Tra Cứu

Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại

Triết học ngoài mác-xít hiện đại là thuật ngữ dùng để chỉ dòng triết học ra đời từ khoảng giữa thế kỷ XIX ở phương Tây và tiếp tục phát triển đến ngày nay song song với triết học Mác-Lênin.

Từ giữa thế kỷ XIX, điều kiện lịch sử và sự phát triển khoa học đặt ra cho triết học phải trả lời nhiều vấn đề mới.

Trước hết, chủ nghĩa tư bản thống trị trong xã hội phương Tây, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản mang đến cục diện hoàn toàn mới cho sự phát triển xã hội về mọi mặt.

Không thể phủ nhận vai trò của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (và giai cấp tư sản) trong quá trình lịch sử. Trên nền tảng tiến bộ vượt bậc của những phát minh khoa học được áp dụng triệt để trong sản xuất và đời sống. Những thành tựu này dẫn đến sự thay đổi quy mô, tổ chức và cách thức quản lý sản xuất… Từ đây làm cho năng suất lao động tăng nhanh, lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ. Đi đôi với những thay đổi lớn lao trong phương thức sản xuất là những thay đổi đối với mỗi cá nhân và xã hội. Những tàn tích của xã hội phong kiến, tâm lý tiểu nông, sự lạc hậu, trì trệ… dần dần được thay thế bằng tư duy, thói quen mới: Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự tôn trọng pháp luật của mỗi cá nhân. Nhưng, cũng không thể không thấy rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ẩn chứa trong nó mâu thuẫn cơ bản giữa quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất có tính xã hội hóa ngày càng cao. Mâu thuẫn này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Từ đây dẫn đến hai cuộc đại chiến thế giới khốc liệt đầu thế kỷ XX, cùng cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, (và ở thời gian sau là khủng hoảng giá dầu năm 1973, khủng hoảng tài chính 2007-2008…), đây chính là sự thể hiện rõ mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản.

Có thể khẳng định hai cuộc đại chiến thế giới và khủng hoảng kinh tế không quyết định diện mạo của triết học ngoài mác-xít hiện đại, nhưng chúng là một phần quan trọng của bối cảnh xã hội – cơ sở cho sự hình thành và phát triển của dòng triết học này. Triết học ngoài mác-xít hiện đại phản ánh tình trạng lo âu, bất mãn, thất vọng bao trùm xã hội châu Âu trong và sau chiến tranh, tập trung vào lý giải thế giới tinh thần, đời sống nội tâm của con người. Trong thế giới tinh thần đó tràn ngập sự bi quan, buồn phiền, mất niềm tin, thậm chí tuyệt vọng trước thực tại.

Trên một phương diện khác, trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật từ thế kỷ XIX đến nay, nhân loại đạt được những thành tựu rực rỡ. Sự áp dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã thực sự làm thay đổi bộ mặt toàn cầu, khoa học được đẩy lên vị trí tôn sùng. Thực tế đó gây nên những biến đổi quan trọng trong nhận thức cũng như trong tư duy triết học. Những biến đổi đó thể hiện ở sự nghi ngờ, phê phán chủ nghĩa duy lý cổ điển; sự đề cao chủ nghĩa phi lý tính; sự đề xuất tính đa nguyên trong tư duy khoa học…

Khoa học – kỹ thuật phát triển còn có thể kéo theo những hệ lụy nếu như việc sử dụng các thành tựu của nó không hợp lý. Ở thế kỷ XIX (và có thể nói từ đó đến nay), những nguy cơ về môi trường, mất cân bằng sinh thái, dịch bệnh, chiến tranh… tiềm ẩn trong xã hội khiến con người có thể dễ dàng rơi vào tình trạng bất hạnh bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần không được chú ý thỏa đáng. Xu hướng tuyệt đối hóa vai trò của khoa học – kỹ thuật dẫn đến mỗi cá nhân dường như có nguy cơ đánh mất bản sắc riêng của mình; con người rơi vào cảm giác mất phương hướng, bơ vơ, lạc lõng trong cộng đồng xã hội; đời sống tinh thần của họ trở nên nghèo nàn, đơn điệu, trống rỗng. C.Mác từng nhận thấy và viết về điều này: “… Những thắng lợi của kỹ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về mặt tinh thần”(1).

Trong điều kiện vừa nêu, các học thuyết triết học tư sản ra đời “như nấm mọc sau mưa” đều cố gắng đi tìm câu trả lời, cách giải quyết những vấn đề của thời đại theo quan điểm, lập trường của mình, tạo nên những nội dung hết sức phong phú, đa dạng của triết học ngoài mác-xít hiện đại.

Triết học ngoài mác-xít hiện đại trải qua các giai đoạn phát triển chính:

– Giai đoạn từ 1848 đến 1871: là giai đoạn kết thúc của triết học cổ điển Đức, thay thế vào đó là triết học mác-xít và các hệ thống triết học tư sản hiện đại, trong đó có một số trường phái có ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn Triết học thực chứng do Côngtơ (Comte) (1789-1957) sáng lập, các đại biểu nổi tiếng khác là Milơ (Mill) (1806-1873), Xpenxơ (Spenser) (1820-1903), triết học này lấy khoa học làm đối tượng nghiên cứu chính; nhấn mạnh vai trò của nhận thức và khả năng vận dụng khoa học thực chứng để cải tạo tự nhiên và xã hội, chủ trương cải lương trong phát triển xã hội. Bên cạnh đó là Chủ nghĩa phi lý tính và Chủ nghĩa duy ý chí do Sôpenhauơ (Schopenhauer) (1788-1860), Kiếckơgo (Kierkegaard) (1813-1855) khởi xướng, khuynh hướng triết học này tuyệt đối hóa ý chí, tình cảm, hạ thấp tư duy lý tính, coi yếu tố tình cảm, phi lý tính là điểm xuất phát của triết học.

– Giai đoạn từ 1871 đến 1917: trên nền tảng những biến đổi lớn lao về khoa học và thực tiễn, các triết gia tư sản phát triển Triết học thực chứng mới, tiêu biểu là Makhơ (Mach) (1838-1916), Avênariút (Avenarius) (1843-1896); Chủ nghĩa duy ý chí của Nítxơ (Nietzche) (1844-1900) tiếp tục phê phán chủ nghĩa lý tính, đề cao vai trò bản năng, sức sống nội tại, ý chí con người; Triết học đời sống cũng trên lập trường phi lý tính, đề cao yếu tố trực giác; Triết học Thực dụng được Pâyrơ (Peirce) (1839-1914), Giêm (W. James) (1842-1910) khởi xướng ở Mỹ, chủ trương lấy hiệu quả làm mục đích tối cao, dựa trên đời sống hiện thực, cụ thể chứ không hướng vào những tri thức triết học lý luận chuyên sâu, lý luận này gắn liền và phù hợp với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

– Giai đoạn từ 1917 đến những năm 50 của thế kỷ XX: Trong điều kiện thế chiến thứ hai và sự phân cực thế giới thành hai hệ thống xã hội, ra đời nhiều trào lưu triết học mới. Thuộc xu hướng Thực chứng có Triết học phân tích, Triết học ngôn ngữ, các trường phái này coi nhiệm vụ của triết học là phân tích ngôn ngữ, chuyển trọng tâm từ những vấn đề triết học truyền thống có tính chất chung sang phân tích những hình thức và phương thức biểu đạt của ngôn ngữ triết học; Triết học Hiện sinh với Bécxông (Bergson) (1859-1941), Huxéc (Husserl) (1859-1938)… là sự tiếp nối xu hướng phi lý tính, muốn vạch ra ý nghĩa của sự sinh tồn của con người, kể cả của sự vật, vạch trần sự đánh mất cá tính của con người, hướng tới giải thoát con người khỏi tha hóa, đạt được tự do; Chủ nghĩa Phrớt (Freud) tập trung vào vấn đề tâm lý, khẳng định yếu tố vô thức quyết định hành động của con người; Triết học tôn giáo với Chủ nghĩa Tômát mới (neo-Thomism) phát triển làm “mềm hóa” một số quan niệm tôn giáo để dễ được chấp nhận hơn trong điều kiện khoa học phát triển.

– Giai đoạn những năm 50 của thế kỷ XX đến nay: Triết học ngoài mác-xít hiện đại có sự phát triển vô cùng nhiều vẻ, đa sắc màu. Tiêu biểu nhất, trào lưu Thực chứng được Pốppơ (K.Popper) (1902-1994) kế tiếp, đề cao tinh thần khoa học (học tập từ sai lầm, dám phê phán, dám phủ định), cũng trong trào lưu Thực chứng, Triết học phân tích phát triển rộng rãi, Triết học chú giải chú giải các văn kiện Kinh thánh cổ, trung đại; Trào lưu Hiện sinh phát triển khá phổ biến với Giátxpe (Jaspers) (1883-1969), Haiđơgơ (Heidegger) (1889-1976), Satrơ (Satre) (1905-1980) nhấn mạnh vấn đề tồn tại người, ý nghĩa của cuộc sống, tự do và trách nhiệm cá nhân; Triết học tôn giáo tiếp tục đi vào chiều sâu cải cách với hệ thống lý luận của Maritanh (J.Maritain) (1882-1973), cùng với Chủ nghĩa nhân cách Mỹ, Chủ nghĩa nhân cách Pháp, Thần học chủ nghĩa chính thống mới…, nội dung các trường phái này có những yếu tố mới để trở nên “đời thường” hơn nhưng bản chất vẫn là khẳng định uy quyền tối thượng của Thượng đế đối với loài người và đối với thế giới nói chung; Chủ nghĩa Thực dụng được tiếp tục phát triển bởi Điuây (J.Dewey) (1859-1952), ảnh hưởng rộng rãi sang nhiều nước châu Âu, châu Á với những mức độ khác nhau; Trào lưu Chủ nghĩa Mác phương Tây ra đời giải thích triết học Mác theo quan niệm tư sản, muốn tích hợp triết học Mác với triết học tư sản…(2).

Bức tranh khái quát trên đây cho thấy nội dung hết sức phong phú, đa dạng, phức tạp của triết học ngoài mác-xít hiện đại. Đặt trong sự so sánh với triết học phương Tây truyền thống, triết học ngoài mác-xít hiện đại có một số khác biệt cơ bản sau đây:

Một là, triết học ngoài mác-xít hiện đại chủ trương xóa bỏ những nền nếp của triết học cổ điển truyền thống, ít hoặc không giải quyết những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận; không quan tâm đến vấn đề bản chất của thế giới, không quan tâm đến “vật chất” hay “ý thức” theo lối tư duy cổ điển… Triết học cổ điển đầy tính duy lý với những khuôn mẫu hoàn hảo về hệ thống với tham vọng là công cụ vạn năng của nhận thức và hành động đã thực sự lùi về dĩ vãng. Sự thay đổi như vũ bão của mọi mặt đời sống xã hội khiến mỗi quốc gia, dân tộc, cá nhân không thể tìm được cách giải quyết, không tìm được lối thoát nhờ vào những vấn đề triết học truyền thống đã đặt ra và giải quyết. Đây cũng là lý do để một số triết gia nêu quan niệm về “cái chết của triết học”. Triết học tư sản hiện đại là thứ triết học của đời sống, gắn bó máu thịt với đời sống. Nó sẵn sàng được thể nghiệm ngay trong chính đời sống cá nhân chứ không còn (và không cần) là thứ triết học nhà nước như trước kia. Các trào lưu đa dạng của triết học ngoài mác-xít hiện đại đều theo cách riêng của mình, đáp ứng được những nhu cầu tinh thần, lý luận, thực tiễn của con người trong xã hội hiện đại.

Chẳng hạn, Triết học tôn giáo trong điều kiện sự thắng thế của khoa học và những nhu cầu mới của xã hội phát triển, trong khi không thể không bảo vệ giáo lý Cơ đốc giáo truyền thống, đã cố gắng lý giải tính siêu việt của Thượng đế gắn liền với quyền tự do của con người; khẳng định việc tôn trọng nhân phẩm và giá trị cơ bản của con người là yêu cầu cơ bản của tôn giáo; ra sức nhấn mạnh quyền tự do phát triển toàn diện của con người; đề cao tinh thần cống hiến cho người khác và cho xã hội…, những yếu tố Triết học tôn giáo quan tâm và chú ý giải quyết rõ ràng đã tạo ra thiện cảm, niềm tin cho con người và tiếp tục tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ của tôn giáo đối với xã hội. Triết học thực chứng nắm bắt nhu cầu thiết yếu của con người trong xã hội hiện đại là một cuộc sống yên ổn, được đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần, đã chủ trương nhà khoa học phải căn cứ vào những quy luật tự nhiên mà khoa học phát hiện ra để điều chỉnh xã hội, nhờ khoa học kiểm soát môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, làm cho xã hội có trật tự, tiến bộ, chỉ khi xã hội được tổ chức, quản lý, điều hành một cách ưu việt nhất trên cơ sở các quy luật khoa học mới đáp ứng được nhu cầu của con người hiện đại. Việc đề cao vai trò cá nhân của Triết học Hiện sinh đánh trúng vào đòi hỏi cấp bách và phổ biến của xã hội hiện đại, v.v..

Hai là, triết học ngoài mác-xít hiện đại mang tính phi hệ thống. Nếu ở thời cổ điển, mỗi quốc gia sử dụng một hệ thống triết học đồ sộ với tham vọng “triết học là khoa học của mọi khoa học” thì hiện các nhà triết học chỉ khai thác một mặt, một mảnh đoạn trong vô vàn các vấn đề của đời sống. Vì lẽ đó, triết học ngoài mác-xít hiện đại mang tính chuyên môn hóa sâu, và cũng vì lẽ đó, những vấn đề triết học không còn là những vấn đề chung mà luôn là những vấn đề cụ thể.

Triết học Hiện sinh là một điển hình, tiếp nối xu hướng đề cao con người của triết học cổ điển, nhưng nếu triết học cổ điển chủ yếu đưa ra hình mẫu những con người trừu tượng, phi cá tính đang không ngừng khám phá và làm chủ thế giới, còn bản thân con người lại chưa được quan tâm đầy đủ, thì Triết học Hiện sinh lại đặc biệt quan tâm và khai thác sâu đời sống tinh thần, thế giới nội tâm phong phú của con người. Nhờ cách tiếp cận này, những con người sinh động, cụ thể, con người – cá nhân với đầy đủ những cái cao cả và thấp hèn của nó, những con người với bản sắc riêng biệt của nó được nhìn nhận, đánh giá, khẳng định. Chính những yếu tố này lại trở thành nền tảng để mỗi con người kiến tạo nên chính bản thân mình, khẳng định mình và in dấu ấn của mình vào sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa Thực dụng là sản phẩm trực tiếp của chủ nghĩa tư bản ở nước Mỹ. Trong xã hội tư bản Mỹ, vấn đề hiệu quả hay không hiệu quả, thành công hay thất bại được xem là tiêu chuẩn hành động của mỗi cá nhân. Trong “tồn tại xã hội” đó, nhiệm vụ chủ yếu của triết học là luận chứng cho lợi ích cá nhân, cho hiệu quả, công dụng của những hành vi thực tiễn của con người. Vì thế, Chủ nghĩa Thực dụng không hướng lý luận của mình vào những cái chuyên sâu, không đặt ra và giải đáp các vấn đề bản chất hay nền tảng… của thế giới, họ xem hiệu quả thực tế chính là tiêu chuẩn của nhận thức, của tri thức, của giá trị; lý luận của họ tiến gần đến cái cụ thể, chẳng hạn các sự kiện, hành vi hoặc quyền lực, các vấn đề hiện thực của kinh tế thị trường…

Ba là, triết học ngoài mác-xít hiện đại đề cao cái phi duy lý. Chủ nghĩa duy lý, mà bản chất là tin tưởng và sùng bái lý tính vốn phổ biến ở thời cổ điển. Đến thời hiện đại, trước những bế tắc, những biến động phức tạp của thời đại, nhiều khi ngay cả một tư duy lý tính mạch lạc nhất cũng thành vô hiệu. Con người duy lý dường như trở thành một sinh vật cứng nhắc, máy móc, khuôn mẫu.

Con người, như sự tồn tại vốn có của nó, là thực thể thống nhất giữa tính tự nhiên và tính xã hội, đời sống của con người có tính cách toàn diện chứ không chỉ giới hạn ở lý trí; con người sống không chỉ biết suy tư mà còn có cảm xúc; bên cạnh tính mạch lạc, sáng sủa, huy hoàng của lý tính còn có cả sự rối ren, đen tối, hỗn loạn của cái không phải lý tính. Triết học truyền thống ít quan tâm, thậm chí hầu như loại trừ sự minh biện cho vấn đề này. Cái còn lại duy nhất trong con người chỉ còn là tư duy lý tính. Sự tiếp cận con người theo hướng đó rõ ràng cần được khắc phục. Triết học ngoài mác-xít hiện đại khắc phục thiếu sót đó của triết học truyền thống bằng cách khai thác những phần tối trong con người. Những cảm xúc cô đơn, tuyệt vọng, nổi loạn, nhu cầu tình dục… được đề cập một cách nghiêm túc, tuy nhiên có thể thấy trong nhiều trường hợp, nó được khẳng định và cổ súy một cách thái quá.

Bốn là, triết học ngoài mác-xít hiện đại phong phú, đan xen, vay mượn lẫn nhau cả về lý luận và phương pháp. Không một trường phái nào tồn tại biệt lập hoặc loại trừ trường phái khác. Chẳng hạn trong chủ nghĩa hiện sinh có cả chủ nghĩa nhân vị, cả hiện tượng học. Bất kỳ một trào lưu nào cũng có những yếu tố được du nhập từ trào lưu khác, tạo thành tính đa dạng của dòng triết học này (phải chăng sự hỗn dung trong đời sống sinh ra sự hỗn dung trong tư tưởng). Ý nghĩa tích cực của điều này trong sự phát triển văn hóa nhân loại là không thể phủ nhận. Nhưng rõ ràng nó phản ánh sự bế tắc của xã hội tư bản, tình trạng hỗn loạn trong việc lựa chọn một hệ giá trị sống phù hợp của các cá nhân.

Triết học ngoài mác-xít hiện đại đa dạng, phong phú do nó tồn tại và thể hiện theo sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Có thể thấy ở đây những con người bị đốt cháy trong nhu cầu thể hiện mình, nhưng lại bị triệt tiêu khi nó càng muốn hiểu biết về mình. Mỗi cá nhân không tìm thấy mình trong hoạt động đích thực của sự sáng tạo ra mình trong lao động (sự phát triển thể lực và trí lực), nó chỉ cảm thấy là con người thực sự trong những hành vi không biểu trưng cho con người, đến nỗi nó cho rằng sự sợ hãi, sự điên cuồng, dục tính… là những phẩm chất cơ bản, chủ yếu thúc đẩy con người hành động. Xét trên phương diện này, triết học ngoài mác-xít hiện đại là sự kìm kẹp, hủy hoại con người. Có thể thấy rằng, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản, mặc dù đã cố gắng tìm tòi nhưng không thể phát hiện ra cách thức giải quyết đúng đắn, triệt để những mâu thuẫn, khủng hoảng của xã hội tư bản.

Một cách khách quan nhất, phải khẳng định rằng Triết học ngoài mác-xít hiện đại có những giá trị không nhỏ, những khám phá của dòng triết học này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh hết sức linh hoạt của chủ nghĩa tư bản về sở hữu, phân công, phân phối và các mối quan hệ xã hội, khiến cho chủ nghĩa tư bản đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng và hiện vẫn tỏ rõ một sức sống mạnh mẽ. Tất nhiên, cùng với những giá trị đó là những hạn chế rất khó khắc phục – những hạn chế gắn với bản chất của xã hội tư bản. Không thể phủ nhận rằng các triết gia tư sản hiện đại đã có những cố gắng không mệt mỏi để đổi mới cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Để thực hiện được chức năng của mình, sự đổi mới của triết học là đương nhiên, tất yếu.

Song song với Triết học ngoài mác-xít hiện đại, Triết học Mác – Lênin cũng được bổ sung trong hiện thực. Ở nước ta, bằng sự nhận thức lại một cách sâu sắc và vận dụng đúng, sáng tạo Triết học Mác – Lênin, công cuộc đổi mới đã và đang có những thành tựu thuyết phục. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại cũng như đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ không ngừng tổng kết thực tiễn, tiếp tục phát triển Triết học Mác – Lênin đang đặt ra như một trong những đòi hỏi cấp bách./.

______________________________________

(1) C.Mác, Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.12, tr.10.

(2) Xem thêm: Lưu Phóng Đồng (2004), Triết học phương Tây hiện đại (Giáo trình hướng tới thế kỷ XXI), Nxb. Lý luận chính trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Lưu Phóng Đồng (2004), Triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Lý luận chính trị.

(2) William R. Schroeder (2005), Continetal philosophy, A critical approach, Blackwell Publishing.

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button