Tra Cứu

Chuyên tu – tại chức: Nơi “hợp pháp hoá” bằng cấp?

Đào tạo chuyên tu, tại chức là loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của những người đang bận công tác. Đồng thời loại hình này cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao trình độ của cán bộ trong nhiều cơ quan Nhà nước.

Có thể nói các trường đại học, nhất là những trường danh tiếng như Luật, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Kinh tế… đang trong thời kỳ bùng nổ những hợp đồng liên kết với các cơ sở tại chức của các địa phương để mở những lớp chuyên tu-tại chức (CT-TC). Chẳng cần quảng cáo “ì xèo” nhưng số học viên trong một lớp thường vào khoảng 100-200 người. Một con số mà các cơ sở luyện thi cũng phải thèm muốn.

Theo qui định, về mặt chuyên môn giảng dạy phải do các giáo viên của trường đại học, trung cấp theo đúng cấp học phụ trách hoặc thỉnh giảng ở những giảng viên cấp độ tương đương. Thế nhưng cũng đã có những trường hợp không hiểu do bận rộn thế nào mà học sinh đã tập trung đông đủ (ở một trường tại Tp. Hồ Chí Minh) nhưng giảng viên từ Hà Nội chưa kịp bay vào? “Bí” quá, cơ sở này đã cho người đang dạy hệ trung cấp của trường lên đứng lớp đại học. Không may, sinh viên phát hiện phản đối, nhà trường mới chịu thay người dạy.

Một tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu giáo dục Tp. Hồ Chí Minh khi được hỏi đã nói vui: Người ta đã từng phê phán nếu có không ít sinh viên chính quy đi học thời nay theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì CT-TC cũng có những người đi học theo kiểu “cưỡi máy bay xem hoa”. Xin bàn về chuyện giáo án. Không phải thầy cô nào cũng có giáo án riêng cho phù hợp khả năng nhận thức không đồng đều của các học viên CT-TC. Đa phần vẫn là giáo án chính quy “bê” sang, chỉ có điều thời gian học được cắt bớt đi.

Ít người để ý đến những kỳ thi CT-TC được tổ chức không rầm rộ nhưng là những kỳ thi thường có tỷ lệ đậu rất cao và cũng không có gì ngạc nhiên nếu thấy trong lớp này bên cạnh những người đứng tuổi vẫn có những học sinh vừa mới tốt nghiệp phổ thông. Đi học CT-TC khi học viên mới chỉ 17-18 tuổi. Họ chính là những người thuộc thành phần “con em trong ngành”. Còn không ít trường hợp “cá biệt” lợi dụng hệ đào tạo CT-TC để vào học theo kiểu nhảy cóc (chưa tốt nghiệp phổ thông đã có bằng đại học).

Một đặc điểm của hệ CT-TC là đào tạo theo kiểu hình ống. Có nghĩa là vào bao nhiêu thì ra bấy nhiêu. Điều này thật khó giải thích về mặt chất lượng khi mà đầu vào tuy cũng có qua thi cử nhưng chắc chắn là không đồng đều. Một điều lạ là hiện tại vẫn có những mô hình như “đào tạo từ xa”, rất thuận lợi cho những người đang công tác nhưng vẫn ít người tham gia. Phải chăng do khó lấy bằng hơn?

Từ những chuyện không nói ra nhưng nhiều người biết trên đây, việc chấn chỉnh loại hình đào tạo này đang được đặt ra. Có ý kiến cho rằng không nên cấp bằng cho hệ giáo dục này mà chỉ nên cấp chứng chỉ, khi đó những người muốn lợi dụng bằng cấp sẽ không còn mục đích để tham gia, ít nhiều giảm bớt tiêu cực. Mặt khác, các cơ quan nhất là các cơ quan Nhà nước cũng từ đó bỏ “thói quen” nhận người có trình độ thấp (vì nhiều lý do khác nhau chứ không vì thiếu người đáp ứng đúng nhu cầu)

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button