Tra Cứu

Chí Mạng hay Trí Mạng mới là cách dùng đúng chính tả, nguồn gốc ý nghĩa

Chí Mạng hay Trí Mạng mới đúng chính tả, nguồn gốc và ý nghĩa của từ Trí Mạng, Chí Mạng là gì. Câu hỏi này đã gây nhiều tranh cãi, đặc biệt khi tờ báo uy tín bậc nhất Việt Nam trong một bài báo đã dùng từ Trí Mạng thay vì Chí Mạng. Nhưng người dùng phổ thông hiện nay lại có xu hướng dùng từ Chí Mạng nhiều hơn, như Đòn Chí Mạng. Vậy Trí Mạng hay Chí Mạng mới đúng.

Trí mạng là cách dùng đúng chuẩn hơn Chí Mạng

Trí Mạng mới là đúng, nhưng dùng Chí Mạng cũng được

Yeutrithuc.com đã lần giở các từ điển tiếng Việt, hay từ điển Hán Việt thì thấy từ Trí Mạng đã được dùng rất lâu rồi, nên Trí Mạng mới là chính xác, gốc Hán tự là 致命, đọc phiên âm tiếng Việt là Trí Mệnh.

– Xum xuê hay Sum Suê

‐ Tập Trung hay Tập Chung

Tuy nhiên, xã hội lại dần có xu hướng dùng từ Chí Mạng thay vì Trí Mạng. Nhìn chung, cách viết Trí Mạng mới là cách viết đúng hơn, còn từ Chí Mạng xuất hiện sau, chưa chuẩn và không phổ biến trong các tập từ điển trước đó. Dẫu vậy, dân gian và cộng đồng mạng lại viết Chí Mạng khá nhiều.

Bởi khá nhiều từ tiếng Việt có tính liên quan tới từ Chí Mạng, như Bạn Chí Cốt, Chạy Chí Chết, bạn Chí Thân, Chí Thiết…hay như Chí tình Chí lí, giáng đòn Chí tử. Đây là một phần lí do dẫn đến tình trạng dùng từ Chí Mạng ngày càng nhiều trong xã hội. Với lại người miền Bắc, đặc biệt Hà Nội trong giao tiếp, văn nói đều bỏ âm TR để phát âm thành âm CH.

Ngày nay, xã hội dần chấp nhận từ Chí Mạng và quên dần cách viết chuẩn gốc là Trí Mạng. Mà ngôn ngữ thì luôn luôk thay đổi, nên cách viết Chí Mạng cũng là đúng. Nói cách khác, Chí mạng cũng là Trí mạng.

Nguồn gốc của Trí Mạng trong các cuốn từ điển

Lật giở những trang từ điển uy tín bậc nhất của tiếng Việt, Hán Việt, ta đều thấy từ Trí Mạng xuất hiện trước từ lâu và phổ biến hơn rất nhiều Chí Mạng.

Gốc Hán Việt từ Trí Mạng có Hán tự là 致命, đọc thành Trí Mệnh.

– Theo cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Trí Mạng nghĩa là “liều mạng sống, chịu chết”. Cuốn Việt Nam từ điển và của Thanh Nghị cũng giải thích ý nghĩa tương tự.

– Chưa hết, cuốn từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích Trí Mạng có nghĩa là “có thể nguy hiểm đến tính mạng”. “Từ điển Trung – Việt” (Viện KHXHVN, 2006, tr1261) cũng giảng “致命 trí mạng: có thể làm chết người; vết thương chết người, nhược điểm chết người”.

– Tìm hiểu sâu hơn tí, ta thấy từ Hán 致命 trong Hán Nga từ điển, Hán Anh từ điển, hay từ điển tiếng Nhật, đều diễn tả 2 nghĩa chính: (1) xả thân, liều lĩnh, không quản hi sinh và (2) nguy hiểm tính mạng, có thể dẫn tới tử vong. Trong đó, chữ “Trí”(致) có nghĩa là “gây nên” và “tới mức” (TĐTV, Viện KHXHVN, 2006) hay “dẫn đến”, “mắc” (vào, phải) (TĐH-V Hầu Hàn Giang, 1997). Vì thế, từ Trí Mạng có nghĩa là “đến mức chết, đến mức tử vong, đến mức nguy hiểm tính mạng”. Theo cùng lập luận đó ta có từ Trí Tử, với chữ Tử là “chết”, cũng mang nghĩa tương tự. Từ Trí này cũng là “trí” trong “nhất trí” (一致) hiểu theo nghĩa là “dẫn đến thành một”.

– Trong 3 từ điển uy tín bậc nhất, gồm Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895, Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh xuất bản lần đầu năm 1932, Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính, tất cả đều không thấy từ Chí Mạng mà chỉ giải thích từ Trí Mạng.

– Riêng cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) bản in 1992, có nhắc tới và giải thích cả hai từ này.

Kết luận về Trí Mạng và Chí Mạng

Từ Trí Mạng đã có từ trước là cách dùng đúng nhất, nhưng cách dùng Chí Mạng cũng không hẳn là sai vì được xã hội dần chấp nhận. Mà ngôn ngữ thì nhiều người dùng sẽ thành chuẩn mực chung. Tờ báo Tuổi Trẻ từng kết luận rằng, Chí Mạng cũng là Trí Mạng, sau những tranh cãi về bài báo dùng Trí Mạng của họ. Giờ thì các bạn yên tâm rồi nhé.

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button