Tra Cứu

Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Ung thư tuyến giáp thể nhú là dạng phổ biến và có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp thể nhú có tên gọi đầy đủ là ung thư biểu mô tuyến giáp dạng nhú (Papillary thyroid carcinoma – PTC). Đây là dạng ung thư tuyến giáp chủ yếu, chiếm 80-85% tổng số ca ung thư tuyến giáp.

Trong một báo cáo dựa trên cơ sở dữ liệu Giám sát, Dịch tễ học của Hoa Kỳ (SEER) từ 1975 đến 2012, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú tăng từ 4,8 lên 14,9 trên 100.000 người. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú xảy ra chủ yếu sau tuổi trung niên với tỷ lệ 3 nữ : 1 nam. Độ tuổi trung bình thường gặp là 50 tuổi. Bệnh hay gặp ở người da trắng hơn người da đen. (1)

bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú
Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất trong ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì?

Ung thư tuyến giáp thể nhú là một bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô tuyến giáp. Đây là loại ung thư tuyến giáp thường gặp nhất và có tiên lượng tương đối tốt. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là có một khối u/nhân tuyến giáp và thường không gây ra các rối loạn chức năng tuyến giáp. Một đặc điểm khác có thể gặp là khả năng di căn hạch cổ cùng bên với khối u (ví dụ: khối u thùy phải tuyến giáp thì có thể gặp di căn hạch cổ phải). Khoảng 10% bệnh nhân có thể có biểu hiện di căn hạch khi mới phát hiện. Bệnh nhân dưới 55 tuổi thường có tiên lượng tốt. Ở trẻ em thường biểu hiện nhân giáp lớn và di căn hạch sớm.

Triệu chứng ung thư tuyến giáp thể nhú

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú thường biểu hiện dưới dạng một khối u tuyến giáp không triệu chứng (không đau), có hoặc không có hạch cổ kèm theo.

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng cơ năng thường nghèo nàn, ít có giá trị. Tình huống thường gặp nhất là bệnh nhân tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm vùng cổ và phát hiện u.

Khàn giọng và khó nuốt xảy ra trong khoảng 20% ​​trường hợp. Đây là triệu chứng báo hiệu sự chèn ép dây thanh quản quặt ngược gây liệt dây thanh hoặc chèn ép thực quản.

Di căn hạch ở cổ: Đa số là hạch nhóm VI, hạch máng cảnh cùng bên, ít gặp các nhóm hạch vùng khác. Hạch thường rắn, không đau, di động được khi hạch chưa xâm lấn, di động hạn chế khi hạch to và xâm lấn. (2)

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp thể nhú

Đến nay, nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố liên quan bao gồm: (3)

Tiếp xúc với bức xạ

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú cao hơn ở những người có tiền sử tiếp xúc với bức xạ ion hóa đáng kể (ví dụ: phơi nhiễm ở thời thơ ấu như xạ trị liều thấp bên ngoài vào đầu cổ để điều trị các bệnh khác hoặc tiếp xúc với môi trường nhiễm bức xạ: chẳng hạn như vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl, xảy ra vào ngày 26/4/1986, đã dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú ở các vùng có bụi phóng xạ tăng gấp 3-75 lần, đặc biệt là ở trẻ nhỏ). Các khối u tuyến giáp thể nhú hình thành do bức xạ thường xuất hiện sau khi chiếu xạ từ hơn 10-30 năm.

Yếu tố di truyền

Có một số hội chứng bệnh di truyền liên quan đến ung thư tuyến giáp thể nhú, bao gồm đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Gardner, hội chứng Werner và phức hợp Carney loại I. Các trường hợp ung thư tuyến giáp gia đình đã được báo cáo ở 5% tổng số bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú.

Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú cũng cao hơn ở những vùng có chế độ ăn uống nhiều iốt và ở những bệnh nhân đã có sẵn bệnh tuyến giáp lành tính.

Cách chẩn đoán bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp bao gồm:

Siêu âm vùng cổ

Đây là phương pháp cơ bản và đơn giản nhất để phát hiện u tuyến giáp. Ngoài ra, siêu âm còn cho biết vị trí, số lượng, kích thước, tính chất, sự xâm lấn của u tuyến giáp và hạch cổ nếu có. Trên hình ảnh thường là nhân đặc giảm âm, ranh giới không rõ, có thể có vi vôi hóa trong khối, chiều cao lớn hơn chiều rộng, hạch cổ to, tính chất hạch bất thường. Siêu âm cũng có giá trị trong việc hướng dẫn sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ chính xác hơn, đặc biệt những u có kích thước nhỏ. Hiện nay việc sử dụng hệ thống phân loại TIRADS (Thyroid Imaging Reporting ADN Data System) đánh giá nguy cơ ác tính của các khối u tuyến giáp khá phổ biến. Hệ thống này được chia làm 5 loại từ TIRADS I đến TIRADS V.

siêu âm chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú
Siêu âm vùng cổ là phương pháp đơn giản chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú.

Chẩn đoán tế bào học: Chọc hút kim nhỏ (FNA)

Đây thường là phương pháp chẩn đoán được sử dụng để phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú. Bác sĩ tiến hành dùng kim nhỏ chọc hút nhân tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm, sau đó phết lượng tế bào này lên lam kính để bác sĩ giải phẫu bệnh tìm tế bào ung thư tuyến giáp thể nhú.

Chẩn đoán tế bào học cho kết quả nhanh, an toàn, giá trị cao trong chẩn đoán với độ chính xác khoảng 90-95%. Có thể làm tế bào học tại u và hạch. Kết quả được đánh giá theo phân loại của Bethesda 2017.

Xét nghiệm nồng độ hormon tuyến giáp

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp có tác dụng hạn chế trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú vì hầu hết bệnh nhân có chức năng tuyến giáp bình thường.

Xạ hình tuyến giáp

Xạ hình tuyến giáp thường sử dụng I-131. Trong chẩn đoán, ung thư tuyến giáp thể nhú thường không hoặc ít bắt iod và biểu hiện dưới dạng nhân lạnh (giảm chức năng) trên xạ hình. Ngoài ra, xạ hình còn có giá trị cao xác định tuyến giáp lạc chỗ cũng như đánh giá khối lượng mô giáp còn lại sau phẫu thuật. Xạ hình toàn thân với I-131 rất có ích để phát hiện di căn xa.

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh bao gồm CT scan, MRI vùng cổ và FDG-PET/CT, có thể cần thiết cho đánh giá mức độ xâm lấn của u giáp và hạch với cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, phần mềm vùng cổ và di căn xa đến các cơ quan khác.

Chẩn đoán giai đoạn

Ung thư tuyến giáp được phân loại theo giai đoạn TNM (AJCC 2017):

T (tumor) – khối u nguyên phát chia làm 4 giai đoạn:

  • T1: U có đường kính ≤2 cm, giới hạn trong tuyến giáp
  • T2: U có đường kính 2-4 cm, giới hạn trong tuyến giáp.
  • T3: U có đường kính >4cm, còn giới hạn trong tuyến giáp hoặc u có kích thước bất kỳ có vi xâm lấn ra ngoài tuyến giáp (như cơ ức giáp hoặc tổ chức xung quanh tuyến giáp).
  • T4: Tiến triển tại chỗ. U có kích thước bất kỳ phá vỡ vỏ bao tuyến giáp xâm lấn tổ chức mô mềm dưới da, thanh quản, khí quản, thực quản hoặc thần kinh thanh quản quặt ngược; xâm lấn cân trước sống, bao cảnh hoặc các mạch máu trung thất.

Đặc điểm nhuộm hóa mô miễn dịch

Hóa mô miễn dịch ít có giá trị trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú mặc dù nó có thể đóng một vai trò trong cơ chế phát triển, xâm lấn và di căn. Các tế bào ung thư có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lan tỏa với keratin, CK7, thyroglobulin, TTF1 và PAX8.

Điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú thường bao gồm: (4)

Phẫu thuật

Phẫu thuật có vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú. Các yếu tố đánh giá rủi ro trước phẫu thuật bao gồm thông tin lâm sàng, hình ảnh và tế bào học.

Với u giáp, có chỉ định cắt tuyến giáp toàn bộ khi:

  • Tiền sử xạ trị vùng cổ
  • U giai đoạn T3, T4
  • Có tổn thương thùy đối bên
  • Có di căn hạch cổ
  • Có di căn xa
  • Ung thư tuyến giáp tái phát

Phẫu thuật cắt 1 thùy tuyến giáp được lựa chọn cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp có kích thước <1cm mà giới hạn trong tuyến giáp và chưa phát hiện có hạch cổ di căn trên lâm sàng.

Với hạch cổ, vét hạch cổ dự phòng (một bên hoặc hai bên) nên được cân nhắc ở những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú với các hạch cổ chưa phát hiện trên lâm sàng (cN0) có khối u T3, T4 hoặc vét hạch cổ nhóm hạch đã có bằng chứng di căn (cN1).

Điều trị I-131

Mục tiêu: Giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh sau phẫu thuật ở những bệnh nhân có nguy cơ cao

Chỉ định trong các trường hợp: Đa ổ, u T3-4, di căn hạch, di căn xa và có nồng độ Tg cao sau phẫu thuật cắt giáp toàn bộ.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau uống I-131:

  • Xơ phổi.
  • Phù não (có thể được ngăn ngừa bằng việc sử dụng corticosteroid).
  • Viêm tuyến nước bọt, khô miệng.
  • Nguy cơ thấp mắc bệnh bạch cầu, ung thư vú hoặc bàng quang…

Điều trị nội tiết

Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, bệnh nhân cần điều trị hormon tuyến giáp suốt đời, thường là đơn trị liệu với levothyroxine (T4). Vì TSH có thể thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến giáp thể nhú còn lại, liều lượng T4 ban đầu phải đủ cao để ức chế TSH thấp. Chức năng tuyến giáp nên được kiểm tra sau 6-8 tuần. Tùy thuộc vào kết quả, liều lượng nên được điều chỉnh.

Điều trị nhắm trúng đích

Điều trị đích trong ung thư tuyến giáp thể nhú có thể cải thiện thời gian sống còn, giảm triệu chứng và thường áp dụng với những bệnh nhân di căn đa ổ, có triệu chứng rầm rộ, thất bại sau điều trị I-131.

Theo dõi sau điều trị

Người bệnh cần tái khám định kỳ để các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu thăm khám phát hiện sớm u tái phát, hạch hoặc các dấu hiệu của di căn xa. Một số kiểm tra cận lâm sàng cần thực hiện như: Xét nghiệm máu FT4, TSH, Tg, anti Tg; chụp X-quang phổi phát hiện di căn; siêu âm phần mềm vùng cổ và xạ hình tuyến giáp với I-131 nếu có nghi ngờ. Trong trường hợp Tg ở mức cao mà khám lâm sàng, xạ hình giáp, siêu âm, CT scan không phát hiện tổn thương, có thể có chỉ định chụp PET/CT.

bác sĩ tư vấn ung thư tuyến giáp thể nhú
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần thăm khám theo lịch hẹn sau điều trị.

Ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?

Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại ung thư tuyến giáp phổ biến và có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị ngay khi phát hiện, bởi vì việc trì hoãn sẽ làm mất đi cơ hội điều trị bệnh hiệu quả.

Hầu hết chúng ta không thể chủ động phòng ngừa được ung thư tuyến giáp thể nhú nên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát khi có các yếu tố nguy cơ là rất cần thiết để phát hiện sớm căn bệnh ung thư này.

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button