Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Đề bài: Em hãy Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Bạn đang xem: Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bạn đang xem: Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bài làm:
Trong nền văn học trung đại Việt Nam, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác tiêu biểu và nổi bật. Giá trị vững bền của tác phẩm được tạo nên không chỉ ở mặt nội dung cốt truyện hấp dẫn mà còn thể hiện qua những bút pháp nghệ thuật đặc sắc và nổi bật là nghệ thuật miêu tả tâm lí, nội tâm nhân vật. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những trích đoạn thể hiện rõ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả Nguyễn Du. Trong đoạn trích này, chúng ta có thể thấy được tâm trạng buồn tủi, nỗi nhớ thương cùng dự cảm của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bơ vơ, lạc lõng tại lầu Ngưng Bích.
Trong sáu câu thơ đầu tiên, tâm trạng của Thúy Kiều được làm nổi bật với sự chán ngán, bơ vơ, lạc lõng và buồn tủi qua khung cảnh lầu Ngưng Bích. Đó là không gian chơi vơi giữa trời nước, núi non: “Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung” và Kiều chỉ nhìn thấy được “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” với những “cồn cát vàng”như đang chuyển động lượn sóng và bụi hồng vướng trải trên hàng dặm xa xăm. Tất cả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên được phóng chiếu ở cả chiều cao và chiều rộng, gợi ra sự mênh mang, hoang vắng và đầy rợn ngợp nhưng lại bị bó gọn trong khoảng thời gian “mây sớm, đèn khuya” tuần hoàn, khép kín; làm nổi bật hơn nữa tâm trạng “bẽ bàng” của nhân vật trữ tình khi bị giam lỏng trong vòng luẩn quẩn đầy tù túng. Khung cảnh đó như chia cắt và xoáy sâu hơn nữa vào bi kịch của Thúy Kiều: “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” và khơi gợi nỗi nhớ về những ngày đã qua.
Ngòi bút tinh tế của tác giả Nguyễn Du tiếp tục lách sâu vào dòng tâm trạng của nhân vật khi miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều. Trước hết, nàng nhớ về hình bóng chàng Kim và đêm thề nguyền nguyện ước giữa hai người:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ”
Tình yêu đối với chàng Kim trở thành nỗi day dứt mạnh mẽ nhất trong tâm trạng của Thúy Kiều, bởi “Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”, và nàng đã chọn cách đoạn tình để làm trọn đạo hiếu. Sau đó nàng nhớ về cha mẹ mình:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”
Là một người con có hiếu, dù đã bán mình chuộc cha nhưng trong lòng Kiều vẫn trĩu nặng nỗi nhớ thương về cha mẹ. Tác giả đã sử dụng điển cố điển tích- một biện pháp nghệ thuật điển hình trong thi pháp của nền văn học trung đại để nói lên tấm lòng hiếu thảo của nàng Kiều. Nhưng điểm đặc sắc là tác giả đã đặt nỗi nhớ của chàng Kim lên trước nỗi nhớ về cha mẹ, thể hiện rõ nét sự tinh tế trong việc miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả Nguyễn Du. Bởi lẽ với cha mẹ, nàng đã bán mình, hi sinh bản thân; còn đối với chàng Kim, nàng vẫn còn mang nợ một lời thề cùng một tình yêu son sắt thủy chung và nàng tự cho mình là người phụ bạc.
Sau khi nhớ về quá khứ, về tình yêu, về gia đình thì tâm trạng của nàng Kiều chìm trong nỗi buồn đau, cô đơn và lo sợ về thực tại và tương lai. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã được tác giả vận dụng một cách điêu luyện để miêu tả những con sóng trong tâm lí nhân vật:
“Buồn trông cửa bề chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới ra
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Đây là tám câu thơ hay nhất trong trích đoạn này khi miêu tả tâm trạng của nàng Kiều. Cảm xúc sầu buồn đã được miêu tả thông qua bức tranh thiên nhiên từ xa đến gần với gam màu ảm đảm trong không gian u tối, và mỗi cặp câu bắt đầu bằng cụm từ “Buồn trông” lại mang những ý nghĩa ẩn dụ vô cùng ý nghĩa. Trước hết, tác giả đã khắc họa nỗi buồn tha hương cũng như khao khát đoàn tụ qua hình ảnh cửa bể- con thuyền. Hơn ai hết, nàng hiểu rõ rằng chút hi vọng nhỏ nhoi thoát khỏi sự giam cầm vẫn là vô vọng. Bởi vậy nàng đã buồn cho số phận trôi dạt mong manh đầy bi kịch của mình thông qua hình ảnh “hoa trôi man mác”. Câu thơ kết thúc bằng từ nghi vấn “biết là về đâu” đã tạo nên một câu hỏi tu từ gợi nên sự mơ hồ, hoài nghi về hiện tại và tương lai. Dự cảm đó tiếp tục được lặp lại và nhấn mạnh hơn nữa trong hai câu thơ cuối cùng:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Xem thêm : Lời bài hát Người ơi người ở đừng về – Đức Phúc x Suboi
Âm thanh của tiếng sóng đã được tác giả nhấn mạnh thông qua việc sử dụng từ láy tượng thanh “ầm ầm” kết hợp với biện pháp đảo ngữ, gợi tả thành công sự dữ dội như đang gào thét nơi biển xa. Trước không gian rộng lớn ầm ầm sóng vỗ, Thúy Kiều đã có những dự cảm và nỗi lo sợ đầy bất an về những bất trắc đang ập đến và vùi dập cuộc đời. Như vậy, với tám câu thơ được kiến tạo theo câu trúc lặp lại của cụm từ “Buồn trông”, tác giả Nguyễn Du đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mênh mông, rộng lớn, vừa vắng vẻ vừa dữ dội để nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc của nỗi buồn trong tâm trạng của Thúy Kiều.
Thông qua diễn biến dòng tâm lí của nhân vật Thúy Kiều, chúng ta càng hiểu rõ hơn nữa về cuộc đời của Thúy Kiều- “tấm gương oan khổ” thể hiện rõ số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh và trải qua vô vàn bi kịch về gia đình, về tình duyên, về nhân phẩm. Đồng thời, thấy được tài năng của đại thi hào Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật thông qua bút pháp “tả cảnh ngụ tình” và sử dụng những biện pháp nghệ thuật vô cùng đặc sắc.
—————-HẾT—————-
Để có những cảm nhận sâu sắc đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích và đồng cảm với thân phận những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh như nàng Kiều, bên cạnh bài Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích để làm nổi bật tâm trạng của người con gái trên bước đường lưu lạc, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu