Tra Cứu

Các quy định của pháp luật về hành vi lấn, chiếm đất đai:

Hành vi lấn, chiếm đất có thể hiểu là hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc tự chuyển dịch mốc giới, ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất so với diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê.

Hành vi trên thuộc hành vi bị cấm trong Luật đất đai 2013, cụ thể Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định các hành vi cấm trong lĩnh vực đất đai, trong đó có quy định là cấm hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

Theo Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Trong khi đó, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong 04 trường hợp như sau:

1- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép.

2- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép.

3- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình/cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).

4- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Lấn đất tức là hành vi có dấu hiệu dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích được quy định trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chiếm đất thường là những hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng.

Về hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì ngoài xử phạt chính bằng tiền theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có (số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này), đây là số tiền rất lớn nếu thời gian lấn, chiếm được xác định đã xẩy ra lâu dài (kéo dài nhiều năm).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt của tội vi phạm các quy định về xử lý đất đai như sau:

“Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất; hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây; thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Do đó, các chủ thể sử dụng đất (gồm: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Cơ sở tôn giáo) cần quan tâm đến việc thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê trước khi đưa đất vào sử dung nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai; đặc biệt là không thực hiện việc tự chuyển dịch mốc giới, ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất so với diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê.

Nguồn tin: Thanh tra Sở

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button