Tra Cứu

Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Đề bài: Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

tho thien nhien trong uc trai thi tap va quoc am thi tap cua nguyen trai

 

Bạn đang xem: Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Phần 1: Dàn ý thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Xem chi tiết Dàn ý Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi tại đây

 

Phần 2: Bài văn mẫu Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Bài làm:

Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ lớn của Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Trãi đã để lại cho nhân loại một kho tàng đồ sộ các tác phẩm văn chương, tiêu biểu nhất là hai tập thơ lớn: “Ức trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”. Bàn về thiên nhiên trong hai tập thơ này chính là bàn về thiên nhiên trong thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, thơ về thiên nhiên trong hai tập thơ tuy cùng nói về thiên nhiên, nhưng thiên nhiên hiện hữu trong từng tập thơ lại mang những nét đặc trưng riêng.

Trước hết, chúng ta cùng bàn về những nét chung về thiên nhiên trong hai tập thơ này. Có thể khẳng định rằng, đối với thơ, Nguyễn Trãi có phần “ưu ái” với thiên nhiên, ông dành nhiều thi phẩm viết về thiên nhiên. Thứ nhất, thiên nhiên trong cả hai tập thơ đều có sự phong phú, đa dạng và tràn trề sức sống, bởi thiên nhiên vốn mang trong mình sự sống, có cảm nhận và truyền đạt được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên ấy không là phụ thuộc vào thi nhân. Muôn hình vạn trạng của thiên nhiên được truyền tải qua những vần thơ kể cả chữ Nôm hay chữ Hán, Nguyễn Trãi dù ở thời điểm nào của sự nghiệp vẫn luôn mang trong mình tâm hồn yêu thiên nhiên và đắm chìm trong thiên nhiên. Thứ hai, dù trong tình cảnh nào, Nguyễn Trãi vẫn luôn giữ gìn thứ tình cảm yêu thiên nhiên nồng nàn, tinh tế và sâu sắc, hòa mình vào thiên nhiên, trong thơ nào cũng thấy “tức cảnh sinh tình”, tình và cảnh nương tựa và ẩn hiện lẫn nhau. Thơ về thiên nhiên trong cả hai tập thơ đều chứa đựng tình yêu đó của Nguyễn Trãi, ông không hề phân biệt và tình yêu của ông với thiên nhiên là không bất biến. Cuối cùng, đối với thời kì trước, thơ ca chỉ lấy thiên nhiên làm công cụ, là đối tượng để dẫn dắt và truyền tải nội dung, cảm xúc, tâm tình (như thời Lý – Trần), thì ở hai tập thơ của Nguyễn Trãi lại khác hoàn toàn. Thiên nhiên trong cả hai tập thơ đã có một “danh phận”, trở thành đối tượng thẩm mỹ, trở thành cái để người đời cảm nhận và ấn tượng, đặt thiên nhiên làm trung tâm và để mọi thứ xoay quanh thiên nhiên.

Về nét khác nhau trong thơ thiên nhiên giữa “Ức trai thi tập” và “Quốc âm thi tập” ta bàn về cảm hứng thiên nhiên và cách thể hiện thiên nhiên ấy. Trong thơ chữ Hán – tập thơ “Ức trai thi tập”, cảm hứng thiên nhiên của Nguyễn Trãi là cảm hứng giao hòa, hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên với tình yêu đất nước. Đặc biệt mảng thơ về thiên nhiên đất nước chính là mảng thơ đặc sắc nhất trong “Ức trai thi tập”, những bài thơ không đơn thuần nhắc đến thiên nhiên mà còn nêu cụ thể địa danh nổi tiếng của đất nước. Ví dụ như bài thơ “Côn Sơn ca” nhắc đến địa danh Côn Sơn – Kiếp Bạc ở Hải Dương, bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” nhắc đến di tích lịch sử sông Bạch Đằng, ngoài ra còn nhiều địa danh khác như: Yên Tử, Vân Đồn, Dục Thúy,… Thiên nhiên trong những bài thơ này kì thực là một bức tranh hoành tráng, kì vĩ, như bài thơ “Đề Yên Tử sơn”:

“Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung”

Hơn thế, bức tranh thiên nhiên ấy còn được vẽ bằng những nét tinh tế, mượt mà và mĩ lệ, bài thơ “Dục Thúy sơn” có câu:

“Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn”

Trong thơ chữ Nôm – tập thơ “Quốc âm thi tập”, thiên nhiên đã có sự biến chuyển, Nguyễn Trãi nhắm đến những vẻ đẹp kì thú, đặc trưng và bình dị, mộc mạc, cảm hứng thơ về thiên nhiên mang đậm phong vị dân tộc, dân gian. Đó có thể đơn giản chỉ là cảnh non nước hữu tình, cảnh đêm khuya thanh vắng hay cảnh mùa xuân tươi mới. Bài thơ “Bảo kính cảnh giới” có nói về thiên nhiên đơn sơ, như câu thơ:

“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu”

Khác với vẻ kì vĩ, hoành tráng trong bức tranh thiên nhiên chữ Hán, bức tranh thiên nhiên trong “Quốc âm thi tập” là bức kí họa tự nhiên, giản dị, gần gũi và quen thuộc. Ngay cả những thứ rất đỗi tầm thường như cành cây, tổ chim, hoa hòe hay dậu mồng tơi cũng có mặt trong thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi, có thể nói thiên nhiên đã quá đỗi gần gũi, trở thành bạn bè thậm chí là gia đình với Nguyễn Trãi.

“Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên đã tịn mùi hương”

Như vậy, có thể thấy thơ thiên nhiên trong “Ức trai thi tập” và “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi cho người đọc cảm nhận được tấm lòng yêu thiên nhiên, quê hương đất nước của một con người anh hùng dân tộc, mang trong mình những nét tinh túy nhất của thời đại. Dù là thiên nhiên trong tập thơ nào cũng là thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, thuần khiết và đáng trân trọng.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button