Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom
Đề bài: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề – tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom.
2. Thân đoạn
* Quá trình tiếp cận quả bom:
– Cảm nhận rất rõ từng sự vật xung quanh “vắng lặng đến phát sợ”, cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ,…
– Biết rằng các anh cao xạ đang dõi theo nên dũng cảm và tự tin hơn, không đi khom người.
* Quá trình phá bom:
– Cẩn thận và tỉ mỉ, hồi hộp trong từng nhát xẻng.
– Một vài tiếng động nhỏ cũng có thể khiến cô rùng mình, sợ hãi.
– Cảm thấy mình làm quá chậm, cần phải nhanh tay, chính xác và cẩn thận hơn.
* Quá trình ẩn nấp chờ bom nổ:
– Nép người vào bức tường đất lo lắng, bồn chồn đến nỗi tim đập không rõ.
– Nghĩ về công việc nhiều hơn là lo lắng về cái chết, lo bom mìn không nổ thì làm thế nào để châm lại và nếu nổ phải cẩn thận kẻo bị thương.
* Đánh giá chung:
– Về nhân vật: Qua diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định khi phá bom có thể thấy Phương Định là một cô gái có thế giới nội tâm vô cùng phong phú, sinh động và trong sáng. Là nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ.
– Về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: miêu tả chân thực, sinh động diễn biến tâm trạng nhân vật, kết hợp tự sự và miêu tả.
3. Kết đoạn
Khẳng định vẻ đẹp nhân vật Phương Định.
II. Những Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom hay nhất
1. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom, mẫu 1 (Chuẩn)
Xem thêm : Văn nghị luận là gì và cách làm bài văn nghị luận đạt điểm cao
Phương Định là một trong 3 cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Phương Định được miêu tả trong tác phẩm đó là một cô gái trẻ có thế giới nội tâm phong phú, không những vậy cô còn là một người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, giàu trách nhiệm. Vẻ đẹp này được bộc lộ rõ nét qua một lần phá bom. Phương Định đối coi việc phá bom mìn là công việc hàng ngày, có khi ngày nhiều lần đi phá bom. Thế nhưng ở cô gái trẻ này mỗi lần phá bom đều vẫn là một lần thử thách với chính bản thân mình. Đó là thử thách với sự kiên cường, với tinh thần và cảm giác, cô gái nhạy cảm với mọi sự vật từ không khí đến mặt đất và cây cối. Sự căng thẳng trong cô được trấn tĩnh hơn khi biết rằng còn có những anh cao xạ vẫn đang dõi theo từng cử động của mình. Chính sự tự trọng và lòng gan dạ đã giúp cô gái dũng cảm hơn, tiến bước nhanh hơn về phía quả bom mà không cần đi khom khom sợ hãi. Công việc phá bom, làm việc kề sát với quả bom, từng nhát xẻng đào đất thật hiểm nguy và tiềm ẩn rủi ro trong gang tấc. Phương Định có những cảm giác rất bén, rất sắc nhọn với từng âm thanh, từng tiếng động bất chợt “một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi”. Công tác đào đất xong xuôi, Phương Định lại căng thẳng đặt gói thuốc nổ, châm ngòi rồi chạy thật nhanh tới chỗ ẩn nấp chờ đợi như nín thở “tim tôi cũng đập không rõ”. Quả bom sau đó đã nổ “một thứ tiếng kì quái, đến váng óc” nhưng lại có khả năng xua tan đi mọi lo lắng, căng thẳng, các dây thần kinh của Phương Định có lẽ chỉ chờ nghe thấy tiếng nổ đó mới dám chùng xuống và ổn định lại. Có thể thấy tác giả Lê Minh Khuê đã miêu tả rất tinh tế, chi tiết những diễn biến tâm trạng của Phương Định khi phá bom, qua đó bộc lộ những vẻ đẹp đáng trân trọng của cô gái này.
2. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom, mẫu 2 (Chuẩn)
Nhà văn Lê Minh Khuê trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” đã khắc họa thành công bức tượng đài về thế hệ trẻ trên tuyến đường Trường Sơn chống Mĩ. Đó là Nho, Thao và Phương Định, trong đó tác giả đi sâu nhất vào tâm lý của nhân vật Phương Định đặc biệt là trong một lần cô phá bom. Đây không phải là lần phá bom đầu tiên của Phương Định, bởi phá bom là công việc hàng ngày, thậm chí có ngày còn phá tới năm quả bom, thế nhưng tâm lý của cô trong mỗi lần phá bom vẫn vô cùng phong phú. Từng bước chân tiếp cận quả bom vẫn còn vướng nỗi lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên dù có căng thẳng đến đâu cô cũng không cho phép vượt quá lòng tự trọng của mình, là chiến sĩ xung phong cô phải dũng cảm hơn, không cho phép mình đi khom cái kiểu rón rén khó coi. Kề bên quả bom, cái chết im lìm đáng sợ ấy khiến cô gái trẻ không khỏi rùng mình, chiếc xẻng đào đất giờ đây lại trở thành thứ đồ vật nguy hiểm nhất, chỉ sơ sẩy một chút thôi cũng có thể kích nổ quả bom khiến cô mất mạng. Cô tự nhận ra rằng mình quá căng thẳng nên làm chậm, tự nhắc bản thân phải làm nhanh hơn, sự đấu tranh trong tâm lý của Phương Đinh luôn giành phần thắng cho lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ. Trải qua một nửa quá trình phá bom, thời khắc quan trọng đã đến, Phương Định cẩn thận, bỏ thuốc mìn vào lỗ đã đào, châm cho ngòi cháy và cô cũng chạy về ngay nơi trú ẩn của mình. Sự lo lắng hồi hộp khiến người cô tự động nép vào ẩn náu vào bên bức tường đất, dường như để khỏa lấp đi nỗi sợ hãi đó trong ý nghĩ của cô tự động nghĩ về quả bom hơn là cái chết, cô mãi nghĩ nếu bom không nổ thì phải làm sao để châm cho nổ hay là nghĩ thêm phải đứng cho cẩn thận kẻo mảnh bom mà ghim vào cánh tay thì “khá phiền”. Rồi bom nổ, như chính cái bong bóng sợ hãi, căng thẳng, lo âu trong cô gái đã vỡ tan, khi phá bom thì căng thẳng là thế nhưng sau khi phá xong cô lại coi như chuyện bình thường “phủi áo” rồi đi tìm các đồng đội của mình. Qua chi tiết phá bom có thể thấy Phương Định là một cô gái có thế giới nội tâm phong phú, không những thế cô còn là một người chiến sĩ dũng cảm, giàu trách nhiệm với công việc.
3. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom, mẫu 3 (Chuẩn)
Bằng tài năng và những trải nghiệm thực tế của một người chiến sĩ, nhà văn Lê Minh Khuê đã tái hiện sống động cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Sự khốc liệt, nguy hiểm và gian nan của chiến tranh cũng như sự dũng cảm, bất khuất không sợ hi sinh của các chiến sĩ được thể hiện chân thực nhất qua một lần phá bom của nhân vật Phương Định. Trong khung cảnh chiến tranh ác liệt, mưa bom bão đạn, cô gái trẻ Phương Định lại đi làm nhiệm vụ phá bom. Đường đi tới vị trí quả bom chưa phát nổ cần phá được diễn tả như một hành trình, trên hành trình với thử thách sống còn ấy cô gái trẻ không thoát khỏi được những lo âu, kinh sợ. Phương Định không hề nhút nhát nhưng cô thận trọng và cũng có chút bận tâm với cái “vắng lặng đến phát sợ”, tuy nhiên cô chợt nghĩ rằng cô không hề một mình, cô còn đồng đội và các anh cao xạ vần luôn dõi theo và giúp cô vượt qua nỗi sợ, tiến gần tới quả bom một cách nhanh hơn, đường hoàng hơn chứ không phải đi khom. Quả bom – hiện thân của chết chóc ấy vậy mà Phương Định phải gần kề sát bên nó “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”, cô nhắc nhở chính thần kinh của mình phải thật tỉnh táo để tập trung tối đa cho công việc. Tiếng xẻng chạm vào quả bom trở thành thứ âm thanh sắc lạnh đến gai người, như muốn cắt đứt dây thần kinh đang cố sức của Phương Định “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm”. Tâm lý của cô đẩy lên cao trào khi châm ngòi mìn nổ và chờ đợi, giống như sự chờ đợi phán quyết sống còn. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng cái chết ấy lại mờ nhạt và không cụ thể, quan trọng hơn cái chết ấy vẫn là liệu cô có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, vừa phá được bom lại không bị thương ấy là hoàn hảo nhất. Cuối cùng thì Phương Định đã vượt qua thử thách quen thuộc ấy, bom đã nổ và phán quyết cuối cùng rằng cô đã an toàn đi tiếp cuộc hành trình. Sau tiếng bom nổ ta đã thấy một Phương Định tự tin, bạo dạn và lại trở về với dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng. Cách nhân vật Phương Định được lựa chọn là người kể chuyện đã góp phần khiến cho câu chuyện của cô chân thực tuyệt đối, đồng thời giúp cho người đọc thấm thía hơn tư tưởng của truyện.
————–HẾT————–
Cùng chủ đề về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, các em có thể tìm đọc tham khảo nhiều dạng đề phân tích, cảm nhận khác như: Đoạn văn cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Phân tích vẻ đẹp thế hệ trẻ qua Bài thơ tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi, Phân tích hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi, Cảm nhận về tình đồng chí đồng đội của các cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh khuê.
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu