Cảm nhận quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với Chí Phèo
- Thuốc trị viêm loét dạ dày Omeprazole Delayed – Release Capsules USP hộp 100 viên
- Định luật bảo toàn khối lượng là gì? Nội dung và các dạng bài tập
- Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
- Kết nối các thông tin ở cột A với cột B trong bảng để được nội dung phù hợp.
- Dàn ý nghị luận xã hội về lòng khoan dung hay nhất (5 Mẫu)
Tài liệu hướng dẫn cảm nhận quá trình thức tỉnh của Mị liên hệ với Chí Phèo, gợi ý cách làm, phân tích đề, sơ đồ tư duy kèm một số bài văn mẫu tham khảo liên hệ quá trình thức tỉnh của Mị với nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.
Bạn đang xem: Cảm nhận quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với Chí Phèo
Hướng dẫn cảm nhận quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với Chí Phèo
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài). Từ đó liên hệ với sự thức tỉnh của Chí Phèo trong cảnh buổi sáng tỉnh rượu (Chí Phèo – Nam Cao) để nhận xét về cái nhìn nhân đạo của mỗi nhà văn đối với người lao động nghèo trong xã hội cũ.
1. Phân tích đề
– Yêu cầu của đề bài: so sánh cảm nhận về quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị và Chí Phèo.
– Kiểu bài: So sánh văn học trong đoạn trích, tác phẩm.
– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong 2 tác phẩm truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và Chí Phèo (Nam Cao), đặc biệt là cảnh đêm tình mùa xuân và cảnh buổi sáng tỉnh rượu.
– Phương pháp lập luận chính : phân tích, cảm nhận.
2. Hệ thống luận điểm
– Luận điểm 1: Khái quát chung về 2 nhân vật Mị và Chí Phèo
– Luận điểm 2: Phân tích quá trình thức tỉnh của Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân.
– Luận điểm 3: Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo trong cảnh buổi sáng tỉnh rượu.
– Luận điểm 4: Nhận xét về cái nhìn nhân đạo của mỗi tác giả đối với người lao động nghèo trong xã hội cũ.
3. Sơ đồ tư duy
4. Chi tiết dàn ý liên hệ quá trình thức tỉnh của Mị với Chí Phèo
Mẫu dàn ý 1:
a) Mở bài
– Giới thiệu nhân vật: Cả Nam Cao và Tô Hoài trong tác phẩm của mình không chỉ xây dựng được nội dung tác phẩm sâu sắc mà còn gặp gỡ trong tinh thần nhân đạo sâu sắc. Thông qua nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo) và Mị (Vợ chồng A Phủ), hai nhà văn đã thể hiện tiếng nói cảm thông đối với những người nông dân nghèo khổ, bất hạnh.
b) Thân bài
– Mị và Chí Phèo là những người có xuất thân nghèo khổ, bị cường quyền chèn ép, chà đạp đến mức tê liệt, đánh mất khả năng phản kháng.
– Bên trong những con người bất hạnh ấy lại là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.
–> Họ không mãi cam chịu cuộc sống đen tối mà đã vươn lên vượt thoát ra khỏi bóng đen của cường quyền, thức tỉnh để hồi sinh.
– Nhân vật Mị:
+ Mị là người con gái xinh đẹp, yêu đời với sức sống thanh xuân căng tràn nhưng buộc trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí.
+ Sống tại gia đình thống lí, Mị bị chà đạp cả về thể xác và tinh thần.
+ Mị bị tê liệt, đánh mất đi khả năng phản kháng trước thực trạng đau khổ trước mắt.
+ Trong đêm tình mùa xuân, sức sống bên trong Mị đã được đánh thức nhưng sau đó lại bị thực tại tàn nhẫn đè nèn để cô trở lại đối với cuộc sống cam chịu thường ngày.
+ Giọt nước mắt của A Phủ đã khiến cho sức sống ấy bùng cháy dữ dội để thôi thúc Mị vùng lên cứu sống A Phủ cũng là giải thoát cho cuộc sống của chính mình.
– Nhân vật Chí Phèo:
+ Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, chân chất, vì sự ghen tuông của Bá Kiến mà bị đẩy vào tù một cách vô lí, oan uổng.
+ Chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến cũng là khi Chí Phèo bước vào con đường tội lỗi, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại.
+ Bát cháo hành của Thị Nở đã đánh thức phần nhân tính bên trong con người của Chí.
–> Chí khát khao muốn làm hòa với mọi người, muốn trở về với con đường lương thiện.
+ Khi biết mình mãi mãi không thể trở về cuộc đời lương thiện được nữa, Chí Phèo thà lựa chọn cái kết bi thảm nhất cho mình chứ không chịu bắt tay với tội ác một lần nữa.
c) Kết bài
– Sự hồi sinh của Mị và Chí Phèo thể hiện sự trân trọng, niềm tin của hai nhà văn đối với những giá trị nhân phẩm, sức sống tiềm tàng bên trong con người.
» Xem thêm: Dàn ý chi tiết phân tích sức sống tiềm tàng của Mị trong Vợ chồng A Phủ
Mẫu dàn ý 2:
a) Mở bài
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:
+ Tô Hoài là cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Văn ông hấp dẫn bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người giàu vốn từ vựng, vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc; Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn đậm chất thơ, giàu tính tạo hình và gợi cảm; Cảnh đêm tình mùa xuân thể hiện rõ tài năng và cái nhìn nhân đạo của Tô Hoài trong miêu tả, phân tích quá trình thức tỉnh của Mị.
+ Nam Cao là nhà văn xuất sắc, độc đáo của văn học hiện thực phê phán những năm 1930-1945, dù viết về đề tài nào, văn ông luôn trăn trở, đau đớn trước sự tha hóa của con người, sắc sảo trong việc miêu tả, phân tích những biến đổi tâm lí phức tạp, những ranh giới mấp mé thiện và ác, quỹ dữ và con người để từ đó khái quát được những hiện tượng có ý nghĩa xã hội, những triết lí sâu sắc; Chí Phèo là tác phẩm kết tinh cho tài năng và tấm lòng nhân đạo của Nam Cao, đặc biệt qua cảnh Chí Phèo buổi sáng tỉnh rượu.
b) Thân bài
Xem thêm : 200+ Mẫu chữ ký tên Toàn, Toản đẹp, hợp phong thủy | Chữ ký tên Toàn, Toản đẹp nhất
* Khái quát về 2 nhân vật
– Mị và Chí Phèo là những người có xuất thân nghèo khổ, bị cường quyền chèn ép, chà đạp đến mức tê liệt, đánh mất khả năng phản kháng.
– Bên trong những con người bất hạnh ấy lại là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.
–> Họ không mãi cam chịu cuộc sống đen tối mà đã vươn lên vượt thoát ra khỏi bóng đen của cường quyền, thức tỉnh để hồi sinh.
* Cảm nhận quá trình thức tỉnh của Mị trong đêm tình mùa xuân:
– Về nội dung:
+ Nguyên cớ hồi sinh: Đất trời Hồng Ngài vào xuân, tiếng sáo rủ bạn yêu, hơi rượu là nguyên cớ vừa trực tiếp vừa gián tiếp khơi dậy lòng ham sống ở Mị. Đặc biệt, nguyên cớ từ bên trong… lòng ham sống luôn tiềm tàng, chưa lụi tắt trong Mị.
+ Quá trình thức tỉnh:
- Sự hồi sinh bắt đầu từ ý thức, cảm xúc, biết nhớ về quá khứ tươi đẹp, nhận ra thực tại khổ đau, bùng lên khát vọng sống mãnh liệt, cháy bỏng cùng đồng thời xuất hiện suy nghĩ về phản kháng tiêu cực thoát khỏi cuộc sống bể tắc;
- Từ ý thức đến những hành động quyết liệt không gì dập tắt, Mị thắp đèn, quấn tóc, mặc váy hoa sửa soạn đi chơi. Những hành động liên tiếp chứng tỏ Mị đã sống dậy khao khát tự do, khao khát hạnh phúc của tuổi thanh xuân, lòng ham sống trỗi dậy dẫn dắt Mị những phản kháng tích cực;
- Thực tại bị trói đứng nhưng tâm hồn vẫn thăng hoa theo tiếng sáo, Mị chìm vào hạnh phúc ảo giác, vùng bước theo tiếng sáo trong tâm tưởng cũng là lúc nhận ra thực tại trong nỗi đau đớn, xót xa. Mị không nghe tiếng sáo nữa, chỉ nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách, Mị cay đắng trở lại với sự liên tưởng về kiếp sống không bằng con ngựa;
- Sự thức tỉnh lần này không giúp Mị thay đổi kiếp sống nhưng hé mở được vẻ đẹp của lòng ham sống luôn tiềm tàng ở người lao động vùng cao Tây Bắc, nó là cơ sở để khi có cơ hội, người lao động sẽ vùng lên giải thoát chính mình.
– Về nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh, câu văn vừa giàu chất hiện thực vừa quá đỗi chất thơ, hiểu biết phong phú về phong tục vùng cao Tây Bắc;
+ Miêu tả, phân tích tâm lí một cách tài tình, biện chứng, đặc biệt việc chọn lựa chi tiết tiếng sáo để biểu đạt thế giới nội tâm rất tinh tế;
+ Trần thuật linh hoạt, kết hợp kể gián tiếp và nửa trực tiếp…
* Liên hệ với quá trình thức tỉnh của Chí Phèo trong cảnh buổi sáng tỉnh rượu
– Về nội dung:
+ Nguyên cớ hồi sinh: Trước tiên là ở sự xuất hiện của thị Nở – người đàn bà thô nhám nhưng có trái tim giàu yêu thương, nhân ái; sau nữa là Chí lần đầu tiên tỉnh rượu sau những cơn say triền miên.
+ Quá trình thức tỉnh:
- Bắt đầu với sự trở về của ý thức: tỉnh rượu, tỉnh táo để nhận thức được không gian với những thanh âm bình dị (tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót…), nhận thức được thời gian với quá khứ xa xôi từng có niềm ao ước về một gia đình nho nhỏ, ý thức được bi kịch hiện tại, nghĩ đến tương lai với tuổi già, bệnh tật và cô độc;
- Những cung bậc cảm xúc sống lại để buồn bã, nuối tiếc giấc mơ trong quá khứ và ngạc nhiên xúc động trước tấm chân tình của thị Nở với bát cháo hành;
- Đỉnh cao của sự thức tỉnh là suy nghĩ và khao khát hướng thiện, thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người, hi vọng mãnh liệt và sự mở đường của thị Nở;
- Tính người cũng trở về trong những hành động và lời nói rất người: Chí không còn đập đầu, rạch mặt, ăn vạ, ngược lại có khả năng điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen, cố uống thật ít để được sống trong yêu thương…; Không còn chửi vu vơ, phẫn uất cô độc mà biết nói một cách hiền lành, trân trọng và tình tứ của một người khi yêu “Giá cứ thế này thì thích nhỉ?”…
– Về nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ vừa sống động, vừa điêu luyện lại vừa gần gũi, tự nhiên;
+ Nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí tinh tế, sâu sắc, biện chứng;
+ Trần thuật linh hoạt, kết hợp hài hòa giữ đối thoại và độc thoại, giữa lời gián tiếp và nửa trực tiếp;
+ Xây dựng được nhân vật điển hình…
* Nhận xét cái nhìn nhân đạo của mỗi nhà văn:
– Điểm tương đồng:
+ Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng của nhân vật. Ở Mị là vẻ đẹp và sức sống cũng như tinh thần phản kháng mạnh mẽ của người miền núi, ở Chí Phèo là bản chất lương thiện của con người;
+ Thông cảm, đồng cảm với số phận bất hạnh của những người lao động nghèo, những con người bị vùi dập, bị lăng nhục và xúc phạm;
+ Lên án, tố cáo những thế lực gây ra số phận đau khổ cho người lao động;
+ Niềm tin vào nhân cách, phẩm chất của người lao động.
– Điểm khác biệt:
+ Nam Cao nhìn con người trong số phận bi kịch, nhân vật của ông chưa tìm được con đường đi, con đường giải phóng cho chính mình. Vì thế kết thúc sự thức tỉnh của Chí Phèo là con đường cùng, bế tắc.
+ Tô Hoài nhìn con người trong sự vận động đến với cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng. Vì vậy kết thúc sự thức tỉnh của Mị trong đêm tình mùa xuân hứa hẹn một sự phản kháng quyết liệt để giải thoát mình và những người cùng cảnh ngộ trong đêm mùa đông cuối truyện.
c) Kết bài
– Khái quát lại ý nghĩa quá trình thức tỉnh của Mị và Chí Phèo
– Nêu cảm nhận của em.
Có thể tham khảo thêm: Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
Một số mẫu bài phân tích cảm nhận quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với Chí Phèo
Bài mẫu số 1:
Nam Cao và Tô Hoài là hai cây bút xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu như Nam Cao đi vào khai thác đề tài người nông dân ở làng Đại Hoàng – quê hương của nhà văn, thì Tô Hoài lại rất thành công trong việc tìm đến người lao động miền núi Tây Bắc xa xôi để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đọc Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hẳn bạn đọc không thể quên được hai nhân vật Chí Phèo và Mị, nhất là sự hồi sinh nhân tính của họ.
“Văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, Nam Cao và Tô Hoài đã có sự gặp gỡ, đồng điệu về tư tưởng, tình cảm. Đó chính là tiếng nói yêu thương sâu sắc của nhà văn dành cho nhân vật của mình. “Hồi sinh” có nghĩa là sống lại. “Hồi sinh nhân tính” là tính người, tình người được sống lại. Nói về sự hồi sinh nhân tính, ta đã bắt gặp sự hồi sinh ấy trong văn học trước đó, bất cứ nhân vật nào, một khi đã tha hóa, họ đều có quá trình thức tỉnh về tâm hồn, như Trương Sinh (Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ), như Hộ (Đời thừa – Nam Cao),
… Nếu như Trương Sinh thức tỉnh sau cái chết oan uổng của vợ, thì Hộ thức tỉnh sau khi đánh đuổi vợ con vì gánh nặng cơm áo. Trương Sinh đã lập đàn giải oan cho vợ, Hộ đã khóc, giọt nước mắt của Hộ chính là bằng chứng cho sự thức tỉnh, hồi sinh nhân tính. Còn sự hồi sinh nhân tính của Chí Phèo và Mị được Nam Cao, Tô Hoài dẫn giải như thế nào?
Để lí giải sự hồi sinh nhân tính của hai nhân vật, Nam Cao và Tô Hoài đều viện dẫn đến những tác nhân tác động từ bên ngoài. Đúng vậy, phải có sự tác động thì con người ta mới có thể thức tỉnh, cũng giống như con người khi chìm vào giấc ngủ say triền miên, phải có sự tác động thì ta mới có thể tỉnh giấc. Cả Chí Phèo và Mị đều có tác nhân như vậy.
Chí hồi sinh nhân tính sau đêm gặp thị Nở. Tình người của thị Nở đã đánh thức tình người nơi Chí và chỉ có tình người ấy mới khơi dậy sự hồi sinh của Chí. Còn Mị lại thức tỉnh về nhân tính trong đêm tình mùa xuân. Nếu như Chí nhờ có tác động của con người, tình người thì Mị lại nhờ sự tác động của cảnh vật, để hồi tỉnh lại nhân tính.
Trước khi hồi sinh nhân tính, cả Chí và Mị đều có những số phận và bi kịch đau đớn giống nhau.
Xem thêm : C4H4 + H2 → C4H10
Chí Phèo vốn là người nông dân hiền lành, chất phác, chăm chỉ, ở thuê cho nhà bá Kiến. Vì sự ghen tuông của bá Kiến mà Chí bị đẩy vào nhà tù thực dân. Nhà tù thực dân ấy, oan trái thay, nó tiếp nhận con người khi người ta vô tội, lương thiện và trả người ta ra khi họ đã trở thành kẻ tha hóa, mất đi cả nhân hình và nhân tính. Về nhân hình, Chí là một con vật lạ với khuôn mặt “vằn dọc vằn ngang không biết bao nhiêu là sẹo”, về nhân tính, Chí là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ và làm tay sai đòi nợ cho bá Kiến. Bi kịch đau đớn nhất của Chí Phèo là “bị từ chối quyền làm người, cha mẹ từ chối Chí, dân làng cũng từ chối Chí”. Chí rơi vào bi kịch khi không có ai đón nhận Chí trở về với cái xã hội bằng phẳng kia. Nếu như là con người thì đâu ai dám vạch mặt mình như vậy, đâu ai dám sẵn sàng đâm thuê, chém mướn, chỉ vì đồng tiền, đâu dám “đốt quán” của “bà bán rượu” nhưng Chí đã trở nên mất đi “tính người”, mất đi “nhân tính” như vậy.
Mị cũng là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi và hiếu thảo, và Mị cũng phải chịu một số phận đau đớn không kém Chí Phèo là mấy. Mị phải trở thành “con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra”. Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái, ngồi quay sợi, thái cỏ ngựa,… lúc nào cô ấy cũng cúi mặt buồn rười rượi. Mị giống như một con rùa được nuôi trong xó cửa, sống ở nhà thống lí Pá Tra, Mị cũng như những người phụ nữ trong nhà này, làm việc tối ngày bận bịu. Nếu như Chí Phèo của Nam Cao mong muốn được giao tiếp với con người thì Mị lại không buồn giao tiếp. Mị lúc nào cũng lầm lũi, cô cũng mất đi tính người nhưng “tính người” bị mất đi ở đây khác với Chí. Nếu như Chí Phèo bị tha hóa về nhân tính, trở thành một con quỷ dữ thì Mị lại mất đi nhân tính ở chỗ cô không được coi là một con người. Sống ở nhà thống lí Pá Tra, Mị như một “con trâu, con ngựa”. Bởi con trâu, con ngựa còn có lúc nghỉ ngơi, đằng này Mị phải làm quần quật suốt cả ngày. Chính vì cuộc sống như vậy mà Mị đã trở thành một con người mất đi sức sống.
Tuy có những nét giống nhau về số phận và cuộc đời, song quá trình hồi sinh nhân tính của Chí Phèo và Mị lại rất khác nhau.
Sự hồi sinh nhân tính của Chí là sau đêm gặp thị Nở, chính tình người của thị Nở đã đánh thức “nhân tính” trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy. Thị là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Thế nhưng, bên trong cái ngoại hình xấu xí và tính cách dở hơi của thị là một tấm lòng rất bao dung và vị tha. Sau một đêm ăn nằm với nhau, sáng hôm sau tỉnh dậy, Chí lần đầu tiên để tâm lắng tai nghe những âm thanh xung quanh mình, những âm thanh của cuộc sống và cảm thấy cuộc sống cũng thật thú vị. Và Chí thèm được làm người lương thiện. Khát vọng lương thiện ấy chính là bằng chứng cho sự hồi sinh nhân tính của Chí. Chí nhớ lại cuộc đời mình trước khi bị đẩy vào nhà tù thực dân với những ước mơ hết sức bình dị. Chí nhận ra rằng thị Nở cũng có duyên và muốn cùng thị chung sống. Chí đã mong muốn được làm người và thị Nở chính là chiếc cầu nối đưa Chí trở về với con người lương thiện.
Nhờ có tình người của thị mà Chí hồi sinh nhân tính, khao khát được sống một cuộc sống lương thiện. Với Mị sức sống hồi sinh nơi người con gái ấy là tiếng sáo vi vu gọi bạn tình trong đêm tình mùa xuân Tây Bắc. Mùa xuân, mùa của sức sống mãnh liệt. Mị sống trong nhà thống Pá Tra như một con người đã mất đi linh hồn. Thế nhưng, trong đêm tình mùa xuân năm ấy, khi cái lạnh tràn về, khi những thiếu nữ phơi “chiếc váy xòe như những cánh bướm của mình trên những phiến đá” và đám trẻ con chơi đùa và tiếng sáo gọi bạn tình đã bắt đầu xuất hiện. Mị dường như được sống lại với chính tâm hồn mình. Cô hồi tưởng lại quá khứ khi được cùng người yêu đi chơi trong những đêm tình mùa xuân. Cũng giống như Chí, Mị cũng hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp, khi Mị còn là người con gái đẹp có tài thổi sáo rất hay. Mị uống rượu và khi ngà ngà say, Mị bỗng nhiên nghe thấy tiếng sáo gọi bạn tình và Mị cũng muốn đi chơi. Mị muốn đi chơi như hồi còn trẻ. Mị vào góc nhà xắn thêm ít mỡ bỏ vào chiếc đèn cho sáng, với tay lấy chiếc váy. Những hành động ấy chứng tỏ rằng Mị đã thật sự hồi sinh, sức sống tiềm tàng trong con người Mị đã được sống dậy nhờ âm thanh của tiếng sáo. Cũng giống như Chí Phèo âm thanh của cuộc sống xung quanh thức tỉnh tâm hồn, đánh thức sức sống mãnh liệt của Mị. Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, ngay cả khi Mị đã bị A Sử trói chặt vào cột nhà. Mị đã thả hồn bay theo tiếng sáo của đêm tình mùa xuân. Mị vô thức, Mị không cảm thấy đau đớn vì lúc này sự hồi sinh nhân tính của Mị rất mạnh mẽ.
Chí Phèo và Mị đều được hồi sinh nhân tính. Sự hồi sinh ấy cho ta thấy cái nhìn nhân đạo của Nam Cao và Tô Hoài. Phải thực sự yêu thương cảm thông với nhân vật của mình, hai nhà văn mới có thể để cho họ hồi sinh nhân tính như vậy. Với Chí Phèo là trở về với cuộc sống lương thiện, còn với Mị là được bộc lộ sức sống tiềm tàng của cô. Cả Nam Cao và Tô Hoài đều rất xót thương, đồng cảm cho số phận của Chí Phèo và Mị, trân trọng những ước mơ bình dị của họ. Mặt khác, từ sự hồi sinh về nhân tính của Chí Phèo và Mị, họ đã nói lên tiếng nói phê phán gay gắt những thế lực chà đạp lên số phận của con người bất hạnh ấy. Cái xã hội với những tàn dư phong kiến, bá Kiến đã đẩy Chí vào sự tha hóa. Và những hủ tục cổ hủ của miền núi với kẻ thông trị gian ác, tham lam như thống lí Pá Tra đã cướp sạch, bào mòn sức sống của Mị.
Mặt dù, viết về những đề tài khác nhau, nhưng cuộc đời và số phận của các nhân vật đều là sự trải nghiệm, dày công tìm tòi của các nhà văn. Thông qua các nhân vật của mình nhà văn muốn nói lên tiếng lòng, sự cảm thương cho số phận của họ. Đó chính là những giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Gấp lại hai truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, ta có thể nhận thấy sự hồi sinh nhân tính đưa hai nhân vật đến với những cuộc sống mới khác nhau nhưng giá trị của sự hồi sinh ấy lại có một giá trị hết sức giống nhau, nó phản ánh tiếng lòng của Nam Cao và Tô Hoài dành cho nhân vật Chí Phèo và Mị, những con người có số phận rất đáng thương xót.
» Phân tích tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ
Bài mẫu số 2:
Nam Cao và Tô Hoài là hai gương mặt nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bằng tài năng và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, hai nhà văn đều dùng ngòi bút của mình hướng đến phản ánh cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo khổ. Nếu như Nam Cao đi sâu khai thác về bi kịch bị tha hóa của con người thông qua nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên thì Tô Hoài lại tìm đến những người nông dân nghèo khổ, bị chà đạp về thể xác và tinh thần tại vùng núi Tây Bắc, điển hình có thể kể đến là Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
Cả Nam Cao và Tô Hoài trong tác phẩm của mình không chỉ xây dựng được nội dung tác phẩm sâu sắc mà còn gặp gỡ trong tinh thần nhân đạo sâu sắc. Thông qua nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo) và Mị (Vợ chồng A Phủ), hai nhà văn đã thể hiện tiếng nói cảm thông đối với những người nông dân nghèo khổ, bất hạnh, đồng thời lên án sâu sắc đối với xã hội phong kiến đã chèn ép, bóc lột, chà đạp lên nhân phẩm của những con người lương thiện.
Mị và Chí Phèo là những người có xuất thân nghèo khổ, bị cường quyền chèn ép, chà đạp đến mức tê liệt, đánh mất khả năng phản kháng, phải sống trong cuộc sống tăm tối, đánh mất chính mình. Tuy nhiên, bên trong những con người bất hạnh ấy lại là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, họ không mãi cam chịu cuộc sống đen tối mà đã vươn lên vượt thoát ra khỏi bóng đen của cường quyền, thức tỉnh để hồi sinh quay trở lại với bản chất lương thiện của mình.
Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, chân chất, vì sự ghen tuông của Bá Kiến mà bị đẩy vào tù một cách vô lí, oan uổng. Nhà tù thực dân đã biến Chí Phèo một người lương thiện trở thành một tên lưu manh với vẻ ngoài ngang ngược, hống hách. Với lí lịch “đen” sau khi ra tù, Chí Phèo khó có thể quay trở về với những công việc lương thiện như trước đây, không ai muốn, cũng không ai dám thuê Chí. Để tiếp tục sống, Chí Phèo đã tìm đến chính kẻ thù của mình, kẻ đã đẩy mình vào con đường tù tội – Bá Kiến. Từ khi chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến cũng là khi Chí Phèo bước vào con đường tội lỗi, một tay Chí Phèo đã gây nên bao tội ác, Chí dần bị tha hóa và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Cả làng Vũ Đại đều căm ghét, từ chối công nhận quyền làm người của Chí. Những tưởng Chí sẽ mãi trượt dài trên con đường tha hóa, mãi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại nhưng bát cháo hành của Thị Nở đã đánh thức phần nhân tính bên trong con người của Chí. Những ước mơ bình dị thời trai trẻ bỗng sống dậy trong Chí, Chí khát khao muốn làm hòa với mọi người, muốn trở về với con đường lương thiện.
Khi biết mình mãi mãi không thể trở về cuộc đời lương thiện được nữa, Chí Phèo thà lựa chọn cái kết bi thảm nhất cho mình chứ không chịu bắt tay với tội ác một lần nữa. Cái chết của Chí Phèo không chỉ lên án xã hội phong kiến thối nát mà còn thể hiện thái độ đồng cảm sâu sắc của Nam Cao đối với số phận bi thảm của người nông dân.
Mị là người con gái xinh đẹp, yêu đời với sức sống thanh xuân căng tràn nhưng buộc trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí. Sống tại gia đình thống lí, Mị phải làm việc quần quật ngày đêm, bị đối xử như con trâu, con ngựa, chà đạp cả về thể xác và tinh thần. Sống lâu trong cái khổ, Mị từ một cô gái trẻ trung, yêu đời trở thành người đàn bà cam chịu, lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Mị bị tê liệt, đánh mất đi khả năng phản kháng trước thực trạng đau khổ trước mắt. Trong đêm tình mùa xuân, sức sống bên trong Mị đã được đánh thức nhưng sau đó lại bị thực tại tàn nhẫn đè nén để cô trở lại đối với cuộc sống cam chịu thường ngày.
Trong đêm tình mùa xuân sức sống bên trong Mị được đánh thức thì giọt nước mắt của A Phủ đã khiến cho sức sống ấy bùng cháy dữ dội để thôi thúc Mị vùng lên cứu sống A Phủ cũng là giải thoát cho cuộc sống của chính mình.
Qua hai nhân vật Chí Phèo và Mị, hai nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những người nông dân nghèo bất hạnh. Sự hồi sinh của Chí Phèo và Mị thể hiện sự trân trọng, niềm tin của hai nhà văn đối với những giá trị nhân phẩm, sức sống tiềm tàng bên trong con người, đồng thời phê phán sâu sắc đối với xã hội đen tối đã đẩy con người đến con đường tha hóa.
Có thể bạn quan tâm: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ chồng A Phủ
Bài mẫu số 3:
Tô Hoài và Nam Cao được xem là hai cây bút xuất sắc trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Hai ông có đặc điểm chung là ưa thích viết về những người nông dân chịu thương chịu khó bị áp bức bóc lột. Nếu như Nam Cao đi sâu khai thác hình ảnh người nông dân ở làng Đại Hoàng – quê hương nhà văn tiêu biểu là nhân vật Chí Phèo. Thì Tô Hoài lại tìm đến những người nông dân chịu thương chịu khó ở vùng núi Tây Bắc xa xôi tiêu biểu là nhân vật Mị. Hai nhân vật khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự hồi sinh thức tỉnh sau những ngày tháng dài sống trong tăm tối. Nam Cao và Tô Hoài được xem là có sự đồng điều tâm hồn, gặp gỡ về mặt tư tưởng nhân đạo. Khi văn thơ của họ đều là tiếng nói yêu thương cảm thông sâu sắc với số phận con người trong xã hội phong kiến phải chịu áp bức bóc lột đến tha hóa cả bản thân. Tuy nhiên, nhân vật của họ không bị khuất phục trước bóng đen của quyền lực mà ngay cuối đường họ đã được hồi sinh quay trở lại với bản ngã thiện lương.
Trước khi hồi sinh về với ước vọng sống bình thường cả Chí và Mị đều là những người nông dân hiền lành chăm chỉ. Chí Phèo vốn là một anh nông dân chăm chỉ ở đợ cho nhà Bá Kiến. Vì ham mê nhục dục của bà Ba cùng sự ghen tuông đớn hèn của Bá Kiến đã đẩy chàng thanh niên đó vào tù. Nhà tù thực dân nơi đầy oan trái đã làm tha hóa con người hiền lành của Chí và trả lại một kẻ mất đi cả nhân hình và nhân tính. Trên mặt Chí có biết bao nhiêu là vết sẹo “vằn dọc vằn ngang”, “răng cạo trắng hớn”, “đầu trọc lốc” trông gớm ghiếc. Về nhân tính hắn được xem là con quỷ của làng Vũ Đại chuyên rạch mặt ăn vạ. Chí đã phải đối mặt với bi kịch đau đớn nhất của cuộc đời cha mẹ ruồng bỏ hắn, dân làng từ chối hắn. Không một ai đón nhận hắn trở về với xã hội. Hắn bị xã hội chối bỏ quyền làm người và coi như “cục thịt thừa” trong làng.
Mị vốn là một cô gái xinh đẹp tài giỏi được biết bao chàng trai ngưỡng mộ muốn có được nàng. Tuy nhiên, người con gái hương sắc vẹn toàn ấy lại rơi vào tấn bi kịch của cuộc đời khi phải làm dâu gạt nợ cho gia đình nhà Thống Lí Pá Tra. Từ đây, cuộc đời của Mị bước vào chuỗi ngày dài tăm tối. Mị sống ở nhà Thống Lí lầm lũi như một con rùa trong xó cửa. Ngày ngày chỉ biết quay sợi, thái cỏ ngựa, lên nương… làm quần quật từ sáng đến đêm. Đến con trâu con ngựa còn có lúc được nghỉ ngơi ăn cỏ còn đàn bà con gái nhà này không lúc nào được ngơi tay. Vì thế mà lúc nào, mặt cô cũng buồn rười rượi. Mị sống một cuộc sống không biết ngày mai sống mà như đã chết.
Để lý giải cho sự hồi sinh của hai nhân vật Chí Phèo và Mị cả Nam Cao và Tô Hoài đã xây dựng những tình huống kịch tính thức tỉnh nhân vật có bước chuyển biến về suy nghĩ cũng như hành động.
Ta thấy, ở nhân vật Chí Phèo sau những ngày dài chìm trong men rượu. Đêm hôm đấy Chí đã gặp Thị Nở – người con gái xấu như ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Sau cái đêm tình trong vườn chuối đó đã thực sự hồi sinh con người Chí. Hắn lại nghe thấy những tiếng động thân thương của cuộc sống hàng ngày. Hắn cũng nhớ ra cũng đã có thời mình mơ ước được sống một cuộc sống bình dị. Vợ chồng bảo nhau làm ăn, nuôi lợn, chăn gà xây dựng gia đình hạnh phúc. Một ước mơ về cuộc sống bình thường như bao người khác nay lại được khơi gợi lên từ khi gặp Thị Nở. Chí lại muốn làm người lương thiện. Hắn đến tìm Bá Kiến và kết thúc cuộc đời đầy đau khổ của mình bằng câu hỏi “Ai cho tao lương thiện”. Mặc dù, Chí Phèo đã chết nhưng trước khi chết hắn đã tìm lại được thiện lương trong con người.
Đối với nhân vật Mị sự thức tỉnh của Mị nằm ở hoàn cảnh Mị trong cái đêm tình mùa xuân ấy và khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của A Phủ. Lòng ham sống mãnh liệt được đánh thức trong Mị. Mị nghe thấy tiếng áo gọi bạn tình và cô lại muốn mặc váy, muốn được sửa soạn đi chơi hội như ngày xưa. Những hành động đấy cho thấy chứng tỏ Mị đã đã thức tỉnh. Sức sống tiềm tàng trong con người đã được đánh thức nhờ tiếng sáo. Rồi đến khi cô chứng kiến A Phủ bị cha con nhà Thống Lí hành hạ trói ở cây cột ngoài sân. Cô biết nếu không chạy khỏi đây thì cũng chết dần chết mòn như những người con dâu sống trong nhà Thống Lí trước đây. Nên cô đã cởi trói cho A Phủ và cùng anh trốn đi tìm chân trời mới.
Cả Nam Cao và Tô Hoài đều xót thương và đồng cảm cho nhân vật của mình. Sự hồi sinh về nhân tính cũng như khát vọng sống mãnh liệt của Chí Phèo và Mị là tiếng nói phê phán gay gắt xã hội phong kiến thối nát. Nơi mà con người ta đã dùng quyền lực để áp bức đẩy những người nông dân hiền lành trở nên bị tha hóa mất hết ý thức sống.
Hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Chí Phèo của Nam Cao đã cho ta thấy mặc dù viết về cuộc đời của hai nhân vật có số phận khác nhau. Nhưng điểm chung giữa nhân vật Chí Phèo và Mị là đều có một cuộc đời bất hạnh. Trải qua nhiều đau khổ mất mát họ mới tìm lại được con người trước đây của mình. Sự hồi sinh và thức tỉnh của họ chính là tiếng nói cảm thương của tác giả và thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc trong hai tác phẩm.
/***/
Trên đây là nội dung chi tiết phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và kèm theo là một số bài văn mẫu hay cảm nhận về quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị liên hệ với sự thức tỉnh của Chí Phèo. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình.
Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 12 khác do thcs Hồng Thái sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !
[Văn mẫu 12] Cảm nhận quá trình thức tỉnh của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, liên hệ với quá trình thức tỉnh của Chí Phèo trong cảnh buổi sáng tỉnh rượu.
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu