Tra Cứu

Ca dao là gì? Phân loại, đặc trưng, ý nghĩa của ca dao

Những câu ca dao Việt Nam được sáng tác và truyền miệng bởi người dân lao động. Do vậy mà không ai biết được nguồn gốc hay tác giả của ca dao là ai. Ngày nay, ca dao vẫn được sử dụng phổ biến trong giao tiếp và trong nhiều tác phẩm văn học.

Ca dao là gì?

Ca dao là những lời thơ trữ tình dân gian; được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người và kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng.

Ca dao là những “lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người” (theo Ngữ văn 10, tập 1, trang 17. NXB Giáo dục).

Ca dao có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Nó được ví như “món ăn tinh thần” giúp người dân giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giây phút làm việc vất vả, cực nhọc. Ca dao còn là nơi giãi bày sự uất ức, bất công, tủi nhục,… của những con người thấp cổ bé họng nhất trong xã hội.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ca dao thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Đó là sự mộc mạc, giản dị và tinh thần lạc quan vượt lên mọi hoàn cảnh của nhân dân ta. Ngoài ra, nhiều kinh nghiệm dân gian quý báu cũng được cha ông ta đúc kết và lưu giữ trong ca dao. Điển hình như những bài ca dao về hiện tượng tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất.

Qua đó, ta hiểu: Ca dao là thể loại trữ tình. Khi diễn xướng (hát, hò, diễn…), lời thơ của ca dao kết hợp với điệu nhạc nhằm diễn tả tâm tư, tình cảm của người lao động. Ca dao khi được diễn xướng còn được gọi là dân ca.

Ca dao là gì?
Ca dao là gì?

Đặc trưng của ca dao

Nội dung ca dao:

Ca dao diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,…

Nhân vật trữ tình trong ca dao chủ yếu là người lao động: người mẹ, người vợ, người chị … giãi bày tâm tình trong quan hệ gia đình; người phụ nữ, người dân thường chia sẽ nỗi niềm buồn vui, thân ái trong cuộc sống, trong lao động, trong quan hệ xã hội; hoặc chàng trai, cô gái giao duyên, tình tự trong tình yêu đôi lứa…

Tâm tư, tình cảm trong ca dao vô cùng phong phú nhưng là những tình cảm chung theo lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương, chứ không mang dấu ấn cá nhân như trong thơ trữ tình của văn học viết.

Trong đó có các chủ đề chính là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của con người Việt Nam và những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

Ca dao Việt Nam là cây đàn muôn điệu của tâm hồn nhân dân Việt Nam.

Nghệ thuật ca dao:

Lời thơ của ca dao thường ngắn gọn

Có khi chỉ là một cặp lục bát, có những bài dài hơn nhưng đa phần đều không quá dài (từ 2 câu đến khoảng trên dưới 20 câu). Tuy ngắn gọn, nhưng mỗi bài ca dao đều thể hiện trọn vẹn một chủ đề, một hoặc nhiều nội dung tư tưởng mà tác giả dân gian gửi gắm.

Ca dao đa phần sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (hơn 90%)

Lục bát là thể thơ dân tộc, mỗi cặp lục bát (chính thể) có cấu trúc: câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng. Cũng có khi ca dao được biểu hiện dưới dạng lục bát biến thể: câu trên 6 tiếng, câu dưới dài hơn 8 tiếng (9, 10, 11, 12… tiếng).

Ví dụ:

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.” (lục bát chính thể).

“Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo,

Thất, bát sông cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua.” (lục bát biến thể).

Ngôn ngữ ca dao gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

Ngôn ngữ trong ca dao là ngôn ngữ của nhân dân lao động, nên gần gũi, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngôn ngữ ca dao không có tính nghệ thuật. Ngược lại, ca dao sử dụng rất nhiều những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, những cách biểu đạt đậm chất văn chương.

Ví dụ:

“Yêu nhau từ thuở trăng tròn,

Bây giờ trăng khuyết vẫn còn yêu nhau.”….

“Hỡi cô tát nước bên đàng,

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.”

Lối diễn đạt bằng một số hình thức mang đậm sắc thái dân gian.

Ca dao có những cách biểu đạt mang sắc thái dân gian, như hình thức đối đáp, cách xưng hô “mình” – “ta”, những lời hô gọi, cảm thán đậm cảm xúc:

Ví dụ:

“- Đố anh chi sắc hơn dao,

Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời?

– Em ơi mắt sắc hơn dao,

Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời.”

“Khi nào trạch đẻ ngọn đa,

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.”

Ca dao Việt Nam vô cùng phong phú
Ca dao Việt Nam vô cùng phong phú

Đặc điểm của ca dao

Ca dao dân ca mang những nét đặc trưng cho thể loại về nội dung và nghệ thuật như sau:

Về nội dung thể hiện

Ca dao diễn tả mọi mặt trong đời sống tinh thần, tư tưởng và tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ xã hội như tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn, đất nước,…

Nhân vật trữ tình chủ yếu là những người nông dân, người lao động: đó là người mẹ, người vợ, người chị,…giãi bày tâm tình trong gia đình; người chịu áp bức, bóc lột cất lên tiếng hát than thân, trách phận hay những cặp đôi trao gửi lời yêu thương tới nhau,…

Tâm tư, tình cảm trong ca dao vô cùng đa dạng, nhưng lại là những thứ tình cảm lớn lao chứ không mang bất kỳ dấu ấn cá nhân như trong thơ chữ tình.

Trong đó, những chủ đề chính là tiếng hát than thân, những câu ca dao yêu thương tình nghĩa cất lên từ chính cuộc đời còn nhiều đắng cay trong xã hội cũ. Nhưng trong đó vẫn chứa đựng sự đằm thắm trong bản chất con người. Còn những bài ca dao hài hước đã thể hiện thành công tình thần lạc quan của người dân lao động.

Về nghệ thuật trong câu chữ

Lời thơ trong ca dao thường ngắn gọn, đôi khi chỉ là cặp lục bát, có những bài dài hơn nhưng hầu hết là không quá dài, tối đa dưới 20 câu. Tuy ngắn gọn nhưng trong mỗi câu ca dao đều thể hiện trọn vẹn chủ đề được nói đến.

Ca dao đa phần sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (câu trên 6 tiếng, câu dưới dài hơn 8 tiếng, có thể là 9, 10, 11, 12 tiếng,…)

Ngôn ngữ trong ca dao gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân, đặc biệt rất giàu so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ hay những cách biểu đạt đậm chất văn chương.

Lối diễn đạt mang sắc thái dân gian như hình thức đối đáp, cách xưng hô mình – ta, chàng – thiếp, hay những lời hô gọi, những câu cảm thán bộc lộ những tâm tư, tình cảm một cách trực tiếp.

Các chủ đề ca dao dân ca được chia thành 3 loại phổ biến sau: Ngẫu nhiên không có chủ đề nhất định; cấu trúc theo lối phô diễn về thiên nhiên; cấu trúc theo lối đối thoại

Phân biệt ca dao, dân ca

Hiểu một cách đơn giản, ca dao là phần lời thơ của dân ca. Còn dân ca là ca dao có kèm theo sự luyến láy của điệu nhạc. Ca dao để đọc, ngâm, còn dân ca để hát, diễn xướng.

Ví dụ:

Ca dao:

“Còn duyên ngồi gốc cây thông,

Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa.”

Dân ca:

“Còn duyên (là duyên) ngồi gốc (gốc) cây thông,

Hết duyên (là duyên) ngồi gốc (gốc) cây hồng (là hồng) hái hoa…”

Ý nghĩa của ca dao là gì?

Ca dao từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Nó được coi như tiếng nói lòng của những người dân lao động trong xã hội, là nơi giãi bày tâm sự một cách thầm kín nhất.

Trải qua ngần ấy năm, ca dao vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp vốn có mà không hề bị lạm dụng hay thay đổi. Trong xã hội hiện đại ngày nay, ca dao vẫn thể hiện được nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Đó là sự mộc mạc, giản dị trong cách sống và tinh thần lạc quan, không chấp nhận số phận khó khăn mà cố gắng vượt lên trên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời mình.

Không chỉ có vậy, ca dao còn dạy ta rất nhiều bài học quý báu trong cuộc sống:

Dạy ta biết yêu lao động, trân quý sức lao động của con người, dạy ta những kinh nghiệm trong sản xuất, những cách theo dõi hiện tượng thiên nhiên để dự đoán trước thời tiết.

Ca dao dạy ta biết yêu quê hương, đất nước, yêu thương mọi người. Nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên cội nguồn của mình, không quên những người đã hy sinh để mang đến sự bình yên ngày nay.

Ca dao nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, quý trọng gia đình, quý trong những điều thiêng liêng, cao cả mà ấm áp lạ thường. Qua đó, khuyên răn những người trong gia đình phải đoàn kết với nhau, không được ghen tuông, tranh giành lẫn nhau, chỉ có như vậy, gia đình mới yên, xã hội mới mạnh.

Ca dao dạy ta biết giữ lòng thuỷ chung, son sắt trong tinh yêu, biết thấu hiểu cho nhau để tình cảm luôn bền chặt.

Ca dao còn bồi dưỡng cho chúng ta nhiều bài học đắt giá, quý báu về các đối nhân xử thế, về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Phê phán gay gắt những kẻ chỉ biết dựa dẫm vào người khác để chuộc lợi cho bản thân.

Tất cả những điều này dù là trước đây hay hiện tại đều có ý nghĩa sâu sắc, là bài học lòng mà bất kỳ ai trong chúng ta đều phải ghi nhớ. Như vậy, ca dao có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, giúp giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho con người.

Có thể nói, ca dao không chỉ góp phần làm hoàn thiện nhân cách còn người mà còn đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam thêm đa dạng và nhiều màu sắc.

Ca dao dân gian Việt Nam
Ca dao dân gian Việt Nam

Cách đọc ca dao chính xác nhất

Tương tự các thể loại văn học khác, mỗi bài ca dao đều được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Nhân vật trữ tình trong đó dường như đang hát lên, hoặc ngâm, hoặc thủ thỉ tâm tình,…khi nghĩ ra những câu ca dao.

Bởi vậy, khi đọc bất kỳ bài ca dao nào, chúng ta cần xác định bài ca dao nói đến đối tượng nào, trong hoàn cảnh cụ thể nào. Để từ đó, chúng ta mới có thể dễ dàng hóa thân vào nhân vật và thể hiện tác phẩm một cách hoàn chỉnh nhất, đúng tâm trạng nhất.

Ví dụ như khi chúng ta đọc một bài ca dao ru con thì phải đặt mình trong khung cảnh đang ru con ngủ, giọng điệu cần phải nhẹ nhàng, trầm ấm. Chỉ có vậy, đứa trẻ mới cảm thấy bình yên mà dễ dàng đi vào giấc ngủ ngon lành.

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của chúng tôi về ca dao là gì, giúp các bạn hiểu rõ hơn về ca dao và biết cách phân biệt ca dao và tục ngữ.

Những bài ca dao trong dân gian

Dựa vào nội dung biểu hiện, ca dao có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ:

Những bài dao châm biếm, hài hước

Ví dụ:

“Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.”

“Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.”…

Ca dao châm biếm
Ca dao châm biếm

Những bài ca dao than thân

Ví dụ:

“Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.”

Những bài ca dao lao động

Ví dụ:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”

“Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng”…

Những bài ca dao tình yêu

Ví dụ:

“Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.”

“Yêu nhau từ thuở trăng tròn,

Bây giờ trăng khuyết vẫn còn yêu nhau.”…

Những bài ca dao về tình cảm gia đình

Ví dụ:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Anh em như thể tay chân,

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.”

Ca dao tình cảm gia đình
Ca dao tình cảm gia đình

Những bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước

Ví dụ:

“Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.”

Ca dao về quan hệ xã hội

Ví dụ:

“Con ơi nhớ lấy câu này,

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”

“Con vua thì lại làm vua,

Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Bao giờ dân nổi can qua,

Con vua thất thế lại ra quét chùa.

***********

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button