Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ
Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ để thấy được quan niệm của ông cha ta gửi gắm qua câu chuyện.
Bạn đang xem: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ
Bài văn Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ
Bạn đang xem: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ
I. Dàn ý Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về kho tàng truyện dân gian và truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.
– Câu chuyện chứa đựng ý nghĩa, giá trị sâu sắc.
2. Thân bài
– Giới thiệu di tích thành Cổ Loa – được coi là kinh đô xưa của An Dương Vương và truyền thuyết về An Dương Vương.
+ Thành sâu rộng, với chín vòng
+ Có am thờ Mị Châu và giếng Trọng Thủy
+ Truyền thuyết về An Dương Vương kể về công cuộc dựng nước, giữ nước Âu Lạc, nguyên nhân và bài học lịch sử về việc mất nước.
– Vai trò to lớn của An Dương Vương trong lịch sử nước ta:
+ Là người cho xây dựng thành Cổ Loa để làm thành trì chống giặc ngoại xâm.
+ Có tầm nhìn xa trông rộng, biết trọng người hiền tài…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ (Chuẩn)
Xem thêm : Giải toán lớp 6 bài 5: Tia trong hình học là gì?
Truyền thuyết là những tác phẩm tự sự dân gian, kể về sự vật, sự việc có tính lịch sử theo xu hướng lý tưởng hóa. Những nhân vật trong đó thường được miêu tả, xây dựng cùng với sự ngưỡng mộ, tôn vinh của nhân dân ta dành cho họ. Đồng thời, qua những truyền thuyết, nhân dân lao động cũng gửi gắm vào đó những lời khen chê, phê phán cùng ước mơ, suy nghĩ, khát vọng của mình. Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy được lấy cảm hứng từ vị vua An Dương Vương của đất u Lạc xưa. Câu chuyện chứa đựng những giá trị, ý nghĩa và bài học sâu sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Quần thể di tích thành Cổ Loa vẫn giữ được một phần tới tận ngày nay sau hàng trăm năm vật đổi sao dời. Di tích ấy là dấu tích tồn tại, minh chứng cho sự phát triển của triều đại đất nước u Lạc mà đứng đầu là vua là An Dương Vương. Truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ” viết về sự hình thành của đất nước u Lạc, cùng những năm tháng bảo vệ và xây dựng đất nước của vua An Dương Vương. Câu chuyện còn nói về bi kịch mất nước, vì chủ quan khinh địch An Dương Vương đã để mất nước rơi vào tay giặc.
An Dương Vương vốn họ Thục, tên Phán, là một vị vua tài giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng, có một vai trò vô cùng to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. An Dương Vương không chỉ tài năng mà còn biết coi trọng hiền tài, biết nhìn xa trông rộng, xây thành trì để chống quân thù.
Sau khi chiếm được nước Văn Lang, An Dương Vương cho đổi tên nước thành u Lạc rồi bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng thành trì phòng bị quân xâm lược. Chính ông là người đã cho xây dựng thành Cổ Loa – một công trình kiến trúc kiên cố, độc đáo bậc nhất của đất nước ta. An Dương Vương là người có tầm nhìn sâu rộng, ông hiểu rõ, thành trì có kiên cố, có vững chãi thì độc lập mới được giữ vững, nhân dân mới được bình yên. Thế nhưng, trong thời gian xây dựng thành Cổ Loa cứ “đắp tới đâu lở tới đó”, mất nhiều thời gian mà chưa được bao nhiêu. Vậy nên, nhà vua mới “lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần”, mong có được sự giúp đỡ của thánh thần để mau chóng xây thành. Đến khi có cụ già ở phương Đông xuất hiện, báo với vua sẽ có sứ thần tới giúp, An Dương Vương đã đón mời cụ vào điện hỏi han, rồi y lời cụ mà thực hiện. Nếu không phải người biết trọng hiền tài giúp nước thì làm sao An Dương Vương có thể tin tưởng một người không biết từ đâu đến như thế được? Đến khi được sứ thần Thanh Giang giúp đỡ xây xong, thành của vua trở thành một tòa thành kiên cố “rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc”. Câu chuyện không chỉ giải thích nguyên nhân tại sao lại có di tích thành Cổ Loa mà còn đưa ra lời giải thích về việc ai đã cho xây dựng một tòa thành kiên cố để chống giặc ngoại xâm.
An Dương Vương không chỉ là người xây dựng thành trì vững chãi để phòng ngừa quân thù mà ông còn là một vị vua có tầm nhìn chiến lược khi luôn có tinh thần cảnh giác cao độ trước kẻ thù. Sau khi sứ thần Thanh Giang giúp ông xây dựng được thành Cổ Loa, khi tiễn thần về cõi tiên, ông đã mở lời với thần rằng: “Sau này có giặc lấy gì mà chống?” Đây là một tinh thần cảnh giác cao độ, biết lo lắng cho sự an nguy của quốc gia. Chính vì vậy, thần Kim Quy mới rút vuốt của mình và dặn An Dương Vương chế ra Nỏ thần có thể đánh bại cả ngàn quân địch. Chính nhờ uy lực của Nỏ thần, An Dương Vương mới chiến thắng được Triệu Đà, buộc hắn phải cầu hòa và tạo nên mối tơ duyên giữa Mị Châu – Trọng Thủy. Qua đó, có thể thấy, truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy đã lí giải một cách kì ảo hoá nguồn gốc của của Nỏ thần, thứ vũ khí giúp An Dương Vương giành chiến thắng trong mọi trận chiến với kẻ thù phương Bắc.
Thế nhưng, đến cuối cùng, An Dương Vương lại mất nước vào tay của kẻ thù. Tuy vậy, trước khi chết, trước lời buộc tội của thần Kim Quy với con gái của mình, ông đã thẳng tay “rút gươm chém Mị Châu” mà không hề do dự. Ở đây, An Dương Vương đã biết đặt nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước lên trên tình nghĩa cha con. Mặc dù, tình phụ tử là vô cùng thiêng liêng, sâu sắc, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của mình đối với non sông, ông đã chọn nghĩa vụ với đất nước, với Tổ quốc.
Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy đã khẳng định vai trò của vị vua An Dương Vương trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước ta. Ông không chỉ có công lập ra một quốc gia u Lạc tự chủ, mà còn có công đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ đất nước ta. Đến cuối cùng, mặc dù đã để mất nước, nhưng ông vẫn được người dân kính trọng, ngợi ca. Bằng những chi tiết kì ảo vua An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc, theo chân Rùa Vàng xuống biển – một cuộc sống bất tử, những người dân lao động muốn bày tỏ sự kính trọng, trân trọng của mình dành cho ông, tự hào rằng ông là người đã xây nên thành trì kiên cố, chế được nỏ thần, đánh đuổi quân xâm lược.
Câu chuyện không chỉ là lời giải thích cho nguyên nhân hình thành di tích thành Cổ Loa, cho những trận chiến thắng lợi vẻ vang của An Dương Vương mà nó còn là lời giải thích cho nguyên nhân để mất đi đất nước của ông và những bài học lịch sử về sự việc này.
Kể từ khi có được Nỏ thần, An Dương Vương trăm trận trăm thắng, không còn mối lo ngại về nạn giặc ngoại xâm. Thế nhưng, chính vì sự chủ quan, ỷ lại vào Nỏ thần đã khiến ông mắc mưu của hai cha con Triệu Đà. Triệu Đà cầu hòa với An Dương Vương, ngỏ ý muốn kết thân bằng việc gả con trai mình cho con gái của An Dương Vương. Nếu như ngày trước, chắc hẳn An Dương Vương sẽ luôn chủ động, không hề lơ là trước lời kết thân, thế nhưng, quá tự tin trước sức mạnh của Nỏ thần, cho rằng Triệu Đà sẽ phải e sợ trước sức mạnh đó nên ông đã chủ quan, mất cảnh giác. Để đến cuối cùng, An Dương Vương mắc phải mưu kế hiểm ác của cha con Triệu Đà, mất đi Nỏ thần, dẫn đến việc thất bại, nước mất nhà tan. Truyền thuyết là lời giải thích cho sự thất bại của An Dương Vương trong công cuộc giữ nước. Mặc dù là một vị vua tài giỏi nhưng chỉ một phút chủ quan, mất cảnh giác trước kẻ thù đã khiến quyền lợi của quốc gia, dân tộc trong phút hiểm nguy. An Dương Vương đã mắc phải những sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Ông mơ hồ với bản chất của một kẻ thù ngoan cố, tham lam, độc ác, luôn mang trong mình suy nghĩ hiếu chiến. Kết tình thông gia với một kẻ như vậy, phải chăng An Dương Vương phải luôn đề phòng, dù kẻ đó có là con rể của mình thì hắn vẫn là con trai của kẻ thù. Ông đã để kẻ địch trà trộn vào trong hàng ngũ, cướp đi báu vật quốc gia, đây là nguyên nhân sâu xa khiến đất nước phải chịu cảnh lầm than.
Không chỉ vậy, đến khi giặc đến ngoài thành, ông vẫn ngoan cố, ỷ lại vào nỏ thần mà rằng: “Đà không sợ nỏ thần hay sao?”. Một vị vua tưởng chừng như biết lo xa, biết phòng bị bằng cách xây thành, chế nỏ, vậy mà giờ đây lại ỷ lại, quân giặc tới nơi lại chẳng hề phòng bị.
Hơn thế nữa, khi nói về Mị Châu, thân là công chúa của một nước, lạ cả tin, ngây thơ, tiếp tay cho kẻ thù cướp nước. Nàng đã đặt cả vận mệnh dân tộc vào một tình yêu mù quáng, tự tiện dâng báu vật của quốc gia vào tay kẻ thù. Vốn biết nghĩa phu thê mặn nồng là thế, nhưng tình nghĩa quốc gia, vận mệnh của cả dân tộc chẳng lẽ lại kém hay sao? Để đến khi Nỏ thần bị tráo mất bởi chính người mà mình tin tưởng, nàng vẫn chẳng hề hay biết, vẫn đơn thuần tin vào tình yêu với Trọng Thuỷ, nàng rắc lông ngỗng đánh dấu đường cho Trọng Thủy tìm theo dấu vết của hai cha con: “Thiếp có áo gấm lông ngỗng, thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ bứt lông mà rắc ở ngã ba đường làm dấu”. Phải nói rằng, không chỉ sự lơ là, thiếu cảnh giác, tin tưởng người không đúng của An Dương Vương đã gây nên cảnh nước mất nhà tan mà đó còn là lỗi của Mị Châu – một cô công chúa quá ngây thơ, cả tin, không biết đặt nghĩa vụ với quốc gia lên trước tình yêu của mình.
Xem thêm : Lý thuyết hình chữ nhật. Cách chứng minh tứ giác là hình chữ nhật nhanh nhất
Tóm lại, câu chuyện là lời cảnh tỉnh, là bài học lịch sử sâu sắc dành cho chúng ta trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Đó là không bao giờ được mất cảnh giác, lơ là với kẻ thù, luôn đề cao tinh thần cảnh giác cao độ và đặt quyền lợi, lợi ích của quốc gia lên trên tình cảm riêng tư.
Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy không chỉ là lời giải thích cho sự hình thành của thành Cổ Loa, cho nguyên nhân mất nước của An Dương Vương cùng với bài học lịch sử trong việc dựng nước và giữ nước mà đó còn là lời giải thích cho sự tích về ngọc trai và giếng Trọng Thủy. Tương truyền, máu của Mị Châu chảy xuống biển Đông, “trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu”, đó như là lời tri ân của nhân dân đối với một cô công chúa tội nghiệp, vì ngây thơ mà làm mất đi cả một quốc gia. Rồi Trọng Thủy – một kẻ gián điệp, gián tiếp gây nên cái chết cho vợ, khi đi tắm ở giếng, “tưởng thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết”. Đây là cái kết cho những kẻ gian trá, giả dối, mượn lòng tin của kẻ khác để đạt được mục đích của mình.
Thế nhưng, chúng ta luôn thấy được một sự nhân đạo vô cùng cao cả của nhân dân dành cho những con người trong câu chuyện này. Mặc dù cả Mị Châu và Trọng Thủy đều phải chết để đền tội cho tội lỗi của mình, nhưng nhân dân lao động vẫn để họ được gặp lại nhau khi mà “người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng hơn”. Câu chuyện cũng là lời giải thích cho sự tích ngọc trai và nước giếng Trọng Thủy.
An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy không chỉ là một câu chuyện truyền thuyết đơn thuần mà nó còn chứa đựng những ý nghĩa và giá trị sâu xa. Nó không chỉ là lời giải thích cho di tích thành Cổ Loa chín vòng, mà còn là khẳng định vai trò của vị vua An Dương Vương trong sự ra đời và suy vong của nhà nước u Lạc. Nó cũng khẳng định về nguyên nhân mất nước cùng với bài học lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước, đồng thời là bài học về tinh thần cảnh giác trước kẻ thù, ngụ trong câu chuyện về tình yêu đôi lứa.
———————–HẾT———————–
Như vậy có thể thấy Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy chứa đựng rất nhiều ý nghĩa sâu sắc và cả bài học về quá trình dựng nước, giữ nước, bàn luận đến mối quan hệ giữa cái cá nhân và tập thể. Tìm hiểu thêm về truyện, các em có thể tìm đọc thêm: Bài học ứng xử của nhân dân qua truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ, Thái độ và tình cảm của nhân dân đối với nhân vật Mị Châu qua Truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thuỷ, Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ, Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu