Tra Cứu

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (11 Mẫu)

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà lớp 9 hay nhất bao gồm dàn ý chi tiết cùng 11 bài mẫu sẽ giúp các em trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết bài và đồng thời cảm nhận được tình cảm gia đình thiêng liêng, đáng quý ngay trong cái khốc liệt, dữ dội của chiến tranh.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Bé Thu là một cô bé có cá tính độc đáo mạnh mẽ. Bởi xa cha biền biệt và cũng chỉ vì một vết sẹo mà em vô tình không nhận ra cha, khi nhận ra cha thì mãi mãi em phải xa cha. Tình thương nỗi đau và sự uất hận đã giúp bé Thu sau này trở thành cô giao liên dũng cảm. Để cảm nhận rõ hơn về nhân vật bé Thu. Mời các em tham khảo những đoạn văn mẫu hay nhất sau đấy nhé.

>> Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà <<

Dàn ý viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Quang Sáng, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” và nhân vật bé Thu.

2. Thân đoạn:

a. Hoàn cảnh:

– Ba bé Thu là một chiến sĩ cách mạng, “thoát ly đi kháng chiến” từ tám năm trước, khi bé Thu vẫn chưa tròn tuổi.

– Bé Thu và ba trong tám năm qua chưa từng một lần được gặp mặt nhau.

b. Trước khi nhận ba:

– Khi bé Thu nhìn thấy một người đàn ông xa lạ gọi mình, em đã “giật mình, tròn mắt nhìn” và “vụt chạy đi” gọi má.

– Những ngày sau đó, em luôn “nói trổng” và không thèm nhờ ông Sáu giúp đỡ bất cứ điều gì dù ông Sáu “chẳng đi đâu xa” và luôn “vỗ về em”.

– Trong bữa cơm, bé Thu “hất tung” cái trứng cá ông Sáu dành cho em:

+ Hành động đó đã khiến ông Sáu giận dữ, đánh bé Thu.

+ Nhưng em không khóc mà chỉ lẳng lặng “gắp lại miếng cá vào trong chén” rồi bơi xuồng sang nhà bà ngoại và khóc bên đó.

=> Những hành động bướng bỉnh của bé Thu cho thấy em là một người con rất yêu ba của mình, luôn muốn dành tặng tiếng ba yêu thương cho người ba thật sự của mình.

c. Khi nhận ba:

– Ngày bé Thu nhận ba là ngày ông Sáu phải trở lại chiến trường:

+ Hôm đó, con bé mang một vẻ mặt “buồn rầu”, chỉ lặng im nhìn mọi người vây quanh ba nó “lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa vào cửa”.

+ Đến khi ông Sáu chào nó, tiếng “ba” mới được nó thét lên, xé tan không khí im lặng, “xé cả ruột gan mọi người”.

=> Đó là tiếng ba mà bé Thu đã đè nén, giữ gìn hơn tám năm qua.

+ Em đã “hôn cùng khắp” người ba yêu quý của mình để thoả nỗi mong nhớ.

+ Thậm chí, em còn không để ba đi cho đến khi ba hứa mang về cho em một cây lược.

d. Đánh giá:

– Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh nhưng có tình yêu cha vô cùng sâu sắc.

d. Nghệ thuật:

– Ngôn từ mộc mạc, giản dị, gần gũi.

– Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định vẻ đẹp của bé Thu.

11 Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà hay nhất

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 1

Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng, cao quý và sâu sắc vô cùng. Điều đó đã được nhà thơ Nguyễn Quang Sáng thể hiện thông qua nhân vật ông Sáu và bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”. Bé Thu là một cô bé chỉ vừa mới tám tuổi. Ba em là một chiến sĩ cách mạng “thoát ly đi kháng chiến” đã bảy năm nay, từ khi em còn là một đứa trẻ chưa tròn tuổi. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi lần đầu gặp gỡ với một người đàn ông có “vết thẹo dài bên má phải”, em đã không nhận ra ba của mình. Khi người đàn ông ấy hấp tấp nhảy lên bờ, chạy xô lại phía em, bé Thu đã “giật mình, tròn mắt nhìn” bởi vì lạ lùng và “vụt chạy đi” gọi má. Những ngày sau, dù cha ở cạnh nhưng em quyết không nhận người đàn ông xa lạ “không giống cái hình ba chụp với má”. Em “nói trổng”, không thèm nhờ sự giúp đỡ từ ông Sáu thậm chí còn “hất tung cái trứng cá” ra khỏi chén cơm khiến ông Sáu giận mà đánh em. Nhưng em chỉ im lặng “gặp lại cái trứng cá vào chén” rồi bỏ sang nhà bà ngoại và khóc ở đó. Em không khóc trước mặt người đàn ông mà em thấy xa lạ đó, cũng không hề một lần cất tiếng gọi “ba” như mẹ và mọi người vẫn bảo, bởi em muốn dành tiếng “ba” đó cho người ba em yêu quý. Thế nhưng thái độ của bé Thu đã đổi khác hẳn sau đêm ở cùng bà ngoại. Trở về nhà nhưng con bé chỉ “lúc đứng góc nhà, lúc đứng tựa cửa”. Và gương mặt ngây thơ của em ánh lên “cái vẻ buồn” chứ “không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa”. Em đứng trong im lặng với “vẻ nghĩ ngợi sâu xa”, và khi ba em khoác chiếc ba lô và chào cô con gái nhỏ của mình, chính lúc đó bao nhiêu cảm xúc trong lòng bé Thu chợt vỡ oà ra, cất lên thành tiếng “ba” “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Đó là tiếng ba em cất giữ đã tám năm này, chỉ chực chờ giây phút đoàn tụ này. Em “chạy xô tới”, ôm chặt lấy người ba mà mình yêu quý “hôn cùng khắp” gương mặt của ba. Em khóc và giữ chặt không cho ba ra đi nhưng rồi em cũng để ba của mình trở lại chiến trường với lời hứa mang về một chiếc lược cho em. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh nhưng lại có một tình yêu cha vô cùng to lớn. Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nhân vật bé Thu với những biến chuyển tâm lý rất phức tạp nhưng cũng rất hợp lý từ lúc bé gặp lại ba mình lần đầu cho tới khi bé nhận ra ba.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 2

Nếu nói về tình phụ tử chúng ta không thể nào không nhắc đến tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Tác giả đã khắc họa được rõ nét nhất về tình cảm của ông Sáu và bé Thu. Nhân vật bé Thu qua tính cách, hành động, lời nói đã làm cho nội dung của tác phẩm thêm độc đáo. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, đầy cá tính và cũng có tình yêu ba vô cùng sâu sắc. Thu yêu quý người cha của mình rất nhiều, và trong tiềm thức của em em chỉ có một người ba duy nhất, đó là người ba trong tấm hình chụp chung với má. Đối với Thu, tình cảm cha con là tình cảm vô cùng thiêng liêng và nó không dễ dàng gì để thay thế bằng một tình cảm khác. Chính vì thế mà khi ông Sáu- ba em đi lính trở về với một vết thẹo dài trên má, em đã nhất quyết không nhận ba. Không phải vì Thu không yêu quý ba của mình mà chiến tranh với sự tàn khốc của nó đã hủy hoại đi khuôn dạng của một con người để rồi ngày ông Sáu trở về Thu không còn nhận ra được ba mình nữa. Ông Sáu hoàn toàn khác với người ab trong tấm hình mà em đã được xem. Vết thẹo kia chính là dấu tích tàn khốc của chiến tranh để lại trên da thịt của ông Sáu. Nó khiến ông trở nên khác lạ và hoàn toàn xa cách với bé Thu. Cho rằng đây không phải cha mình, thế nên Thu hoàn toàn khước từ mọi tình cảm mà ông Sáu dành cho. Vậy là bi kịch diễn ra. Trong khi một người cha hết mực thương nhớ con, chỉ có ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi để về thăm nhà và ở bên con thì đứa con lại không nhận cha, hơn thế nó còn có những thái độ và hành động không phải phép với cha. Tất cả những điều ấy càng tô đậm tình thuong, nỗi nhớ ba và tình cảm chân thành mà Thu dành cho ba của mình. Em không nhận ba vì trong tim em chỉ có một người ba duy nhất, một người ba mà em dành chọn tình yêu thương và không một ai có thể thay thế vị trí ấy của ba trong lòng em được. Và cứ tưởng rằng, một cô bé ngang bướng như vậy sẽ chẳng chịu nhận ba. Thế nhưng, khi em biết được sự thật, em đã không ngần ngạy chạy đến níu giữ chân ba, hôn lên vết thẹo trên mặt ba mình. Điều đó là minh chứng rõ nét nhất cho tình cảm cha con thiêng liêng mà không một thế lực bạo tàn nào có thể hủy hoại được, ngay cả đó là sự khốc liệt của chiến tranh.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 3

Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba, hay khi hất cái trứng mà anh Sáu cho xuống, cuối cùng khi anh Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 4

“Chiếc lược ngà” là một tác phẩm ca ngợi tình phụ tử thắm thiết sâu nặng. Và tình cảm ấy đã được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện qua hình ảnh của ông Sáu và bé Thu – con gái ông. Bé Thu là một cô bé vừa tròn tám tuổi, thế nhưng trong hơn bảy năm qua, em chưa từng một lần được gặp ba của mình, bởi ba em là một người chiến sĩ cách mạng “thoát ly đi kháng chiến” đã lâu. Trong một lần em đang chơi trước nhà, chợt có một người đàn ông lạ chạy xô đến bên em, gọi tên em. Bé Thu “giật mình, tròn mắt nhìn”, em xa lạ với người đàn ông đó, vậy nên em “vụt chạy đi” và gọi má của mình. Đây là một sự phản ứng tâm lý hết sức bình thường của trẻ nhỏ như bé Thu bởi em đã từ lâu không gặp ba mình và hơn thế, trên gương mặt của ông Sáu lại có thêm “vết thẹo dài trên má phải” rất đáng sợ. Những ngày sau đó, dù ông Sáu có “vỗ về”, có quan tâm em thì bé Thu “càng đẩy ra”. Em không nhận ra ông Sáu bởi ông Sáu “không giống trong hình ba chụp với má”. Em chỉ “nói trổng” với ông Sáu, trong bữa cơm, em đã “hất tung” cái trứng cá mà ông Sáu gắp bỏ cho em khiến ông Sáu giận dữ mà đánh em. Thế nhưng, trái ngược với nhiều đứa trẻ sẽ khóc ngay khi bị đánh, bé Thu chỉ lặng lẽ “gắp lại cái trứng cá bỏ vào trong chén” rồi bơi xuồng sang nhà bà ngoại và khóc ở đó. Và chính bà ngoại đã giúp em hiểu rõ về người ba của mình. Ngày em nhận ba cũng là ngày mà ba em trở lại chiến khu. Khi ấy, trong nhà đầy ắp người, và bé Thu chỉ lặng im “lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa” mà nhìn ba của mình. Đến khi ba em cất tiếng chào thì đó là lúc bao nhiêu đè nén, bao nhiêu nhớ nhung trong em vỡ tung ra, cất thành tiếng gọi “ba” xé tan không khí. Đó là tiếng ba mà bé Thu đã cất giữ bao nhiêu năm qua, đè nén trong lòng em. Em yêu ba của mình nên luôn cất giữ tiếng ba đó cho người ba “giống tấm hình” mà ba má em chụp cùng nhau. Em yêu ba nên mới bướng bỉnh, lì lợm nhất quyết không gọi một người khác lạ là ba. Đó là tình thương ba, là tấm lòng yêu quý mà bé Thu dành đến cho ba mình. Bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, cá tính nhưng ẩn đằng sau đó lại là tình thương tha thiết, sâu lặng dành cho ba.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 5

Tình cảm gia đình là một đề tài quan trọng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khai thác mảng đề tài này, Nguyễn Quang Sáng đã có một số tác phẩm đặc sắc như “Chiếc lược ngà”, “Bông cẩm thạch”,.. Trong đó, “Chiếc lược ngà” tạo được nhiều ấn tượng hơn cả. Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật chính – nhân vật bé Thu – một cô bé cá tính, đáng yêu và có tình yêu ba tha thiết. Nhân vật bé Thu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc bởi một tính cách đặc biệt khó có thể nhầm lẫn. Nhân vật này đã góp phần tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm. Và vì vậy, cùng với tác phẩm, nhân vật bé Thu đã giành được một vị trí riêng trong lòng độc giả yêu truyện ngắn Việt Nam.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 6

Khi đọc tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chắc hẳn ai cũng nhận định rằng Thu là một đứa trẻ bướng bỉnh và ngang ngạnh nhưng lại có một tình cảm thật sâu nặng đối với người cha của mình. Thu quả là thật bướng khi nhất quyết không chịu nhận ông Sáu là cha cho dù ông đã dành trọn hết tình cảm cho Thu sau 8 năm ròng xa cách. Cũng phải thôi vì từ khi sinh ra đã bao giờ em được biết đến cha, đã bao giờ em được cha chở che, âu yếm. Có lẽ vì khoảng cách giữa tình cha con trong những tháng ngày bom đạn quá xa vời nên Thu tỏ ra thật thờ ơ và lạnh nhạt trước mọi tình cảm mà ông Sáu dành cho mình. Thu nào có hay biết những tháng ngày nơi chiến khu cha em đã nhớ về em và mong đứa con thơ cất lên gọi mình một tiếng ba, Thu nào có hay biết tâm trạng cha đau khổ bao nhiêu khi người con yêu thương, bé bỏng của mình lại thốt lên gọi mình bằng hai tiếng”người ta”, ôi sao nghe xa lạ quá. Không những thế Thu còn đành lòng hất đổ cái trứng cá to vàng mà cha gắp cho mình. Bị cha đánh nhưng Thu không hề khóc mà lẳng lặng gắp trứng cá bỏ vào chén rồi chạy sang nhà ngoại. Hôm sau biết tin ông Sáu trở về đơn vị, Thu đã khóc, em khóc nhiều lắm. Em khóc vì em đã biết ông Sáu là cha, em đã biết em đã bỏ qua tình cảm thiêng liêng giữa em và cha mà suốt 8 năm nay em hằng mong ước. Em hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba, dang hai chân câu chặt lấy ba sao cảm động và thiêng liêng quá. Các bạn thấy đấy nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng không những là một đứa bé cứng cỏi, ngang ngạnh mà còn là một cô bé có một tình cảm nồng nàn mãnh liệt đối với người cha của mình.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 7

Dù có đi bốn phương trời thì tình cảm mẹ cha dành cho con luôn là thứ tình cảm thiêng liêng và sâu sắc nhất. Thấu hiểu được điều đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết lên tác phẩm “Chiếc lược ngà” về tình cha con sâu nặng, thiêng liêng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Tình cha con ấy được thể hiện thông qua nhân vật bé Thu. Bé Thu là một cô bé tám tuổi, ba em là một chiến sĩ đã “thoát ly đi kháng chiến” từ lâu. Tám năm qua, từ khi còn là một đứa trẻ chưa tròn tuổi, em đã không được gặp ba của mình. Nhưng lúc nào trong lòng em cũng nung nấu một tình cảm cha con thật mãnh liệt. Thế nhưng khi ba em – ông Sáu thực sự trở về, em lại không nhận ba. Bởi người ba đó có “vết thẹo dài bên má phải”, “không giống tấm hình ba chụp với má”. Trong những ngày ông Sáu về phép, dù cho ông có “vỗ về”, có quan tâm, bé Thu cũng nhất quyết “đẩy ra”. Em luôn “nói trổng” và không bao giờ nhờ ông Sáu bất cứ việc gì. Thậm chí em còn “hất tung” cái trứng cá mà ông Sáu đã dành cho em khiến ông Sáu giận dữ mà đánh em. Nhưng bé Thu không khóc, em chỉ lẳng lặng bơi xuồng sang bà ngoại và khóc ở bên đó. Sự lì lợm, bướng bỉnh của bé Thu là do tình yêu ba sâu nặng của em, là do tiếng “ba” thiêng liêng em muốn dành cho người “giống tấm hình ba chụp với má”. Nhờ bà ngoại mà em mới hiểu được ba của mình, thế nhưng ngày em nhận ba cũng là ngày ba em phải ra đi về nơi tập kết. Tiếng “ba” được em “thét” lên trong nỗi nhớ nhung, trong sự đè nén mà em đã cất giữ tám năm nay. Nó “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Em yêu ba nhiều đến nỗi ôm chặt lên ba mà “hôn cùng khắp”, “hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má ba” nữa. Bé Thu quả là một cô bé có tình yêu ba vô cùng sâu sắc. Yêu ba nên em nhất quyết không gọi một người đàn ông xa lạ là ba, em quyết giữ chặt tiếng “ba” sâu trong trái tim mình, chờ đợi để gặp người ba em ngày đêm mong nhớ. Bằng lối viết rất giản dị, ngôn từ trong sáng, gần gũi, cách miêu tả nội tâm nhân vật rất hợp lý, tinh tế, Nguyễn Quang Sáng đã cho ta thấy một bé Thu kiên cường, bướng bỉnh nhưng lại có một tình cảm cha con hết sức sâu nặng, thắm thiết trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 8

Nói về truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhân vật bé Thu là một nhân vật đã để lại cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc. Thu là một cô bé tầm 7,8 tuổi, tóc cắt ngắn, ở cô toát lên sự bướng bỉnh, nghịch ngợm, gan lì, thông minh nhưng lại rất giàu tình cảm. Những năm tháng ông Sáu – ba của cô bé chiến đấu ở ngoài chiến trường cũng là từng ấy thời gian Thu sống thiếu tình cảm của cha.Nhưng đến khi ông sáu trở về cô lại nhất quyết không nhận cha, cự tuyệt lại mọi tình cảm, khiến cho ông không khỏi buồn rầu. không phải vì cô là một đứa trẻ hư, không phải cô ghét ông Sáu mà vì tình yêu ba của cô quá sâu nặng, Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, chưa hiểu về vết sẹo dài đáng sợ trên mặt ông Sáu, Thu yêu ba, nhớ mong về ba, tình yêu ấy đặt lên mức tôn thờ, không gì có thể lay chuyển nổi. Đó cũng chính là lí do khi hiểu ra mọi chuyện thì tình yêu ba lại trở nên mãnh liệt đến vậy. Thu không để ba đi, tiếng ba đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ấy tạo nên sức mạnh lớn, ám ảnh sâu trong tâm trí người đọc về một cô bé có tình yêu thương ba tha thiết.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 9

“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là truyện ngắn viết về chủ đề gia đình trong chiến tranh. Bé Thu là nhân vật đặc biệt nhất trong truyện, thông qua những lời nói, hành động và diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật đã góp phần bộc lộ tình phụ tử thiêng liêng, đáng quý. Cha bé Thu là ông Sáu, vì phải xa nhà đi kháng chiến mãi đến khi bé Thu lên tám tuổi ông mới về. Chiến tranh đã để trên khuôn mặt ông Sáu vết sẹo dài, đáng sợ, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những hiểu lầm khiến bé Thu không chịu nhận cha. Gặp lại cha sau bao năm xa cách nhưng trớ trêu thay, trái ngược với sự nôn nóng, mong đợi của ông Sáu, bé Thu lại tỏ ra sợ hãi, em hốt hoảng, mặt tái đi rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hét. Trong những ngày ông Sáu nghỉ phép, dù cho mẹ bắt gọi ba những bé Thu vẫn nhất quyết không chịu gọi ba, trong những tình thế bắt buộc, Thu cũng chỉ gọi trống không, cuối cùng sự ương ngạnh của bé Thu đã khiến ông Sáu tức giận đánh một cái thì cô bé bỏ về nhà bà ngoại. Bé Thu là cô bé bướng bỉnh, ngang ngạnh, thế nhưng hiểu được lí do của tất cả những hành động ấy, ta lại không khỏi xúc động trước tình thương của bé dành cho ba. Người ba trong bức ảnh chụp chung với má không có vết sẹo dài và đáng sợ giống ông Sáu, đây cũng là lí do em không chịu nhận ba và từ chối mọi hành động quan tâm của ông Sáu. Khi nghe bà ngoại kể chuyện, bé Thu đã hiểu ra mọi chuyện, mọi khúc mắc của em đã được giải tỏa, em cảm thấy ân hận, hối tiếc. Khi ông Sáu phải lên đường, Thu chạy tới ôm ghì cổ ông Sáu, em khóc rồi hôn cha cùng khắp, có thể thấy tình yêu dành cho ba cũng như nỗi mong nhớ dồn nén đã bị bùng phát, bé Thu có vẻ hối hả, cuống quýt xen lẫn cả sự hối hận. Thu là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, yêu cha vô bờ bến. Tác giả thật khéo léo khi tái hiện diễn biến tâm lí của bé Thu trong truyện, từ tính cách, giọng điệu, lời nói, thái độ và hành động đều là trẻ thơ chân thật sinh động.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 10

Đọc truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ta cảm nhận được tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh dữ dội, khốc liệt của chiến tranh. Nhân vật chính của những tình huống truyện bất ngờ là bé Thu – cô con gái tám tuổi của ông Sáu. Ông Sáu tham gia kháng chiến từ khi bé Thu mới sinh ra đến khi bé Thu lên tám tuổi mới về thăm nhà. Được gặp lại con sau bao nhiêu năm xa cách ông Sáu rất vui mừng, thế nhưng bé Thu nhìn thấy ông Sáu, vừa sợ hãi lại ngờ vực, không tin trước mắt mình là cha bởi vì cha trong hình chụp với má không có sẹo to mà dài trên má như thế. Bé Thu không phải đứa trẻ bướng bỉnh nhưng lại rất mạnh mẽ, kiên định bởi Thu dành cho ba tình yêu thương tha thiết. Trong nhận thức giản đơn và non nớt của bé Thu, ông Sáu không phải người ba trong bức hình chụp chung với má. Chính vì thế nên dù có bị dồn ép thế nào bé Thu vẫn chỉ gọi trống không chứ không chịu gọi cha, sự ngang đầu cứng cổ ấy khiến ông Sáu không kiềm chế được cơn tức giận mà lỡ tay đánh Thu. Cứng đầu, ngang ngạnh là vậy nhưng sau khi nghe bà ngoại kể vết sẹo trên má của cha là do chiến tranh, bé Thu đã gỡ được nút thắt nghi ngờ trong lòng mình, bộc lộ rõ sự ân hận. Ngay sáng hôm sau khi trở về nhà, nhìn thấy cha lại chuẩn bị đi bé Thu lao đến và ôm quặp chặt người cha, hôn lên cùng khắp và khóc như mưa. Tình thương ba của bé Thu được ấp ủ, dồn nén trong một thời gian dài nên khi mọi hiểu lầm được hóa giải, bé Thu về nhà gặp ba, Thu vồ vập còn hơn cả cha khi lần đầu nhìn thấy nó. Mọi diễn biến tâm lí bé Thu đều hoàn toàn tự nhiên và chân thật, phản ứng của em trong mọi tình huống đều thể hiện rõ em là đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh. Tạm biệt ba em vẫn dặn dò cha mua cho mình chiếc lược nhỏ, điều đó chứng tỏ em vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, muốn được tình ba yêu thương, quan tâm. Nhân vật bé Thu là tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả tâm lí và tính cách nhân vật của tác giả, một trong những điểm nổi bật tạo nên thành công cho truyện ngắn.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu – Mẫu 11

Tình cảm cha con là tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, nó càng đáng quý hơn trong những hoàn cảnh khó khăn. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng viết về tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Thời điểm bé Thu chào đời chưa bao lâu thì cha đã phải đi kháng chiến xa nhà, đến khi bé Thu lên tám tuổi mới được gặp cha lần đầu. Thế nhưng, cha gặp con sau bao năm xa cách liền nhận ra và vui mừng khôn xiết, còn bé Thu lại không thể nhận ra cha, bởi trong tiềm thức và trí nhớ của em, cha của em không có vết sẹo dài trên má như ông Sáu. Ông sáu rối rít và tha thiết gọi con bao nhiêu thì bé Thu lại sợ hãi, lảng tránh và chạy trốn trong ngờ vực bấy nhiêu. Mặc cho má bắt kêu bằng cha thì bé Thu vẫn không chịu nhận và chỉ gọi trống không, phản ứng này của bé Thu là điều có thể hiểu được, cô bé còn quá nhỏ, sự khác biệt trên khuôn mặt cha là quá lớn để nó có thể tự mình giải đáp nghi ngờ trong lòng. Chỉ đến khi bé Thu bỏ về nhà bà ngoại sau cái đánh của cha, bé Thu mới nhận ra ông Sáu chính là cha mình, vết sẹo là do bom đạn chiến tranh gây ra. Nghi ngờ được bác bỏ, trong giờ phút chia tay với cha, bé Thu đã bùng lên tình yêu, sự nhớ mong cũng những hối tiếc, ân hận bấy lâu. Từng hành động chạy đến ôm ghì cổ cha hay dùng chân quặp chặt rồi lại hôn cùng khắp thể hiện rằng nó yêu và thương nhớ cha nhiều lắm. Tất cả đều là tình cảm chân thật sâu sắc, mạnh mẽ và dứt khoát của một đứa trẻ, nét cá tính ương ngạnh của bé Thu thực ra đều xuất phát từ sự nhất quán trong suy nghĩ của em. Bé Thu và tình cha con trong Chiếc lược ngà đã gợi cho người đọc nghĩ nhiều hơn và thấm thía hơn đau thương, mất mát mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình Việt Nam.

Đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu – Mẫu 12

Bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” là một cô bé bướng bỉnh nhưng giàu tình thương dành cho ba. Ba bé Thu đi kháng chiến từ khi bé mới lọt lòng, ấn tượng duy nhất của bé về ba là bức ảnh ba chụp cùng với má. Hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm hồn non nớt của Thu, bởi vậy khi gặp ông Sáu, nhìn thấy vết sẹo đáng sợ trên khuôn mặt người đàn ông ấy, bé Thu đã nhận định đó không phải ba mình. Trong suốt những ngày ông Sáu về nghỉ phép, bé Thu luôn tỏ ra lạnh nhạt, xa cách. Bé không chịu nhận ông Sáu là ba, thậm chí còn nói trổng và có hành động hỗn hào: hất đi cái trứng khi được ông Sáu gắp vào bát. Sau khi mọi hiểu lầm được hóa giải, bé Thu đã lần đầu cất tiếng gọi ba. Tình thương ba của bé trong giây phút này như vỡ òa, bé dùng cả tay và chân ôm chặt lấy ba, bé hôn khắp khuôn mặt ba: hôn cổ, hôn tóc và cả vết sẹo dài trên khuôn mặt ba. Có thể thấy những diễn biến tâm trạng của bé Thu trong truyện đã mang đến cho người đọc rất nhiều cảm xúc đặc biệt: từ ngỡ ngàng, khó hiểu đến vỡ òa trong xúc động. Đằng sau sự cá tính, bướng bỉnh của bé Thu lại là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng nhất cảu một người con dành cho ba của mình.

Đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu – Mẫu 13

“Chiếc lược ngà” là truyện ngắn cảm động viết về đề tình cảm gia đình trong chiến tranh. Truyện xoay quanh hai nhân vật là ông Sáu và bé Thu, qua đó làm nổi bật lên tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng. Bé Thu trong tác phẩm là một cô bé tầm bảy, tám tuổi, ba của Thu là ông Sáu đã “thoát ly kháng chiến” từ khi bé còn rất nhỏ. Bởi vậy, nghịch cảnh đã xảy ra, khi ông Sáu về thăm nhà, trái ngược với sự nôn nóng, hồ hởi của ông Sáu, bé Thu đã “giật mình, tròn mắt nhìn”, sau đó sợ hãi mà chạy vụt đi khi có một người đàn ông lạ mặt nhận là ba mình. Bé Thu dành một tình thương đặc biệt cho ba của mình, cũng chính vì thương ba nên bé kiên quyết không chịu nhận ông Sáu – một người đàn ông hoàn toàn xa lạ trong nhận thức của bé là ba. Bởi trong nhận thức non nớt của bé, người đàn ông trước mặt không giống người ba chụp trong bức hình với má. Vết sẹo to, dài đáng sợ trên mặt ông Sáu càng khiến cho bé chắc chắn hơn về nhận định của mình. Trong những ngày ông Sáu nghỉ phép, dù ông Sáu cố gắng gần gũi, quan tâm thì bé Thu vẫn khước từ, không chịu nhận ba, bị đặt vào tình thế khó khăn thì bé cũng chỉ nói trổng, thậm chí Thu còn có hành động nông nổi, hỗn hào với ông Sáu: hất cái trứng mà ông Sáu gắp vào bát. Có thể thấy bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, cá tính, có phần cố chấp. Thế nhưng, đằng sau thái độ bướng bỉnh có phần hỗn hào ấy là tình yêu cha tha thiết. Sau khi nghe bà ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt ba, bé Thu đã hiểu ra tất cả. Trong giây phút chia tay, lần đầu Thu cất tiếng gọi ba, bé “hôn lên tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn lên vết sẹo dài trên má của ba”. Trong giây phút này bé Thu đã hoàn toàn tháo xuống lớp vỏ bọc bướng bỉnh để trở về làm một cô con gái nhỏ yêu thương ba hết mực. Tình cảm của bé Thu dành cho ba trong truyện ngắn Chiếc lược ngà đã góp phần thể hiện những cảm xúc chân thực, thiêng liêng nhất cho tình phụ tử trong chiến tranh.

Đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu – Mẫu 14

Cùng với nhân vật ông Sáu, bé Thu là nhân vật chính trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tình thương của bé Thu dành cho ba là yếu tố quan trọng làm nổi bật lên nội dung tư tưởng của tác phẩm: Vẻ đẹp của tình cảm gia đình trong chiến tranh. Bé Thu hiện lên trong truyện là một cô bé đáng yêu nhưng cũng rất cá tính và bướng bỉnh. Ba của bé Thu đi chiến đấu từ khi bé còn rất nhỏ, Thu chỉ được thấy ba qua bức hình chụp chung với má. Xa cách lâu ngày và sự thay đổi trên khuôn mặt ông Sáu đã khiến bé Thu không nhận ra ba. Lần đầu gặp ba, sự vồn vã của ông Sáu đã bé Thu đã giật mình, mặt tái đi và chạy vào nhà gọi má. Trong những ngày đoàn tụ, bé Thu không chịu gọi ông Sáu là ba, dù ông Sáu hết mực quan tâm, vỗ về thì bé Thu vẫn bướng bỉnh xa lánh. Sự bướng bỉnh, ương ngạnh của bé Thu còn thể hiện qua những lời nói “trổng” và hành động hất tung cái trứng ra mâm. Khi bị ba đánh, Thu không khóc mà chạy sang bà ngoại. Thế nhưng, khi được bà ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt ba, bé Thu đã hiểu ra tất cả, hối hận về những hành động ngang bướng của bản thân, bé lăn lộn suốt đêm, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn. Tiếng gọi ba của bé Thu cất lên cũng là khi mọi tình cảm trong em như vỡ òa, đó tình yêu thương tha thiết dành cho ba, đó là tiếng gọi thiêng liêng mà em chờ đợi suốt 8 năm trời. Sự ngang ngạnh, bướng bỉnh chỉ là lớp vỏ ngụy trang cho tình thương ấm áp, thiêng liêng mà Thu dành cho ba.

******************

Trên đây là 11 bài mẫu Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em trong quá trình học tốt môn Ngữ Văn lớp 9. Để tìm hiểu thêm về các nhân vật cũng như truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mời các bạn đọc cùng tìm và tham khảo các bài viết khác như: Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bạn đang xem: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (11 Mẫu)

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button