Tra Cứu

Đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Cùng thcs Hồng Thái tham khảo những bài văn hay đóng vai nhân vật ông họa sĩ kể lại truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa dưới đây:

Hướng dẫn làm bài đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa

1. Phân tích đề

– Yêu cầu đề bài: hóa thân làm bác họa sĩ để kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa

Bạn đang xem: Đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa

– Ngôi kể: ngôi thứ nhất

2.Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa

Khi kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa, các em cơ bản cần kể lại được những sự việc chính sau đây:

– Anh thanh niên qua lời giới thiệu của bác lái xe

– Cuộc gặp gỡ, trò chuyện đầy ý nghĩa giữa anh thanh niên với ông họa sĩ (tức “tôi” khi đóng vai) và cô kĩ sư

– Cuộc chia tay đầy cảm động

Tham khảo thêm: Tóm tắt truyện Lặng lẽ Sa Pa

Lập dàn ý đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Mở bài: 

Giới thiệu bản thân (là hoạ sĩ) và giới thiệu về cuộc gặp gỡ với anh thanh niên

Thân bài:

– Kể về hoàn cảnh gặp gỡ với anh thanh niên:

Trên chuyến xe đến chỗ nhận việc làm, tôi gặp một cô kĩ sư.Trong chuyến đi qua Sa Pa ấy, tôi và cô gặp được một anh thanh niên mà mãi sau này tôi vẫn nhớ

– Kể lại ấn tượng của mình với người thanh niên ấy:

+ Đó là một anh thanh niên xởi lởi, gần gũi, rất thân thiện và rất “thèm người”

+ Anh mời chúng tôi về nhà chơi, căn nhà anh gọn gàng, ngăn nắp và chúng tôi cảm nhận rõ sự mến khách của anh.

+ Anh rót nước mời tôi uống và tận tay cầm một chén trà ra bàn cho cô kĩ sư.

+ Anh nói về công việc của anh, nói rất cụ thể, rất chi tiết.  Trong cách anh kể, tôi cảm nhận được anh là một người có tinh thần trách nhiệm cao và rất yêu nghề

+ Tôi nhanh chóng ghi xong lần đầu gương mặt anh thanh niên vào cuốn sổ tay nhỏ của mình. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho tôi thấy nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và cả về những điều mà anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ voi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển.

+ Ba mươi phút nghỉ giải lao dường như trôi qua rất nhanh. Tôi và cô kĩ sư trẻ vội chào tạm biết anh thanh niên để đi xuống đồi. Trước khi trở lại xe, tôi không quên hứa với anh thanh niên rằng chắc chắn tôi sẽ trở lại

– Trở lại để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật mà tôi vừa mới ấp ủ. Anh thanh niên không quên trao cho chúng tôi một làn trứng như là một món quà nhỏ để chia tay.

Kết bài: Bày tỏ cảm xúc của bản thân về buổi gặp gỡ ấy

Sơ đồ tư duy đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Kiến thức bổ sung

Tham khảo một số bài thuộc dạng đề đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện:

  • Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân
  • Đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà
  • Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng chí
  • Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng

Sau khi nắm được cách làm bài, các em hãy tham khảo một số bài văn mẫu đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài nhé.

Văn mẫu tham khảo đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa

Đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa: Bài số 1

Tôi là một ông họa sĩ già, công việc thường ngày của tôi là đi thật nhiều nơi, gặp thật nhiều người để lấy cảm hứng sáng tác. Nhưng có lẽ, cái cuộc gặp gỡ đặc biệt hôm đó ở Sa Pa với một anh thanh niên trẻ tuổi làm công tác khí tượng sẽ là kỉ niệm tôi nhớ mãi trong đời mình.

Khi đó tôi đang trên đường đi công tác, lúc xe chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi, bác lái xe kể cho chúng tôi về một anh thanh niên rất lạ. Anh được gọi là người cô độc nhất thế gian, rất thèm người. Lời giới thiệu đó khiến tôi và cô kĩ sư trẻ đi cùng cảm thấy rất tò mò. Trong thâm tâm tôi lúc ấy, rất muốn được gặp gỡ, trò chuyện với người thanh niên đó.

Nghe anh kể, đó là một chàng trai tầm 27 tuổi, làm nghề công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Có lần, anh thanh niên đã đẩy một khúc thân cây chắn ngang đường, chỉ vì mong muốn gặp gỡ và trò chuyện với một người nào đó.

Khi đang mải nói chuyện, từ xa, một anh thanh niên có vóc dáng nhỏ bé và nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. À, hóa ra, chính là nhân vật trong câu chuyện mà chúng tôi đã được nghe. Được nhìn thấy anh tôi cảm thấy xúc động mạnh, anh lái xe gợi ý chúng tôi 30 phút lên nhà anh uống nước chè. Anh vui vẻ lắm, vụt chạy đi về trước để chuẩn bị. Tôi nghĩ thầm, chắc khách đến bất ngờ nên anh chưa kịp quét tước, dọn dẹp nhà cửa.

Thế nhưng, tôi đã rất ngạc nhiên, khi bước lên bậc cầu thang bằng đất, thấy người con trai ấy lại đang hái hoa. Anh đã tặng bó hoa cho cỗ kĩ sư, anh còn tính từng phút đồng hồ, muốn kể cho chúng tôi về công việc của mình trong 5 phút thôi, còn 20 phút thì anh muốn nghe hai bác cháu tôi kể chuyện dưới xuôi.

Nghe anh kể về công việc của mình, nó thật sự rất vất vả, thầm lặng nhưng rất ý nghĩa, phục vụ cho mọi người, cho kháng chiến. Công việc đã làm cho anh thanh niên cảm thấy yêu đời hơn, vui hơn ở cái chốn rừng núi mịt mùng đó. Tôi ấn tượng với những khó khăn trong công việc của anh, nhưng dường như anh kể không phải là để than vãn.

Tôi còn ấn tượng với nơi ở gọn gàng, ngăn nắp của anh. Tôi thích thú nhấp chén trà nóng được pha bằng thứ nước mưa thơm như hoa của Yên Sơn và lúc ấy, đột nhiên tôi có cảm giác mình bối rối. Bối rối vì tôi cảm thấy rằng mình đã bắt gặp một điều thật ra là mình đã ao ước được biết từ lâu, hình tượng giúp khơi gợi ý sáng tác trong tôi. Còn gì hạnh phúc hơn khi phát hiện ra cái đẹp đang tiềm ẩn trong cuộc sống để đưa nó vào tác phẩm, đem nó đến cho người đọc. Tôi nhanh chóng phác thảo xong lần đầu gương mặt anh thanh niên vào cuốn sổ tay nhỏ của mình. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho tôi thấy nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và cả về những điều mà anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vời vợi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi của chúng tôi rồi cũng đến lúc kết thúc trong tiếc nuối. Thời gian dường như trôi qua rất nhanh. Tôi và cô kĩ sư vội chào tạm biệt anh thanh niên để đi xuống đồi. Trước khi trở lại xe, tôi không quên hứa với anh thanh niên rằng chắc chắn tôi sẽ trở lại – trở lại để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật mà tôi vừa mới ấp ủ. Anh thanh niên không quên trao cho chúng tôi một làn trứng như là một món quà nhỏ để chia tay.

Khoảnh khắc chia tay đó vẫn làm tôi nhớ mãi, và luôn tự hỏi bản thân: “Rõ ràng chưa tới giờ ốp đâu, sao anh không tiễn chúng tôi xuống dưới? Phải chăng anh không dám đối mặt?”. Lần gặp lại anh tôi cũng không hỏi anh để tìm ra câu trả lời.

Xem thêm: Tổng hợp các đề văn về Lặng lẽ Sa Pa

Đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa: Bài số 2

Đóng vai ông họa sĩ kể ngắn gọn cuộc gặp gỡ với anh thanh niên

Hôm nay bên trời nắng đẹp lại dỗi việc tôi quyết định cùng cô cháu gái là kĩ sư đi chơi một buổi vì hôm nay nó cũng rảnh.

Cô cháu gái của tôi hỏi: Vậy bác định đi đâu ?

Tôi trả lời: ” Đi …. Sapa cháu nhé. Lần gì bác đi công tác, anh lái xe có nói là khi nào bác dỗi bác đến tìm anh ấy và anh ấy sẽ đưa bác đến Sapa cho bác gặp một người rất đặc biệt. Anh ta còn hứa hẹn rằng chắc chắn người đó sẽ để lại cảm tình trong lòng bác. Bác đang rất tò mò xem người đó là ai đây”

“Nghe bác kể cháu cũng tò mò quá ạ” Cô cháu gái tôi mắt sáng hẳn lên, tỏ rõ vẻ thích thú khi nghe tôi kể.

Sáng sớm, xe bắt đầu chuyển bánh. Đoạn đường hơi xa cho nên tôi và cô cháu gái ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cho đến khi xe đi vào đoạn đường xóc, xe rung chuyển, tôi mới chợt choàng tỉnh. Nhìn qua ô cửa sổ thấy cảnh sao mà đẹp quá !

Tôi gọi cô cháu gái dậy: ” Đến Sapa rồi kìa dậy đi nào”

Khung cảnh ở đây thật đẹp, thật thơ mộng. Có những rặng đào với cả đàn bò lang. Khi tiếp xúc với anh thanh niên, được nghe anh kể về những người khác thì tôi đã hiểu thêm về cuộc sống ý nghĩa của anh cũng như của những người thầm lặng trên đình núi Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét này.

Tôi bắt đầu thắc mắc về người sắp gặp, anh lái xe có hé lộ đôi chút về người đó:

Đó là một anh thanh niên, 27 tuổi, sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Công việc của anh đo nắng, đo gió, tính mây.

Nghe đến đó tôi bắt đầu có những thắc mắc trong đầu:

Anh ta là thanh niên mà lại đi sống một mình đành vậy lại còn trên cái đỉnh núi cao lênh khênh như thế nữa chứ ?

Tại sao anh ta không đi tìm hạnh phúc riêng cho mình mà lại đi dấn thân vào cái công việc này? Đứa cháu gái của tôi cũng háo hức không kém.

Tôi vẫn còn nhớ giây phút được bác lái xe giới thiệu cho chúng tôi về anh thanh niên. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, sống một mình trên đỉnh núi nên anh rất “thèm người”. Bác vừa nói xong thì anh xuất hiện. Vóc dáng nhỏ bé, nét mặt tràn đầy sức sống, là những gì toát lên qua cái nhìn của tôi về anh.

Anh giới thiệu về công việc của mình. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ cho sản xuất, chiến đấu. Anh kể rằng nửa đêm đang nằm trong chăn, phải chui ra khỏi chăn, ra vườn giữa khí trời lạnh buốt. Tôi thấy tội cho anh vô cùng. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình anh còn có một lối sống ngăn nắp mẫu mực.

Tôi hỏi anh:

– Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian? Rằng anh “thèm” người lắm?

Anh thanh niên cười:

– Các từ ấy đều là của bác lái xe. Không, không đúng đâu.

Anh hạ giọng tâm sự với chúng tôi rằng lúc chưa vào nghề, nhìn ngôi sao giữa bầu trời đen kịt, anh nghĩ ngôi sao kia lẻ loi một mình.

Bây giờ vào nghề, anh mới thấy không phải vậy. Anh còn cho rằng công việc của anh gắn liền với bao công việc của anh em đồng chí dưới xuôi, Cất công việc đi, anh buồn đến chết mất. Anh tâm sự như đọc lại một điều suy nghĩ từ rất lâu. Bất giác anh giật mình khi thấy tôi hí hoáy vẽ mình. Anh đã từ chối một cách khiêm tốn và giới thiệu cho tôi những người xứng đáng được vẽ hơn. Nhưng dù anh có ngăn cản, tôi vẫn vẽ được nhưng hơi vất vả.

Cuộc vui nào mà chẳng đến lúc phải chia tay. Giây phút đó thật luyến tiếc. Anh còn tặng cho chúng tôi một làn trứng gà không tiễn vì bảo đã gần đến giờ “ốp”. Tôi rất cảm phục việc thực hiện giờ làm việc của anh.

Cuộc nói chuyện tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi và mọi người những ấn tượng khó quên. Qua cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã có những suy nghĩ và tình cảm mới mẻ về con người và cuộc sống. Anh thanh niên đã giúp tôi cảm nhận được hơi thở tràn trề sức sống của những con người làm việc trên Sa Pa.

Xem thêm: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Đóng vai ông họa sĩ kể lại Lặng lẽ Sa Pa: Bài số 3

Ngồi nhìn bức vẽ phác họa, thành quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai, tôi không ngừng suy nghĩ. Bức tranh là hình ảnh một anh thanh niên có tầm vóc nhỏ bé từ trên sườn đồi chạy xuống. Nét mặt anh đầy phấn khởi cùng nụ cười rạng rỡ, ánh mắt háo hức khiến người ta nhìn thấy được một cái gì đó rất hấp dẫn ở anh. Có lẽ đó là niềm say mê sống, say mê làm việc.

Anh thanh niên vốn quê ở thị xã Lào Cai. Anh mang trong mình một tình yêu tổ quốc thiết tha và tình yêu cuộc sống cuồn cuộn chảy. Mấy năm trước, hai bố con anh cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận chiến đấu. Làm trai giữa thời chiến, chắc chắn đó sẽ là lựa chọn đầu tiên. Bố anh được chọn, ngày hôm sau thì nhập ngũ rồi vào miền Nam. Anh hụt hẫng đến mấy ngày.

Thanh niên sức dài vai rộng lẽ nào lại có thể ngồi không, hững hờ với tổ quốc. Anh muốn được làm cái gì đó có ý nghĩa cho đất nước. Anh muốn gắn chặt mình với nhiệm vụ của nhân dân, của đất nước. Không bỏ cuộc, anh xung phong lên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu ở Sa Pa.

Cuộc sống thật kì diệu. Ẩn sâu ở đâu đó, trong cuộc sống bề bộn này, cái đẹp luôn hiện hữu. Ở khắp mọi miền đất nước, cái đẹp đang chờ đợi được khám phá. Chân tôi vẫn còn khỏe. Dĩ nhiên là tôi sẽ tiếp tục đi, đi đến khi nào không thể đi được nữa mới thôi.

Nơi anh làm việc là đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Trên núi đặt cả một hệ thống dàn máy quan trắc khí tượng. Anh làm việc một mình. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đô chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.

Hằng ngày, anh có nhiệm vụ đi ghi số liệu từ các máy, quan sát bầu trời ngày và đêm, thực hiện các việc đo đếm rồi lấy số liệu báo cáo về trung tâm. Nghe chừng công việc có vẻ đơn giản nhưng kì thực rất vất vả. Để có số liệu chính xác và báo cáo kịp thời, cứ bốn tiếng đồng hồ anh đi ghi số liệu một lần. Gian khổ nhất là lên ghi và báo về lúc một giờ sáng. Trời Tây Bắc rét căm căm như cắt vào da thịt. Gió tuyết và sự lặng im đáng sợ của chốn rừng núi hoang vu quả thực là một trở ngại to lớn thử thách lòng dũng cảm trong anh. Nhưng cứ đều đặn, lúc nào anh cũng có số liệu chân thực báo về.

Càng nghĩ về cuộc sống và công việc của anh mà tôi càng thêm nể phục. Thật ít khi ta phải sống một mình. Mà dẫu khi ta có sống một mình đi chăng nữa thì xung quanh ta luôn còn có mọi người. Như anh lại sống một mình nơi đỉnh cao vắng lặng không một bóng người như thế này quả thật là một người dũng cảm, không biết sợ là gì.

Chưa cần đến nỗi cô đơn vì vắng bóng người. Như bác lái xe đã kể, anh thèm gặp người ghê lắm. Vì muốn được nói chuyện được nhìn ngắm con người mà anh đã nghĩ ra một cái trò thật hay ho. Đó là lăn các khúc gỗ ra chặn đường xe đi. Để rồi khi có xe nào dừng lại, anh hò hởi chạy tới phụ khiêng khúc gỗ bỏ ra. Được nói chuyện, hỏi han, cười vui là anh mãn nguyện rồi.

Càng đáng sợ hơn nữa là ở một mình như anh. Nếu lỡ có ốm đau bệnh tật gì biết kêu ai. Hay như gặp phải rắn rết biết làm thế nào. Chốn Lào Cai cũng lắm hổ dữ, gấu hoang. Nỗi hiểm nguy lúc nào cũng cứ rình rập khắp nơi. Chưa nói đến lương thực, thuốc men thiếu thốn, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến người ta lạnh cả người mà sớm bỏ về thôi.

Để vượt qua tất cả khó khăn ấy, anh thanh niên vừa tự lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vừa tự an ủi mình bằng một lí tưởng cao đẹp. Anh ấy không hề thấy cô độc. Anh thấy xung quanh anh có biết bao người đang ngày đêm làm việc như thế. Dù họ ở rất xa nhưng anh lại cảm thấy đang rất gần. Một khi tổ quốc nằm trong trái tim thì không có nơi nào là xa xôi, nhân dân nằm trong trái tim thì không ai còn xa lạ nữa. Lí tưởng của anh cũng là lí tưởng của bao nhiêu thanh niên trai trẻ khác đang từng ngày từng giờ dâng hiến cho đất nước. Anh hòa mình vào nhịp sống của đất nước, thực sự cảm nhận nhịp sống của cả dân tộc trong từng nhịp đập con tim.

Anh thanh niên là người có lối sống gọn gàng, sạch sẽ, tính tình cởi mở, lại rất hiếu khách. Khi đoàn chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của anh, anh đã xuống tận nơi để đón và rộn ràng kể chuyện cho chúng tôi nghe. Anh gửi tặng bác lái xe củ tam thất để bồi dưỡng sức khỏe vợ bác. Anh thật là chu đáo. Mấy hôm trước bác lái xe có bảo vợ ông bị ốm, thế là anh vội đi tìm tam thất làm quà.

Ấn tượng nhất với tôi lúc đó là giữa sự im lặng của đại ngàn lại có một người năng động, vui tươi đến thế. Anh hoàn toàn đối lập với hoàn cảnh xung quanh. Gặp anh tôi có cảm giác anh vừa bước ra khỏi một cuộc vui nào đó, sự nhộn nhịp của nó vẫn còn lan tỏa trong anh. Khi bước lên nơi anh ở, tôi kinh ngạc vô cùng. Nó không như những gì tôi đã tưởng tượng khi nghe bác lái xe kể. Một căn nhà sạch sẽ, với một bộ bàn ghế bằng tre nứa. Trên bàn, một ấm trà nóng đã sẵn. Mấy bộ quần áo móc ở góc nhà. Còn có mấy quyển sách được xếp gọn gàng ở đầu giường.

Anh còn trồng rau, trồng hoa và nuôi gà nữa chứ. Có lẽ, thời gian rảnh rỗi, anh tăng gia sản xuất cho bớt nhàm chán như là tìm thú vui trong cuộc sống đơn điệu này.

Anh thanh niên vô cùng tinh tế khi tranh thủ chạy lên trước. Tôi cứ ngỡ là anh chạy lên dọn dẹp đồ đạc trong nhà cho đàng hoàng để đón chúng tôi. Nhưng không phải, anh lên trước để cắt hoa tặng cô gái. Thật không thể kể hết niềm vui sướng và ngượng ngùng của cô kĩ sư khi nhìn thấy vườn hoa rực rỡ giữa mùa hè. Cô chỉ biết “ồ” lên một tiếng rồi quên mất e lệ, cô chạy đến bên người con trai đang cắt hoa

Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào câu chuyện của anh sau đó. Thú thật, lúc đó tôi chỉ biết ngồi mà lắng nghe. Mỗi lời nói của anh như chảy thằng vào lòng tôi. Tôi như đã bắt gặp một cái gì đó mà bấy lâu tôi ao ước. Đúng rồi! Đó là nghệ thuật, là cái đẹp ở đời. Ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Một nét mới đủ là giá trị của một chuyến đi dài.

Tôi vừa nói chuyện vừa hí hoáy viết vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Bác lái xe và cô kĩ sư cũng tranh thủ khám phá cuộc sống xung quanh anh. Tôi không thể vẽ, cũng không thể làm gì tốt hơn là cố viết thật nhanh, ghi lại những gì mình nghĩ. Hội họa thực sự bất lực trước cuộc đời. Hội họa có thể ghi lại cái hình dung của anh nhưng không làm sao có thể ghi được cái niềm tin, lí tưởng và tình yêu cuộc sống đang cuộn chảy trong anh. Tôi bỗng thấy ngòi bút lúc này cũng trở nên bất lực. Tôi quay trở ra vẽ.

Thế nhưng vẽ bây giờ cũng là một việc làm khó, nặng nhọc và gian nan. Phải làm sao và bằng cách nào làm cho người ta hiểu được anh ta mà không phải như hiểu một ngôi sao xa? và làm thế nào để đặt được chính tâm hồn tôi ở trong đó? Chao ôi, bắt gặp được một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác. Nhưng hoàn thành sáng tác là một chặng đường dài. Mặc dù nghĩ vậy nhưng tôi cũng cố vẽ, chấp nhận thử thách khắc nghiệt này. Dù người thanh niên đã có giới thiệu một vài người khác nhưng vẫn ngồi yên cho tôi vẽ.

Tôi vẽ anh. Tôi vẽ cái tinh thần của anh. Nhưng dường như tôi không đang vẽ. Tôi đang kể chuyện bằng nét vẽ. Tôi không đủ tài năng để vẽ hết được điều tôi đang nghĩ. Nó thật quá lớn lao. Nó vượt quá sự dung chứa của tâm hồn tôi. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

Tôi lại băn khoăn suy nghĩ. Người thanh niên đáng yêu thật nhưng làm tôi nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh, về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét khi ra gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong đầu óc người khác. Có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng.

Buổi gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc. Ba mươi phút trôi qua như chớp nhoáng. Tôi thấy tiếc quá, tôi muốn ở lại thêm chút nữa nhưng không được. Bác lái xe thúc giục chúng tôi lên đường. Ra đến cửa, tôi cầm tay anh lắc lắc nói sẽ quay lại và sẽ ở chơi trò chuyện với nah mấy hôm. Anh mỉm cười thật tươi gật đầu đồng ý. Lần lượt cô kĩ sư trẻ và bác lái xe cũng từ biệt anh. Ra đến cửa, anh ấn cái làn trứng vào tay tôi, nói làm quà và không thể tiễn chúng tôi xuống tới xe, vẻ mặt khó hiểu.

Kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai thật ý nghĩa. Tôi sẽ dành thời gian để hoàn thiện bức tranh này. Tôi sẽ làm cho mọi người hiểu rõ và trân trong anh, trân trong tất cả những con người đang âm thầm làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh không người. Họ thực sự là những anh hùng. Cuộc chiến của học không tiếng súng, không đổ máu nhưng không kém phần hiểm nguy và đáng sợ. Họ cần phải được biết đến, cần trân trọng và tôn vinh. Nhất định rồi, tôi sẽ làm tốt điều đó. Tôi sẽ trở lại nơi ấy một lần nữa. Và biết đâu, thế nào tôi cũng về ở hẳn ở đấy.

Xem thêm bài văn mẫu: Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Trên đây là một số bài văn mẫu hay với đề tài đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa mà thcs Hồng Thái thực hiện và sưu tầm, mong rằng gợi ý này sẽ giúp ích cho các em hoàn thành bài văn của mình. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại thcs Hồng Thái. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Em hãy đóng vai nhân vật ông họa sĩ kể lại truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa để trình bày về cuộc gặp gỡ thú vị với anh thanh niên trong tác phẩm.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button