Tra Cứu

Kiểm toán nhà nước là gì? lịch sử đặc trưng, chức năng & vai trò

Được xem là một thanh “bảo kiếm” giúp đảm bảo sự trong sạch, liêm chính của nền kinh tế Việt Nam. Vậy lịch sử ra đời, chức năng, lợi ích và vai trò mà kiểm toán nhà nước (KTNN) mang lại trong xã hội hiện nay là gì? Hãy cùng MAN đi sâu tìm hiểu những vấn đề này trong bài viết sau đây.

Kiểm toán nhà nước là gì?

KTNN được hiểu là cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước đảm nhiệm các chức năng chuyên môn về kiểm toán tài sản công và ngân sách nhà nước. Trong tiếng Anh, KTNN được dịch là “State audit“.

Ngoài ra, KTNN còn là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động kiểm toán do các công chức thuộc cơ quan Nhà nước thực hiện. Hoạt động này chủ yếu nhằm mục đích kiểm tra xem các doanh nghiệp có đang hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật hay không.

Cụ thể, cơ quan kiểm toán của nhà nước sẽ kiểm tra, xác minh tính hợp pháp, trung thực của các số liệu, chứng từ kế toán của đơn vị được kiểm toán. Những đơn vị này có thể là các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp… sử dụng nguồn vốn được cấp bởi ngân sách nhà nước.

Kiểm toán nhà nước là gì
Kiểm toán Nhà nước – cơ quan thuộc bộ máy Nhà nước đảm nhiệm công tác kiểm toán tài sản công và ngân sách nhà nước

Lịch sử ra đời của kiểm toán nhà nước

Từ năm 1994 – 2004: Giai đoạn hình thành

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tổ chức năm 1986 đã biểu quyết thông qua quyết định phát triển kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Mở đầu thời kỳ đổi mới là bản Hiến pháp năm 1992 đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế về hai phương diện là pháp lý và chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ những hoạt động tài chính, kinh tế của Việt Nam đều tuân theo cơ chế thị trường.

Cũng từ đây, nhiều hạn chế của các hoạt động tài chính công đã lộ rõ, tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Đây chính là tiền đề hình thành nên, một cơ quan mới chưa từng có tiền lệ thuộc bộ máy nhà nước Việt Nam.

Ngày 11/07/1994, Cơ quan KTNN chính thức được thành lập dựa trên Nghị định số 70-CP. Đến ngày 24/01/1995, Quyết định số 61-TTg tiếp tục được Chính phủ ban hành đã xác lập Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với KTNN.

Ngày 13/08/2003, Nghị định số 93/2003/NĐ-CP đã ra đời và giải thích về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn… của kiểm toán nhà nước. Nghị định cũng nêu rõ KTNN được coi như cơ quan trực thuộc chính phủ, phụ thuộc vào Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về khung thể chế, chế độ trách nhiệm, hoạt động… Vì vậy ở thời kỳ này, KTNN vẫn chưa phải cơ quan hiến định độc lập.

Lịch sử ra đời của kiểm toán nhà nước
Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ra đời đã giải thích về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn… của kiểm toán nhà nước

Từ năm 2005 – 2014: Giai đoạn chuyển đổi

Ngày 14/06/2005, Luật kiểm toán nhà nước được Quốc hội khóa XI ban hành đã khẳng định KTNN là cơ quan được thành lập bởi Quốc hội, hoạt động độc lập trên cơ sở của pháp luật. Điều này đã giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào Chính phủ. Như vậy ở thời kỳ này, tính độc lập và vị trí của KTNN đã được nâng cao, thể hiện ở một số mặt như:

  • Về mặt tổ chức: Quốc hội có quyền bầu, bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm Tổng KTNN sau khi đã trao đổi với Thủ tướng Chính phủ. Điều này giúp Tổng Kiểm toán của Nhà nước được nâng cao địa vị trong bộ máy nhà nước. Bởi Quốc hội là cơ quan bầu các chức danh quan trọng nhất của nhà nước Việt Nam như Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Không những vậy, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán và Phó tổng Kiểm toán lên đến 7 năm, tức là dài hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội.
  • Về chế độ trách nhiệm: Theo Luật KTNN 2005, Tổng KTNN sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
  • Về hoạt động: Cũng theo Luật KTNN 2005, KTNN sẽ hoạt động độc lập trên cơ sở đảm bảo tính khách quan, trung thực và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, sẽ trực tiếp ban hành Chuẩn mực KTNN (dựa trên quy trình được xác lập bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội). KTNN cũng được quyền quyết định về kế hoạch kiểm toán thường niên. Khi cần thực hiện kế hoạch, KTNN chỉ phải báo cáo trước với Chính phủ và Quốc hội mà không cần quyết định phê duyệt.

Từ năm 2015 – đến nay: Giai đoạn cơ quan hiến định độc lập đầy đủ

Phải đến thời kỳ này, KTNN mới trở thành một cơ quan hiến định độc lập đúng nghĩa, điều này được thể hiện ở những điểm sau:

  • Hiến pháp Việt Nam hiện hành, ban hành năm 2013 là lần đầu tiên, KTNN có quy định riêng (Điều 113) nằm trong chương riêng và được đặt cùng Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
  • Hiện nay, Tổng KTNN vẫn được đề nghị bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và được bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm bởi Quốc hội. Tuy nhiên, UBTVQH sẽ không phải trao đổi với Chính phủ trước khi đề nghị người giữ chức Tổng Kiểm toán lên Quốc hội. Ngoài ra, cũng nắm giữ quyền quản lý và chi phối tuyệt đối với toàn bộ các chức danh kiểm toán.

Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 cũng không yêu cầu trách nhiệm trước Chính phủ.

Từ năm 2015 - đến nay: Giai đoạn cơ quan hiến định độc lập đầy đủ
Từ năm 2015 – đến nay, KTNN đã và đang là cơ quan hiến định độc lập đầy đủ

Xem thêm: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam gồm những gì

Vai trò mang lại giá trị và lợi ích gì?

Giá trị

Thứ nhất, ngành kiểm toán có giá trị quan trọng nhất đó là xây dựng, nuôi dưỡng và củng cố niềm tin của người dân, của xã hội vào sự trong sạch, lành mạnh của nền kinh tế, vào hệ thống ngân sách được sử dụng và quản lý hiệu quả. Kết quả kiểm toán tài chính nhà nước luôn được công khai, minh bạch và là cơ sở để mọi người có cái nhìn cụ thể nhất về tình hình tài chính của nước nhà. Đặc biệt là trên những khía cạnh như thu chi ngân sách nhà nước, các khoản thu/chi ngân quỹ…

Thứ hai, KTNN đem đến những giá trị pháp lý và thông tin, làm căn cứ phục vụ các hoạt động giám sát. KTNN là cơ quan hiến định độc lập được lập nên bởi Quốc hội. Chính vì vậy thông qua hoạt động KTNN, tình hình ngân sách, tài chính của nhà nước sẽ được xác nhận và đánh giá một cách khách quan, trung thực. Bằng nghiệp vụ chuyên môn, kiểm toán sẽ thu thập bằng chứng và đánh giá về mức độ tin cậy của các số liệu, thông tin tài chính nhà nước.

Lợi ích

Đối với xã hội, kiểm toán nhà nước cho biết tình trạng sức khỏe của nền kinh tế – tài chính quốc gia. Đó là nhờ vào các kết quả kiểm toán giúp xác thực tính hợp pháp, chính xác của số liệu, thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước (NSNN); kiểm tra tính kinh tế và mức độ tuân thủ pháp luật trong hoạt động quản lý, huy động NSNN. Từ đó giúp nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc duy trì sự công khai, minh bạch và vững mạnh của tài chính đất nước.

KTNN cũng góp phần cải thiện độ tin cậy và chất lượng của các thông tin kế toán, tài chính. KTNN có nhiệm vụ chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động thu, chi NSNN, dự toán thu/chi, xác thực độ tin cậy của các số liệu thực thu/thực chi… Những ý kiến đánh giá của KTNN là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, áp dụng các giải pháp vĩ mô trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực và thực hiện các hoạt động tài chính.

Kiểm toán nhà nước mang lại giá trị và lợi ích gì?
KTNN cũng góp phần cải thiện độ tin cậy và chất lượng của các thông tin kế toán, tài chính

Kiểm toán nhà nước cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc minh bạch hóa tình hình tài chính hiện tại của đất nước. Nó bác bỏ mọi cơ chế quản lý, sử dụng công quỹ không thể kiểm soát và không rõ ràng – nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm sự vững mạnh của nền dân chủ và gây cản trở sự phát triển của cơ chế quản lý tài chính trong sạch.

Những quy định: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

Theo Luật KTNN 2015 và Luật sửa đổi bổ sung về Luật KTNN năm 2019, có một số Chức năng, Nhiệm vụ và Quyền hạn như sau:

Chức năng của KTNN

KTNN có chức năng xác thực, đánh giá, đưa ra kết luận và kiến nghị về các hoạt động quản lý, huy động cũng như sử dụng tài sản công & tài sản chính công.

Nhiệm vụ

Chức năng của kiểm toán nhà nước
Những nhiệm vụ của KTNN được Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định
  • Lập kế hoạch kiểm toán thường niên và gửi báo cáo lên Quốc hội trước khi triển khai kế hoạch.
  • Tổ chức triển khai kế hoạch kiểm toán thường niên, đảm nhận nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
  • Xem xét và đưa ra quyết định kiểm toán khi nhận được đề nghị của Thành phố trực thuộc Trung ương, UBND Tỉnh, Uỷ ban thường trực Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và những đơn vị không thuộc kế hoạch kiểm toán thường niên của KTNN.
  • Trình ý kiến lên Quốc hội để được xem xét và đưa ra quyết định về quyết toán NSNN, dự án trọng điểm quốc gia, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, phân bổ ngân sách trung ương, dự toán ngân sách nhà nước…
  • Hỗ trợ các cơ quan Chính phủ và Quốc hội khi xem xét các vấn đề như phương án đầu tư NSNN cho các dự án trọng điểm quốc gia và chương trình mục tiêu quốc gia, điều chỉnh dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, dự toán ngân sách nhà nước…
  • Hỗ trợ các cơ quan Quốc hội trong quá trình giám sát thực hiện chính sách tài chính và NSNN, giám sát việc tuân thủ nghị quyết & luật của Quốc hội, nghị quyết & pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ngân sách – tài chính.
  • Hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật & pháp lệnh trong việc hình thành và kiểm tra những dự án luật, pháp lệnh (khi được yêu cầu).
  • Lập báo cáo về kết quả kiểm toán năm và kết quả triển khai kiến nghị, kết luận kiểm toán với UBTVQH và Quốc hội; trình báo cáo kết quả kiểm toán năm và kết quả triển khai kiến nghị, kết luận kiểm toán cho các Ủy ban Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Chủ tịch nước. Gửi kết quả kiểm toán đến UBND & Hội đồng Nhân dân nơi kiểm toán, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cùng những cơ quan khác căn cứ theo pháp luật quy định.
  • Giải trình kết quả kiểm toán với các cơ quan Quốc hội và Quốc hội căn cứ theo pháp luật.
  • Công bố công khai báo cáo kết quả triển khai kiến nghị, kết luận kiểm toán, báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kiểm toán căn cứ trên Điều 50 và 51 của bộ luật cùng những luật có liên quan khác.
  • Giám sát, kiểm tra quá trình tuân thủ các kiến nghị và kết luận của KTNN.
  • Nếu phát hiện những cá nhân, tổ chức, cơ quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật sau khi tiến hành kiểm toán, KTNN cần gửi hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra…
  • Quản lý và đảm bảo tính an toàn, bí mật cho các hồ sơ, số liệu kế toán, tài liệu, hồ sơ kiểm toán cũng như bí mật hoạt động của tổ chức, cá nhân… được kiểm toán.
  • Hợp tác quốc tế trong kiểm toán nhà nước.
  • Tổ chức và điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo ngân lực phục vụ bộ máy KTNN.
  • Tổ chức thi chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước, cấp, quản lý hoặc thu hồi chứng chỉ.
  • Xây dựng và gửi UBTVQH để ban hành Chiến lược phát triển KTNN.
  • Tuân theo các nhiệm vụ khác mà pháp luật quy định.

Quyền hạn

Quyền hạn của kiểm toán nhà nước
Quy định về quyền hạn của KTNN theo Luật KTNN năm 2015
  • Trình các dự thảo nghị quyết, dự án pháp lệnh, dự án luật trước UBTVQH và Quốc hội trên cơ sở pháp luật.
  • Yêu cầu các cá nhân, tổ chức có liên quan và đơn vị được kiểm toán cung cấp chính xác, đầy đủ và kịp thời những tài liệu, hồ sơ phục vụ công tác kiểm toán.
  • Tiến hành kiểm tra, đối chiếu, xác minh những vấn đề liên quan trực tiếp tới phạm vi và nội dung kiểm toán của đơn vị được kiểm toán.
  • Khi phát hiện vi phạm về tuân thủ luật pháp, về lập và trình bày báo cáo tài chính, KTNN có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán chấp hành đúng kiến nghị và kết luận kiểm toán được KTNN đưa ra; kiến nghị triển khai các giải pháp giải quyết những hạn chế, bất cập trong hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
  • Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về việc yêu cầu đơn vị được kiểm toán chấp hành các kiến nghị, kết luận kiểm toán khi KTNN phát hiện thấy vi phạm về tuân thủ luật pháp, về lập và trình bày báo cáo tài chính; kiến nghị xử lý những đơn vị không chấp hành hoặc chấp hành không kịp thời, đầy đủ các kiến nghị, kết luận của KTNN.
  • Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các sai phạm của những cá nhân, tổ chức, cơ quan đã được chỉ ra sau khi hoàn tất công tác kiểm toán.
  • Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý những cá nhân, tổ chức, cơ quan có dấu hiệu gây khó khăn đối với hoạt động kiểm toán hoặc cung cấp tài liệu, hồ sơ không trung thực.
  • Căn cứ trên Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
  • Trưng cầu giám định chuyên môn trong những trường hợp cần thiết.
  • Có quyền thuê hoặc ủy thác nhiệm vụ kiểm toán các đơn vị quản lý và sử dụng tài sản công/chính công cho các doanh nghiệp kiểm toán; KTNN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài liệu và ý kiến kết luận, kiến nghị… của doanh nghiệp kiểm toán.
  • Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan nhà nước khác trong việc sửa đổi, bổ sung những chính sách, cơ chế và quy định pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán.

Dịch vụ kiểm toán nội bộ của MAN – Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức như thế nào?

Phân loại dựa trên chức năng

  • Kiểm toán ngân sách nhà nước.
  • Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình, dự án vay, nợ, viện trợ chính phủ.
  • Kiểm toán doanh nghiệp nhà nước.
  • Kiểm toán những chương trình đặc biệt như quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Phân loại dựa trên cấp độ

Các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành:

  • Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
  • Vụ Tổ chức cán bộ.
  • Vụ Tổng hợp.
  • Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán.
  • Vụ Pháp chế.
  • Vụ Hợp tác quốc tế.
  • Thanh tra Kiểm toán nhà nước.
  • Văn phòng Đảng – Đoàn thể.

Các đơn vị KTNNchuyên ngành:

  • KTNN chuyên ngành Ia, kiểm toán về lĩnh vực quốc phòng.
  • KTNN chuyên ngành Ib, kiểm toán về lĩnh vực dự trữ Nhà nước, hoạt động cơ yếu, tài chính và ngân sách Đảng, an ninh.
  • KTNN chuyên ngành II, kiểm toán về lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành kinh tế tổng hợp.
  • KTNN chuyên ngành III, kiểm toán về lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ.
  • KTNN chuyên ngành IV, kiểm toán về lĩnh vực đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở.
  • KTNN chuyên ngành V, kiểm toán về lĩnh vực đầu tư, dự án dân dụng, công nghiệp.
  • KTNN chuyên ngành VI, kiểm toán đối với các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước.
  • KTNN chuyên ngành VII, kiểm toán đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng.
  • Các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực.
Các đơn vị Kiểm toán nhà nước chuyên ngành
Tòa nhà kiểm toán nhà nước tại quận Cầu Giấy, Hà Nội
  • KTNN khu vực I, có trụ sở ở TP. Hà Nội
  • KTNN khu vực II, có trụ sở ở TP. Vinh (Nghệ An)
  • KTNN khu vực IV, có trụ sở ở TPHCM
  • KTNN khu vực V, có trụ sở ở TP. Cần Thơ
  • KTNN khu vực VI, có trụ sở ở TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)
  • KTNN khu vực VII, có trụ sở ở TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái)
  • KTNN khu vực VIII, có trụ sở ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)
  • KTNN khu vực IX, có trụ sở ở TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)
  • KTNN khu vực X, có trụ sở ở TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên)
  • KTNN khu vực XI, có trụ sở ở TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)
  • KTNN khu vực XII, có trụ sở ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk)
  • KTNN khu vực XIII, có trụ sở ở TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Các đơn vị sự nghiệp:

  • Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
  • Trung tâm Tin học.
  • Báo Kiểm toán.

Phạm vi của KTNN

Đối với hoạt động kiểm tra, xác nhận

Kiểm toán viên nhà nước sẽ kiểm tra, rà soát các ngân sách thuộc bộ máy nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị, Báo cáo tài chính, công tác kế toán… Từ đó đưa ra kết luận về tính hợp pháp, chính xác của các số liệu, chứng từ, thông tin được kiểm toán. Đồng thời đánh giá, nhận xét về hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Các đánh giá, xác minh phải căn cứ trên những bằng chứng kiểm toán cụ thể để đảm bảo sự khách quan, trung thực và thận trọng.

Đối với công tác kiểm toán toàn bộ hoạt động kinh tế Nhà nước

KTNN cũng có nhiệm vụ đánh giá về hiệu quả hoạt động, tính tiết kiệm, hợp lý và kinh tế của kinh tế nhà nước. Việc xem xét hoạt động kinh tế nhà nước phải bao quát từ việc xác minh các số liệu kế toán đến đánh giá tính tính kinh tế của hoạt động.

Không thể rà soát toàn bộ các khoản thu/chi do quy mô hoạt động kinh tế nhà nước là vô cùng lớn. Vì vậy KTNN sẽ chọn mẫu sao cho phù hợp và đảm bảo phạm vi đủ rộng.

Đối với công tác kiểm toán toàn bộ hoạt động kinh tế Nhà nước
KTNN cũng có nhiệm vụ đánh giá về hiệu quả hoạt động, tính tiết kiệm, hợp lý và kinh tế của kinh tế Nhà nước.

Những đặc trưng

Chủ thể kiểm toán

Trong lĩnh vực KTNN, chủ thể thực hiện kiểm toán chính là các kiểm toán viên nhà nước – những công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán.

Khách thể kiểm toán

Được hiểụ là những cá nhân, tổ chức, cơ quan… được cấp vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), bao gồm:

  • Các công trình, dự án được đầu tư bằng NSNN.
  • Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng 100% nguồn vốn từ NSNN.
  • Các xí nghiệp công cộng do nhà nước sở hữu (100% vốn từ NSNN).
  • Các đoàn thể xã hội, cơ quan quản lý, kinh tế của nhà nước.
  • Các tài khoản cá nhân nhận nguồn tiền từ NSNN.

Loại hình kiểm toán chủ yếu

Kiểm toán nhà nước chủ yếu xoay quanh kiểm toán hoạt động và kiểm toán tài chính.

Kiểm toán viên nhà nước cần đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ trên Điều 21 Luật KTNN 2015, một kiểm toán viên nhà nước cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như:

  • Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, trung thực, liêm khiết.
  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong các ngành luật, kinh tế, ngân hàng, tài chính, kế toán, kiểm toán những những chuyên ngành có mối liên hệ trực tiếp với ngành kiểm toán.
  • Đã có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm liên tục trở lên trong lĩnh vực thuộc chuyên ngành được đào tạo; hoặc có kinh nghiệm 3 năm trở lên làm nghiệp vụ kiểm toán ở cơ quan KTNN (không tính thời gian tập sự).
  • Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
Kiểm toán viên nhà nước cần đáp ứng những điều kiện gì?
Chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước là một trong những điều kiện bắt buộc đối với kiểm toán viên nhà nước.

Báo cáo KTNN gồm những nội dung gì?

Cũng giống như báo cáo kiểm toán độc lập, báo cáo KTNNcũng sẽ xoay quanh những nội dung cơ bản như:

  • Số hiệu & tiêu đề của báo cáo.
  • Người nhận báo cáo kiểm toán.
  • Mở đầu báo cáo kiểm toán.
  • Trách nhiệm của Ban Giám đốc đối với báo cáo tài chính.
  • Trách nhiệm của kiểm toán viên.
  • Ý kiến của kiểm toán viên.
  • Các trách nhiệm báo cáo khác.
  • Chữ ký của kiểm toán viên.
  • Ngày lập báo cáo kiểm toán.

Xem thêm: Dịch vụ Kiểm toán Thuế và Lợi ích với Doanh nghiệp

FAQs: Những câu hỏi thường gặp

Lương kiểm toán nhà nước có cao không?

Thông thường, kiểm toán viên nhà nước có mức lương từ 10 – 15 triệu đồng. Tuy nhiên với những kiểm toán viên giỏi hoặc giữ chức vụ cao thì thu nhập có thể lên đến 50 – 100 triệu đồng.

KTNN tuyển dụng như thế nào?

KTNN đặt ra một số yêu cầu chung khi tuyển dụng kiểm toán viên, đó là:

  • Người có quốc tịch Việt Nam.
  • Độ tuổi từ 21 – 35.
  • Có đơn dự tuyển.
  • Có chứng chỉ và văn bằng phù hợp.
  • Có lý lịch rõ ràng.
  • Có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, trung thực và có tinh thần trách nhiệm.
  • Đủ sức khỏe để đảm đương công việc.
  • Một số yêu cầu khác tùy theo vị trí ứng tuyển.

Có bao nhiêu chức danh KTNN?

Có 3 ngạch kiểm toán viên nhà nước chính, tương ứng với các chức danh:

  • Kiểm toán viên
  • Kiểm toán viên chính
  • Kiểm toán viên cao cấp

KTNN thuộc cơ quan nào?

KTNN là cơ quan được thành lập bởi Quốc hội và hoạt động một cách độc lập, tuân theo những nguyên tắc và quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ những điều cần biết về hoạt động kiểm toán nhà nước và kiểm toán viên nhà nước. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích, phục vụ tốt mục đích học tập và nghề nghiệp.

Thông tin liên hệ:

  • FOUNDER: Lê Hoàng Tuyên
  • Email: [email protected]
  • Mobile: (+84) 0903 963 163
  • Zalo: (+84) 0903 963 163

Ban biên tập: Man.net.vn

THCS Hồng Thái

“Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.” Khuyết Danh
Back to top button