Tra Cứu

Sơ cấp cứu là gì? Nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu

Sơ cấp cứu là cung cấp sự trợ giúp y tế ngay lập tức cho bạn nhân hoặc người bệnh cho đến khi họ nhận được sự chăm sóc bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp, theo Hội chữ thập đỏ Quốc tế. Đó không chỉ là những bệnh lý hay chấn thương mà còn là những sự chăm sóc ban đầu khác như sự trấn an tâm lý đối với người bệnh hoặc người chứng kiến tai nạn, sự kiện chấn thương. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu.

Tổng quan về sơ cấp cứu

Sơ cấp cứu là một phần trong quá trình chăm sóc sơ cấp cứu nhằm mục đích làm tăng khả năng sống sót cũng như giúp giảm các ảnh hưởng do chấn thương, tai nạn, thiên tai, bệnh tật… Những người thực hiện sơ cấp cứu ban đầu là những người tiếp xúc với bệnh nhân hay nạn nhân ngay từ đầu. Do đó, nếu họ được đào tạo về các kiến thức sơ cứu cơ bản, có sự hiểu biết và các kỹ năng thì sẽ là một bước rất quan trọng để hỗ trợ hiệu quả cho nạn nhân.

Sơ cấp cứu ban đầu là điều đặc biệt cần thiết ở bất cứ đâu, bởi có những tình huống xảy ra cần được tiến hành sơ cấp cứu ngay lập tức từ những giây phút ban đầu khi mà nạn nhân chưa thể được đưa đến bệnh viện ngay.

Sơ cấp cứu gồm có các bước:

  • Đánh giá tình huống;
  • Lập và thực hiện theo đúng kế hoạch sơ cấp cứu cũng như hỗ trợ nạn nhân;
  • Đảm bảo các nạn nhân đang ở khu vực an toàn;
  • Sơ cấp cứu bao gồm cả sự hỗ trợ tâm lý ban đầu khi cần thiết.

Quá trình thực hiện sơ cấp cứu ban đầu là khác nhau, tùy thuộc vào tình huống cụ thể, hoàn cảnh và những trang thiết bị sẵn có hoặc có sự sẵn sàng của sự chăm sóc y tế tiếp theo. Do đó, những người thực hiện sơ cấp cứu ban đầu cần phải đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết và đánh giá của bản thân về những gì có sẵn.

Sơ cấp cứu là gì? Nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu 1Sơ cấp cứu là bước đầu tiên trong quá trình cứu chữa cho nạn nhân hay người bệnh

Nguyên tắc trong sơ cấp cứu

Người thực hiện sơ cấp cứu cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc chính sau đây:

  • Giữ bình tĩnh cho bản thân và không được mạo hiểm đối với sự an toàn của chính bản thân bạn cũng như của nạn nhân hoặc những người xung quanh nhằm ngăn chặn tình trạng có thêm nạn nhân.
  • Kiểm soát tình huống nhằm chắc chắn rằng hiện trường là an toàn.
  • Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân để bảo toàn tính mạng và thúc đẩy quá trình phục hồi.
  • Cần làm theo từng bước nhằm tránh tình trạng thiếu sót, choáng ngợp do lo lắng và tránh bỏ bỏ sót những thông tin quan trọng.
Sơ cấp cứu là gì? Nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu 2Giữ bình tĩnh là nguyên tắc đầu tiên mà người sơ cấp cứu cần thực hiện được

Kế hoạch sơ cấp cứu

Trong kế hoạch sơ cấp cứu có 4 bước chính. Đây đều là những bước rất quan trọng cần tuân thủ để có thể chăm sóc tốt cho chính bản thân người thực hiện sơ cứu, nạn nhân và những người xung quanh. Điều này cũng giúp bạn không bỏ quên các thông tin quan trọng hoặc các bước trong sơ cấp cứu.

Nhận định

Nhận định là bước đầu tiên trong sơ cấp cứu. Bạn cần phải nhận định về tình huống thực tế xảy ra để chắc chắn rằng môi trường xung quanh đã an toàn cho cả bạn và nạn nhân. Đồng thời, bạn cũng cần nhận định rõ về tình trạng sức khoẻ của nạn nhân nhằm xác định được loại sơ cấp cứu cần thiết nhất đối với họ.

Nhận định về tình huống

Bạn cần xem xét, đảm bảo rằng tình huống hay hiện trường đã an toàn đối với bạn và nạn nhân:

  • Có dấu hiệu nguy hiểm nào khác từ vụ tai nạn hay không? Có phát sinh mối nguy hiểm mới?
  • Trong trường hợp có nhiều nạn nhân, hãy xác định rằng nạn nhân nào cần được hỗ trợ trước tiên.

Nhận định nạn nhân

Bạn cần xem xét:

  • Nạn nhân còn thở hay không? Nếu không còn thở, hãy tiến hành khai thông đường thở.
  • Nạn nhân còn tỉnh hay không? Nếu không, bạn hãy lập tức hỗ trợ sơ cứu ngừng tuần hoàn cho nạn nhân .
  • Nạn nhân có bị chấn thương không? Chấn thương ở bộ phận nào? Cột sống có bị chấn thương không? Hạn chế di chuyển nạn nhân nếu có thể.
  • Nạn nhân có gặp phải sốc tâm lý sau chấn thương không? Cần hỗ trợ tâm lý cho họ.

Trong tình huống có nhiều nạn nhân, bạn cần đảm bảo đã đánh giá nhanh chóng về tình trạng của mọi người và xác định được ai là người cần hỗ trợ trước tiên.

Nếu người sơ cấp cứu ban đầu chỉ tập trung vào một nạn nhân không có dấu hiệu đe dọa đến tính mạng thì sẽ không thể nhận định được các nạn nhân khác. Điều này khiến bạn có thể bỏ quên những nạn nhân có chấn thương nặng cần phải xử lý ngay. Khai thông đường thở là việc làm phải được tiến hành đầu tiên trong sơ cấp cứu.

Sơ cấp cứu là gì? Nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu 3Nhận định về tình huống và nạn nhân là bước đầu tiên trong sơ cấp cứu ban đầu

Lập kế hoạch

Bước tiếp theo trong sơ cấp cứu là lập kế hoạch. Người thực hiện sơ cứu cần phải có kế hoạch hành động rõ ràng. Nếu cần, bạn hãy lập kế hoạch để kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

  • Gọi sự trợ giúp y tế (115, trung tâm y tế, bệnh viện) hoặc kêu gọi sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
  • Lập kế hoạch về những gì bạn dự định làm dựa trên các nhận định ban đầu về tình trạng sức khoẻ của nạn nhân.
  • Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu cho đến khi có sự giúp đỡ từ người khác hoặc người bệnh đã được vận chuyển đến bệnh viện.

Nếu có nhiều nạn nhân thì việc đầu tiên là bạn cần kêu gọi sự giúp đỡ của người khác. Sau đó, tiến hành trình tự sơ cấp cứu như sau:

  • Kiểm tra đường thở của nạn nhân xem có thông thoáng không, có còn thở không?
  • Kiểm tra tình trạng chảy máu. Cần đặc biệt lưu ý đến những nạn nhân bị chảy máu, bởi tình trạng này có thể tử vong trong vài phút.
  • Nạn nhân không thở thì cần thực hiện hồi sức tim phổi cơ bản.
  • Vùng đầu bị chấn thương.
  • Kiểm soát tốt tình trạng chảy máu ở vết thương nhỏ.
  • Nẹp xương gãy và làm sạch sẽ các vết thương nhỏ.

Đồng thời, hãy chắc chắn rằng bạn đã quan tâm đến sự an toàn của bản thân trong kế hoạch này.

Thực hiện

Bước tiếp theo là tiến hành thực hiện hoặc thực hiện kế hoạch đã lập ra:

  • Nếu cần thiết, hãy tiến hành sơ cấp cứu ngay lập tức (ép tim – thổi ngạt hoặc chỉ thổi ngạt để hỗ trợ sự sống).
  • Dựa trên mức độ ưu tiên của chấn thương đã đánh giá từ trước để thực hiện sơ cấp cứu.

Nếu cần, hãy hỗ trợ nạn nhân, người thân và những người xung quanh.

Điều này bao gồm cả việc thông báo cho nạn nhân, gia đình họ về những gì bạn đang thực hiện, về kế hoạch của bạn để họ cảm thấy an tâm và tin tưởng.

Chuẩn bị cho quá trình vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Đánh giá

Đánh giá là bước cuối cùng của sơ cấp cứu, bao gồm:

  • Nếu cần sự trợ giúp từ bên ngoài, bạn hãy kiểm tra lại để chắc chắn việc họ đang đến giúp đỡ.
  • Đảm bảo về sự an toàn của hiện trường. Hãy di chuyển nạn nhân đến nơi an toàn nếu hiện trường là nơi không an toàn.
  • Tiếp tục nhận định về tình trạng của nạn nhân: Tiến hành lại bước 1 để xem xét tình trạng chấn thương (nếu có) có sự thay đổi hoặc phát sinh vấn đề mới không.
  • Kiểm tra lại tình trạng chảy máu, nẹp cố định, băng ép…
  • Thông báo cho người thân của nạn nhân về bất kỳ sự thay đổi nào trong kế hoạch sơ cấp cứu.
Sơ cấp cứu là gì? Nguyên tắc và kế hoạch trong sơ cấp cứu ban đầu 4Thông báo cho người nhà nạn nhân về bất kỳ sự thay đổi nào trong kế hoạch sơ cấp cứu

Sơ cấp cứu là một bước rất quan trọng trong quá trình cứu sống nạn nhân trong các vụ tai nạn, thiên tai… Việc nắm chắc các bước trong sơ cấp cứu ban đầu và tiến hành đúng các bước là điều rất quan trọng nhằm tránh xảy ra sai sót trong quá trình cấp cứu. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu hơn về nguyên tắc và việc lập kế hoạch trong sơ cấp cứu nạn nhân khi cần thiết.

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button