Tra Cứu

Tuyến vú tăng sản không điển hình là gì, có nguy hiểm không?

Tuyến vú tăng sản không điển hình là một dạng tổn thương tiền ung thư vú mà bạn nên biết. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có tuyến vú tăng sản không điển hình đối diện nguy cơ mắc ung thư cao gấp 4 lần người bình thường. Vậy tuyến vú tăng sản không điển hình là gì? Bệnh có nguy hiểm không? [1]

tăng sản không điển hình

Tăng sản không điển hình của biểu mô tuyến vú là gì?

Tăng sản không điển hình (AH) là 1 tình trạng tiền ung thư ảnh hưởng đến các tế bào tuyến vú, mô tả sự tích tụ của các tế bào bất thường trong ống dẫn sữa và tiểu thùy của vú.

Tăng sản không điển hình ở vú không phải ung thư nhưng nó làm tăng nguy cơ ung thư vú. Trong suốt cuộc đời của bạn, nếu các tế bào tăng sản không điển hình (AH) trở nên bất thường hơn có thể chuyển thành ung thư vú không xâm lấn (ung thư biểu mô tại chỗ) hoặc ung thư vú xâm lấn.

Nếu bạn được chẩn đoán vú tăng sản không điển hình, bạn sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn trong tương lai. Vì lý do này, các bác sĩ thường đề nghị sàng lọc ung thư vú chuyên sâu và dùng thuốc phòng ngừa để giảm nguy cơ ung thư vú.

Triệu chứng vú tăng sản không điển hình

Tăng sản không điển hình ở vú thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Nguyên nhân tăng sản không điển hình

Không rõ nguyên nhân gây ra tăng sản không điển hình. Tuy nhiên, tình trạng này hình thành khi các tế bào vú trở nên bất thường về số lượng, kích thước, hình dạng,….

Sự xuất hiện của các tế bào bất thường xác định loại tăng sản không điển hình (AH):

  • Tăng sản ống dẫn sữa không điển hình (ADH): khi có các tế bào bất thường trong ống dẫn sữa.
  • Tăng sản tiểu thùy vú không điển hình (ALH): khi có các tế bào bất thường trong tiểu thùy vú.

Tuyến vú tăng sản không điển hình được cho là 1 phần của quá trình chuyển đổi phức tạp của các tế bào có thể tích tụ và phát triển thành ung thư vú. Sự tiến triển của ung thư vú thường bao gồm 4 mức độ:

  • Tăng sản: quá trình phát triển và tăng trưởng của tế bào bình thường bị gián đoạn, gây ra sự sản xuất quá mức các tế bào giống bình thường.
  • Tăng sản không điển hình: các tế bào tăng sản quá mức xếp chồng lên nhau và bắt đầu có hình dạng bất thường.
  • Ung thư không xâm lấn (tại chỗ): các tế bào bất thường tiếp tục phát triển về hình thái và nhân lên, phát triển thành ung thư nhưng vẫn giới hạn trong các ống dẫn sữa.
  • Ung thư xâm lấn: các tế bào bất thường tích tụ trong ống dẫn và tiếp tục nhân lên và chuyển đổi để trở thành tế bào ung thư, xâm lấn các mô xung quanh, mạch máu hoặc các kênh bạch huyết.
Nguyên nhân tăng sản không điển hình
Tăng sản không điển hình ở vú là một tổn thương tiền ung thư của vú

Biến chứng và nguy cơ tiền ung thư vú

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc chứng tăng sản không điển hình (AH), bạn có nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai cao hơn khoảng 4 lần so với những người không bị tăng sản không điển hình (AH), nguy cơ này tăng theo thời gian:

  • Sau 5 năm chẩn đoán

Khoảng 7% phụ nữ bị tăng sản không điển hình (AH) có thể phát triển ung thư vú. Nói cách khác, cứ 100 phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng tăng sản không điển hình (AH) thì 7 người có thể phát triển ung thư vú sau 5 năm chẩn đoán.

  • Sau 10 năm chẩn đoán

Sau 10 năm kể từ khi chẩn đoán, khoảng 13% phụ nữ bị tăng sản không điển hình có thể phát triển ung thư vú.

  • Sau 25 năm chẩn đoán

Sau 25 năm kể từ khi chẩn đoán, khoảng 30% phụ nữ bị tăng sản không điển hình có thể phát triển ung thư vú.

Chẩn đoán vú tăng sản không điển hình

Để chẩn đoán vú tăng sản không điển hình, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện:

  • Chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm

Tăng sản không điển hình (AH) thường được phát hiện sau khi sinh thiết kim để đánh giá một tổn thương nghi ngờ được tìm thấy trong quá trình khám vú lâm sàng hoặc kiểm tra hình ảnh như chụp X – quang tuyến vú hoặc siêu âm.

  • Sinh thiết mô tổn thương

Để đánh giá thêm tình trạng tăng sản không điển hình (AH), bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật lấy một mẫu mô lớn hơn để tìm ung thư vú, thông thường phải cần phẫu thuật sinh thiết (cắt bỏ rộng hoặc cắt bỏ khối u) để đảm bảo chẩn đoán chính xác.

Điều trị bệnh thế nào?

Tăng sản không điển hình (AH) thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ các tế bào bất thường và để đảm bảo không có ung thư tại chỗ hoặc ung thư xâm lấn.

Các bác sĩ thường đề nghị tầm soát ung thư vú chuyên sâu hơn (nhóm nguy cơ cao) và dùng thuốc để giảm nguy cơ ung thư vú.

Điều trị tăng sản không điển hình
Chụp X-quang tuyến vú định kỳ để phát hiện những bất thường ở tuyến vú.

Phòng ngừa tăng sản không điển hình ở vú

Các xét nghiệm tiếp theo để sàng lọc ung thư vú, giúp tăng khả năng phát hiện sớm, khi đó khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn, bao gồm:

  • Tự kiểm tra tuyến vú để nâng cao nhận thức về vú, phát triển thói quen với tuyến vú bình thường và phát hiện bất kỳ thay đổi bất thường nào ở vú.
  • Khám vú lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa vú theo lịch khám sàng lọc trong chương trình chăm sóc sức khỏe của bạn hàng năm.
  • Chụp X-quang tuyến vú hàng năm.
  • Các xét nghiệm sàng lọc ung thư vú bổ sung như siêu âm tuyến vú và chụp cộng hưởng từ vú sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên các yếu tố nguy cơ ung thư vú khác của bạn.

Các cách giảm nguy cơ ung thư vú:

  • Uống thuốc phòng ngừa: điều trị bằng thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc như tamoxifen hoặc raloxifene, uống trong 5 năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn estrogen liên kết với các thụ thể estrogen trong mô vú.
    • Estrogen được cho là thúc đẩy sự phát triển của một số bệnh ung thư vú.
    • Tamoxifen là loại thuốc duy nhất được phép sử dụng cho phụ nữ tiền mãn kinh.
    • Một lựa chọn khác cho phụ nữ mãn kinh có thể là chất ức chế aromatase như exemestane (Aromasin) và anastrozole (Arimidex), làm giảm sản xuất estrogen trong cơ thể.
  • Tránh liệu pháp hormone mãn kinh: các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng liệu pháp hormone kết hợp để điều trị các triệu chứng mãn kinh – estrogen cộng với progestin – làm tăng nguy cơ ung thư vú sau khi mãn kinh.
  • Tham gia thử nghiệm lâm sàng: các thử nghiệm lâm sàng thử nghiệm các phương pháp điều trị mới chưa được công bố rộng rãi có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ ung thư vú liên quan đến tăng sản không điển hình (AH).
  • Cân nhắc phẫu thuật đoạn nhũ (phòng ngừa) để giảm thiểu nguy cơ: nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư vú rất cao, phẫu thuật đoạn nhũ để giảm nguy cơ (một hoặc cả hai vú) có thể là một lựa chọn để giảm nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai.
    • Nguy cơ mắc ung thư vú rất cao nếu bạn bị đột biến một trong các gen gây ung thư vú hoặc bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú rất cao, điều này cho thấy khả năng bạn bị đột biến gen như vậy.
    • Thảo luận với bác sĩ của bạn về những nguy cơ, lợi ích và hạn chế của phẫu thuật đoạn nhũ phòng ngừa tùy theo hoàn cảnh của bạn.
    • Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, bạn có thể gặp chuyên gia tư vấn di truyền để đánh giá nguy cơ mang đột biến gen và vai trò của xét nghiệm di truyền trong trường hợp của bạn.
  • Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh: sinh hoạt lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày của bạn để giảm nguy cơ ung thư vú. Ví dụ, tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc và hạn chế uống rượu.

Bạn cần được hỗ trợ gì?

Chẩn đoán tăng sản không điển hình (AH) có thể gây căng thẳng vì nó làm tăng nguy cơ ung thư vú. Theo thời gian, bạn sẽ có cách riêng của mình để đối phó với chứng tăng sản không điển hình (AH) và nguy cơ ung thư vú gia tăng. Cho đến khi bạn tìm ra cách đối phó, hãy cân nhắc cố gắng:

1. Hiểu nguy cơ ung thư vú của bạn

  • Thống kê nguy cơ ung thư vú qua theo dõi nhiều phụ nữ bị tăng sản không điển hình (AH) và họ phát hiện ung thư vú. Tuy nhiên không ai thể cho bạn biết về nguy cơ ung thư vú của chính bạn.
  • Yêu cầu bác sĩ giải thích nguy cơ ung thư vú của cá nhân bạn. Một khi bạn hiểu được nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của bản thân, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra quyết định về việc điều trị của mình.

2. Bạn nên khám đủ các cuộc hẹn theo dõi sức khỏe

  • Nếu bạn đã được chẩn đoán tăng sản không điển hình (AH), bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc ung thư vú thường xuyên hơn. Bạn có thể thấy mình phân tâm vì lo lắng trước mỗi lần khám vì bạn sợ bác sĩ sẽ phát hiện ra ung thư vú.
  • Đừng để nỗi sợ ngăn cản bạn đến các cuộc hẹn. Thay vào đó, hãy chấp nhận rằng nỗi sợ hãi là bình thường và tìm cách đối phó. Hãy thư giãn, viết cảm xúc của bạn vào nhật ký hoặc dành thời gian cho một người bạn thân có thể vực dậy tinh thần của bạn.

3. Duy trì sức khỏe của bạn

  • Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh để giữ cho mình khỏe mạnh như: tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc và hạn chế uống rượu nếu bạn chọn uống rượu.
  • Bạn không thể kiểm soát việc mình có bị ung thư vú hay không, nhưng bạn có thể giữ gìn sức khỏe để có đủ sức khỏe điều trị ung thư vú nếu cần.

4. Nói chuyện với những người khác giống tình huống của bạn

  • Kết nối với những người khác đã được chẩn đoán mắc chứng tăng sản không điển hình (AH).
  • Hỏi bác sĩ về các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng của bạn.

Bạn chuẩn bị gì khi gặp bác sĩ?

Chuẩn bị cho cuộc hẹn với bác sĩ của bạn: nếu chụp X-quang tuyến vú cho thấy một khu vực đáng ngờ trong vú của bạn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa vú hoặc một trung tâm chuyên khoa về vú.

1. Những điều bạn có thể làm

  • Vì các cuộc hẹn có thể ngắn gọn và vì có nhiều thông tin cần thảo luận nên bạn nên chuẩn bị sẵn sàng. Vào thời điểm bạn đặt lịch hẹn, hãy nhớ hỏi trước xem bạn có cần làm gì không, ví dụ như chế độ ăn uống của bạn.
  • Viết ra bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, bao gồm bất kỳ triệu chứng nào có vẻ không liên quan đến lý do bạn lên lịch hẹn.
  • Viết ra những thông tin cá nhân quan trọng, bao gồm mọi căng thẳng lớn hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng.
  • Cân nhắc đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng. Đôi khi có thể khó tiếp thu tất cả thông tin được cung cấp trong một cuộc hẹn. Ai đó đi cùng bạn có thể nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.

2. Viết câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn

– Bác sĩ có thể giải thích báo cáo bệnh lý của tôi?

– Tôi có cần thêm xét nghiệm không?

– Tôi có cần phẫu thuật cho tăng sản không điển hình (AH)?

– Có loại thuốc nào tôi có thể dùng để giảm nguy cơ ung thư vú không?

– Tôi có thể làm gì để giảm nguy cơ ung thư vú?

– Tôi nên theo dõi những dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh ung thư vú?

– Tôi nên chụp X-quang tuyến vú bao lâu một lần để tầm soát ung thư vú?

– Tôi có nên chụp cộng hưởng từ (MRI) để sàng lọc ung thư vú không?

– Bác sĩ sẽ giới thiệu gì cho bạn bè hoặc thành viên gia đình trong hoàn cảnh của tôi?

– Có bất kỳ kiêng cữ nào mà tôi cần phải làm theo?

– Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa Vú không? Chi phí đó là bao nhiêu và bảo hiểm của tôi có chi trả không?

– Tôi có nên xem xét tư vấn di truyền?

– Có tài liệu nào hay trang web nào khác mà tôi có thể xem?

3. Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn một số câu hỏi

– Bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú không?

– Bạn có tiền sử gia đình mắc các loại ung thư khác không?

– Bạn đã từng làm sinh thiết vú trước đây chưa?

– Bạn có biết kết quả của các lần sinh thiết vú trước đó không?

phòng ngừa tăng sản không điển hình
ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang đang kiểm tra và tư vấn cho người bệnh.

Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu các bệnh tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.

Bên cạnh đó, khoa Ngoại Vú còn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu – Mỹ, giúp người bệnh yên tâm điều trị, cải thiện các vấn đề liên quan đến tuyến vú như: ung thư vú, tuyến vú tăng sản không điển hình, thu nhỏ ngực phì đại, nâng ngực chảy xệ, tái tạo ngực sau đoạn nhũ do không may bị ung thư…

Việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến tuyến vú thường gồm: khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và tế bào học (hay giải phẫu bệnh) – 3 thành tố này được ví như kiềng 3 chân giúp chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả.

Tuyến vú tăng sản không điển hình là một tình trạng tiền ung thư. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về tuyến vú tăng sản không điển hình là gì? Bệnh có nguy hiểm không? Hy vọng đây sẽ là những kiến thức hữu ích giúp người bệnh kịp thời phát hiện và sớm điều trị khi không may gặp phải các vấn đề về tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button