Biện pháp tu từ và nghệ thuật được sử dụng trong bài Mùa xuân nho nhỏ
Để xác định được các biện pháp tu từ và nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, trước hết hãy cùng thcs Hồng Thái điểm lại một vài thông tin cơ bản và cần thiết về tác phẩm.
Bạn đang xem: Biện pháp tu từ và nghệ thuật được sử dụng trong bài Mùa xuân nho nhỏ
Vài nét về tác giả, tác phẩmMùa xuân nho nhỏ
Về tác giả:
– Thanh Hải (1930-1980), tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Bạn đang xem: Biện pháp tu từ và nghệ thuật được sử dụng trong bài Mùa xuân nho nhỏ
– Hoạt động văn nghệ từ kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông bám trụ ở lại quê hương, cầm súng, cầm bút và có công xây dựng văn học Cách mạng miền Nam từ những ngày đầu.
– Tác phẩm tiêu biểu: Huế mùa xuân (tập I – 1970, tập II – 1975); Dấu võng Trường Sơn;…
Về tác phẩm:
– Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ra đời tháng 11/1980, khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh và một tháng sau ông qua đời. Lúc này, đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới với muôn ngàn khó khăn, thử thách.
=> Bài thơ là một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ để lại cho đời. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc thành bài hát đồng hành cùng năm tháng.
Biện pháp nghệ thuật và tu từ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Chúng ta cùng đi phân tích bài thơ để khái quát lại những biện pháp tu từ và nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ nhé:
Với nét bút khoáng đạt, bức tranh mùa xuân thiên nhiên được nhà thơ phác họa bằng những hình ảnh tự nhiên, giản dị mà gợi cảm:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.
+ Xứ Huế vào xuân với “dòng sông xanh”, với “bông hoa tím biếc”. Sắc xanh hiền hòa của sông điểm xuyết nét chấm phá của bông hoa tím biếc gợi một sắc xuân tươi tắn, rực rỡ mà vẫn rất mực bình dị, dân dã mang đậm chất Huế.
+ Động từ “mọc” được đảo lên đầu câu thơ gợi ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp duyên dáng, và sức sống mạnh mẽ của bông hoa mùa xuân. Có thể là bông hoa lục bình, cũng có thể là bông trang, bông súng. Với sắc màu tím biếc mang nét đặc trưng của xứ Huế mộng mơ như đang vươn lên, đang trỗi dậy. Hoa tím biếc mọc trên dòng sông xanh – cái hài hòa, tự nhiên của màu sắc đem đến vẻ đẹp dịu nhẹ, thanh mát, say người của thiên nhiên ban tặng.
– Bức tranh mùa xuân xứ Huế không chỉ tươi tắn sắc màu mà còn rộn rã âm thanh:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.
Tiếng hót của chim chiền chiện mở ra một không gian mùa xuân cao vời và trong lành. Với từ cảm thán “Ơi” và lời hỏi “Hót chi”, Thanh Hải đã đưa vào lời thơ giọng điệu ngọt ngào, dịu nhẹ, thân thương của người dân xứ Huế, diễn tả cảm xúc vui say đến ngỡ ngàng trước một mùa xuân tươi đẹp – một mùa xuân giàu chất thơ.
– Trước mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, cảm xúc của thi nhân được gợi tả bằng những câu thơ giàu chất tạo hình:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
Xem thêm : 999+ Lời chúc 20/10 cho chị gái hay và có ý nghĩa
+ Đây là một hình ảnh đẹp – đẹp trong cách diễn đạt cảm xúc một cách tự nhiên, giản dị mà giàu sức biểu cảm. “Giọt long lanh rơi” có phải giọt sương, giọt nắng, giọt mưa, hay chính là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện đã ngưng đọng thành hình, thành khối, thành sức sống mùa xuân có sắc màu lóng lánh? Rõ ràng, âm thanh tiếng chim vô hình, vô ảnh vốn được cảm nhận bằng thính giác đã được hữu hình, hữu ảnh thành vật thể được cảm nhận bằng thị giác và xúc giác. Phép tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thi nhân vận dụng tài hoa, tinh tế qua trí tưởng tượng phong phú.
+ Trong cảm xúc của nhà thơ, âm thanh tiếng chim đồng nội trở thành giọt vui, giọt hạnh phúc ở đời đáng được nâng niu, trân trọng, để rồi: “Tôi đưa ta tôi hứng”. Lập lại hai lần đại từ “tôi” trong câu thơ năm chữ trở thành nhịp 3/2 cùng cử chỉ “hứng” đã diễn tả chân thực tâm trạng say sưa, ngây ngất của con người trước cảnh đất trời vào xuân.
=> Nói rằng “thi trung hữu họa”, ”thi trung hữu nhạc”, ”thi trung hữu tình”, ta thấy bức tranh mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được gợi ra từ những câu thơ như thế – một bức tranh mùa xuân thật thơ mộng, thật quyến rũ lòng người!
>>> Tham khảo thêm: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
+ Các điệp ngữ “mùa xuân”, “lộc”, “người” như trải rộng khung cảnh hiện thực gắn với cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân.
+ Nhà thơ đã sáng tạo cặp hình ảnh sóng đôi để nói về hai lực lượng chủ yếu của Cách mạng, hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước: người chiến sĩ và người lao động – bảo vệ và xây dựng đất nước.
+ Ẩn dụ “Lộc” tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc mang theo sức sống của mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem sức lao động cần cù, nhỏ giọt mồ hôi làm nên màu xanh của ruộng đồng.
=> Người chiến sĩ và người lao động đã đem mùa xuân, gieo mùa mùa xuân đến mọi miền đất nước. Họ trở thành những con người làm ra mùa xuân, bảo vệ mùa xuân. Và họ đã làm nên cái giai điệu chính của bản hợp xướng mùa xuân, tạo nhịp điệu hối hả, hào hùng:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.”
– Nghệ thuật điệp ngữ “tất cả”, các từ láy “hối hả”, “xôn xao” làm nổi bật không khí náo nức, khẩn trương của đất nước khi bước vào mùa xuân mới.
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
+ Với nghệ thuật hoán dụ “Đất nước bốn ngàn năm”: biểu hiện bề dày truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, một dân tộc cần cù, chịu khó, không chấp nhận dưới sự bóc lột của đế quốc xâm lăng, sẵn sàng anh dũng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ tổ quốc.
+ Phép tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc – “Đất nước như vì sao”. Sao là nguồn sáng kì diệu của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế là tác giả đã ca ngợi đất nước đẹp lung linh tỏa sáng như vì sao với tư thế đi lên.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hót
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
– Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta” – “hoa” – “ca”.
– Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm” – “nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ – hóa thân để sống đẹp, sống có ích.
– Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm.
– Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung.
– Hình ảnh “nốt trầm” và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là “một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung.
-> Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
– Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm: làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.
– Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
– Điệp từ: “Dù là” như nhấn mạnh ước nguyện cống hiến cho đời của tác giả là không kể thời gian, tạo âm điệu thơ sâu lắng, ý nghĩa.
Tham khảo bài văn mẫu: Phân tích đoạn thơ 4, 5 trong bài Mùa xuân nho nhỏ
// Trên đây là thống kê những biện pháp nghệ thuật và tu từ được sử dụng trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mà các em có thể dùng để ôn tập thật tốt kiến thức và dùng để hỗ trợ phân tích bài thơ này nhé!
Chi tiết các biện pháp nghệ thuật và tu từ được sử dụng trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu