Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Câu hỏi và các đề văn cho đoạn trích Trao duyên – Nguyễn Du
- Toán Hoá Sinh là khối gì? Toán Hoá Sinh thi ngành gì nhiều tương lai, triển vọng?
- Viết 1 – 2 câu có hình ảnh so sánh. | Giải SBT Tiếng Việt 3 Chân trời sáng tạo
- Ở khu vực nhà em có bị ô nhiễm tiếng ồn không? Nếu có, hãy kể ra các nguồn âm gây ô nhiễm tiếng ồn.
- Khối C17, C19, C20 gồm những môn nào? Xét tuyển ngành nào, trường nào?
Cùng thcs Hồng Thái tìm hiểu các bài văn mẫu Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Dàn ý Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập:
– Giới thiệu bài thơ Nhàn
– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
II. Thân bài
1. Hai câu đề: Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Mai, cuốc, cần câu: Là những dụng cụ lao động cần thiết, quen thuộc của người nông dân.
– Phép liệt kê kết hợp với số từ “một”: Gợi hình ảnh người nông dân đang điểm lại công cụ làm việc của mình và mọi thứ đã sẵn sàng.
– Nhịp thơ 2-2-3 thong thả đều đặn
=> Cuộc sống ở quê nhà của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với công việc nặng nhọc, vất vả, lam lũ của một lão canh điền. Nhưng tác giả rất yêu và tự hào về thú vui điền viên ấy.
– Trạng thái “thơ thẩn”: chăm chú vào công việc, tỉ mẩn
=> Tâm trạng hài lòng, vui vẻ cùng trạng thái ung dung, tự tại của nhà thơ.
– Cụm từ phủ định “dầu ai vui thú nào”: Phủ nhận những thú vui mà người đời thường hay theo đuổi.
=> Hai câu thơ khái quát hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê nhà vất vả, lam lũ, mệt nhọc nhưng tâm hồn lúc nào cũng thư thái, thanh thản.
=> Tâm thế ung dung, tự tại, triết lí sống nhàn của ẩn sĩ “nhàn tâm”.
2. Hai câu thực: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm
– Nghệ thuật đối: ta – người, dại – khôn: Nhấn mạnh quan niệm sống mang tính triết lí, thâm trầm của nhà thơ.
– Nghệ thuật ẩn dụ:
+ “Nơi vắng vẻ”: Tượng trưng cho chốn yên tĩnh, thưa người, nhịp sống yên bình, êm ả. Ở đây ngụ ý chỉ chốn quê nhà
+ “Chốn lao xao”: Tượng trưng cho chốn ồn ào, đông đúc huyên náo, tấp nập, cuộc sống xô bồ, bon chen, giành giật, đố kị. Ở đây chỉ chốn quan trường.
– Cách nói ngược: Ta dại – người khôn:
+ Ban đầu có vẻ hợp lí vì ở chốn quan trường mới đem lại cho con người tiền tài danh vọng, còn ở thôn dã cuộc sống vất vả, cực khổ.
+ Tuy nhiên, dại thực chất là khôn bởi ở nơi quê mùa con người mới được sống an nhiên, thanh thản. Khôn thực chất là dại bởi chốn quan trường con người không được sống là chính mình
=> Thể hiện quan niệm sống “lánh đục về trong” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
=> Thái độ tự tin vào sự lựa chọn của bản thân và hóm hỉnh mỉa mai quan niệm sống bon chen của thiên hạ.
3. Hai câu luận: Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà.
– Sự xuất hiện của bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông.
– Cuộc sống gắn bó, hài hòa với tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm
– Việc ăn uống: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
– Là những món ăn thôn quê dân giã, giản dị thanh đạm và có nguồn gốc tự nhiên, tự cung tự cấp
– Chuyện sinh hoạt: Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
– Thói quen sinh hoạt tự nhiên, thoải mái, có sự giao hòa, quấn quýt giữa con người với thiên nhiên.
– Cách ngắt nhịp 4/3 nhịp nhàng, kết hợp với cách điệp cấu trúc câu.
=> Gợi sự tuần hoàn, nhịp nhàng thư thái, thong thả.
=> Hai câu thơ miêu tả bức tranh bốn mùa có cả cảnh đẹp, cả cảnh sinh hoạt của con người
=> Sự hài lòng về cuộc sống đạm bạc, giản dị, hòa hợp với tự thiên mà vẫn thanh cao, tự do thoải mái của Nguyễn Bỉnh Kiêm.
4. Hai câu kết: Triết lí sống nhàn
– Sử dụng điển tích giấc mộng đêm hòe: Coi phú quý tựa như một giấc chiêm bao
=> Thể hiện sự tự thức tỉnh, tự cảnh tỉnh mình và đời, khuyên mọi người nên xem nhẹ vinh hoa phù phiếm.
– Động từ “nhìn xem”: Tô đậm thế đứng cao hơn người đầy tự tin của Nguyễn Bỉnh Khiêm
=> Triết lí sống Nhàn: Biết từ bỏ những thứ vinh hoa phù phiếm vì đó chỉ là một giấc mộng, khi con người nhắm mắt xuôi tay mọi thứ trở nên vô nghĩa, chỉ có tâm hồn, nhân cách mới tồn tại mãi mãi.
=> Thể hiện vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Coi khinh danh lợi, cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sáng.
5. Nghệ thuật
– Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ cảm
– Cách kể, tả tự nhiên, gần gũi
– Các biện pháp tu từ: Liệt kê, đối lập, điển tích điển cố.
– Nhịp thơ chậm, nhẹ nhàng, hóm hỉnh
III. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề.
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Mẫu số 1
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam: Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, ông vừa vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống nhân dân , vừa bảo vệ trung thành cho những giá trị đạo lí tốt đẹp qua những bài thơ giàu chất triết lí về nhân tình thế thái, bằng thái độ thâm trầm của bậc đại nho.
Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.
Nhà thơ đã nhiều lần đứng trên lập trường đạo đức nho giáo để bộc lộ quan niệm sống của mình. Những suy ngẫm ấy gắn kết với quan niệm đạo lí của nhân dân, thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh giữa thế cuộc đảo điên. Nhàn là cách xử thế quen thuộc của nhà nho trước thực tại, lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ mình trong sạch.
Hành trình hưởng nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong qui luật ấy, tìm về với nhân dân, đối lập với bọn người tầm thường bằng cách nói ngụ ý vừa ngông ngạo, vừa thâm thúy.
Cuộc sống nhàn tản hiện lên với bao điều thú vị:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ngay trước mắt người đọc sẽ hiện lên một Nguyễn Bỉnh Khiêm thật dân dã trong cái bận rộn giống như một lão nông thực thụ. Nhưng đó là cả một cách chọn lựa thú hưởng nhàn cao quí của nhà nho tìm về cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác, nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối từ cuộc sống đậm chất dân quê này!
Dáng vẻ thơ thẩn được phác hoạ trong câu thơ thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản thật sự. Thực ra, sự hiện diện của mai, cuốc,cần câu chỉ là một cách tô điểm cho cái thơ thẩn khác đời của nhà thơ mà thôi.
Những vật dụng lao động quen thuộc của người bình dân trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan tục lụy. Đàng sau những liệt kê của nhà thơ, ta nhận ra những suy nghĩ của ông không tách rời quan điểm thân dân của một con người chọn cuộc đời ẩn sĩ làm lẽ sống của riêng mình.
Trạng Trình đã nhìn thấy từ cuộc sống của nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả, một triết lí nhân sinh vững bền.
Đó cũng là cơ sở giúp nhà thơ khẳng định một thái độ sống khác người đầy bản lĩnh:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người kiếm chốn lao xao
Hai câu thực là một cách phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với những ai, những vui thú nào về ranh giới nhận thức cũng như chỗ đứng giữa cuộc đời. Phép đối cực chuẩn đã tạo thành hai đối cực: một bên là nhà thơ xưng Ta một cách ngạo nghễ, một bên là Người; một bên là dại của Ta, một bên là khôn của người; một nơi vắng vẻ với một chốn lao xao.
Đằng sau những đối cực ấy là những ngụ ý tạo thành phản đề khẳng định cho thái độ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản thân nhà thơ nhiều lần đã định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Bởi vì người đời lấy lẽ dại – khôn để tính toán, tranh giành thiệt hơn, cho nên thực chất dại – khôn là thói thực dụng ích kỷ làm tầm thường con người, cuốn con người vào dục vọng thấp hèn.
Mượn cách nói ấy, nhà thơ chứng tỏ được một chỗ đứng cao hơn và đối lập với bọn người mờ mắt vì bụi phù hoa giữa chốn lao xao . Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chủ động trong việc tìm nơi vắng vẻ – không vướng bụi trần.
Nhưng không giống lối nói ngược của Khuất Nguyên thuở xưa “Người đời tỉnh cả, một mình ta say” đầy u uất, Trạng Trình đã cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay, phê phán vào cả một xã hội chạy theo danh lợi, bằng tư thế của một bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn – dại .
Cũng vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống nhàn tản:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong bả vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng những ưu đãi của một thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hoà hợp với tự nhiên. Tận hưởng lộc từ thiên nhiên bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, nhà thơ cũng được hấp thụ tinh khí đất trời để gột rửa bao lo toan vướng bận riêng tư .
Cuộc sống ấy mang dấu ấn lánh đời thoát tục, tiêu biểu cho quan niệm « độc thiện kỳ thân » của các nhà nho . đồng thời có nét gần gũi với triết lí « vô vi » của đạo Lão, « thoát tục » của đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lí siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoà hợp với tự nhiên một cách sang trọng bằng tất cả cái hồn nhiên trong sạch của lòng mình .
Không những thế, những hình ảnh măng trúc, giá, hồ sen còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn với lòng mình. Hoà hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang phu tử đang sống đúng với thiên lương của mình. Quan niệm về chữ Nhàn của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ ông căm ghét và lên án trong rất nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình:
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến, khó thì lui
(Thói đời)
Phú quý đi với chức quyền đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là cuộc sống của bọn người bạc ác thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Bọn chúng là bầy chuột lớn gây hại nhân dân mà ông vô cùng căm ghét và lên án trong bài thơ Tăng thử (Ghét chuột) của mình. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi, chia sẻ với nhân dân.
Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý đáng trọng vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền. Cội nguồn triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với quan niệm sống lành vững tốt đẹp của nhân dân.
Bài thơ Nhàn bao quát toàn bộ triết trí, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ trọn vẹn một nhân cách của bậc đại ẩn tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống của nhân dân để đối lập một cách triệt để với cả một xã hội phong kiến trên con đường suy vi thối nát. Bài thơ là kinh nghiệm sống, bản lĩnh cứng cỏi của một con người chân chính.
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Mẫu số 2
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là người có học vấn uyên thâm. Ông là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại cho dân tộc hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm đó là: Bạch vân am thi tập (chữ Hán khoảng 700 bài) và Bạch vân quốc ngữ thi (chữ Nôm khoảng 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ si, thú thanh nhàn đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Nhàn là bài thơ Nôm trích từ Bạch vân quốc ngữ thi.
Một mai, môt cuốc, môt cần câu
Thơ thẩn dầu ai, vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẻ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Bài Nhàn trong Bạch vân quốc ngữ thi thuộc về chủ đề triết lí xã hội, mà tập trung nhất là triết lí Nhàn có người đã từng cho rằng tư tưởng Nhàn, triết lí Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung và Bạch vân quốc ngữ thi nói riêng. Nhàn với Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là một cứu cánh mà là một phương thức tư duy một triết lí. Cho nên Nhàn là khái niệm chữ không phải là tâm trạng.
Tâm lí Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những biểu hiện tích cực và tiêu cực.
Yếu tố tích cực của chữ Nhàn là ở chỗ: Nhàn là sông theo lẽ tự nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản.
Xem thêm : Ý nghĩa tên Trâm là gì & tên đệm cho con gái tên Trâm sang, độc
Chúng ta sẽ thấy rất rõ những điều trên qua việc đi sâu phân tích bài thơ Nhàn của ông trong Bạch vân quốc ngữ thi.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng liên tiếp số từ một nhằm mục đích nhấn mạnh hoàn cảnh sống của ông khi cáo quan về quê. Với những dụng cụ quen thuộc, một mai, một cuốc, một cần câu và có thể là cả một con người, một cuộc đời ở đó. Số từ một biểu hiện sự cô đơn, một mình của Nguyễn Bỉnh Khiêm chốn quê nghèo, ông làm bạn cùng với những vật dụng quen thuộc của nhà nông là mai đào đất, xắn đất, cuốc lật đất, đi kèm phía sau là một cần câu để nhằm chỉ ra rằng sau những lúc làm lụng vất vả, ông vẫn giữ được các thú chơi tao nhã, thanh đạm của người Việt Nam đó là đi câu cá. Số từ một thể hiện sự cô đơn, trong một câu thơ nhà thơ đã sử dụng tơi ba số từ một nhằm nhấn mạnh sự cô đơn, trống vắng của một con người mang đầy chí lớn đang phải sống cuộc đời ẩn dật. Nhưng đứng sau ba số từ một cũng lại là một loạt các danh từ mai, cuối, cần câu, chắc gì sau ba từ một đứng trước… không có một từ một đứng sau. Chắc gì sau ba danh từ đó không có thểm một danh từ ẩn sau đó. Đó là một cuộc đời, một con người chính các công việc của nhà nông ấy, tuy vất vả nhưng lại rất ấm áp và gần gũi. Để rồi chỉ có gần gũi, vui bên thú chơi câu cá tao nhã, thanh đạnt mới làm cho nhân vật trữ tình của chúng ta phải thơ thẩn mà không cần bận tâm đến người khác nói gì, nghĩ gì, làm gì. Chỉ cần những điều khiển ta được vui vẻ, được hoà hợp được.
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nhịp thơ của câu đầu 2/2/3 thể hiện sự khẳng định, quyết tâm có thể cả sự thách thức.
Một mai / một cuốc / một cần câu
Nhịp thơ đã tạo cho câu thơ có sức chuyển mạnh mẽ, không chỉ là lời nói khẳng định thông thường những gì mình trải qua mà táe giả qua đó muốn khẳng định sự quyết tâm vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc đời đầy xô bồ, đổi thay. Và từ đó thấy rằng nhân vật trữ tình rất yêu quí, gắn bó thanh đạm mà gần gũi, ấm áp tình người. Cũng chính vì thế mà có sự chuyển nhịp ở câu sau:
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Nhịp thơ 4/3 là sự chậm lại của cảm xúc tâm trạng và nó đem lại một hơi ấm, niềm vui cho nhân vật trữ tình đến đây đã tìm thấy phương thức sống của cuộc đời mình. Với ước muốn sống hoà hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản, yên vui, vì thế nhà thơ của chúng ta đã rời xa chốn lao xao để về nơi vắng vẻ.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người không, người đến chốn lao xao.
Tự nhận mình là dại, tác giả dại vì đã rời xa chốn phồn hoa đô hội, lấp lánh trở về sống ẩn nấp, vất vả nơi vùng quê nghèo. Nhưng có phải vì thê mà dại chăng? Và thế nào là khôn, không là đến sống ở nơi sung sướng, đầy đủ lụa là gấm vóc, ấm êm, cung phụng lẽ vì thế mà mới không. Và khôn, dại như thê nào mà tìm đến ở chôn lao xao và nơi vắng vẻ.
Đặt câu thơ trong hoàn cảnh sống của tác giả, chúng ta sẽ thấy quan niệm về nơi vắng vẻ và chôn lao xao hay quan niệm dại và khôn. Nơi vắng vẻ ở đây chính là cuộc sống đạm bạc với thôn quê còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Chỉ có người dám coi thường danh lợi, coi thường vật chất, coi của cải chỉ là phù phiếm mới có thể dại mà đến ở nơi vắng vẻ. Còn chốn lao xao chính là nơi tấp nập ngựa xe, nơi sung sướng và đầy đủ, là cuộc sống hoàn toàn đối lập với nơi vắng vẻ và nơi đó chỉ đành cho những ai biết khôn, những ai coi danh lợi, vật chất là cuộc sống thì mới sống và muốn sống ở đó. Tác giả đã sử dụng hai từ láy vắng vẻ và lao xao để miêu tả hai chốn ở khác nhau. Vắng vẻ từ láy tạo nên đậm nét sức bình dị, yên bình của thôn quê. Còn từ láy lao xao nó như có cả tiếng reo vui, tiếng náo nhiệt và tấp nập của chốn đô thành. Và từ đây ta có thể hiểu nơi vắng vè là thôn quê, yên lành, còn chốn lao xao là vùng kinh đô đầy náo nhiệt. Nhưng còn không là thế nào và dại là ra sao? Chon nơi vắng vẻ là để tránh xa cuộc sống xô bồ của cuộc đời đầy bon chen, toan tính và không ít hiểm nguy. Và khi tránh xa những điều đó thì tác giả dại hay khôn. Còn khôn sống ở nơi đô thị tránh xa sự yên bình, thanh sạch khi đó là khôn hay dại khi bước chân vào chốn xô bồ. Nguyễn Binh Khiêm đã dùng biện pháp nghệ thuật sóng đôi ở hai câu thơ này để diễn tả sự đối lập, tương phản, thậm chí là trái ngược hoàn toàn tới xung khắc của hai nơi sống, hai quan điểm sống và hai sự lựa chọn.
Ta dai / ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn / người đến chốn lao xao.
Ta đối với người, dại đối với khôn, ta tìm đối với người đến (thể hiện sự lựa chọn qua hai từ tìm và đển) nơi vắng vẻ đối với chốn lao xao. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Bởi nghệ thuật đối, bởi ý nghĩa tư tưởng của hai câu muốn nói đến. Hai câu thơ đối xứng nhau rất chuẩn cả về từ và cả về dấu thanh tạo nên sự khác biệt và đối lập nhằm khẳng định một lần nữa cách sống và cách lựa chọn của tác giả?
Hai câu tiếp theo miêu tả cuộc sống của Nguyễn Bình Khiêm nơi thôn quê nghèo thanh đạm với những sản vật riêng chỉ có nơi thôn quê.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Mặc dù sống ở nơi thôn quê còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ở đó lại cos các thú vui riêng và được thưởng thức những món ăn rất tầm thường nhưng lại ngon vô cùng. Chỉ có măng trúc và giá thôi, mà nào thức nấy, những thứ ấy dù rất bình thường vì lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Thế nhưng khi ăn chúng ta sơ cảm nhận được vị ngon của nó nhờ vào sự hoà hợp, cảm thông của tấm lòng với tấm lòng. Bởi vì đã không ít lần Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng:
Câu thanh nhàn đọc qua ngày tháng.
Hay:
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
Qua hai câu thơ thứ 5 và 6 này, chúng ta thấy cuộc sống của tác giả nơi thôn quê thaajt đạm bạc mà thanh nhàn. Đạm bạc hỏi món ăn chỉ măng và giá nhưng thanh nhàn, hoà hợp với thiên nhiên.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Chỉ có vùng nông thôn người ta nói có thể được vùng vẫy, thoải mãi thả hồn mình vào trong thiên nhiên hoà mình với thiên nhiên để cảm hết niềm hạnh phúc, thú vui lạc quan ở đời.
Nếu mới đọc qua chúng ta chỉ thấy đó là hai câu thơ tả cuộc sống nơi thôn quê của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng chiều sâu trong đó lý tưởng sống cùa ông, là khát vọng được sống hoà hợp với thiên nhiên. Được ăn những món ăn mà chỉ do thiên nhiên hoà quyện với thiên nhiên mới khiến ta mở rộng lòng mình, vùng vẫy ôm thiên nhiên vào lòng và cũng chính thiên nhiên ôm ta vào lòng nâng dậy sức sống và khơi mát tâm hồn. Chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mới làm cho tâm hồn ta thanh thản, ấm áp mà thôi. Là nếu cần đánh đổi thì Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ sẵn sàng đánh đối phú quí để được tận hưởng cuộc sống này, tận hưởng các nhàn.
Để rẻ công danh muốn được nhàn.
Dường như bất kì thi nhân nào cũng không tránh được một thú vui, không thể thiếu của cuộc đời đó là rượu và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không tránh khỏi niềm đam mê với các thú vui ấy:
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Đây là hai câu thơ có lấy điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say và nằm dưới gốc cây hoè ngủ. Ông ta mơ thấy mình ở nước Hoè An được công danh phú quí, vinh huấn. Nhưng khi tỉnh dậy thì đó chỉ là giấc mộng, thấy cành hoè phía nam chỉ có một tấc kiến mà phơi. Điển tích này để chỉ phú quí chỉ là giấc chiêm bao.
Chính vì quan điểm này Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không màng đến danh lợi bởi danh lợi, phú quí chỉ là phù phiếm và chỉ như một giấc mộng rồi sẽ qua đi.
Để rẻ công danh muốn được nhàn.
Hay:
Thấy dặm thanh vân lại bước chen Được nhàn ta sá dường thân nhàn.
Chữ nhàn ở thơ Nguyễn Bình Khiêm đôi lập với tất cả chữ nhàn ở thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhàn than chức không phải là nhàn tâm. Dù nhàn nhưng vẫn lo âu việc nước việc đời.
Hai câu kết tác giả muốn khẳng định rằng tiền bạc của cải chỉ là phù phiếm, nó sẽ nhanh chóng tan biến theo bước đường thời gian, vì vậy mà phương châm sống đừng chỉ lúc nào cũng mong về tiền tài, danh vọng.
Tuy rằng chữ nhàn có những hạn chế như: nhiều yếu tố nhàn rỗi, nhàn tâm, yên phận khá đậm nét. Mà đặc biệt một nhà nho ưu thời mẫu tục như Nguyễn Bỉnh Khiêm mà lại chủ trương nhàn tâm, chủ trương vô sự ngáy pho pho trước cảnh đất nước loạn lạc, nhân dân cực khổ lầm than. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm hi vọng với những vần thơ triết lí này của mình có thể giữ trọn được tâm hồn và nhân cách để cuộc sống con người được hài hoà, hợp với lẽ của tự nhiên và xã hội cũng đi đến…
Nhàn là một triết lí sống để bảo toàn nhân phẩm trước sự đua chen danh lợi, trước sự băng hoại về đạo đức:
Có thuở được thời mèo đuổi chuột
Đến khi thất thế kiến tha bò.
Và:
Hoa càng khoe nở hoa càng rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.
Toàn bộ bài thơ nhàn là một lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hoà hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi. Nhàn là triết lí sống chi phối nhiều sáng tác của Nguyễn Binh Khiêm. Tuy có lúc nó có mang yếu tốt tiêu cực nhưng nó lại là triết lí sống giúp con người ta sống đẹp hơn, đúng hơn với đời.
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Mẫu số 3
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn để lại khoảng 1.000 bài thơ chữ Hán và trên dưới 200 bào thơ Nôm trong “Bạch Vân am tập ” và “Bạch Vân Quốc ngữ thi tập”
Nhận xét về thơ Trạng Trình, nhà sử học Phan Huy Chú trong thế kỉ XIX có viết:
“Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời”.
Mảng thơ viết về thiên nhiên và vịnh nhàn chiếm một tỉ lệ sang trọng trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bài thơ Nôm số 73 của Tiên sinh mà người soạn sách Ngữ văn đặt cho cái nhan đề “Nhàn” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật và tâm hồn thanh cao của “ông Tiên giữa cõi trần ” này.
“Nhàn ” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đó là những vần thơ “giản di mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị”
“Một mai, một cuốc, một cần cáu,
Thơ thẩn, nào ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao ”,
Nhịp thơ rất biến hóa, gợi lên một tâm thế đủng đỉnh khoan thai của một lão nông sống ung dung thanh thản nơi vườn quê thân thuộc:
“Một mai, một cuốc, một cần câu,”
Thơ thẩn, nào ai vui thú nào Mai, cuốc, cần câu, những nông cụ ấy, vật dụng ấy với ta cũng chí có “một” mà thôi; hằng ngày ta vẫn cùng “Một mai, một cuốc, một cần câu ” ấy vui vầy giữa “chốn nước non ”, thảnh thơi với dòng xanh sông Tuyết Giang quê nhà. Cái gia tài có 3 thứ, thứ nào cũng chỉ có “một” nhưng với Bạch Vân cư sĩ thì vô cùng giàu có và sang trọng. Dù ai có cách vui thú nào cũng mặc, riêng “ta ” cứ thơ thẩn, nhởn nhơ ung dung giữa cuộc đời. Có tự ý thức được mình thì mới có tâm thế “thơ thẩn ” ấy. Cách sống ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm có khác nào cách sống cần cù, thanh bạch của ức Trai trong thế kỉ XV sau khi đã thoát vòng danh lợi:
“Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then ”,
(Thuật hứng – 24)
Hai câu 3, 4 trong phần thực đối nhau: “Ta dại” đối với “người khôn”, “ta tìm” đối với “người đến”, “nơi vắng vẻ” đối với “chốn lao xao”. Nghệ thuật đối ấy đã tương phản và đối lập hai quan niệm sống, hai cách sống, hai nhân cách trong cuộc đời. “Nơi vắng vẻ” với Nguyễn Bỉnh Khiêm là quê tổ đất cha, là am Bạch Vân, là làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lí Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng), là sông Tuyết Giang, là quán Trung Tân. Đó là nơi “hằng mến” đối với Tuyết Giang phu tử:
“Ba gian am quán, lòng hằng mến,
Đòi chốn sơn hà, mặt đã quen.
Thanh vắng thú quê giàu mấy nả,
Dữ lành miệng thế mặc chê khen”.
“Chốn lao xao” theo Nguyễn Bỉnh Khiêm là chốn bon chen danh lợi, là nơi bọn cơ hội vênh vang tự đắc, lên mặt đạo đức dạy đời, là nơi đồng tiền hôi tanh đã trở thành “sức mạnh của cán cân công lí”:
“Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng bướm,
Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền”
(Thơ nôm, bài số 5)
Sau nhịp thơ 2/5 và các điệp ngữ “ta”, “người”, chúng ta cảm thấy ánh mắt của nhà thơ nheo lại với nụ cười mỉm:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Xem thêm : Mã Zipcode Đắk Nông – Mã bưu điện Đắk Nông mới nhất
Hai câu trong phần luận đăng đối hài hòa làm hiện rõ một cách sống giản dị, bình dị, thanh bạch của kẻ sĩ cao khiết đã lánh đục tìm trong, đã thoát “chốn lao xao ” đầy bụi trần:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao ”
Trúc và giá còn thơm ngon hơn cao lương mĩ vị “chốn lao xao”.Tắm hồ sen về mùa xuân, tắm ao về mùa hạ đối với Bạch Vân cư sĩ là để thanh sạch tâm hồn, để di dưỡng tinh thần cho thêm phần thanh cao. “Xuân tắm hồ sen ” là thú quê, là niềm vui dân dã không phải ai cũng tìm thấy, ai cũng được tận hưởng:
“Rủ nhau ra tắm hồ sen,
Nước trong bóng mát hương chen cạnh mình.
Cứ chi vườn ngọc ao quỳnh,
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay”.
(Ca dao)
Hai câu kết thể hiện một cốt cách thanh cao, ung dung tự tại của bậc cao sĩ phong lưu. Ở trên đã nói “ta tìm nơi vắng vẻ” thì khi uống rượu, “ta” lại “đến cội cây”. Trong lúc “người đến chốn lao xao” thì với “tư” lại “nhìn xem phủ quý tựa chiêm bao”.Xưa nay, đã mấy ai có cách sống đẹp như thế:
“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao ”
Xưa kia, Nguyễn Trãi đã từng “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng “.Uống rượu và uống cả ánh trăng thanh. Thì giữa am Bạch Vân, Trạng Trình lại ung dung “Rượu đến cội cây, ta sẽ uống Rượu ấy là rượu đế, rượu tăm, đâu phải là mĩ tửu. Có dị bản ghi: “Rượu đến cội cây, ta sẽ nhắp chữ “nhắp ” mới thể hiện đầy đủ cốt cách của kẻ sĩ yêu nhàn và sống nhàn.
Có người cho rằng hai câu kết “tác giả có ý dẫn điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe, rồi mơ thấy mình ở nước Hòe An, được công danh phú quỷ rất mực vinh hiển. Sau bừng mất tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng… Chúng tôi không nghĩ như thế. Một là, Thuần Vu Phần chưa có chút danh vọng gì, giấc mộng của ông ta chỉ là “giấc Nam Kha ” mà thôi! Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi bước lên tới đỉnh cao danh vọng mới lui về quê cũ dựng am Bạch Vân để vui thú trong cảnh nhàn:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quỷ tựa chiêm bao ”
Hai là, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm có khá nhiều điển tích, còn trong thơ Nôm của ông rất ít điển tích, mà sử dụng nhiều tục ngữ, ca dao. Thuần Vu Phần là một con người bất đắc chí, say sưa, mộng hão, còn Bạch Vân cư sĩ là một con người đã từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, ung dung tự tại, cao khiết nên mới có tâm thế “nhìn xem phủ quỷ tựa chiêm bao? ” Con người ấy đã chan hòa với thiên nhiên, từng coi gió mát trăng thanh là “cố trí ”, là “tương thức”:
“Trăng thanh gió mát là tương thức,
Nước biếc non xanh ấy cố tri”
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sống nhàn là coi thường phú quý danh lợi, có sống nhàn mới tận hưởng được mọi vẻ đẹp của thiên nhiên. Một chén rượu, một chén trà đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm là để sống đẹp hơn, an nhàn hơn, hạnh phúc hơn:
“Hoa trúc tay tự giồng
Gậy, dép bén mùi hoa
Chén, cốc ánh sắc hồng
Rửa nghiên cá nuốt mực
Pha trà, chim lánh khói… ”
(Ngụ hứng ở quán Trung Tân)
“Nhàn” là một bài thơ tuyệt tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ có ngôn ngữ bình dị, giọng điệu khoan thai, thể hiện một tàm thế thanh cao, coi thường danh lợi phú quý bon chen trong cuộc đời. Có sống trong sạch mới có tâm hồn thanh cao, mới có lối sống nhàn tuyệt đẹp.
Hình ảnh Tuyết Giang phu tử hiện lên thấp thoáng sau vần thơ đã làm cho ta kính phục và ngưỡng mộ kẻ sĩ quân tử thời loạn.
Học bài “Nhàn ” để chúng ta hiểu rõ hơn cám hứng thế sự trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong thơ văn trung đại.
Có điều ta nên biết, các bạn trẻ nên biết là Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi cả ba lần đều đỗ thủ khoa, đã đỗ Trạng Nguyên. Cái tài học ấy, bảng vàng ấy không thể sống “Nhàn ” mà có được!
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Mẫu số 4
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) đỗ Trạng nguyên; học vị cao nhất thời phong kiến, làm quan dưới triều nhà Mạc được 8 năm. Nhận thấy xã hội rối ren, nạn cát cứ và tranh chấp giữa các tập đoàn phong kiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn kéo dài, ông bèn cáo quan về ẩn cư trên 40 năm ở quê nhà, làm am Bạch Vân, sửa cầu Nghinh Phong, Trường Xuân, lập quán Trung Tân ở bến Tuyết Giang, dạy nhiều học trò, do đó được người đời gọi là Tuyết Giang phu tử. Tại đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết nhiều bài thơ Nôm nổi tiếng trong đó có bài “Nhàn”.
Trong hai câu đề, nhà thơ nêu lên cảnh lao động tự cung, tự cấp:
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào”
Mai là công cụ để đào, cuốc để xới và cần câu để kiếm tôm cá. Nhịp thơ 2/2/3 gợi tả phong thái khoan thai của nhà Nho. Dù có lao động vất vả nhưng tác giả tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống mà mình đã lựa chọn. “Thơ thẩn” là sống ung dung, không bận tâm đến sự đời đen bạc.
Hai câu tiếp theo so sánh hai cách sống:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao”
“Ta” đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm và những người cùng chí hướng như ông. “Người” đây là đám vua chúa, quan lại đương thời. “Nơi vắng vẻ” là cuộc sống giữa thiên nhiên, xa cách xã hội ồn ào, lộn xộn, do đó không phải bon chen, cầu cạnh nên tâm hồn được thoải mái. “Chốn lao xao” là chốn triều đình, chốn cửa quyền có lâu đài, bổng lộc hậu hĩ nhưng phải cạnh tranh quyết liệt. Ngày xưa, Nguyễn Trãi đã nói về sự nguy hiểm của chốn này:
“Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn,
Lòng người quanh nữa nước non quanh”
Vậy là “khôn” mà thành “dại”; “dại” mà thành “khôn”. Thể bình đối tạo nên ấn tượng về sự tương phản sâu sắc giữa “ta” và “người”. Đọc đến đây, ai cũng có cảm tưởng như cụ Trạng Trình đang mỉm một nụ cười châm biếm những người gọi là “khôn”. Nối tiếp Nguyễn Bỉnh Khiêm, về sau Lê Hữu Trác – tác giả Thượng Kinh ký sự – cũng không ra làm quan, sống ở quê nhà và tự gọi là Lãn Ông – tức ông già lười nhác, lười nhác về mặt công danh.
Hai câu luận nói về sinh hoạt của tác giả:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Như vậy là nhà thơ đã có một cuộc sống nền nếp, ổn định mùa nào thức ấy, mùa nào thú ấy. Măng trúc và giá xét cho cùng chỉ là những món ăn đạm bạc. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tỏ ra mãn nguyện về cuộc sống như thế vì nó hợp với người quân tử: cầu đạo, bất cầu thực. Trong bài “Hàn Nho phong vị phú”, Nguyễn Công Trứ cũng nói:
“Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch,
người quân tử ăn chẳng cầu no”
Nhà Nho hướng về một cuộc sống tinh thần cao đẹp mà coi thường sự thiếu thốn về vật chất. Thanh đạm mà thanh cao.
Hai câu kết khái quát lên một tầm cao triết lí về cách sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Nhà thơ lấy điển tích Thuần Vu Phần, một viên tướng đời Đường, vì chán công danh, xin từ chức, về nhà uống rượu làm khuây. Một lần say, ngủ bên gốc cây hòe, chiêm bao được làm phò mã, có cuộc đời rất phú quý. Tỉnh dậy thì ra đang nằm cạnh tổ kiến bên gốc cây hòe! Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giống như Thuần Vu Phần, coi phú quý chỉ là chuyện chiêm bao, chuyện hão huyền, vô nghĩa, không đeo đuổi nó và an tâm với cuộc sống bên bến Tuyết Giang.
“Nhàn” là bài thơ có nghệ thuật điêu luyện. Từ ngữ giản dị, phần lớn là thuần Việt. Hình ảnh cô đọng, đối ngẫu chặt chẽ. Nó đánh dấu một bước tiến của thơ Nôm Đường luật ở nước ta trong thế kỉ XVI.
Bài thơ có nội dung sâu sắc. Xã hội phong kiến Việt Nam hồi thế kỷ XVI đang chìm trong khủng hoảng trầm trọng đã khiến nhà thơ chán ghét, tìm cách xa lánh nó, sống trong cảnh nhàn để giữ cho tâm hồn thanh cao. “Nhàn” mà trong sạch, cao quý, vì đó là một nét đẹp của tâm hồn kẻ sĩ thanh cao “Như nhật trung thiên” vằng vặc.
Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ triết lí của Nguyễn Bỉnh Khiêm: thiên về nhận xét, phân tích, khái quát – lối thơ của những nhà tư tưởng lớn.
Phân tích bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) – Mẫu số 5
Giữa cảnh đất nước rối ren, nhân dân lầm than cơ cực, triều đình thì mục nát, một nhà yêu nước như ông phải sống nhàn nhã, ẩn dật vô công rồi nghề. Tả lại cảnh nhàn hạ của mình mà giọng điệu của ông thật chua cay.
“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Đọc câu thơ, thoạt nghe người đọc có cảm tưởng nhà thơ đang có cuộc sống ung dung tự tại. Câu đầu, nhịp điệu trong hai câu thơ thể hiện sự thong thả, ung dung. Nhà thơ dùng một số từ “một” lặp lại ba lần, cùng với các danh từ đứng sau chỉ công cụ sinh hoạt: “Một mai, một cuốc, một cần câu”. Cuộc sống của nhàn nhã của nhà thơ thật bình dị, đơn giản nhưng ông vẫn thấy vui. Ông không quan tâm đến xung quanh, mặc cho thế sự cuộc đời có thế nào, đối với ông cuộc sống của ông lúc này thật đáng sống. Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ “an bần lạc đạo”, vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến cái vui của ẩn sĩ.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người dến chốn lao xao
Đối với ông “Nơi vắng vẻ” chính là nơi thôn quê yên tĩnh nơi ông đang sống còn “chốn lao xao” là nơi thành thị, chốn quan trường đầy rẫy những thị phi. Trong cuộc sống của con người, người khôn sẽ chọn ở nơi đông đúc, theo thói vụ lợi, giành giật, bon chen vinh hoa, phú quý, lợi ích vật chất để được hưởng cái hay, cái tốt đẹp ở đời. Chỉ có những con người dại dột mới xa lánh lợi lộc, tìm chốn thanh cao, vắng vẻ, sống an nhàn để tu tâm dưỡng tính. Nhưng nhà thơ đi ngược lại với quan niệm bình thường đó, ông tự nhận mình là kẻ khờ dại, ngu dốt, giữ chốn triều đình hưởng lộc vua mà không sống lại chọn vùng quê nghèo để sống cho qua ngày.
Đối lập giữa “nơi vắng vẻ” với “chốn lao xao”, tác giả muốn khẳng định cách sống nhàn cư ẩn dật, xa lánh chốn vinh hoa, chạy theo vật chất tầm thường. Hai vế tương phản, làm nổi bật ý nghĩa, nhấn mạnh phương châm sống của bản thân. Khôn kia là cái khôn của kẻ tiểu trí còn cái dại này là cái dại của bậc đại trí. Tại sao lại như vậy? Vì nắm được thời thế, vì không muốn bụi bặm của xã hội nhiễu phương vấy bẩn. Hai câu thơ 3, 4 còn thể hiện sự kiên định lối sống, có một chút mỉa mai thói đời, thói người đời và bộc lộ cái cao ngạo của kẻ sĩ.
Cảnh sinh hoạt nơi làng quê thanh bình như một thú chơi tao nhã của nhà thơ, mỗi mùa, mỗi dịp lại có những thú vui khác nhau.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Đó là những cảnh sinh hoạt hết sức giản dị, đạm bạc mà thanh cao, lối sống hòa nhập cùng thiên nhiên cỏ cây hoa lá. Đáng chú ý, thán phục hơn là lối sống hòa nhập cùng thiên nhiên cỏ cây hoa lá, lối sống tuân theo lẽ tự nhiên – mùa nào thức nấy, quê mùa, chất phác.
Không phải tác giả miêu tả lại cảnh sống của mình là chỉ để miêu tả, trong cách miêu tả ấy mang một nỗi niềm sâu kín trong tâm trạng của nhà thơ. Trong thời loạn lạc, người có nhân cách cao đẹp phải xa lánh cuộc bon chen tầm thường, tìm đến nơi yên tĩnh, vui thú cùng cỏ cây, vạn vật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống hòa mình với thiên nhiên vũ trụ và giữ được cốt cách thanh cao, trong sạch. Giá trị nghệ thuật của hai câu này là ở sức gợi của nó, gợi cái ung dung, điềm nhiên, đạm bạc mà thanh cao; nhẹ nhàng, từ tốn mà kiên nghị của một con người. Một trong những câu thơ như lời nói thường nhật mà hay hiếm có trong thi ca.
Suy ngẫm lại cuộc sống hiện tại của mình, tác giả dường như chứa chất một nỗi buồn khó tả, nỗi buồn ấy không biết chia sẻ cùng ai, tác giả chỉ biết dùng những thú vui tầm thường tao nhã để quên đi những gì đang diễn ra trước mắt mình.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
Hai câu thơ trên được tác giả dựa theo điển tích Trung Hoa nói về cái hư ảo, không thực chất, qua nhanh, có cũng như không, có đấy mà tan ngay đấy của giàu sang phú quý. Nhưng dù sao vẫn có chút ngậm ngùi thân thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rõ lẽ thường này và coi thường, xem nhẹ giàu sang phú quý chứ không có chút ngậm ngùi vì vinh hoa qua như chớp mắt. Ta thấy ông ung dung tự tại mang rượu đến gốc cây nằm uống, nhưng không ngủ để giác mơ kia, mà tỉnh táo nhìn nó – sự phú quý đi qua như giấc chiêm bao. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đứng cao hơn một bậc trong sự đối diện với phú quý. Lối sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt tới, ở trên tầm cao trong vắt.
Là một nhà Nho có tài, có lòng yêu nước thương dân muốn cống hiến sức lực của mình để giúp dân giúp nước, nhưng ông lại không đứng ra để giúp mà chọn cách sống ẩn dật. Bởi lẽ ông đã chán với cuộc sống chốn quan trường với quan tham, vua nhu nhược, ông chọn cách sống ẩn dật để giữ tâm hồn mình được thanh cao, trong sạch. Bài thơ là nỗi niềm tâm sự của nhà thơ với dân với nước, là sự cay đắng đến tận cùng của tác giả về thế thời của đất nước.
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu