Tra Cứu

Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều

Đề bài: Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều

than phan nguoi phu nu qua chuyen nguoi con gai nam xuong va cac doan trich trong truyen kieu

Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều
 

Bạn đang xem: Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều

I. Dàn ý Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Thân phận người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương.

* Phẩm cách tốt đẹp:
– Nhà nghèo, thế nhưng lại là một người con gái có nhan sắc xinh đẹp, nhân phẩm cao quý.
– Khi chồng nàng phải tòng quân đánh giặc xa nhà, mẹ chồng vì nhớ con trai mà ốm đau nàng vẫn luôn hết lòng chăm sóc như mẹ đẻ, lúc bà mất nàng cũng lo toan tang lễ thật chu toàn.
– Một thân một mình, nàng sinh con sau đó lại nuôi nấng, chăm bẵm hết lòng cho đứa con trai nhỏ, một lòng thủy chung đợi ngày chồng trở về sum họp.

* Số phận bất hạnh:
– Vũ Nương khi ở nhà chồng dù đã hết mực làm tròn bổn phận, nhưng vẫn phải dè dặt cẩn trọng vì sợ chồng ghen tuông.
– Đến khi vất vả chờ được chồng trở về thì chỉ vì một câu nói khờ dại của đứa con lên ba, mà nàng hàm oan tội bất trinh với chồng.
– Không được chồng tin tưởng, Vũ Nương vì khuất nhục, vì cùng đường mà phải chọn giải pháp tự kết liễu để minh oan cho bản thân.
=> Tư tưởng trọng nam khinh nữ và việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không có tiếng nói, không được bênh vực, phải phụ thuộc vào gia đình nam nhi, đã khiến cho họ dễ dàng bị rơi vào bế tắc và chịu nhiều thiệt thòi.
– Sống lại dưới thủy cung có cuộc sống cẩm y ngọc thực, chứng minh được oan khuất thế nhưng Vũ Nương vẫn không được đoàn tụ với chồng con, phải chịu cảnh cô đơn đời đời dưới đáy nước.
=> Chung quy lại, dù thế nào bản thân Vũ Nương vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau nhất, câu chuyện là minh chứng cho việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đương thời chưa bao giờ có hạnh phúc.
– Câu chuyện phản ánh thân phận bèo bọt của người phụ nữ xưa, phản ánh sự bất công, cổ hủ của chế độ phong kiến lỗi thời, phản ánh cả những cuộc chiến tranh vô nghĩa đã khiến các gia đình ly tán, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn luôn là người phụ nữ.

b. Thân phận người phụ nữ trong Truyện Kiều:

* Hoàn cảnh của Thúy Kiều:
– Thúy Kiều là con gái nhà giàu, lại có nhan sắc chim sa cá lặn, tài văn chương thơ phú “thông minh vốn sẵn tính trời”, thêm ngón hồ cầm tinh thông.
– Kiều có lẽ là hình tượng người con gái mang vẻ đẹp toàn diện và tuyệt đối trong văn học Việt Nam.
– Bản thân Thúy Kiều còn có tự do lựa chọn cho mình một tình yêu đẹp với Kim Trọng, thậm chí cả hai đã đến hồi đính ước.

* Thân phận bọt bèo, hồng nhan bạc mệnh:
– Nhà Kiều lâm đại nạn, cha và em bị bắt giải đi, Thúy Kiều đành phải bỏ “tình”, theo “hiếu”, bán mình làm lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em, bội ước với Kim Trọng, nhờ em gái của mình là Thúy Vân trả nghĩa cho chàng.
– Thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến quả thực quá mong manh và nhỏ bé. Mới hôm trước còn là tiểu thư đài các, thì ngày nay đã trở thành một món hàng được người ta ngã giá, trở thành thiếp cho một người đàn ông đáng tuổi cha chú, phải nén đau thương từ biệt gia đình, từ bỏ tình yêu đầu đời.
=> Nhan sắc, tài năng của người phụ nữ đứng trước tư tưởng trọng nam khinh nữ, trước sự bất công của xã hội hoàn toàn không có một chút phân lượng nào, cùng lắm chỉ đáng giá vài ba trăm lượng bạc trắng, đổi một kiếp người.
– Thúy Kiều phải sống một cuộc đời đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng trăm bề trong lầu xanh sau nhiều lần bị lừa dối bởi những gã đàn ông đáng ghê tởm.
– Khi Thúy Kiều gặp Thúc Sinh, Kiều lại rơi vào nỗi khổ ải với chế độ đa thê phong kiến, một lần nữa phải gánh chịu những nhục nhã, chèn ép từ người vợ cả của Thúc Sinh, lần nữa chịu áp bức dưới cường quyền.
=> Nhan sắc, tài năng của nàng trở thành thứ khiến người ta ghen ghét, đố kỵ và tìm cách trừ khử.
=> Thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến phải chịu quá nhiều bất công và khổ sở, không chỉ vậy tài năng và nhân phẩm của họ cũng không hề được coi trọng và đánh giá một cách đúng đắn.

3. Kết bài

Khái quát giá trị của 2 tác phẩm
 

II. Bài văn mẫu Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều

Nền văn học trung đại thế kỷ XVI trở đi có lẽ đã đánh dấu một xu hướng nhận thức mới mẻ trong tư tưởng của các văn nhân thi sĩ, của các nhà nho đương thời về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ và Nguyễn Du dù sinh sống tại các thời đại cách nhau đến gần 2 thế kỷ thế nhưng ở hai tác giả lại có một điểm tương đồng trong các sáng tác của mình đó là tấm lòng xót thương, cảm thông cho thân phận nhỏ bé, yếu đuối của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến cổ hủ lạc hậu, khiến họ phải chịu nhiều thương tổn, oan khuất, dù rằng bản thân họ có nhiều những đức tính tốt đẹp. Mà ta có thể thấy rất rõ tư tưởng này thông qua các tác phẩm nổi tiếng như Chuyện người con gái Nam Xương (nằm trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và các đoạn trích của Truyện Kiều (Nguyễn Du).

Trước hết nói về thân phận người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Trước hết nói về những phẩm chất đáng quý của Vũ Nương, nàng tuy là con gái nhà nghèo, thế nhưng lại là một người con gái có nhan sắc xinh đẹp, nhân phẩm cao quý. Chính vì vậy Trương Sinh con trai nhà phú hộ mới không màng đến chuyện môn đăng hộ đối mà dành cả trăm lượng bạc, sính lễ hậu hĩnh để rước nàng về làm vợ hiền dâu thảo. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng êm ấm chưa được bao lâu thì chồng nàng phải tòng quân đánh giặc xa nhà, để lại nàng đang mang thai và người mẹ chồng già yếu. Là một người con gái đức hạnh thế nên khi mẹ chồng vì nhớ con trai mà ốm đau nàng vẫn luôn hết lòng chăm sóc như mẹ để, lúc bà mất nàng cũng lo toan tang lễ thật chu toàn, không có gì có thể chê trách được. Rồi sau đó còn một thân một mình, nàng sinh con sau đó lại nuôi nấng, chăm bẵm hết lòng cho đứa con trai nhỏ, một lòng thủy chung đợi ngày chồng trở về sum họp. Những tưởng một người đàn bà có tấm lòng hiếu thuận, thương yêu chồng con, cùng nhan sắc xinh đẹp như vậy, ắt hẳn khổ tận rồi cũng đến ngày cam lai. Thế nhưng không, Vũ Nương khi ở nhà chồng dù đã hết mực làm tròn bổn phận, nhưng vẫn phải dè dặt cẩn trọng vì sợ chồng ghen tuông. Đến khi vất vả chờ được chồng trở về thì chỉ vì một câu nói khờ dại của đứa con lên ba, mà nàng hàm oan tội bất trinh với chồng. Cuối cùng vì giải thích trăm bề mà không được chồng tin tưởng, Vũ Nương vì khuất nhục, vì cùng đường mà phải chọn giải pháp tự kết liễu để minh oan cho bản thân. Có thể nói rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ và việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không có tiếng nói, không được bênh vực, phải phụ thuộc vào gia đình nam nhi, đã khiến cho họ dễ dàng bị rơi vào bế tắc và chịu nhiều thiệt thòi. Nguyễn Dữ vì thấu hiểu và thông cảm cho số phận của người phụ nữ thế nên đã cho Vũ Nương một cái kết đỡ bất công hơn, ấy là để nàng sống lại dưới thủy cung có cuộc sống cẩm y ngọc thực. Thế nhưng suy xét kỹ thì đó vẫn là một cái kết không vẹn toàn, bởi lẽ dù được sống lại, chứng minh được oan khuất thế nhưng Vũ Nương vẫn không được đoàn tụ với chồng con, phải chịu cảnh cô đơn đời đời dưới đáy nước. Chung quy lại, dù thế nào bản thân Vũ Nương vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau nhất, câu chuyện là minh chứng cho việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đương thời chưa bao giờ có hạnh phúc. Họ bị đối xử quá bất công, dù có bỏ bao nhiêu công lao, hy sinh hay một lòng trung trinh thì cũng dễ dàng bị gạt bỏ và phủ nhận, cuối cùng phải chịu kết quả bi thương. Điều đó không chỉ phản ánh thân phận bèo bọt của người phụ nữ xưa, mà còn phản sự bất công, cổ hủ của chế độ phong kiến lỗi thời, phản ánh cả những cuộc chiến tranh vô nghĩa đã khiến các gia đình ly tán, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn luôn là người phụ nữ.

Hai trăm năm sau, Nguyễn Du đã xuất hiện trên nền văn học trung đại Việt Nam như một ngôi sao sáng, hầu hết các tác phẩm của ông đều mang tư tưởng nhân đạo sâu sắc, với đối tượng chủ yếu là người phụ nữ tài sắc nhưng cuộc đời lắm trái ngang bất hạnh. Điều đó đã cho thấy một sự thật rõ ràng rằng sau hơn hai trăm năm bãi biển nương dâu, thương hải tang điền, thì thân phận người phụ nữ, vai trò và giá trị của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến vẫn không hề thay đổi. Họ vẫn phải chịu nhiều bất công, nhiều đớn đau và uất hận nhất, cũng chẳng mấy ai chú ý và thương cảm cho cuộc đời họ ngoài một số văn nhân, thi sĩ có tư tưởng khoáng đạt như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, và các nhà thơ nữ ý thức sâu sắc về thân phận mình như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du từng là một nhân vật nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, tuy nhiên xét về khía cạnh nhân văn nhân đạo thì đích thị nàng là một trong những nạn nhân thê thảm và đáng thương nhất của chế độ phong kiến hà khắc, cổ hủ và lạc hậu. Thúy Kiều có xuất phát điểm tốt hơn Vũ Nương, nàng là con gái nhà giàu, lại có nhan sắc chim sa cá lặn, tài văn chương thơ phú “thông minh vốn sẵn tính trời”, thêm ngón hồ cầm tinh thông. Thành thử Kiều có lẽ là hình tượng người con gái mang vẻ đẹp toàn diện và tuyệt đối trong văn học Việt Nam. Không chỉ vậy bản thân Thúy Kiều còn có tự do lựa chọn cho mình một tình yêu đẹp với Kim Trọng, thậm chí cả hai đã đến hồi đính ước. Thế nhưng cũng như Vũ Nương, Thúy Kiều không vì những phẩm chất tốt đẹp của bản thân mà được hưởng cuộc sống hạnh phúc dài lâu. Đầu tiên nhà Kiều lâm đại nạn, cha và em bị bắt giải đi, bị đánh đập, tài sản nhà cửa bị niêm phong, tai họa đổ ập xuống đôi vai bé nhỏ của người con gái mới chớm tuổi cập kê. Trước tình cảnh khốn cùng đó, Thúy Kiều đành phải bỏ “tình”, theo “hiếu”, bán mình làm lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em. Đồng thời bội ước với Kim Trọng, nhờ em gái của mình là Thúy Vân trả nghĩa cho chàng. Thông qua những chi tiết này người ta có thể nhận định rằng thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến quả thực quá mong manh và nhỏ bé. Mới hôm trước còn là tiểu thư đài các, thì ngày nay đã trở thành một món hàng được người ta ngã giá, trở thành thiếp cho một người đàn ông đáng tuổi cha chú, phải nén đau thương từ biệt gia đình, từ bỏ tình yêu đầu đời. Trước những biến cố đổi dời như thế, Thúy Kiều hoàn toàn không có sức phản kháng, cũng không thể xoay chuyển được tình huống và phải cam chịu khuất phục trước số phận bọt bèo của mình. Bao nhiêu nhan sắc, tài năng của người phụ nữ đứng trước tư tưởng trọng nam khinh nữ, trước sự bất công của xã hội hoàn toàn không có một chút phân lượng nào, cùng lắm chỉ đáng giá vài ba trăm lượng bạc trắng, đổi một kiếp người. Nhưng cuộc đời Kiều không dừng lại ở việc làm vợ lẽ cho người ta, mà nàng còn bị đẩy đến bước đường buôn phấn bán hương. Sống một cuộc đời đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng trăm bề sau nhiều lần bị lừa dối bởi những gã đàn ông đáng ghê tởm. Trong mắt những kẻ này, Thúy Kiều là một món lợi, bọn chúng lợi dụng sắc đẹp của nàng, rồi biến nàng thành những khoản tiền cho mình, chẳng bao giờ có sự xót thương, thấu hiểu gì với nàng. Cho đến khi Thúy Kiều gặp Thúc Sinh, những tưởng là đã gặp được vị cứu tinh của cuộc đời, nhưng đời Kiều lại rơi vào nỗi khổ ải với chế độ đa thê phong kiến, một lần nữa phải gánh chịu những nhục nhã, chèn ép từ người vợ cả của Thúc Sinh, lần nữa chịu áp bức dưới cường quyền. Nhan sắc, tài năng của nàng trở thành thứ khiến người ta ghen ghét, đố kỵ và tìm cách trừ khử. Có thể nói rằng thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến phải chịu quá nhiều bất công và khổ sở, không chỉ vậy tài năng và nhân phẩm của họ cũng không hề được coi trọng và đánh giá một cách đúng đắn. Thân làm kiếp đàn bà ở thời đại này, đã xác định là không có được hạnh phúc mà mình muốn, kẻ may mắn thì được an yên nhẫn nhịn một đời, kẻ xui xẻo thì phải chịu trăm ngàn đắng cay, cuộc đời nhục nhã, sống không bằng chết đi.

Thông qua hai tác phẩm tiêu biểu về thân phận người phụ nữ dưới chế độ cũ là Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều, ta nhận thấy rằng những người phụ nữ xưa đã phải nhận quá nhiều bất công và trái ngang trong cuộc đời, họ không có quyền tự do, không có quyền được mưu cầu hạnh phúc, không được coi trọng, dù đẹp xấu, giàu nghèo thì cuộc đời cũng gắn với hai chữ bọt bèo trôi nổi không biết là về đâu. Mà cho đến ngày hôm nay khi xã hội đã đổi thay, đọc lại ta mới lại càng thấy trân trọng, yêu thương và thông cảm cho thận phận tội nghiệp, xót xa của biết bao nhiêu kiếp hồng nhan thuở xưa.

Bài Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều là những phân tích cơ bản về thân phận người phụ nữ qua hai tác phẩm nổi tiếng là Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều, để tìm hiểu sâu hơn về hai tác phẩm này mời các em tham khảo thêm các bài viết Cảm nhận về Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, Phân tích tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button