Đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao
- Cảm nhận những thay đổi của nhân vật người vợ nhặt từ khi theo Tràng về nhà
- Một công ty xây dựng dự định giao cho một nhóm gồm 48 công nhân thực hiện một công việc trong vòng 12 ngày | SBT Toán 7 Cánh diều
- Giải SBT bài 7: Bản đồ chính trị châu Á, các khu vực của châu Á | SBT địa lí 7 chân trời sáng tạo
- Hóa 9 bài 7: Tính chất hóa học của Bazơ, Bazo mạnh và bazo yếu
- Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt
Cùng thcs Hồng Thái tìm hiểu một số đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao.
Bạn đang xem: Đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao
Đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao – Đề số 1
Đọc văn bản “Chí Phèo” – Nam Cao và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…
(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)
Câu 1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
Câu 2. Văn bản trên nói về điều gì?
Câu 3.Tác giả đã sử dụng những kiểu câu nào?
Câu 4.Trong văn bản trên, Chí Phèo đã chửi những ai? Tiếng chửi của Chí có ý nghĩa gì?
Câu 5. Nêu 2 thành phần nghĩa trong câu sau:…hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo
Câu 6. Từ văn bản trên, em hãy chứng minh từ tiếng việt không biến đổi hình thái.
Câu 7. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.
Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phương thức tự sự
Câu 2. Văn bản trên nói về tiếng chửi của Chí Phèo, một thằng say rượu
Câu 3. Tác giả đã sử dụng rất nhiều kiểu câu khác nhau: Câu trần thuật (câu kể, câu miêu tả), câu hỏi (câu nghi vấn), câu cảm thán.
Câu 4. Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo đã tạo ra một màn ra mắt độc đáo cho nhân vật, gợi sự chú ý đặc biệt của người đọc về nhân vật. Tiếng chửi ấy vừa gợi ra một con người tha hóa đến độ lại vừa hé lộ bi kịch lớn nhất trong cuộc đời nhân vật này.
Chí Phèo dường như đã bị đẩy ra khỏi xã hội loài người. Không ai thèm quan tâm, không ai thèm ra điều. Chí khao khát được giao hòa với đồng loại, dù là bằng cách tồi tệ nhất là mong được ai đó chửi vào mặt mình, nhưng cũng không được.
Câu 5. Nghĩa sự việc: nói về hành động của Chí :hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo
Nghĩa tình thái: thể hiện thái độ của Nam Cao khi miêu tả nhân vật: bề ngoài thì dửng dưng lạnh lùng nhưng trong sâu thẳm là sự cảm thông thương xót
Câu 6. Từ hắn được lặp lại nhiều lần, giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng không thay đổi về âm đọc và chữ viết
Câu 7. Học sinh đặt tiêu đề ngắn gọn, khái quát nội dung và chủ đề đoạn trích.
…………………………………………….
Đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao – Đề số 2
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… “
(Trích Chí Phèo- Nam Cao)
Câu 1) Phương thức biểu đạt của đoạn trích? Nêu ý chính của đoạn trích?
Câu 2) Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời… Rồi hắn chửi đời…chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo… được sử dụng biện pháp tu từ cú pháp như thế nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?
Câu 3) Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn. Nêu ý nghĩa nghệ thuật của việc sử dụng nhiều câu ngắn đó
Trả lời:
Câu 1) Tự sự
Ý chính của đoạn trích: (0,5 điểm)
– Đoạn trích miêu tả cảnh Chí Phèo uống rượu say và vừa đi vừa chửi giữa sự thờ ơ của tất cả mọi người.
Câu 2) Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …được sử dụng biện pháp tu từ cú pháp: điệp cú pháp, liệt kê (hắn chửi trời…hắn chửi đời…chửi ngay …chửi đứa …) và chêm xen.(0,5 điểm).
Hiệu quả ngệ thuật của biện pháp tu từ đó: Phép điệp cú pháp và liệt kê nhằm nhấn mạnh đối tượng của tiếng chửi được sắp xếp từ xa đến gần, từ cao đến thấp, có thứ tự, có lớp lang. Nghệ thuật chêm xen ở cuối câu chửi đẻ ra cái thằng Chí Phèo nhằm nhấn mạnh bi kịch bị từ chối của Chí Phèo. Đồng thời, tác giả gián tiếp tố cáo chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẻ ra Chí Phèo (0,5 điểm).
Câu 3) Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn tạo nhịp điệu nhanh, dồn dập và tạo nên kịch tính cho truyện. “Tức mình”, rồi “tức thật! Thế này thì tức thật. Tức chết đi mất”, “mẹ kiếp”, “nghiến răng mà chửi”. Những câu văn ngắn đã cho ta cảm nhận được trực tiếp nỗi đau của Chí.
Hiện lên trong đoạn văn là hình ảnh Chí Phèo đang vật vã, đang quằn quại trong nỗi đau khổ, trong bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của mình. Dùng tiếng chửi, dù là có cố gắng giao tiếp với loài người nhưng cuộc đời Chí vẫn là con số không, không bè bạn, không ai coi hắn như một con người; duy chỉ có trong hắn một cái mang hình hài rõ rệt: đó là khối cô đơn ngày càng kết tụ sâu sắc, gay gắt, xót xa. (0,5 điểm).
……………………………………………
Các dạng đề đọc hiểu Chí phèo của Nam Cao
1. Dạng đề đọc – hiểu (3-4 điểm)
Câu 1: Đọc văn bản “Chí Phèo” – Nam Cao và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…
(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)
a. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
* Gợi ý làm bài
Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là: Phương thức tự sự.
b. Tác giả đã sử dụng những kiểu câu nào?
* Gợi ý làm bài
– Tác giả đã sử dụng những kiểu câu khác nhau: Câu trần thuật (câu kể, câu miêu tả), câu hỏi (câu nghi vấn), câu cảm thán.
Câu 2: Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới.
– “Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”
(Chí Phèo – Nam Cao)
a. Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì? Nêu nội dung của đoạn văn?
* Gợi ý làm bài
– Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ là: phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
– Nội dung của đoạn văn: nói đến sự thức tỉnh của Chí Phèo.
b. Nêu cụ thể những câu trần thuật, câu cảm thán, câu nghi vấn trong đoạn văn trên. Việc kết hợp sử dụng nhiều kiểu câu như vậy có tác dụng gì?
* Gợi ý làm bài
– Những câu trần thuật trong đoạn văn trên là:
● Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc..
● Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”
– Những câu nghi vấn: Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao?
– Câu cảm thán: Buồn thay cho đời!
– Việc kết hợp sử dụng nhiều kiểu câu như vậy có tác dụng: làm cho lời kể trở nên nhiều giọng, thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc. Qua đó cho người đọc thấy được hiện trạng cuộc đời của Chí Phèo được soi từ nhiều góc nhìn khác nhau
c. Hãy chỉ ra những hình ảnh ẩn dụ và hình ảnh so sánh được sử dụng trong đoạn văn trên?
* Gợi ý làm bài
– Hình ảnh ẩn dụ được sử dụng trong đoạn văn là:
● …cái dốc bên kia của đời..
● cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến.
– Hình ảnh so sánh: Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến.
● Ở đây hình ảnh có tính ẩn dụ được dùng trong một câu văn sử dụng phép so sánh.
Câu 3: Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… “
a, Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Xác định vị trí của văn bản trong tác phẩm và nội dung cơ bản của đoạn trích?
* Gợi ý làm bài
– Văn bản được trích từ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
– Vị trí: văn bản ở vị trí mở đầu truyện ngắn Chí Phèo.
– Nội dung cơ bản của đoạn trích là: miêu tả cảnh Chí Phèo uống rượu say và vừa đi vừa chửi giữa sự thờ ơ của tất cả mọi người.
b. Xác định giọng điệu của lời văn trong văn bản.
* Gợi ý làm bài
– Lời văn thuật lại tiếng chửi của Chí Phèo bằng một giọng văn kể chuyện lạnh lùng: tác giả gọi nhân vật là hắn, kể chuyện một cách khách quan, chân thực, không hề giấu giếm, che đậy hình ảnh xấu xí của nhân vật. Tuy nhiên, đằng sau lời văn lạnh lùng tưởng như vô cảm ấy, tác giả thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương dành cho nhân vật.
Câu 4. Theo anh/chị, ai đã đẻ ra Chí Phèo?
* Gợi ý làm bài
Trong văn bản, Nam Cao không nói rõ nguồn gốc của Chí Phèo: Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… nhưng rõ ràng Chí Phèo là một hiện tượng có thật, một sản phẩm tất yếu của xã hội thực dân nửa phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đẻ ra hiện tượng Chí Phèo chính là chế độ xã hội bất công thối nát đương thời.
2. Dạng đề viết bài văn (4-6 điểm)
Đề 1: Phân tích truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
– Vài nét tiêu biểu về tác giả Nam Cao: Ông được xem là đại diện xuất sắc nhất của văn học hiện thực ở chặng đường phát triển cuối cùng của khuynh hướng này
– Giới thiệu tác phẩm Chí Phèo: Truyện ngắn kết tinh thành công của Nam Cao trên đề tài nông thôn, nông dân và là một kiệt tác trong nền văn xuôi trước cách mạng
II. Thân bài
1. Làng Vũ Đại – không gian nghệ thuật của truyện ngắn
– Đây chính là không gian nghệ thuật của truyện bởi toàn bộ những chuyện của Chí Phèo đều diễn ra tại đây
– Mâu thuẫn giai cấp gây gắt, âm thầm mà quyết liệt, không khí tối tăm , ngột ngạt.
– Đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, bị tha hóa.
⇒ Không gian nghệ thuật làm cơ sở đi sâu khai thác hình tượng nhân vật, đồng thời thấy được giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm
2. Nhân vật Bá Kiến
– Tiếng cười Tào Tháo, mềm nắn rắn buông, dùng đầu bò trị đầu bò… ⇒ Xảo quyệt, gian hùng, thủ đoạn
– Nhân cách ti tiện bỉ ổi, dâm đãng, ghen tuông và độc ác
⇒ Điển hình cho loại địa chủ cường hào ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng
3. Hình tượng nhân vật Chí Phèo
a. Sự xuất hiện của nhân vật
– Hắn vừa đi vừa chửi…: sự xuất hiện tự nhiên
– Qua tiếng chửi, chân dung nhân vật hiện lên: Kẻ lưu manh cứ rượu vào là chửi nhưng đằng sau đó thấy Chí Phèo mong muốn được coi là người bình thường
b. Lai lịch, cuộc đời Chí Phèo trước khi ở tù
– Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa
– Tuy vậy, Chí vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp:
+ Là một con người lương thiện làm ăn chân chính với ước mơ giản dị và có lòng tự trọng
c. Sự biến đổi của Chí Phèo sau khi ra tù
– Sự kiện Chí Phèo bị bắt vào tù:
+ Vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.
+ Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành lưu manh, có tính cách méo mó và quái dị.
– Hậu quả của những ngày ở tù:
+ Hình dạng: biến đổi thành con quỷ dữ ⇒ Chí Phèo đã đánh mất nhân hình.
+ Nhân tính: triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến ⇒ Chí Phèo đã đánh mất nhân tính.
– Quá trình tha hóa của Chí Phèo: Đến nhà Bá Kiến trả thù ⇒ Chí mắc mưu, trở thành tay sai cho Bá Kiến
⇒ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính
d. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở
– Tình yêu thương của Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo.
+ Về nhận thức: Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.
+ Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc
+ Về ý thức: Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.
– Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa: lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.
⇒ Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh
e. Bi kịch bị cự tuyệt
– Nguyên nhân: do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo → định kiến của xã hội .
– Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:
+ Lúc đầu: Chí ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở
+ Sau Chí hiểu ra mọi việc: xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát.
⇒ Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người.
4. Đặc sắc nghệ thuật
– Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.
– Ngôn ngữ giản dị, diễn đạt độc đáo.
Xem thêm : Happy wedding là gì? Những câu chúc Happy wedding hay nhất hiện nay
– Kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, lôgic.
– Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.
III. Kết bài
– Khẳng định lại những nét tiêu biểu nhất về mặt nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chí Phèo
– Với tác phẩm này, nam Cao đã tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến và đồng thời trân trọng, phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi tưởng chừng học đã biến thành quỷ dữ.
Đề 2: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” Nam Cao.
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
– “Chí Phèo” thật sự là một kiệt tác trong văn xuôi đương thời, là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao.
– Ngòi bút Nam Cao có những quan tâm, những khám phá riêng về số phận người lao động bị chà đạp. Hình tượng nhân vật Chí Phèo-một điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn xuôi Việt Nam-đã thể hiện cái nhìn đầy đủ mới mẻ, độc đáo có chiều sâu trong thể hiện nỗi khổ con người đó của Nam Cao.
II. Thân bài.
A. CON NGƯỜI CHÍ PHÈO CHẲNG NHỮNG BỊ TƯỚC ĐOẠT NHÂN TÍNH MÀ CÒN BỊ HỦY HOẠI CẢ NHÂN HÌNH NỮA.
1. Chí Phèo bị hủy hoại nhân hình.
Ngay từ khi chào đời, Chí Phèo là một đứa con hoang, bị bỏ rơi bên một lò gạch cũ. Được dân làng nuôi, Chí Phèo, lớn lên như cây cỏ, tuổi thơ hết đi ở nhà này lại đi ở nhà nọ, tuổi thanh niên ra sức làm thân trâu ngựa cho nhà lí Kiến. Vì một chuyện ghen tuông vớ vẩn, lí Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù. Sau bảy, tám năm biệt tích trở về làng, Chí Phèo đã hoàn toàn biến đổi. Ngoại hình thật kinh tởm, cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gờm gườm trông gớm chết.
Chí Phèo chuyên đập đầu, rạch mặt và đâm chém người cho nên cúi mặt hắn vàng mà lại muốn xạm màu gio, nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo.
Người cố nông ấy hoàn toàn bị tước đoạt nhân hình, biến thành nửa người nửa vật: nó không còn phải là mặt người: nó là mặt của một con vật lạ.
2. Chí Phèo bị tước đoạt nhân tính.
Từ lúc về làng, Chí Phèo hoàn toàn không kiểm soát được hành động của mình. Khi mua chịu rượu, bà hàng ngần ngừ không muốn đưa thì hắn rút bao diêm, đánh cái xòe, châm lên mái lều của mụ. Mụ hoảng hốt kêu gọi om sòm, vội dập tắt được ngọn lửa mới chạy, rồi khóc lóc mêu mêu, mụ đưa ra chai rượu.
Chí Phèo hoàn toàn bị tha hóa, hành động như người mất trí. Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm. Trong cơn say, Chí Phèo hành động tàn bạo như một con quỷ dữ, hoàn toàn mất nhân tính. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn say, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận (…). Hắn biết đâu đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện!.
B. NGƯỜI NÔNG DÂN BỊ LƯU MANH HÓA ẤY CUỐI CÙNG ĐÃ THỨC TỈNH.
1. Người nông dân bị tha hóa.
Trong tâm hồn tưởng chừng như chai đá, thậm chí bị huỷ hoại hoàn toàn của Chí Phèo, bản chất lương thiện ngày thường bị che lấp đi, vẫn le lói một ánh lương tri, sẽ bừng sáng khi gặp được cơ hội. Lúc được thị Nở chăm sóc, Chí Phèo rất ngạc nhiên vì xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn phải dọa nạt hay giật cướp mới có.
Tình cảm chân thật của thị Nở đã khơi dậy ý thức và lương tâm của Chí Phèo. Từ lúc này, Chí mới ý thức tình trạng tha hóa của mình và bi kịch bắt đầu diễn ra trong đời sống nội tâm.
2. Cuối cùng đã thức tỉnh
Sau khi được thị Nở chăm sóc, lần đầu tiên khi tỉnh giấc, Chí Phèo bâng khuâng nghe tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ thì niềm ao ước có một gia đình nho nhỏ bừng lên. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?.
Bản chất tốt đẹp của người lao động thức tỉnh trong lòng Chí: Trời ơi. Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!… Người ta sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện .
C. ĐIỀU BI THẢM LÀ ANH TA CHỈ MUỐN TRỞ LẠI LÀM NGƯỜI MÀ KHÔNG ĐƯỢC
1. Chí Phèo lại rơi vào bế tắc
Chí Phèo tha thiết muốn trở về sống lương thiện với mọi người, nhưng tất cả làng Vũ Đại đều sợ hãi, xa lánh anh ta. Thị Nở lại “cắt đứt” với Chí Phèo. Chí lại rơi vào tình thế hoàn toàn tuyệt vọng: Sống lương thiện thì không được chấp nhận, làm lưu manh như cũ thì không thể và cũng không muốn.
Những lời lẽ cuối cùng của Chí Phèo bộc lộ tất cả bi kịch nội tâm đó: “Tao muốn làm người lương thiện (…). Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này! Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không!”.
2. Bi kịch biến thành thảm kịch
Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến, kẻ đã gây ra bi kịch đời Chí, rồi tự sát.
Nhân vật Chí Phèo được xây dựng thành công: vừa có nét khái quát, vừa có cá tính. Người cố nông đó đã vừa bị hủy hoại nhân hình, vừa bị tước đoạt cả nhân tính. Nhân vật được miêu tả sâu sắc từ chân dung đến tính cách, từ bộ mặt đến những diễn biến tâm lí.
III. Kết bài.
Tác phẩm Chí Phèo mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện ở tấm lòng yêu thương trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. Tác giả phát hiện những phần sâu kín nhất trong tâm hồn của họ, những gì còn lại của tình người, sự khát khao hạnh phúc, ước muốn yêu thương, nhất là quyền được làm người lương thiện.
Chí Phèo là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh: Hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện, để họ được sống và sống hạnh phúc, không còn những thế lực đen tối của xã hội đẩy họ vào chỗ mất cả nhân hình lẫn nhân tính đầy bi kịch xót xa.
Đề 3: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo: Một tác giả lúc nào cũng trăn trở về cách sống và cách viết, luôn nhìn đời bằng con mắt của tình thương. Chí Phèo là một tác phẩm Nam Cao đã dùng tình thương để nhìn và để viết nên như vậy
– Với cái nhìn đầy tình thương, Nam Cao đã để cho sự lương thiện một lần nữa quay trở về với Chí sau khi gặp được Thị Nở
II. Thân bài
1. Khái quát về hoàn cảnh Chí Phèo trước khi gặp Thị Nở
– Chí Phèo đã từng là một người nông dân lương thiện
– Sau khi bị Bá Kiến hãm hại, Chí Phèo bị bắt vào tù
– Nhà tù Thực dân đã biến Chí từ một người nông dân 20 tuổi lương thiện trở thành một người thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính:
– Làm tay sai cho Bá Kiến
⇒ Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bị coi là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”
2. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở
– Hoàn cảnh gặp gỡ:
+ Không ai đáp lại lời chửi của Chí Phèo nên “hắn” rẽ vào nhà Tự Lãng uống rượu
+ Khi đã hả hê, Chí Phèo lảo đảo ra về
+ Hắn gặp một người đàn bà ngủ quên ở bờ sông gần nhà (Thị Nở)
+ Trong cơn say, Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở và ngủ say dưới trăng
⇒ Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã đem đến những biến chuyển tâm lí rõ nét trong Chí Phèo
3. Diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở
a. Thức tỉnh
– Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”
+ Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”
+ Bâng Khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài
+ Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”
+ Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất
+ Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…
+ Hắn đủ tỉnh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc
⇒ Cuộc gặp với Thị đã làm Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên
b. Niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về
– Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng
– Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” ⇒ xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc
– Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn
– Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con
– Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về
– Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”
⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy
c. Thất vọng, đau đớn
– Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô thị Nở, bởi vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn:
+ “Ngẩn người”, “ngẩng mặt”: Thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình ⇒ đáng thương
+ Thoáng thấy hương cháo hành: hồi tưởng về tình yêu đã trải qua
+ Hành động: Nắm lấy tay Thị ⇒ mong muốn níu kéo hạnh phúc
+ Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”
⇒ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng
d. Phẫn uất
– Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao
– Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.
– Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến và nói thẳng với Bá Kiến: niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình
⇒ Hành động tự kết liễu thể hiện sự phẫn uất và tuyệt vọng đến tột cùng
III. Kết bài
– Khái quát lại diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở
– Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân
Đề 4: Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo”/ Nam Cao.
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
– Vài nét về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo
– Khẳng định trong truyện ngắn có một tình yêu nảy sinh giữa Chí Phèo và người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn”, nhưng không thể phủ nhận đó là nhân vật có vị trí quan trọng, ít nhất, cũng coi Chí như một “con người” – Thị Nở
II. Thân bài
1. Ngoại hình
– Miêu tả khách quan, trần trụi: một người “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”
+ Ngẩn ngơ: hành động bản năng
+ Xấu ma chê quỷ hờn: từng đường nét trên khuôn mặt không giống với những gì nên có trên khuôn mặt con người
+ Đã vậy, Thị còn nghèo và nhà có mả hủi:
⇒ Thị khó có được hạnh phúc bởi một con người mang trên mình toàn những điều bất lợi
2. Là con người với phẩm chất tốt đẹp, giàu tình người
– Nam Cao xây dựng hình tượng nhân vật Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn không phải để miệt thị mà nhằm làm nổi bật nội tâm đầy tình thương của Thị Nở
+ Sau cuộc gặp gỡ vào đêm định mệnh, Thị Nở dành sự quan tâm cho Chí Phèo:
+ Thị Nở quan tâm đến Chí Phèo, nấu cháo hành cho Chí ăn khi hắn bị ốm. Bưng bát cháo hành thị Nở đưa cho “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho”
+ Chính thị Nở đã suy nghĩ về Chí Phèo: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người” ⇒ một cái nhìn khác với những cái nhìn của người làng Vũ Đại
+ Tình cảm và sự quan tâm của Thị Nở với Chí Phèo đã như một liều thuốc chữa lành bao nhiêu “vết thương, vết rạch” để Chí Phèo quay trở lại thành một người với sự lương thiện trong căn tính
⇒ Chính tình thương và sự quan tâm khiến Thị trở nên có duyên trong mắt Chí
3. Thị Nở còn là người có khát khao hạnh phúc gia đình
– Thị Nở thích cuộc sống gia đình có vợ có chồng
– Suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí
– Đối với Chí, cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích”
– Bởi khát khao và suy nghĩ nghiêm túc về hạnh phúc gia đình nên Thị đã trở về xin phép bà cô và thái độ tức giận khi bà cô từ chối
4. Là nhân vật góp phần làm nổi bật chủ đề tác phẩm: bi kịch cuộc đời Chí Phèo
– Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao muốn làm trọn vẹn thêm vấn đề trung tâm của tác phẩm: sự bi thảm trong bi kịch cuộc đời Chí Phèo
+ Ban đầu, Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau chỉ bởi sự chung đụng về mặt thể xác
+Sau đó, chính tình thương của Thị Nở đã làm thức dậy sự lương thiện vốn có trong Chí
+ Khi Thị Nở từ chối Chí, Chí Phèo từ chỗ khát khao và hạnh phúc đến tột cùng bị đẩy xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng ⇒ đẩy Chí đến những hành động sau này: uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến và tự sát
⇒ Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của nhân vật chính: Chí Phèo
III. Kết bài
– Khẳng định những nét nghệ thuật làm nên hình tượng nhân vật Thị Nở
– Xây dựng nhân vật Thị Nở, Nam Cao trao tấm lòng trân trọng vào con người, đồng thời cũng phơi bày thực tế tàn bạo, khắc nghiệt của xã hội đẩy người nông dân vào bi kịch
Đề 5: Phân tích chi tiết “bát cháo hành” trong truyện ngắn “Chí Phèo” – Nam Cao
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài
– Vài nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo: Nam Cao là tác giả của nhiều truyện ngắn hiện thực xuất sắc. Trong số những tác phẩm tiêu biểu của ông, không thể bỏ qua Chí Phèo, một truyện ngắn chứa đựng chiều sâu tư tưởng của nhà văn Nam Cao
– Trong mỗi tác phẩm văn học, chi tiết nghệ thuật tuy nhỏ nhưng có những chi tiết lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm. “Bát cháo hành” trong Chí Phèo là một trong những chi tiết nghệ thuật như thế!
II. Thân bài
1. Sự xuất hiện
– Chi tiết xuất hiện trong phần giữa truyện
– Sau cuộc gặp gỡ về thể xác giữa Chí Phèo và thị Nở ở vườn chuối, sáng hôm sau, Chí Phèo bị cảm. Chính Thị Nở là người đã chủ động về nhà nấu cháo sang mang sang cho Chí Phèo
2. Bát cháo hành trong sự cảm nhận của Chí Phèo
– Nồi cháo còn nóng nguyên….vừa sang thị đã đi tìm gạo, hành thì may nhà lại còn
– Bát cháo hành khiến Chí Phèo rất “ngạc nhiên” và thấy “mắt như ươn ướt”, bởi vì đây là lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho
– Bát cháo hành khiến Chí Phèo “bâng khuâng”
– Cảm nhận: “Cháo mới thơm làm sao!”- bát cháo là sự quan tâm của Thị Nở dành cho hắn
– Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm
– Hắn nhận ra cháo hành rất ngon
⇒ Bát cháo hành giản dị trong cảm nhận của Chí Phèo là thứ rất ngon, đó là chi tiết khiến hắn lần đầu tiên và cũng là duy nhất cảm thấy được quan tâm, nó đánh thức nhân tính bấy lâu nay bị vùi lấp trong Chí Phèo
3. Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành
– Về nội dung:
+ Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí phèo
+ Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng
+ Khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện
– Về nghệ thuật:
+ Khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật Chí Phèo
+ Đây là chi tiết thúc đẩy cốt truyện phát triển
+ Là chi tiết tác giả gửi gắm niềm tin vào sức mạnh cảm hóa con người bằng tình người
III. Kết bài
– Khẳng định lại vai trò của chi tiết bát cháo hành trong việc đánh thức sự lương thiện trong tâm hồn Chí nói riêng và trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng truyện nói chung
– Liên hệ cảm nhận của bản thân về chi tiết đặc sắc này.
Đề 6: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Chí Phèo.
* Gợi ý trả lời
I/Mở bài:
-Giới thiệu về tác giả Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo.
– Dẫn dắt vào vấn đề giá trị hiện thực và nhân đạo.
II/Thân bài:
– Trong tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, giá trị hiện thực bao giờ cũng đi liền với giá trị nhân đạo
– Chí Phèo được Nam Cao phân tích trên loại mâu thuẫn: Đó là mâu thuẫn giai cấp đổi kháng, một bên là cường hào thống trị, một bên là nhân dân lao động.
a. Giá trị hiện thực:
1. Chí Phèo- con người bị tha hóa:
– Chí Phèo, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, một con người bị xã hội tha hóa
+ “Hắn về lớp này trông khác hẳn..”
+ “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế”
=>Nhân hình bị phá hủy
-Sau khi bị tha hóa, Chí Phèo lúc nào cũng say, chưa bao giờ là hết say:
+ “Hắn ăn trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ chưa bao giờ hắn tỉnh để nhớ hắn có ở đời.”
+“Những cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn khác”
=> Con người luôn tìm đến cái say lúc không còn là chính mình
-Chí Phèo là một con người nhưng không được sống dưới thân phận là một con người, xã hội ruồng bỏ, mọi người xa lánh
+ “Hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đập đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu nước mắt của bao nhiêu người lương thiện… Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua…”
=>Nhân tính bị mất đi, không còn là chính mình
-Bản chất là một con người lương thiện, bởi hắn “thèm lương thiện”, Chí Phèo cũng có ước muốn như bao người khác:
+ “Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ”; “Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì”
+ “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”
-Chí Phèo bản chất là một con người lương thiện, bị tha hóa, làm mất đi nhân tính của chính mình -> lên án bộ mặt giả dối của xã hội, bóc trần bản chất giai cấp địa chủ => Hiện thực tố cao sâu sắc
+ Từ đó thấy được số phận khốn khổ, bi thảm của người nông dân nghèo trong xã hội cũ qua hình tượng Chí Phèo.
2. Nhân vật Bá Kiến- nguyên nhân dẫn đến quá trình tha hóa của Chí Phèo:
– Chí Phèo bị phá hủy nhân tính lẫn nhân hình, nhưng Nam Cao đã không miêu tả dông dài về quá trình tha hóa ấy, mà kể về cội nguồn, nguồn gốc của nó
– Bá Kiến, con người đại diện cho bọn cường hào thống trị, là nhân vật tiêu biểu cho bộ mặt giai cấp thống trị:
+ Ngoại hình độc đáo: “Giọng quát rất sang”
+ Lời nói ngọt nhạt: cụ thay đổi giọng liên tục tùy theo đối phương “Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi”; “Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng”
– Bản chất của Bá Kiến: khôn ngoan, gian hùng, xảo quyệt
+ Đối với dân: “Mềm thì nắn, rắn thì buông”
+ Đối với kẻ thù: “Dùng thằng đầu bò để trị thằng đầu bò”
+ Đối với Chí Phèo: vì ghen tuông, Bá Kiến đã đẩy Chí vào tù -> là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tha hóa của Chí Phèo
+ Bá Kiến vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái bi kịch đau đớn nhất của người lao động nghèo trong xã hội cũ của Chí Phèo.
=> Tóm lại: Kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đã tàn phá cả thể xác lẫn tâm hồn người nông dân lao động. Lên ánh hành vi vô nhân đạo. Phản ánh những tội ác trong xã hội.
b. Giá trị nhân đạo:
– Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện tập trung nhất ở cách nhìn nhận của nhà văn đối với nhân vật bị tha hóa đến tận cùng: cái nhìn thương cảm, trân trọng của Nam cao đối với người nông dân lao động nghèo
– Nam Cao vẫn phát hiện trong chiều sâu của nhân vật bản tính tốt đẹp vốn dĩ, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống dậy mãnh liệt, tha thiết
– Sự xuất hiện của Thị Nở đã làm sống dậy bản chất lương thiện vốn có của Chí Phèo mà đằng sau đó chính là những tình yêu thương ấm áp mà Chí Phèo chưa từng có
– Chính cái con người dở hơi, xấu đến mức “ma chê quỷ hờn” như vậy đã soi sáng mọi ngóc ngách tối tăm trong con người Chí Phèo, giúp Chí nhận ra cuộc sống xung quanh, đặc biệt đó là cảm nhận được tính người từ trong bản thân mình
+ “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!”
+ “Có tiếng cười nói của những người đi chợ”
+ “Anh thuyền gõ mái chèo đuổi cá.”
+ “Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!”
– Từ một con quỷ dữ, nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có
-Bi kịch và đau đớn chính là ngay khi Chí đã tìm thấy con đường trở về làm người lương thiện thì lại bị từ chối, ruồng bỏ một lần nữa. Chút hi vọng cuối cùng cũng bay mất
-Xã hội đã cướp đi quyền làm người của Chí và vĩnh viễn không trả lại
-Và, như Đỗ Kim Hồi nói, “một khi người được nếm trải chút ít hương vị làm người thì cái xúc cảm người sẽ không thể mất… Đấy là mối bi thảm tột cùng mà cách giải quyết chỉ có thể là cái chết”
-Nam Cao đã miêu tả số phận bất hạnh và sự cảm thông chia sẻ sâu sắc với người nông dân; khẳng định phẩm chất tốt đẹp ở họ; lên án hành vi vô nhân đạo
=> Tóm lại: Phát hiện, miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay cả khi họ bị xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác biến thành thú dữ. Khẳng định bản chất lương thiện của họ ngay cả khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình nhân tính.
c. Nghệ thuật:
-Nghệ thuật xây dựng cốt truyện; cách miêu tả tâm lí nhân vật, lối kể chuyện đặc sắc của tác giả
-Cách vào truyện độc đáo, tập trung chú ý người đọc vào nhân vật, nhằm để gây ấn tượng mạnh
-Xây dựng thành công những nhân vật điển hình bất hữu. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên mà vẫn nhất quán, chặt chẽ. Ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc.
III/Kết bài:
– Nhận xét về giá trị hiện thực nhân đạo được sử dụng trong tác phẩm
– Mở rộng vấn đề
Đề 7: So sánh hình ảnh bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao và bát cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân.
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài:
– Giới thiệu Nam Cao, truyện Chí Phèo và chi tiết bát cháo hành
– Giới thiệu Kim Lân, Truyện Vợ nhặt và chi tiết bát cháo cám
Ví dụ:
Nam Cao và Kim Lân đều là những cây bút có sở trường truyện ngắn, có nhiều trang viết cảm động về đề tài nông thôn và người nông dân. Điểm chung của hai nhà văn là họ đều có những truyện ngắn giản dị nhưng chứa chan tinh thần nhân đạo.Hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và bát cháo cám trong Vợ nhặt đều là những hình ảnh đặc sắc, góp phần thể hiện rõ nét nội dung tư tường của các tác phẩm và tài năng của các nhà văn.
II. Thân bài: lần lượt phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh, sau đó so sánh điểm giống và khác nhau
1. Hình ảnh bát cháo hành:
* Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở phần giữa truyện. Chí Phèo say rượu, gặp Thị Nở ở vườn chuối. Khung cảnh hữu tình của đêm trăng đã đưa đến mối tình Thị Nở – Chí Phèo. Sau hôm đó, Chí Phèo bị cảm. Thị Nở thương tình đã về nhà nấu cháo hành mang sang cho hắn.
* Ý nghĩa:
– Về nội dung:
+ Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí phèo
+ Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng
+ Là liều thuốc giải cảm và giải độc tâm hồn Chí : gây ngạc nhiên, xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện tại của mình. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện. Như vậy, bát cháo hành đã đánh thức nhân tính bị vùi lấp lâu nay ở Chí Phèo.
– Về nghệ thuật:
+ Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật.
+ Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của tình người.
2. Hình ảnh nồi cháo cám:
* Sự xuất hiện: Hình ảnh này xuất hiện ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.
* Ý nghĩa:
– Về nội dung:
+ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong nạn đói 1945.
+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:
● Bà cụ Tứ gọi cháo cám là ” chè khoán”, bà vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con ->> là người mẹ nhân hậu, thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm không khí vui vẻ hơn.
● Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét cách chỏng lỏn như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.
– Về nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.
3. So sánh:
– Giống nhau:
+ Cả 2 hình ảnh đều là biểu tượng của tình người ấm áp.
+ Đều thể hiện bi kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở “Chí Phèo” là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người [bát cháo hành rất bình dị, thậm chí là nhỏ bé, tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi cướp giật]. Ở “Vợ nhặt”, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt.
+ Đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của các nhà văn.
– Khác nhau:
+ Bát cháo hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của XH thực dân nửa phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam Cao.
+ Nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó, thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
4. Lí giải sự giống và khác nhau đó:
– Do hai nhà văn đều viết về người nông dân trong nạn đói 1945
Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn . Nam Cao có cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
………………………………..
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu