Tra Cứu

Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Đề bài: Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

phan tich chi lam trai trong bai tho luu biet khi xuat duong cua phan boi chau

Dàn ý, văn mẫu Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
 

Bạn đang xem: Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

I. Dàn ý Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

1. Mở bài

Giới thiệu về Phan Bội Châu, tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương

2. Thân bài

– Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu thể hiện quan điểm về “chí làm trai” mởi mẻ, khác biệt. Điều đó được thể hiện rõ nét qua từng câu thơ.
– Hai câu thơ đề: Chí làm trai của Phan Bội Châu trong tình hình đất nước mới với một cái tôi đầy trách nhiệm.

“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”

+ Phan Bội Châu đã đưa ra quan niệm chí làm trai mới đó là phải “lạ”.
→ Thân là đấng nam nhi không chịu sống trong một khuôn phép mờ nhạt nào cả, dám bước ra ranh giới của sự an toàn để đạt được thành công.
+ Phan Bội Châu muốn thay đổi lại trật tự, khẳng định không ngồi chờ đợi vô nghĩa; điều này cũng thể hiện sự quyết liệt, sự làm chủ của con người trước vũ trụ.

– Hai câu thơ thực: Vai trò về cái tôi và quan niệm công danh, ý thức với dân tộc

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai”

+ Từ “tớ” là một danh xưng của Phan Bội Châu, khẳng định ý thức, trách nhiệm của bản thân với đất nước trong thời kì nước mất, nhà tan. Một cái tôi cao cả, cống hiến trước thời cuộc.
+ “Khoảng trăm năm”: nói về một kiếp người, một đời người.
+ “Sau này muôn thuở há không ai”: Một câu hỏi ngỏ không chỉ nói đến cái tôi công danh, sự nghiệp của nhà chí sí yêu nước.

– Hai câu thơ luận: Quan niệm về lòng yêu nước

“Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”.

+ “Non sông đã chết sống thêm nhục”: Đất nước đang bị ngoại bang xâm lấn, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than.
+ Với nhà yêu nước Phan Bội Châu, sống trong cảnh đất nước như vậy thật là nhục nhã, sống cũng như đã chết rồi.
→ Quan niệm sống chết, vinh nhục này cũng là quan niệm đi theo ông cùng những người cùng chí hướng theo đuổi suốt cuộc đời: Không chịu sống dưới sự áp bức, bóc lột của kẻ khác, khát khao tìm con đường giải phóng dân tộc.
+ “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”: Giấc mộng cửa Trạng sân Trình từng là khát khao, giấc vọng của biết bao người; nhưng với Phan Bội Châu thì sách vở thánh hiền giờ đây không còn ý nghĩa gì nữa.
→ Việc phủ nhận văn học Nho giáo khiến ông không khỏi xót xa; nhưng trong tình hình đất nước lâm nguy thì cần vượt qua nỗi đau ấy để phục hưng lại đất nước vì không có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất nước.
=> Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã hi sinh lợi ích cá nhân để làm lợi ích cho đất nước. Đây cũng chính là nguồn tư tưởng mới, ánh sáng mới nổi bật những năm đầu thế kỉ XX.

– Hai câu kết:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”.

+ “Nguyện trục trường phong Đông hải khứ”: Vượt mọi gian khổ, vượt qua biển Đông để tìm ánh sáng, con đường mới cho dân tộc.
+ “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”: Vượt qua ngàn sóng lớn. Câu thơ dịch “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” chưa thể hiện rõ được ý chí quyết tâm, yếu tố lãng mạn nhiều.

– Kết luận chung:
+ Thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với giọng văn trang nghiêm, mạnh mẽ tạo được tâm thế phi thường của người chí sĩ ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.
+ Chí làm trai của nhà thơ, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu không chi có tác dụng trong thời đại trước mà vẫn có giá trị đến nhiều thế hệ người Việt Nam mai sau.

3. Kết bài

Trình bày cảm nghĩ về chí làm trai của Phan Bội Châu.

II. Bài văn mẫu Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Những năm đầu thế kỉ XX, đất nước ta một lần nữa lại bị ngoại bang xâm lược; những cuộc kháng chiến nổ ra khắp trong cả nước. Người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu là lá cờ đầu kháng chiến, ông không chỉ có con đường cứu nước mới mẻ mà ông còn để lại một kho tàng văn học lớn, có sức cổ động mạnh mẽ, trong đó không thể không nhắc đến bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương”. Bài thơ không chỉ nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc mà còn nói lên “chí làm trai” khác biệt.

Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” được Phan Bội Châu sáng tác vào năm 1905 giữa tình hình đất nước đang chìm trong ách kìm kẹp của chế độ thực dân. Là người chủ trương trong phong trào Duy Tân, ông tìm đường cứu nước bằng cách sang Nhật. Trước khi xuất dương, ông đã làm bài thơ để gửi tặng những người bạn của mình, cũng để bày tỏ tinh thần yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc của chính bản thân.

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”.

(Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời).

Thời phong kiến, chí làm trai tức là phải tề quốc, trị gia bình thiên hạ. Người con trai phải có sự nghiệp, công danh, giúp dân giúp nước. Nhưng với Phan Bội Châu, ông lại muốn “làm trai phải lạ ở trên đời”. Cái “lạ” ở đây tức là ông muốn làm những điều khác thường, “xoay chuyển được càn khôn”.

Nếu như Nguyễn Công Trứ chỉ ở mức “Chí làm trai nam bắc tây đông/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”, Phạm Ngũ Lão: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” thì Phan Bội Châu lại muốn thay đổi càn khôn, không chịu khuất phục sự sắp đặt trong trời đất. Vần xoay vũ trụ theo ý chí mình, bước qua khỏi ranh giới an toàn, đi tìm một chân trời mới. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu mang đến quan niệm về chí làm trai trong thời đại mới, tạo ra một ý tưởng thật lớn lao, mạnh mẽ. Đó cũng là lời khẳng định sức mạnh của con người giữa vũ trụ bao la.

“Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở há không ai?)

Hai câu thơ thực trong bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu tiếp tục khẳng định cho chí làm trai lớn lao. Không chỉ “xoay chuyển càn khôn” mà chí làm trai còn cần gắn liền với ý thức trách nhiệm với dân tộc.

Từ “tớ” được xem như là một danh xưng của chính tác giả, một ý thức trách nhiệm trước thời cuộc. Từ “tớ” trong câu thơ dịch cũng tạo nên sự ngông nghênh, bộc lộ một cái tôi tích cực. Câu hỏi ngỏ “Sau này muôn thuở há không ai?”, Phan Bội Châu đã không chỉ khẳng định được cái tôi trách nhiệm với đất nước mà còn bày tỏ được sự tin tưởng, khát vọng về “khoảng trăm năm”, ý thức trách nhiệm của mỗi người với đất nước. Tác giả không hướng về riêng quá khứ mà còn là hiện tại, tương lai. Đó cũng chính là bài học dành cho thế hệ trẻ của đất nước, luôn phải có cái tôi mạnh mẽ, dám hi sinh vì dân tộc.

Nếu như trước đây cổng Trạng sân Trình là niềm khát khao, niềm tự hào của rất nhiều người; đặc biệt là đối với nam nhi, đó là con đường gầy dựng sự nghiệp thì giờ đây Phan Bội Châu chỉ còn biết thở dài:

“Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”.

“Non sông đã chết” – câu thơ thật đau lòng làm sao!. Đất nước, non sông giờ đây đang bị giày xéo dưới bước chân của những kẻ ngoại bang. Đối với những người theo Nho giáo như ông, còn gì đau lòng hơn khi sách vở, công danh cũng không giúp gì được cho Tổ quốc. “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài” ở đây không phải Phan Bội Châu muốn phủ định đi sách thánh hiền mà là giữa thời cuộc, ông chọn đi theo con đường giải cứu đất nước, đọc sách, thi cử công danh trong thời cuộc ấy có ý nghĩa gì.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu quả là con người có tầm nhìn cao rộng. Với ông, thời khắc ấy không có gì đau lòng hơn là nỗi đau mất đi sự tự do trên chính dân tộc mình. Ông sẵn sàng bỏ đi lợi ích cá nhân để tìm thấy lợi ích chung cho dân tộc. Trong những năm đầu thế kỉ XX, đây quả thực là một quyết định táo bạo, trở thành tư tưởng mới, ánh sáng mới.

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”,

(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi).

Cánh buồm giăng giữa muôn trùng ngàn khơi tạo nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn. Ý chí của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu cũng tựa như con thuyền ấy, ra khơi giữa mây ngàn sóng nước, trước mặt với vô vàn thử thách; nhưng ra đi với tâm thế mạnh mẽ; không lo sợ sóng gió.

Câu thơ “thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” được dịch nghĩa là “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”, câu thơ dịch nghĩa chưa sát với nguyên tác, hình ảnh còn bay bổng, lãng mạn hoá; làm giảm đi tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm ra đi cứu nước. Hình ảnh đối lập giữa sự nhỏ bé của con người với sự bao la của vũ trụ tạo nên hình tượng sử thi, tạo nên một bức tranh vô cùng hoành tráng với ước vọng bay lên, tạo nên một chân trời mới. Câu thơ cũng khẳng định sự quyết tâm, tự tin về sự thay đổi trong tương lai.

Trang thơ của nhà ái quốc Phan Bội Châu với hình ảnh đấng nam nhi muốn làm ngược lại với quy luật tự nhiên, cái tôi cá nhân cùng với trách nhiệm với Tổ quốc. Bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, giọng văn hào sảng, mạnh mẽ đã tạo nên hình ảnh phi thường của người chí sĩ ra đi cứu nước. Bài thơ đã tạo nên một luồng gió mới trong thơ văn, một vài ca mới trong cuộc chiến chống quân xâm lược Pháp đầu thế kỉ XX.

Chí làm trai của Phan Bội Châu không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm ấy mà đến thế kỉ XXI hay mãi mãi về sau, đó là bài học, là tấm gương cho lớp lớp thế hệ về tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm; biết đương đầu với khó khăn, thử thách; loại bỏ cái tôi cá nhân để hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.

—————- HẾT—————

Lưu biệt khi xuất dương đã thể hiện được vẻ đẹp của lí tưởng, quyết tâm, tình yêu nước của người chí sĩ Phan Bội Châu. Cùng với bài Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu, để học tốt các em không nên bỏ qua: Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu, Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương,…

Đăng bởi: thcs Hồng Thái

Chuyên mục: Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!

Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button