Tra Cứu

Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Đề bài: Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

phan tich hinh anh nguoi linh lai xe trong bai tho ve tieu doi xe khong kinh

Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bạn đang xem: Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

I. Dàn ý Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả Phạm Tiến Duật và tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:
– Phạm Tiến Duật (1941) là nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
– Ông thường hay viết về hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi nhưng vô cùng sâu sắc.
-Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm thuộc chùm thơ của Phạm Tiến Duật viết về anh bộ đội cụ Hồ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung và nhiệt huyết.

b. Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính ở khổ thơ thứ nhất và thứ hai:
– Thái độ lạc quan, hóm hỉnh của người lính: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”.
– Dù hiện thực bom đạn có khốc liệt đến mức nào nhưng người lính vẫn “ung dung” nhìn thẳng vào hiện thực để tiếp tục chiến đấu.

c. Người lính lái xe có tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi gian khổ để tiến về phía trước:
– Xe không có kính khiến cho những người lính phải chịu bụi, chịu mưa rét nhưng vẫn nhìn nhau cười “ha ha” bởi với họ niềm vui lớn nhất chính là được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
– Họ luôn đón nhận mọi khó khăn với tâm thế sẵn sàng và coi đó như là một yếu tố khách quan mà họ phải vượt qua.

d. Tình đồng chí, đồng đội gắn kết giữa những người lính đến từ mọi miền đất nước:
– Niềm vui lớn nhất của những người lính là được gặp lại đồng đội của mình và chỉ cần một cái “bắt tay” để có thêm sức mạnh, động lực cho cuộc chiến đấu.
– Tình đồng chí, đồng đội đã gắn kết những con người xa lạ thành một gia đình chung bát, chung đũa.
– Những người lính đã tự động viên nhau vì màu xanh hy vọng phía trước: “Lại đi lại đi trời xanh thêm”.

e. Tinh thần yêu nước mãnh liệt của người lính:
– Khó khăn ngày càng được nhân lên gấp bội nhưng những người lính vẫn bất chấp mọi khó khăn để băng băng “xe chạy vì miền Nam phía trước”.
– Trái tim nhiệt huyết, trái tim yêu nước nồng nàn, sục sôi chiến đấu vì miền Nam thân yêu của người lính.

f. Đánh giá:
– Người lính lái xe được hiện lên với vẻ đẹp ngang tàng, dũng cảm đáng ngợi ca. Đây cũng là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
– Hình tượng người lính lái xe được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng những ngôn từ hóm hỉnh, lạc quan, nhiều màu sắc. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp hoán dụ, hình ảnh giàu ý nghĩa để miêu tả những phẩm chất cao đẹp của người lính.

3. Kết bài:

– Khái quát lại hình ảnh người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

Nếu như Chính Hữu đã thành công trong việc dựng lên bức tượng đài về người lính nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp thì Phạm Tiến Duật lại là một “nhà điêu khắc” tài ba tạo ra bức tượng về người lính trẻ ở thời kì kháng chiến chống Mỹ. Phải chăng hình tượng người lính chiến đấu đã được rất nhiều thi sĩ sử dụng trong công trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Với Phạm Tiến Duật cũng vậy, hình tượng người lính trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của ông có những phẩm chất thật đặc biệt.

Phạm Tiến Duật (1941) là nhà thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông thường hay viết về hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi nhưng vô cùng sâu sắc. Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm thuộc chùm thơ của Phạm Tiến Duật viết về anh bộ đội cụ Hồ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung và nhiệt huyết.

Ở khổ thơ thứ nhất và thứ hai, nhà thơ đã phác họa tư thế ung dung, hiên ngang của người lính trên đoạn đường Trường Sơn:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”

Những chiếc xe được nhà thơ miêu tả thật đặc biệt vì nó không giống như những con tàu trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên hay con thuyền chở đầy cá trong “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận mà nó là những chiếc xe “không có kính”. Người lính lái xe đã lý giải cho chúng ta biết vì sao chiếc xe của họ vốn nguyên vẹn nhưng nay lại không có kính là bởi vì bom đạn của quân thù đã phá vỡ chúng. Thế nhưng họ vẫn giữ thái độ lạc quan, hóm hỉnh đùa nhau rằng: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”. Dù hiện thực bom đạn có khốc liệt đến mức nào nhưng những người lính vẫn “ung dung” nhìn thẳng vào hiện thực để tiếp tục chiến đấu. Phải chăng kẻ thù dùng bom đạn phá hủy những chiếc xe nhằm ngăn cản hoạt động chi viện của những người lính, thế nhưng với những chiếc xe méo mó, biến dạng, không có kính che chắn thì những người lính vẫn ung dung làm nhiệm vụ: “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”, nhìn thấy gió, “thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Người lính không hề tỏ ra lo lắng mà cứ thế hiên ngang vững chắc tay lái nhìn về phía trước và tràn đầy lòng quyết tâm. Họ còn nhìn thấy những ngôi sao trên trời hay những cánh chim bay lượn của sự tự do khi ngồi trên chiếc xe không kính. Có lẽ, chiếc xe không kính chính là người bạn đồng hành vững chắc giúp người lính được hòa quyện và rộng mở tâm hồn để đón nhận thiên nhiên “Như sa, như ùa vào buồng lái”.

Đồng hành cùng những chiếc xe không có kính là những người lính lái xe có tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi gian khổ để tiến về phía trước:

“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.”

Phải chăng thời tiết khốc liệt với hai mùa mưa, nắng của Trường Sơn đã khiến cuộc sống, chiến đấu của những người lính trở nên khó khăn, gian khổ hơn. Bụi Trường Sơn trắng xóa khiến cho tóc của họ “trắng như người già”. Xe không có kính khiến cho những người lính phải chịu bụi, chịu mưa rét nhưng vẫn cùng nhau “phì phèo châm điếu thuốc” để rồi nhìn nhau với khuôn mặt lấm lem của bụi đường cười “ha ha”. Đây là tiếng cười của sự sảng khoái, tinh nghịch của người lính lái xe có tâm hồn trẻ trung và tràn đầy sự lạc quan. Với họ niềm vui lớn nhất chính là được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho nên dù Trường Sơn có là “Một dãy núi mà hai màu mây/ Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác” cũng không thể làm chùn bước họ. Mùa mưa ở Trường Sơn thường kéo dài dai dẳng khiến họ “ướt áo” vì “mưa tuôn, mưa xối” chứ không phải chỉ là mưa phùn nhưng họ luôn đón nhận mọi khó khăn với tâm thế sẵn sàng “ừ thì” và coi đó như là một yếu tố khách quan mà họ phải vượt qua.

Nếu như ở đoạn đầu của tác phẩm chúng ta đã bắt gặp hình ảnh chiếc xe không kính thì đến đoạn năm của tác phẩm đã cho ta thấy những chiếc xe không kính đó nay đã họp thành tiểu đội. Đó chính là sự gắn kết của tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính đến từ mọi miền đất nước:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”

Bom đạn chiến tranh đã làm nên một tiểu đội xe không kính cho nên niềm vui lớn nhất của những người lính là được gặp lại đồng đội của mình và chỉ cần một cái “bắt tay” để thể hiện tình cảm. Cái bắt tay qua ô cửa kính đã vỡ thể hiện sự đoàn kết, keo sơn giữa những người lính. Chỉ cần một cái bắt tay thôi cũng giúp họ tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau chiến đấu vì miền Nam phía trước. Sự gắn kết tự nhiên giữa những chiếc xe không kính đã làm nên một tiểu đội đặc biệt, không cố định nhưng lại vô cùng bền chặt và gắn bó chặt chẽ với nhau trên mọi nẻo đường. Hình ảnh “bếp Hoàng Cầm” xuất hiện chính là hiện thân của những bữa cơm họp mặt hiếm hoi trên chặng đường chiến đấu. Với người lính, quan niệm về gia đình của họ hết sức sâu sắc vì không cần chung một mái nhà mà chỉ cần chung bát, chung đũa thôi cũng là một gia đình rồi. Nhờ có tình đồng chí, đồng đội mà những con người xa lạ đến từ mọi miền tổ quốc nay đã trở thành một gia đình cùng nhau lái những chiếc xe không kính vượt mọi nẻo đường Trường Sơn. Không chỉ là những bữa ăn tạm bợ mà những giấc ngủ của họ cũng rất “chông chênh”. Thế nhưng những người lính của chúng ta đã tự động viên nhau vì một màu xanh hy vọng để đi tiếp: “Lại đi lại đi trời xanh thêm”.

Tinh thần yêu nước mãnh liệt của người lính đã giúp họ vượt qua mọi cái “không có” của hoàn cảnh:

“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Những chiếc xe không có kính khiến cho “bụi phun tóc trắng như người già” mà còn không có đèn, không có mui xe. Khó khăn ngày càng được nhân lên gấp bội nhưng những người lính vẫn bất chấp mọi khó khăn để băng băng “xe chạy vì miền Nam phía trước”. Có lẽ, trái tim nhiệt huyết, trái tim yêu nước nồng nàn, sục sôi chiến đấu vì miền Nam thân yêu của người lính chính là sức mạnh phi thường giúp họ vượt lên trên tất cả. “Trái tim” của người lính lái xe với sự kiên cường, can đảm còn là trái tim của niềm hi vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào một tương lai không xa. Hình ảnh “trái tim” giàu sức gợi đã cho ta thấy được dù hoàn cảnh có bị tàn phá đến đâu, có tác động đến họ nhiều thế nào đi chăng nữa thì những người lính ấy vẫn giữ trong mình một trái tim nhiệt huyết.

Hình tượng người lính lái xe được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng những ngôn từ hóm hỉnh, lạc quan, nhiều màu sắc. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp hoán dụ và nhiều hình ảnh giàu ý nghĩa để miêu tả những phẩm chất cao đẹp của người lính. Người lính lái xe được hiện lên với vẻ đẹp oai hùng, yêu nước, dũng cảm đáng ngợi ca. Đây cũng là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phác họa thành công bức tranh của những chủ nhân chiếc xe không kính trên dọc tuyến đường Trường Sơn. Qua hình tượng người lính, nhà thơ muốn gửi gắm một thái độ trân trọng, đồng cảm với những khó khăn mà họ phải trải qua vì miền Nam ruột thịt phía trước.

——————HẾT——————-

Bài Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính trên đây đã ngợi ca vẻ đẹp hào hùng của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Để hiểu rõ hơn về toàn bộ bài thơ, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau đây: Phân tích chất thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Cảm nhận của em về Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Cảm nhận 2 khổ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button