Tra Cứu

Khái quát về hệ thống kênh rạch và nguồn lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long

A BRIEF LOOK AT CANAL SYSTEMS AND RICE FIELDS IN MEKONG DELTA

Tác giả bài viết: LÊ CÔNG LÝ(Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

Hệ thống kênh rạch chằng chịt và nguồn lúa gạo phong phú là hai yếu tố làm nên đặc trưng của ĐBSCL. Kênh rạch vừa giải quyết nhu cầu tưới tiêu nước trong quá trình sản xuất lúa gạo, vừa là con đường vận chuyển vật tư, nhân công và đặc biệt là lúa gạo từ đồng ruộng đến nơi tiêu thụ.

Trong lịch sử khẩn hoang ĐBSCL, công việc đào vét kênh rạch phải đi trước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sau đó chính nhu cầu này tác động trở lại, trở thành động lực để phát triển hệ thống kênh rạch ĐBSCL.

Chính sự tác động qua lại này cho thấy rõ sự gắn bó mật thiết giữa cư dân ĐBSCL với điều kiện tự nhiên nơi đây.

ABSTRACT

Interlacing canal systems and abundant rice fields are two specific factors of the Mekong River Delta. The canals take the role of the system of irrigation and drainage in rice production process, as well as the route of transporting materials, labor, especially rice from paddy fields to the point of consumption.

In the history of reclaiming Mekong Delta, dredging operation to serve agricultural production had to be carried out first, and then it became the motive for the development of the canal systems in Mekong Delta.

It is this interaction that shows the close relationship between the Mekong Delta residents with natural conditions there.

xx x

1. Khái quát về đồng bằng sông Cửu Long

Theo Niên giám thống kê 2007, (1) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tức miền Tây Nam Bộ, có diện tích 40.604,7km2, dân số 17.524.000 người, mật độ dân số bình quân là 432 người/ km2.

Theo cuốn Địa lý đồng bằng sông Cửu Long của Lê Bá Thảo, nếu chỉ tính phần đất liền thì ĐBSCL gồm 4 vùng địa lý:

– Vùng 1 (đồng bằng trung tâm): vùng đất ven Sông Tiền và Sông Hậu;

– Vùng 2 (Đồng Tháp Mười): vùng đất trũng gồm các huyện phía bắc của tỉnh Đồng Tháp, phía tây của tỉnh Long An và phía tây bắc của tỉnh Tiền Giang;

– Vùng 3 (tứ giác Long Xuyên): gồm các huyện phía tây nam tỉnh An Giang và phía bắc tỉnh Kiên Giang.

– Vùng 4 (bán đảo Cà Mau): gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và các huyện phía nam tỉnh Kiên Giang.(2)

ĐBSCL là vùng cực nam của tổ quốc, là nơi hội tụ và hỗn dung của các dòng văn hóa trong giao lưu và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ của các tộc người Việt, Hoa, Khmer và Chăm. Chính vì thế mà ĐBSCL mang một bộ mặt xã hội đa dạng, vừa có nét truyền thống vừa mang tính cách tân rõ rệt.

ĐBSCL có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vừa hài hòa, vừa đa dạng với nhiều hệ sinh thái như: hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước lợ… Địa hình tương đối bằng phẳng, song vẫn có một vài ngọn núi thấp ở phía tây tỉnh An Giang và vô số giồng/ gò cát – nơi tích tụ nhiều tầng văn hóa. ĐBSCL có đất đai màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Nguồn nước tưới tiêu nhìn chung ổn định nhờ dòng chảy của sông Cửu Long tương đối điều hòa.

Theo sự phân chia hành chính hiện nay thì ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Sở dĩ có tên gọi “ĐBSCL” là vì vùng đất này nằm trong lưu vực của hệ thống sông Cửu Long và được phù sa sông này bồi đắp.(4)

Tên gọi “sông Cửu Long” xuất hiện khá muộn: sớm nhất là đầu thế kỷ XIX, trong cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (mục “Sơn xuyên chí, trấn Định Tường”, tờ 39a). Thế nhưng tên gọi ĐBSCL xuất hiện còn muộn màng hơn.

Trước năm 1698, vùng đất Nam Bộ được gọi chung là xứ Đồng Nai. Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh thành lập phủ Gia Định. Năm 1802, vua Gia Long đổi lại là Gia Định thành. Đến năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi 5 trấn của Gia Định thành thành 6 tỉnh và đến năm 1834, mới chia nước thành 3 kỳ, vùng đất Nam Bộ ngày nay gọi là “Nam Kỳ lục tỉnh”. Đến năm 1945 bắt đầu có tên gọi Nam Bộ và tồn tại cho đến ngày nay.

Sáu tỉnh Nam Kỳ chia thành 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.(5) Chính từ đây mà có tên gọi “miền Tây” để chỉ ĐBSCL. Tuy nhiên, ĐBSCL/miền Tây Nam Bộ hiện nay không hoàn toàn trùng khít với 3 tỉnh miền Tây nói trên. ĐBSCL/miền Tây Nam Bộ hiện nay nằm trong 3 tỉnh miền Tây thời Nam Kỳ lục tỉnh cộng thêm một phần phía tây và phía nam của tỉnh Gia Định.

Riêng tên gọi “ĐBSCL” chỉ xuất hiện chủ yếu từ sau 30/4/1975, do nhu cầu khu biệt với đồng bằng sông Hồng.

2. Kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long và một số hiện tượng liên quan

Kênh rạch là từ chỉ chung môi trường sông nước nằm trong hệ thống thủy triều. Hiểu như thế thì khái niệm kênh rạch bao gồm cả sông, tuy nhiên cư dân chủ yếu chỉ cư trú dọc theo kênh rạch và vận chuyển hàng hóa theo kênh rạch nên so với sông thì kênh rạch mang nhiều dấu ấn văn hóa của con người hơn.

Cũng như sông, rạch là đường thủy thiên tạo nhưng nhỏ, là nhánh nhỏ của sông hoặc là đường thủy tự nhiên nối hai con sông với nhau. Nếu như sông và rạch là do thiên tạo thì kênh tuy cũng đóng vai trò như rạch nhưng là nhân tạo. Chính vì vậy nên đường đi của kênh thường thẳng do chủ ý của con người, trong khi rạch thường hình thành dựa theo địa thế, men theo nơi đất thấp nên thường cong queo và có nhiều nhánh rẽ.

Cũng do tính chất cong queo đó nên đôi khi người ta dựa theo con rạch có sẵn để đào vét cho sâu rộng hơn và nắn dòng cho nó thẳng hơn. Trong trường hợp này, để phân biệt với rạch và kênh thuần túy, người ta gọi là “rạch đào”, trong đó “rạch” là yếu tố thiên tạo, “đào” là yếu tố nhân tạo.

Tại ngã ba nơi rạch nhỏ đổ nước ra rạch lớn hơn hoặc ra sông gọi là “vàm rạch”. Nơi sông nhỏ đổ ra sông lớn thì gọi là “vàm sông”. Nơi sông lớn đổ nước ra biển thì gọi là “cửa biển”.

Vàm sông, vàm rạch là nơi thay đổi hướng của dòng nước nên khi lưu thông đến đây, nếu hướng lưu thông thuận với dòng nước thì ghe thuyền tiếp tục hành trình, còn nếu gặp ngược dòng thì phải dừng lại nghỉ ngơi chờ con nước đổi hướng. Chính vì đặc điểm này nên tại vàm sông, vàm rạch thường hình thành chợ búa và các vựa hàng trung chuyển.

Mỗi con nước gồm có “nước lớn” và “nước ròng”. “Nước lớn” là nước thủy triều chảy từ biển vào, cộng với lưu lượng từ thượng nguồn đổ về khiến lượng nước trở nên tràn đầy, chảy ngược vào các kênh rạch nhỏ. Khi nước lớn đến đỉnh điểm (gọi là “nước đứng”) thì bắt đầu ròng, tức là chảy ra sông lớn để đổ ra biển và sông rạch cạn dần. Khi nước ròng sát phơi đáy rạch gọi là “nước kiệt”.

Do ĐBSCL nằm trong chế độ bán nhật triều nên mỗi ngày đêm (24 tiếng đồng hồ) có đến 2 con nước. Mỗi con nước kéo dài 12 tiếng đồng hồ, gồm 6 tiếng “nước lớn” và 6 tiếng “nước ròng”. Các con nước này có độ lớn không đồng đều mà luôn chênh theo chu kỳ nửa tháng: Ngày đầu tháng (âm lịch) triều cường mạnh nên con nước có độ lớn cao và giảm dần đến mồng 10 là cực tiểu, sau đó tăng dần đến ngày 17 là cực đại (“Mười bảy nước nhảy khỏi bờ” – Tục ngữ), rồi lại giảm dần đến 25 lại cực tiểu, và cứ thế lại tăng dần. Do đó, đồ thị biểu diễn chu kỳ nước rong, nước kém trong tháng là đồ thị hình sin có chu kỳ nửa tháng [Hình 2].

Những ngày có con nước nhỏ gọi là “nước kém”, những ngày có con nước cường độ lớn gọi là “nước rong”. Do triều cường còn có chu kỳ năm (đỉnh triều cường rơi vào rằm tháng 10 âm lịch và thấp nhất đầu tháng 5 âm lịch) nên chu kỳ nước lên/nước kiệt cũng tương ứng. Do đó, đồ thị biểu diễn chu kỳ nước lên, nước kiệt trong năm là đồ thị hình sin có chu kỳ 1 năm [Hình 3].

Trên sông, rạch, kênh, tại nơi có hai luồng nước giao nhau khi nước lớn gọi là “giáp nước”. Do đó, giáp nước chỉ xuất hiện ở những tuyến nối hai luồng nước với nhau. Khi nước lớn, ghe thuyền xuôi đến chỗ giáp nước thì bị chựng lại, đây là lúc khách thương hồ dừng lại tắm giặt, ăn uống, nghỉ ngơi (chính điều này dẫn đến việc hình thành chợ búa và kho chứa). Khi nước bắt đầu ròng, họ lại tiếp tục xuôi theo dòng nước để lên đường. Lưu thông theo cách này thì suốt thủy trình đều “xuôi chèo mát mái” vì thuận dòng. Các tuyến giao thông thủy chủ đạo Sài Gòn – miền Tây đều là các tuyến có “giáp nước”.

Hai luồng nước giao nhau có thể từ hai con sông, hai con rạch hoặc hai con kênh, tạo thành các giáp nước cố định, vì khi nước rong hay nước kém thì vị trí các giáp nước này vẫn không thay đổi. Trái lại, giáp nước trên các sông lớn là những giáp nước không cố định, vì tùy thuộc vào thủy triều mạnh hay yếu (cũng tức là tùy vào ngày nước rong hay nước kém) mà nước thượng nguồn gặp nước thủy triều sẽ bị chặn lại ở xa hay gần cửa biển [Hình 4].

Tuy nhiên, chỉ có những con sông có nguồn từ cao nguyên mới có giáp nước, còn những con sông đặc biệt, có nguồn từ biển (tức sông chảy ngược) thì do không có thượng nguồn nên bị thủy triều chi phối hoàn toàn, dẫn đến không có giáp nước. Ví dụ: Sông Bao Ngược (tức sông Vàm Cỏ), sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Ông Đốc, sông Cái Tàu, sông Cửa Lớn, sông Bảy Háp v.v…

Đồng bằng sông Cửu Long – ngay cái tên gọi đó cũng cho biết đây là môi trường của sông nước, kênh rạch. Theo Quyết định số 970/QĐ-BGTVT ngày 15/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (6) thì riêng ĐBSCL có đến 2.416,6km đường giao thông thủy.(7)

Địa hình đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung trũng thấp với vô số sông, rạch, bàu, lung, trấp, láng, đìa… xen giữa các dãy giồng, gò, rọc. Thủy lộ nhìn chung là sông rạch tự nhiên – đường nước lưu thông theo địa hình suốt mấy ngàn năm. Do địa hình bằng phẳng nên hầu hết sông rạch đều cong queo, uốn lượn, đôi khi thật khó theo dõi đường đi của nó ngay cả trên bản đồ. Bởi vậy mà có một nghịch lý là, sông rạch tuy nhiều vô kể nhưng lại khó lưu thông. Nhiều mặt hàng từ miền Tây chở lên Sài Gòn phải đi rất dài ngày nên đến nơi thì đã hư hỏng khá nhiều, bởi vậy mà có câu: “Rạch Giá ăn cá tươi, Sài Gòn ăn ốc thối”.

Bước đầu, khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu XVIII, lưu dân người Việt tới đây còn thưa thớt, chủ quyền của chúa Nguyễn đối với vùng đất này còn manh mún và yếu ớt; hơn nữa cần phải khoan thư trong cai trị để khuyến khích lưu dân vào khai phá vùng đất hoang vu này, nên việc bắt dân xâu đào kênh là rất hiếm. Đến năm 1705, do yêu cầu quân sự cấp bách mà chúa Nguyễn mới bắt dân xâu đào kênh Bảo Định và đến năm 1785, quân Tây Sơn mới cho đào kênh Bà Bèo để cô lập quân Đông Sơn trong Đồng Tháp Mười.

Sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn mới cho đào kênh Thoại Hà (1818), kênh Vĩnh Tế (1819), kênh Thủ Đoàn (1825).(8) Riêng khu vực Đồng Tháp Mười cần phải đào kênh tiêu úng và rửa phèn nên Nguyễn Tri Phương được giao nhiệm vụ Kinh lược sứ Nam Kỳ, xây dựng các đồn điền để vừa tập trung dân đinh phòng khi có giặc, vừa làm thủy lợi khai hoang. Tuy nhiên, công việc chưa hoàn tất thì thực dân Pháp tới.

Do yêu cầu về quân sự và giao thương nên thực dân Pháp rất chú trọng đào kênh, chiếm đất được đến đâu thì đào vét kênh rạch đến đó. Do đó mà hàng loạt kênh rạch mới xuất hiện mà quan trọng nhất là kênh Chợ Gạo (1877), kênh Nước Mặn (1879), kênh Xà No (1901-1903).

Do địa bàn nhìn chung bằng phẳng, độ dốc rất thấp nên Sông Tiền và Sông Hậu có nhiều nhánh nhỏ nằm xen kẽ các cù lao và cồn đất. Dọc theo hai bờ Sông Tiền và Sông Hậu là các giồng đất cát pha. Càng về phía hạ lưu, các giồng này càng nhiều và mở rộng theo hình cánh cung hướng ra biển. Do phải len lỏi giữa các giồng sắp xếp vô định hình nên các con rạch ở đây thường cong queo, có độ rẽ nhánh cao và đường đi phức tạp.

Đối với vùng duyên hải Tây Nam Bộ, công tác đào kênh rửa mặn, ngọt hóa và phục vụ giao thông liên lạc, củng cố quốc phòng được tiến hành từ cuối thời Gia Long với kênh Thoại Hà (1818) nối Sông Hậu tại Long Xuyên, ăn lên Rạch Giá và đổ ra Biển Tây; kênh Vĩnh Tế (1819) nối Sông Hậu tại Châu Đốc, chạy dọc theo biên giới, ăn ra sông Giang Thành và đổ ra biển Hà Tiên. Đến thời Thiệu Trị cho đào thêm kênh Long An (9) (1843-1844) nối Sông Tiền tại Tân Châu và Sông Hậu tại Châu Đốc.

Đến thời Pháp thuộc, thực dân tiến hành khai hoang miệt U Minh Thượng (Rạch Giá) bằng cách cho đào con kênh Cán Gáo (1928) nối sông Cái Lớn với Sông Trẹm, cắt 10 con rạch (Thập Câu) song song cùng hướng ra Biển Tây vốn có từ lâu đời (có thể được đào từ thời Mạc Cửu, cuối thế kỷ XVII), tạo thành 10 ngã tư đường thủy. Mỗi ngã tư như thế hình thành một ngôi chợ và mang tên khá độc đáo: chợ Thứ Nhất, chợ Thứ Nhì v.v… đến chợ Thứ Mười. Dân cư ngày một đông đúc và vùng này được gọi chung là Miệt Thứ.

Riêng vùng Đồng Tháp Mười, vì là một bồn trũng nên rất ít rạch tự nhiên mà chỉ phổ biến là các bàu, lung, láng… nước đọng quanh năm. Chính vì vậy mà công cuộc khẩn hoang vùng này trước tiên phải bắt đầu từ khâu thủy lợi: đào kênh tiêu úng và tháo nước từ Sông Tiền để rửa phèn vốn tích tụ lâu đời trong lòng chảo này.

Công việc này được tiến hành chậm chạp vì sự khắc nghiệt của môi trường Đồng Tháp Mười: nước phèn, muỗi mòng, rắn rết. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, Đồng Tháp Mười vẫn được xem là vùng “nê địa” (bùn lầy) khắc nghiệt, nên chỉ được gọi bằng cái tên chung chung là “Plain de Joncs” tức Đồng Cỏ Lác. Đến cuối thế kỷ XIX thực dân mới tiến hành đào một số kênh như kênh Bo Bo (1875), kênh Tổng Đốc Lộc (1895), kênh Lagrange, kênh Tháp Mười, kênh Long Định (1897). Tuy nhiên, các con kênh này mang ý nghĩa quân sự hơn là kinh tế.

Mãi đến những năm 1985, nhà nước mới xúc tiến kế hoạch khai thác Đồng Tháp Mười một cách quy mô. Công việc này bắt đầu từ khâu thủy lợi, đào vét kênh rạch để tháo phèn và ngọt hóa Đồng Tháp Mười. Theo kế hoạch này, toàn bộ diện tích Đồng Tháp Mười được đào kênh xẻ rãnh ngang dọc chằng chịt mà quan trọng nhất là việc vét kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Phước Xuyên và đào mới kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng năm 1983 (còn gọi kênh Trung Ương). Các con kênh này dẫn nước ngọt từ Sông Tiền để rửa phèn vốn tích tụ lâu đời trong lòng chảo Đồng Tháp Mười. Chính vì kênh rạch ngang dọc chằng chịt như mạng nhện, mỗi kênh cách nhau chỉ 500m nên vùng này được gọi chung là Miệt Kinh [Kênh].

Nhìn chung người Pháp có vai trò lớn trong việc đào vét kênh rạch ở ĐBSCL để phát triển thủy lợi và giao thương, dù chỉ nhằm mục đích quân sự và khai thác thuộc địa. Trong suốt thời Pháp thuộc, do đặc thù kênh rạch ở ĐBSCL thường có giáp nước, phù sa tích tụ dễ bị cạn lấp nên thực dân phải liên tục nạo vét bằng xáng thổi. Theo Sơn Nam thì tính đến năm 1930, Nam Kỳ mà trọng tâm là ĐBSCL đã được xáng đào khoảng 180.000.000m3 đất, trong đó:

– 650km kênh lớn (rộng 40m);

– 2.500km kênh phụ và vô số kênh nhỏ khác.

Nhờ đó mà trong 37 năm (1893-1930), bình quân mỗi năm tăng thêm 35.000ha ruộng, tổng cộng 1.800.000ha đất đưa vào canh tác (bao gồm cả phần người Pháp khai hoang trước năm 1893 ở Sông Tiền). Từ năm 1885 đến 1930, tổn phí đào kênh là 48 triệu đồng. (10)

Do địa hình chung ở Đông Nam Á cao ở tây bắc và thấp dần phía đông nam nên các sông lớn nhìn chung cũng chảy theo hướng này. Do đó hầu như toàn bộ hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL đều chảy theo hướng tây nam-đông bắc, nghĩa là thẳng góc với hệ thống sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ. Hướng này vô tình trùng khít với hướng gió mùa Tây Nam (11) nên thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản từ miền Tây lên Sài Gòn bằng ghe thuyền, đặc biệt là thuyền buồm.

Vì là xứ sở của sông nước nên ĐBSCL đồng thời là xứ sở của ghe xuồng. Sách Gia Định thành thông chí có ghi: “Đất Gia Định có nhiều sông ngòi, cù lao, bãi bến, nên 10 người đã có 9 người giỏi việc chèo thuyền… Chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi mà ghe thuyền đi lại chật sông suốt ngày đêm nối đuôi nhau…(12) Chính vì vậy nên nghề đóng ghe thuyền rất phát triển ở Sài Gòn và ĐBSCL. Cũng theo sách Gia Định thành thông chí, từ rất sớm trên đất Gia Định (hiểu là cả Nam Bộ ngày nay) đã hình thành rất nhiều công xưởng đóng ghe thuyền như: ở trấn Phiên An có xưởng Chu sư, trấn Vĩnh Thanh có xưởng Thủy sư, trấn Hà Tiên có Thuyền xưởng, trấn Biên Hòa cũng có Thuyền xưởng.(13) Ở hữu ngạn hạ lưu sông Sài Gòn có xưởng Chu sư thành lập từ năm 1791, là nơi đóng thuyền lớn nhất.(14)

Về cơ bản ghe nhìn chung lớn nên dùng để lưu thông trên sông hoặc kênh rạch lớn còn xuồng thì nhỏ, dùng lưu thông trên kênh rạch nhỏ. Bài viết “Ghe xuồng ở Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho thấy sự đa dạng của ghe xuồng ở khu vực này như sau:

Xuồng có các loại phổ biến như xuồng ba lá, xuồng năm lá, tam bản, xuồng vỏ gòn, xuồng độc mộc, xuồng chèo, xuồng máy…

Ghe, vì là phương tiện vận tải chuyên dụng trên nhiều loại hình sông nước nên số loại còn phong phú hơn nhiều: ghe bầu, ghe cửa, ghe lồng, ghe hàng, ghe giàn, ghe be, ghe chài, ghe cà vom, ghe cá (ghe rổi), ghe be, ghe lưới, ghe cào tôm, ghe mỏ vạch, ghe cui, ghe ngo, ghe điệu, ghe hầu, vỏ lãi, tắc ráng…

Trong số đó, ghe bầu và ghe chài là hai loại ghe có sức vận tải lớn.

– Ghe bầu là loại ghe lớn nhất, mũi và lái nhọn, bụng phình to, có tải trọng tương đối lớn, chạy buồm (từ 1 đến 3 buồm), lướt sóng tốt và đi nhanh, có nhiều chèo để đi sông và đi biển dài ngày, thường dùng đi đường biển. Loại ghe bầu lớn thường gọi là ghe trường đà. Ghe bầu (prau) bắt nguồn từ tiếng Mã Lai, do người Việt trong quá trình Nam tiến tiếp thu được của người Chăm. Trước năm 1945, hàng năm các lái buôn lớn từ miền Trung chở cá, mắm cá mòi, chủ yếu là nước mắm cá cơm của vùng Phan Thiết vào bán trong Nam, rồi mua gạo thóc chở ra bằng loại ghe này.

– Ghe chài to và chở được nhiều nhất, có mui rất kiên cố, gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại, có hai tầng. Ghe được chia làm hai phần, phần đầu chứa hàng hóa, phần sau là chỗ nghỉ cho người đi ghe. Một mui rời phía sau phòng lái dùng làm nơi tắm rửa, nấu cơm. Ghe có sức chở từ 150-200 tấn, loại ghe chài Nam Vang chở được đến 300 tấn. Ghe chài thường có cả chục người chèo với kiểu chèo “neo” ngược chứ không như kiểu chèo ghe bình thường. Về sau, người ta dùng tàu kéo ghe chài. Ghe dùng cho người đi buôn bán xa, dài ngày và sống trên sông nước. Thường dùng chở lúa gạo, than củi.

“Chài” xuất xứ từ tiếng “pok chài” của người Triều Châu, pok: nhiều, chài: tải, ghe chài là loại ghe có sức tải lớn.(15)

Do ghe thường lưu thông trên sông hoặc kênh rạch lớn nên ngoài việc chèo chống ra còn có thể gắn buồm để chạy.

3. Lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long

Ngay từ thế kỷ XVII-XVIII, ĐBSCL đã là vựa lúa quan trọng của cả nước. Dù chưa thấy có số liệu thống kê nào về sản lượng lúa của ĐBSCL trong các thế kỷ này nhưng dựa vào lượng thóc thu thuế của triều đình cũng có thể ước lượng số lúa trong dân của vùng này. Sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn có dẫn sổ sách thu thuế năm Kỷ Sửu (1769) như sau: Trong khi huyện Tân Bình (đất Sài Gòn) ruộng núi thực nộp là 751 người, thóc thuế mỗi năm 1.902 hộc (mỗi hộc khoảng 60 lít), huyện Phước Long (đất Biên Hòa) ruộng núi thực nộp là 245 người, thóc thuế 576 hộc thì châu Định Viễn (đương thời gồm miền Hạ tỉnh Long An và vùng đất Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh hiện nay) thực nộp đến 2.937 người, thóc thuế lên đến 6.144 hộc, chưa tính cả con số không nhỏ trốn xâu lậu thuế.(16) Nguyên nhân là vì “Ruộng các huyện thuộc Tân Bình, Phước Long, Quy An, Quy Hóa [nay là vùng đất từ TP Tân An, tỉnh Long An trở lên Sài Gòn và các tỉnh miền Đông] có cày để cấy, cấy 1 hộc thóc thì gặt được 100 hộc; thuộc Tam Lạch, trại Bả Canh, châu Định Viễn thì ruộng không cày, phát cỏ rồi cấy, cấy 1 hộc thóc thì gặt được 300 hộc”.(17) Như vậy đủ biết vùng đất miệt dưới màu mỡ và sản lượng lúa dồi dào đến mức nào. Chính vì vậy mà những câu nói dân gian như “Gia Định nhất thóc nhì cau” hay “Hết gạo thì có Đồng Nai” chủ yếu là muốn nói tới nguồn lúa gạo của ĐBSCL – xứ sở “trên cơm dưới cá”.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí (1819) của Phan Huy Chú ghi nhận về sinh hoạt trồng lúa của cư dân ĐBSCL đương thời như sau: “Họ chăm làm ruộng sinh nhai, cho nên cấy được rất nhiều thóc và có nhiều ruộng tốt. Các nhà giàu, hoặc có chỗ 40 – 50 nhà, hoặc có chỗ 20 – 30 nhà. Mỗi nhà có đến 50 – 60 điền tốt, trâu bò có đến hơn 300 con, cày bừa, trồng cấy, gặt hái, không lúc nào rỗi. Hằng năm cứ đến một chạp [tháng 11 và tháng Chạp] đem thóc giã thành gạo, bán lấy tiền, để chi dùng vào tết tháng chạp. Tháng giêng thì không làm ruộng, giã gạo gì cả”.(18)

Về các giống lúa và lịch trình canh tác, sách này cho biết: “Đất này cấy lúa tẻ, lúa nếp rất hợp. Hột gạo trắng mà dẻo. Các thứ lúa tẻ có thứ gọi là gạo mắc cửi, hột nhỏ mà dài, có vân như gấm, mùi rất thơm. Có thứ gọi là gạo già đông, hột to mà trắng. Có thứ gọi là gạo móng tay, hột tròn mà to, thổi cơm nở và chắc.

Còn lúa nếp có thứ gọi là nếp mướp hột to mà dài, trắng, thơm và dẻo. Có thứ gọi là nếp mây, hột to, mềm, dẻo. Có thứ gọi là nếp than, hột nhỏ mà mềm. Có thứ gọi là nếp nhẹ, hột nhỏ như hoa cây trúc, thơm mà dẻo. Có thứ gọi là nếp sáp, vỏ thóc đỏ, hột to, gạo trắng thơm và mềm. Các thứ lúa ấy đều tháng 5 gieo mạ, tháng 7 cấy, tháng 10 gặt, tháng giêng mới xong việc, đến tháng 2 mới xay thóc”.(19)

Trong các thế kỷ trước, hầu hết các giống lúa ở ĐBSCL đều có nguồn gốc Khmer. Các giống lúa này có thân cao khoảng 1-1,2m và có tuổi đời từ 6-8 tháng. Khác với các giống lúa lùn hiện nay có tuổi đời 3 tháng bất kể thời tiết, các giống lúa mùa trước đây có quá trình đơm bông và chín hạt phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết. Được gieo trồng vào đầu tháng 5 âm lịch (sau khi ăn tết giữa năm/Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5) và cấy vào khoảng đầu tháng 7 âm lịch.

Tùy vào độ quang cảm (tiếp thu ánh nắng) mà mỗi giống lúa trổ bông sớm hay muộn. Những giống lúa có độ quang cảm cao thì khi thời tiết vừa chuyển sang chu kỳ ngày ngắn đêm dài (tiết Thu phân: 23-24/9 đến 8-9/10) thì bắt đầu trổ bông để đến cuối tháng 10 âm lịch thì chín, gọi là lúa mùa sớm, nói tắt là lúa sớm. Trái lại, những giống lúa có độ quang cảm thấp hơn thì trổ bông muộn hơn (khoảng tháng 10 âm lịch) để đến giữa tháng 12 âm lịch thì chín, gọi là lúa mùa chính vụ. Cá biệt có những giống lúa trổ bông muộn hơn nữa và bước sang đầu tháng giêng âm lịch mới chín, gọi là lúa lúa mùa muộn, hay nói tắt là lúa muộn.

Nhóm lúa mùa sớm (thu hoạch vào cuối tháng 10 âm lịch) nhìn chung được trồng tại vùng nước lợ(20) và có hạt nhỏ dài, chẳng hạn như:

– Lúa Sa Quay có thân cao lớn như lúa mùa chính vụ, hạt gạo dài, trong, chất lượng trung bình, hơi cứng cơm nên có thể sử dụng làm bún được.

– Nếp thơm thì không cao bằng, gốc thân có màu tim tím, lá xanh đậm, vỏ trấu có màu nâu sậm, hạt gạo dài, đục và thơm ngon. Nếp thơm dùng để nấu xôi, chè hay làm bánh, đặc biệt là làm cốm dẹp trong lễ Ok-om-bok.

– Nếp Hà Tiên hơi thấp cây hơn, cọng thân hơi nhỏ và có màu hơi nâu với một số sọc đen, hạt nhỏ hơn và có màu nước trà với những sọc xuôi, đặc biệt là đuôi hạt hơi quớt (quắt lại). Tuy cây và hạt không thơm như Nếp thơm nhưng chất lượng cao hơn một ít.

Nhóm lúa mùa chính vụ (thu hoạch vào tháng 12 âm lịch) nhìn chung được trồng ở vùng đất có độ cao trung bình ven các giồng đất và có hạt cũng ở mức trung bình (không dài quá hay to quá), chẳng hạn như:

– Nếp Than Tàu có thân cao to, lá lớn, kềnh càng nên dễ ngã, hạt hơi mập, vỏ trấu màu sậm đen và có gân, ruột bên trong cũng nâu đen, chất lượng trung bình, thường dùng để nấu xôi, thỉnh thoảng gói bánh, đặc biệt là nấu rượu.

– Nếp Máu lươn có vỏ màu đỏ như máu lươn. Giống này thân trung bình, thích hợp ở đất hơi sâu, chất lượng khá nhưng năng suất không cao lắm.

– Nếp Mù u và nếp Ruồi gần giống nhau với màu hạt hơi sạm nâu, về chiều cao thì nếp Mù u hơi cao hơn một chút. Chất lượng hai giống này khá, dùng để làm các loại bánh hay nấu xôi.

– Nếp Phật là giống được thu hoạch sau cùng trong các giống nếp. Từ đặc điểm này người ta sử dụng nó để gieo mạ cấy lấp vụ lại trên nền đất lúa Sa Quay để tận dụng đất. Giống này thân hơi cao, cứng, ít ngã, vỏ màu vàng trà, chất lượng thấp nhất trong các giống nếp, chủ yếu dùng để nấu rượu.

– Lúa Ba bụi được thu hoạch đầu tiên trong nhóm lúa mùa chính. Thân lúa cao trung bình, hạt tuy dài nhưng hơi thon nên năng suất chỉ ở mức khá nhưng gạo thuộc loại ngon.

– Lúa Một bụi có hạt hơi to hơn một chút nên năng suất cao hơn chút ít và gạo thuộc loại ngon.

– Lúa Chim rơi, có người gọi là Móng chim rơi, hạt như Một bụi nhưng màu sáng hơn, gạo cũng ngon hơn.

– Lúa Trắng tép hạt thon dài, nhỏ nhắn, màu sáng nhất và chất lượng cao nhất.

– Hai giống Ba vội, Ba túc có hạt hơi dài, màu vàng trà giống như nếp Phật (giống Ba túc hơi sậm hơn Ba vội). Giống này hơi cứng cơm, chất lượng trung bình, năng suất khá.

– Thu hoạch sau cùng trong nhóm lúa mùa chính vụ là lúa Trắng lùn. Giống này cứng cây, hột ngắn, năng suất khá nhưng cứng cơm, chủ yếu dùng làm bún.(21)

Nhóm lúa mùa muộn (thu hoạch sau Tết Nguyên đán) nhìn chung có hạt vừa phải (một số giống có hạt to tròn), chẳng hạn: Tài nguyên, Nanh chồn, Tàu hương, Nàng thơm muộn, Nếp vỏ gừa, Tàu lai, Thềm đìa, Nàng nghiệp, Tám sanh, Lòng tong, Ngọc chồn, Trời cho, Châu Hạng Võ, Huyết rồng, Đuôi trâu, Nàng tri, Trường hưng, Tàu binh… Đây là những giống lúa có phản ứng rất mạnh đối với quang kỳ nên chỉ trổ trong khoảng thời gian quang kỳ ngắn nhất vào tháng 12 – đầu tháng 1 dương lịch. Thời gian sinh trưởng của các giống này thay đổi rất lớn tùy theo thời điểm gieo cấy sớm hay muộn. Hầu hết các giống này phân bố ở các vùng trũng nước ngập sâu và rút muộn (22) như tứ giác Long Xuyên (đồng lụt hở) mà đặc biệt là Đồng Tháp Mười (đồng lụt kín).

Trên đây chỉ kể tên những giống lúa mùa còn sót lại cho đến trước cuộc Cách mạng xanh (1968). Trước đó lúa mùa vô cùng phong phú về chủng loại. Trong cuốn Paddys et Riz de Cochinchine [Lúa gạo ở Nam Kỳ] (1911), Albert Coquerel đã thống kê ở Nam Kỳ được danh sách 166 giống lúa [mùa] sớm (Riz Hatifs), 197 giống lúa mùa (Riz Saison), 87 giống lúa [mùa] muộn (Riz Tardifs) trong khi chỉ có 52 giống lúa 3 và 4 tháng (Riz de Trois et Quatre mois) và 16 giống lúa nổi (Riz Flottants).(23)

Tuy nhiên, đó chỉ là thống kê những giống lúa phổ biến. Nếu thống kê chi tiết thì số lượng giống lúa ở ĐBSCL còn phong phú hơn nhiều. Theo Nguyễn Ngọc Đệ thì: “Tùy điều kiện canh tác, đặc biệt là chế độ ngập lũ, mà nông dân ĐBSCL đã chọn lọc và sử dụng giống lúa khác nhau. Đây là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo đặc thù trong canh tác lúa của người dân ĐBSCL. Có hơn 1.600 giống lúa cổ truyền khác nhau được canh tác ở ĐBSCL đã được tìm thấy, sưu tập và bảo tồn tại Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ”.(24)

Trong các cuộc đấu xảo lúa giống ở Sóc Trăng do Thống đốc Nam Kỳ tổ chức vào năm 1923, chỉ riêng các nông gia xứ này đã mang đến được 280 giống lúa khác nhau, năm 1924 có 209 giống lúa.(25)

Sở dĩ lúa mùa/ lúa cao chỉ được trồng phổ biến từ giữa thế kỷ XX về trước là vì khi đó nông nghiệp chưa được cơ khí hóa, phải phụ thuộc nhiều vào lượng nước mưa tự nhiên và chỉ có loại lúa cao mới thích hợp với môi trường ngập nước do lượng mưa dồi dào. Chính vì vậy mà khi đã cơ khí hóa nông nghiệp thì chỉ có vùng nước lợ cận duyên hải trồng lúa mùa,(26) trong khi những vùng nước ngọt thì trồng các giống lúa lùn ngắn ngày. Lý do là vì vùng nước lợ phải phụ thuộc vào lượng nước mưa dồi dào để rửa mặn, không thể xuống giống sớm như vùng nước ngọt.

Tuy năng suất lúa mùa không cao (khoảng 200kg/1.000m2) như các loại lúa lùn ngắn ngày (khoảng 500-600kg/1.000m2) và thời gian sinh trưởng lâu, phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết, dẫn đến chỉ có thể canh tác 1 vụ/năm nhưng các giống lúa này ít đòi hỏi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân vẫn có lãi, đồng thời chất lượng gạo nhìn chung lại tốt.

Kể từ cuộc Cách mạng xanh (1968), nhờ cơ khí hóa nông nghiệp và thủy lợi phát triển nên người dân vùng nước lợ có thể trồng lúa mùa lấp vụ: Vụ đầu trồng lúa lùn ngắn ngày (90 ngày) và gieo mạ lúa mùa; đến khi thu hoạch vụ hè thu xong thì xử lý đất và cấy lúa mùa. Những vùng nước mặn thì thay vụ hè thu bằng vụ nuôi tôm.(27) Đây chính là cách thâm canh tăng vụ để tranh thủ lúc nông nhàn.

Trong các thế kỷ trước, lúa ĐBSCL được chia thành 3 vùng để định giá trị xuất khẩu:

– Gạo Gò Công (khu vực tả ngạn Sông Tiền): hạt gạo to tròn;

– Gạo Vĩnh Long (khu vực giữa Sông Tiền và Sông Hậu): hạt gạo dài và lớn;

– Gạo Bãi Xàu/gạo Ba Thắc (khu vực hữu ngạn Sông Hậu): hạt gạo nhỏ mà thon dài.

Trong 3 vùng lúa gạo trên thì Gò Công và Vĩnh Long có giá tương đương nhau, riêng lúa gạo vùng Bãi Xàu luôn có giá cao hơn vì đây được xem là nhóm gạo ngon nhất.(28) Chẳng hạn, theo báo Nông cổ mín đàm ngày 11/9/1902 thì giá lúa Gò Công và Vĩnh Long chở đến nhà máy mỗi tạ (150 cân/68kg) đồng giá 2$42, trong khi lúa Bãi Xàu giá 2$44; gạo trắng Gò Công và Vĩnh Long đồng giá mỗi tạ 3$58, trong khi gạo trắng Bãi Xàu giá 3$65.

Lượng lúa gạo ở ĐBSCL tăng dần theo từng bước khai hoang của người Việt mà gắn chặt với nó là công tác đào kênh để giải quyết hai nhu cầu sống còn là thủy lợi và giao thông vận tải. Đặc biệt, lượng lúa gạo vùng này tăng vọt sau khi người Pháp đào kênh Chợ Gạo (1877) nối Sông Tiền với sông Vàm Cỏ và thông với sông Cần Giuộc bằng kênh Nước Mặn (1879) để lên Sài Gòn, giúp đẩy mạnh khai hoang vùng ven Sông Tiền và khu vực giữa Sông Tiền và Sông Hậu. Đến năm 1901, Pháp cho đào kênh Xà No (1901-1903) nối Sông Hậu tại Cần Thơ xuyên qua vùng hoang vu rộng lớn và ăn ra sông Cái Lớn để thông ra Biển Tây tại Rạch Giá, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy tiến độ khẩn hoang vùng phía nam Sông Hậu.

Mặc dù chưa thấy con số thống kê sản lượng lúa gạo của cả ĐBSCL đương thời nhưng căn cứ vào lượng gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn qua hai cái mốc đào kênh Chợ Gạo (1877) và kênh Xà No (1901-1903) cũng thấy được vai trò to lớn của hai con kênh này:

– Năm 1870: 128.894 tấn;

– Năm 1880: 293.207 tấn;

– Năm 1890: 540.998 tấn;

– Năm 1900: 747.635 tấn;

– Năm 1910: 1.108.561 tấn.(29)

Tuy nhiên, mãi đến năm 1975, trong khi vùng phía nam Sông Hậu (gồm cả tứ giác Long Xuyên) đã được khai hoang thì vùng Đồng Tháp Mười tuy nằm sát nách Sài Gòn nhưng vẫn còn khá hoang vu. Chính vì vậy mà công cuộc khai hoang ĐBSCL chỉ thực sự hoàn tất vào thập niên 1980, khi nhà nước chủ trương tiến công vào Đồng Tháp Mười. Sau 20 năm (1979-1999) làm thủy lợi và khẩn hoang, toàn bộ 700.000ha Đồng Tháp Mười như được khoác chiếc áo mới với nhiều vùng chuyên canh như: tràm, khóm (dứa), sen… nhưng chủ yếu vẫn là lúa. Cũng từ giai đoạn này sản lượng lúa của ĐBSCL tăng vọt và lượng gạo xuất khẩu đạt ky lục, giúp Việt Nam đứng hàng thứ 2 thế giới.

Thành tích đó không phải nhờ lúa mùa mà nhờ vào các loại lúa lùn ngắn ngày (khoảng 90 ngày) do năng suất cao (5-6 tấn/ha), có phẩm chất gạo tốt và khả năng thâm canh tốt (3-4 vụ/năm), chẳng hạn như: OM1490, OM3536, OM4898, MTL250, MTL384, MTL392, Jasmine 85, VND20, VD95-20, MTL466, OM 1723, IR 64, OM 1706, IR 50404, MTL 145, OMCS 94, IR 56279, OMCS 96, OM 997, IR 62032, OM 2031, OM 1633 v.v…

Theo Tổng cục Thống kê(30) thì sản lượng lúa của ĐBSCL trong giai đoạn này diễn biến như sau:

Sản lượng lúa/năm của ĐBSCL (1986-2007)

Năm1986198719881989199019911992Năm1993199419951996199719981999Năm200020032004200520062007

Với sản lượng như thế, ĐBSCL đã góp phần chủ yếu để đưa Việt Nam trong những năm qua trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới với hơn 4 triệu tấn/năm.(31)

4. Kết luận

Tóm lại, hệ thống kênh rạch chằng chịt và nguồn lúa gạo phong phú là hai yếu tố làm nên đặc trưng của ĐBSCL. Kênh rạch vừa giải quyết nhu cầu tưới tiêu nước trong quá trình sản xuất lúa gạo, vừa là con đường vận chuyển vật tư, nhân công và đặc biệt là lúa gạo từ đồng ruộng đến nơi tiêu thụ.

Trong lịch sử khẩn hoang ĐBSCL, công việc đào vét kênh rạch phải đi trước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sau đó chính nhu cầu này tác động trở lại, trở thành động lực để phát triển hệ thống kênh rạch ĐBSCL.

Chính sự tác động qua lại này cho thấy rõ sự gắn bó mật thiết giữa cư dân ĐBSCL với điều kiện tự nhiên nơi đây.

Chú thích và tài liệu trích dẫn:

(1) Tổng cục Thống kê (2008), Niên giám thống kê 2007, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.38.

(2) Lê Bá Thảo (1986), Địa lý đồng bằng sông Cửu Long , Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, tr. 117.

(3) Lê Bá Thảo (1990), Thiên nhiên Việt Nam , Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 241.

(4) Riêng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hầu như không chịu ảnh hưởng của lưu vực sông Cửu Long.

(5) Cần lưu ý rằng diên cách các tỉnh này không hoàn toàn trùng khít với các tỉnh cùng tên hiện nay.

(6) http://www.viwa.gov.vn/quanlyduongsong/default.asp, truy cập ngày 29/4/2011.

(7) Trong khi cả miền Bắc có 2.663,9km và miền Trung chỉ có 808,4km đường giao thông thủy.

(8) Sử sách triều Nguyễn gọi là kênh Lợi Tế, nay gọi là kênh Trà Cú Hạ hay kênh Thủ Thừa.

(9) Nay gọi là kênh Tân Châu, kênh Vĩnh An.

(10) Sơn Nam (1984), Đất Gia Định xưa, Nxb TP HCM, tr. 134.

(11) Ở ĐBSCL, gió mùa Tây Nam hoạt động xuyên suốt từ tháng 4 đến tháng 9, còn gió mùa Đông Bắc hoạt động từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau nhưng cường độ yếu nên không đáng kể.

(12) Trịnh Hoài Đức (1820, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí , bản dịch của Lý Việt Dũng, Nxb Đồng Nai, tr. 186.

(13) Phan Thị Yến Tuyết (chủ biên) (2002), Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, tr. 126.

(14) Đến năm 1863 thực dân Pháp đổi lại thành xưởng đóng thuyền Ba Son và tồn tại đến ngày nay.

(15) Nguyễn Thanh Lợi (2005), “Ghe xuồng ở Nam Bộ”, tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, tr. 49-58.

(16) Tình hình dân lậu trốn thuế rất phổ biến, mãi đến thời Minh Mạng (1836) cho lập địa bạ Nam Kỳ mới nhận ra được con số này: tiền thuế thu được ở Nam Kỳ tăng lên gấp 3 lần [Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1821-1909, tái bản 2005), Đại Nam thực lục, tập 5, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 449].

(17) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học viết lời giới thiệu, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 147-148.

(18) Phan Huy Chú (1819, tái bản 2005), Lịch triều hiến chương loại chí , Bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 202.

(19) Phan Huy Chú, sđd, tr. 202-203.

(20) Vì từ tháng 11 âm lịch trở đi các vùng nước lợ sẽ bị nhiễm mặn nên nông dân trồng lúa mùa sớm để tránh mặn.

(21) Lê Quốc Việt, “Ký ức lúa mùa”, nguồn: http://blog.yahoo.com/_RMVDV3QLXGQZJPJAJ6FKCYJIJM/articles/158564, truy cập ngày 29/4/2012.

(22) Nguyễn Ngọc Đệ (2009), Giáo trình cây lúa, Nxb Đại học Quốc gia TP HCM, tr. 61-62.

(23) Albert Coquerel (1911), Paddys et Riz de Cochinchine [Lúa gạo ở Nam Kỳ], Imprimerie A. Rey, Lyon, p. 7-14.

(24) Nguyễn Ngọc Đệ, sđd, tr. 110.

(25) Tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu IA.3/252. Dẫn theo Nguyễn Phan Quang (2000), Việt Nam cận đại – những sử liệu mới , tập 3: Sóc Trăng (1867-1945), Nxb Văn nghệ TPHCM, tr.190-191.

(26) Xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An chính là vùng nước lợ điển hình với giống lúa nàng thơm Chợ Đào nổi tiếng cả nước.

(27) Lê Quốc Việt, “Tản mạn Cà Mau”, nguồn: http://blog.yahoo.com/_RMVDV3QLXGQZJPJAJ6FKCYJIJM/articles/158540/category/Nh%E1%BB%AFng+chuy%E1%BA%BFn+%C4%91i,truy cập ngày 29/4/2012.

(28) Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon, Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi . (Ca dao).

(29) Nguyễn Phan Quang, sđd, tr. 164.

(30) Tổng cục Thống kê (2004), Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, quyển 2, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 1.178-1.183 và Tổng cục Thống kê (2008), Niên giám thống kê 2007, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 245.

(31) Theo Niên giám thống kê 2007 (sđd, tr. 454) thì lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2000 là 3.476.700 tấn, năm 2003 là 3.810.000 tấn, năm 2004 là 4.063.100 tấn, năm 2005 là 5.254.800 tấn, năm 2006 là 4.642.000 tấn, năm 2007 là 4.557.500 tấn.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (108), 2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

PDFKhái quát về hệ thống kênh rạch và nguồn lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu LongLê Công Lý

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button