổi bật vẫn hiện lên tương đối đậm nét.

     Những phân tích ở trên đây cho thấy Cây khế là một truyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ Việt Nam. Về chủ đề, truyện chính là lời cảnh tỉnh, phê phán đến những người có lối sống ham vật chất, coi thường tình cảm máu mủ. Về hình thức nghệ thuật, tác giả đã kết hợp hài hòa các yếu tố về tình huống truyện, ngôn ngữ, hành động để nhân vật bộc lộ rõ cá tính của mình, thông qua đó chủ đề truyện cũng được tô đậm.

     Câu chuyện là một bài học đắt giá cảnh tỉnh những người tham lam, không coi trọng tình cảm gia đình, sớm hay muộn cũng sẽ nhận phải một kết cục không may mắn.

—————————–

Trên đây THCS Hồng Thái đã cùng các bạn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể SGK trang 23 trong bộ SGK Chân trời sáng tạo theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. THCS Hồng Thái đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ THCS Hồng Thái để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button