Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Đề bài: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Bạn đang xem: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Bạn đang xem: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
3 bài văn mẫu Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Bài mẫu số 1: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả…”
Hình ảnh ban đầu của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên đã được Nam Cao phác hoạ như vậy đó – toàn chửi là chửi, và trong suốt cả truyện, Chí Phèo cũng bị Nam Cao bắt phải chửi đi chửi lại rất nhiều lần, chửi luôn mồm không ngừng nghỉ:
“Hắn chửi trời và đời. Hắn chửi cả làng Vũ Đại. Hắn chửi tất cả những đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng mặc, ai mà hoài hơi, tức mình hắn chửi đứa nào đẻ ra chính hắn, lại càng không ai cần! Và hắn lấy thế làm ức lắm; bởi vì người ta không thể chửi nhau một mình; chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì!”…
Tuy nhiên, từ đầu đến cuối truyện ngắn “Chí Phèo”, ngoại trừ cái câu “Mẹ kiếp!” được đôi lần nhắc đến khi Chí Phèo chửi đổng (chửi chả nhằm vào ai cả một cách có chủ đích), Nam Cao toàn dùng câu gián tiếp (indirect speech) mỗi khi nói về cái sự chửi của Chí, thành ra người đọc chỉ biết là Chí đã chửi, chửi rất nhiều, nhưng cụ thể hắn chửi như thế nào thì chẳng ai biết cả.
Nếu ai đó đã từng xem phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” thì còn có dịp nghe Chí Phèo chửi: Mẹ cha con đĩ dại! Mẹ cha thằng dê già! Cha mấy đời con đĩ Nở… vân vân và vân vân. Nhưng “Làng Vũ Đại ngày ấy” không phải là “Chí Phèo”, và người viết kịch bản cho “Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng không phải là Nam Cao, vì vậy những câu chửi đấy không đủ độ tin cậy (và cũng không xác đáng) để được bàn luận ở đây bởi trong bài viết này, chúng ta chỉ xem xét nguyên bản của nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao mà thôi; vả lại, những câu chửi của Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng rất vô lý và vô lối, do đó chúng không thể là lời giải cho bài toán được đặt ra ở tiêu đề bài viết.
Nhưng thôi, cái chuyện đó để lát nữa bàn sau, việc trước mắt là phải tìm cho ra xem Chí Phèo đã chửi như thế nào. Lấy tỉ dụ việc Chí Phèo chửi làng Vũ Đại nhé, mọi người bảo Chí Phèo sẽ chửi làng Vũ Đại ra làm sao? “Mẹ cha làng Vũ Đại”, “Tiên sư làng Vũ Đại” (hoặc đại loại như thế) chăng? Điều đó là không thể nào, bởi lẽ:
Thứ nhất, chửi như vậy là chửi những cái kẻ đẻ ra làng Vũ Đại (mẹ, cha, tiên sư, tam tứ đại…) chứ có phải chửi làng Vũ Đại đâu! Và cái việc Chí chửi không nhằm vào làng Vũ Đại tất yếu sẽ đưa Chí đến chỗ bế tắc mà chúng ta đều biết: cả làng Vũ Đại không ai lên tiếng cả.
Thứ hai, một người học rộng hiểu nhiều như Nam Cao không thể không biết cái đạo lý ở đời rằng người ta chửi nhau là phải chửi… nhau, không được chửi nhằm vào người khác. Đến những kẻ hạ đẳng như Ba Giai và cô bán vải ở chợ Đồng Xuân khi mở hội thi chửi còn quy ước với nhau như thế, lẽ nào Nam Cao lại không biết? Mà đã biết thì ông ta không thể để cho nhân vật của mình chửi một cách vô lý và vô lối như đã nói ở phần trên được.
Vậy thì, Chí Phèo chửi làng Vũ Đại như thế nào? “Đồ tồi”, “Đồ khốn”, “Đồ mất dậy”… chăng? Mấy câu này nghe có vẻ hợp lý hơn vì chúng nhằm trực tiếp vào đối tượng được ăn chửi (với điều kiện người chửi và người được chửi phải đối mặt với nhau – nói khác là chõ mõm vào nhau), nhưng thói đời nếu rủa ai đó là đồ tồi, đồ khốn, đồ mất dạy… thì cũng chẳng khác gì kiến đốt gỗ bởi chửi như vậy thì chẳng bõ bèn gì; hơn nữa nếu Chí Phèo cứ đi lang thang ngoài đường và luôn mồm lảm nhảm “đồ tồi!”, “đồ khốn!”… thì ai mà biết được là Chí đang chửi ai. Và điều đó tất yếu lại dẫn đến hệ luỵ là người bị chửi (cũng như tất cả những người khác) sẽ coi như “nó chừa mình ra”. Mà thực ra những câu chửi kiểu này cũng chỉ mới xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây (có lẽ là từ sau năm 1986); chưa chắc là ngày đó (tức là giai đoạn 1930-1945) Chí Phèo đã biết dùng đến những ngôn từ “lịch sự” như vậy để chửi (!?)
——————- Hết bài 1 —————–
Sau khi đã tìm hiểu bài phân tích Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo các em có thể tham khảo bài Tác phẩm Chí Phèo từng có những nhan đề nào? Ý nghĩa nhan đề Chí Phèo? hoặc tham khảo Phân tích tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo nhằm ôn tập, củng cố kiến thức môn Ngữ văn lớp 11 của mình.
Bài mẫu số 2: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Trong nền văn học viết Việt Nam, có những tác giả đã khẳng định vị trí của mình bằng sáng tác đồ sộ mang giá trị nhân văn lớn như đại thi hào Nguyễn Du với “Truyện Kiều” hoặc bằng cách phản ánh những sự kiện trong đại của đất nước như tác gia Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Số khác thì đánh dấu bằng tuyên ngôn nghệ thuật như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… Nhưng cũng có các tác giả đã để lại ấn tượng muôn đời trong lòng người đọc chỉ bằng một một chi tiết nhỏ trong toàn bộ tác phẩm… trong đó có Nam Cao. Và như Macxim Gorki đã khẳng định :”Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là vậy.
Người ta cứ nghĩ để viết nên một tác phẩm vĩ đại thì phải đi tìm những thứ to tát từ nơi xa xôi, phải thoát ly hiện thực đau khổ để tìm đến điều mơ tưởng. Không phải vậy, nhà văn – người sáng tạo ra cái đẹp – có thể chỉ tìm được nghệ thuật cao quý từ những điều bình thường nhất, nhỏ bé nhất mà lại nói lên được điều vĩ đại. “Chi tiết nhỏ” là những sự việc, sự kiện bình thường trong một tác phẩm, dường như ban đầu đọc qua ta chỉ nghĩ nó có tác dụng phản ánh hiện thực khách quan mà khi đọc kĩ càng, ta lại phát hiện trong đó một giá trị tư tưởng lớn có ý nghĩa giáo dục và thẫm mĩ cao. “Chi tiết nhỏ” nhưng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc góp phần khẳng định lập trường và tài năng của “nhà văn lớn”.
Chí Phèo là một điển hình nghệ thuật về người nông dân từ lương thiện rơi vào tha hóa trở thành quỷ dữ rồi bị gạt ra khỏi xã hội loài người, cuối cùng quay quắt trở về với bi kịch của khát vọng “làm người lương thiện”. Bi kịch bị ruồng bỏ, cô đơn trước đồng loại của Chí Phèo được Nam Cao thể hiện qua một chi tiết rất nhỏ, rất bình thường và tự nhiên ngay đoạn mở đầu nhưng càng đọc, càng suy ngẫm ta lại càng thấy từng tầng nghĩa sâu sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật của tác phẩm. Đó chính là tiếng chửi của Chí Phèo.
Xem thêm : Thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam ngắn gọn
Trong cơn say, hắn ngật ngưỡng bước đi và hắn chửi. Ban đầu hắn chửi trời vì trời sinh ra hắn một con người không hoàn thiện. Rồi hắn “chửi đời” vì đời bạc bẽo đã cưu mang hắn rồi lại vứt bỏ hắn. Tức quá, hắn “chửi cả làng Vũ Đại” đã đẩy hắn vào bi kịch tha hóa thê thảm. Nỗi cô độc đã lên đến tột độ, hắn”chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”! Đau đớn nhất, Chí Phèo chửi “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn” làm hắn mang những bi kịch lớn của cuộc đời. Chí Phèo chửi nhưng lời của hắn lại rơi vào trong im lặng đáng sợ. Không một ai đáp lại lời của hắn. Hắn chửi nhưng chất chứa bên trong là niềm khao khát được giao tiếp, được đồng vọng dù chỉ được đáp lại bằng một tiếng chửi. Nhưng đau xót thay, cả làng Vũ Đại quay lưng với hắn để cuối cùng hắn chửi nhau với ba con chó dữ: “Một thằng say và ba con chó dữ mà làm ầm ĩ cả làng”. Chí Phèo thật sự đã bị gạt bỏ khỏi xã hội loài người.
Tài hoa nghệ thuật Nam Cao được bộc lộ ngay trong đoạn mở đầu truyện ngắn. Nhà văn đã sử dụng rất thành công hình thái ngôn ngữ nửa trực tiếp để tạo nên hiện tượng đa thanh cho giọng điệu kể chuyện. Đoạn văn có lời kể khách quan xen lẫn lời nhận xét của tác giả, có cả lời nhủ thầm của dân làng: “Chắc nó trừ mình ra”. Như vậy, tuy dân làng Vũ Đại không xuất hiện nhưng ta vẫn thấy hình ảnh đám đông và thái độ của họ trước lời chửi Chí Phèo. Nổi bật lên tất cả là giọng Chí Phèo vừa có phần phẫn uất lại vừa cô đơn trước đồng loại: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! … Mẹ kiếp! Thế có phí rượi không?” Đó là lời kể của tác giả hay chính suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đang cất lên tiếng nói.
Nhờ tính chất đa thanh của giọng điệu kể chuyện đã dẫn đến một tính chất đặc sắc khác cho đoạn văn: tính đa nghĩa. Tiếng chửi không chỉ là khao khát được giao tiếp mà còn là sản phẩm của một con người bị rơi vào bi kịch bị tha hóa, không được sống đúng bản chất của một con người. Bên ngoài là tiếng chửi của một kẻ say nhưng bên trong thì hắn rất tỉnh. Lời chửi rất mơ hồ, không động chạm ai, quả là một kẻ say bình thường đang chửi. Nhưng hắn rất tỉnh, rất sáng suốt, không gian trong tiếng chửi thu dẹp dần từ cao đến thấp, từ rộng đến hẹp, từ vô địa chỉ đến có địa chỉ. Từ số đông, hắn chửi một người: “hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”. Đẻ ra Chí Phèo “cả làng Vũ Đại cũng không ai biết” nhưng chúng ta, người đọc thì biết: Chính xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại, đã sinh ra hiện tượng “Chí Phèo”. Như vậy, hắn mượn rượi để chửi, để phản ứng với toàn bộ xã hội vô nhân đạo. Từng lời cay độc ấy thoát ra nghĩa là lòng hắn đang gào thét cuồng điên, hắn chửi để thỏa mãn lòng rực lửa đốt khi mà cả làng Vũ Đại không ai lắng nghe hắn. Họ thành kiến với hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo vừa mang tâm trạng bất mãn vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn. Tiếng chửi thật chất là một tiếng kêu cứu thảm thiết của con người đáng thương bị què quạt cả về thể xác lẫn tinh thần cố níu chiếc phao đời để mà tồn tại. Ta đã từng đau xót cho số phận nghèo khổ, tăm tối của chị Dậu, chị Dậu nghèo tới mức phải bán con, bán chó, bán sữa nhưng Ngô Tất Tố không để chị bán nhân phẩm của mình. Còn Chí Phèo, hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá rẻ bèo và cuối cùng bị ghẻ lạnh, cô đơn trong chính xã hội loài người.Trong đoạn văn, cứ sau một lời kể khách quan mang tính chất thông báo là một lời nhận xét của tác giả. Như vậy, bằng hiện tượng đa nghĩa của giọng điệu, ta không chỉ thấy thái độ, tình cảm của nhân vật mà còn cảm nhận được trái tim nhà văn đang lên tiếng. Đằng sau lời văn lạnh lùng gần như sắc lạnh ấy lại là một tấm lòng xót thương sâu sắc cho nhân vật và cả sự căm phẫn xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra hiện tượng Chí Phèo.
Tóm lại, đoạn văn được mở đầu bằng lời chửi của Chí Phèo không chỉ mang nét nghệ thuật dễ nhận thấy, nghệ thuật kết cấu, mà còn mang giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của ngòi bút thấm đẫm tinh thần Nam Cao. Càng đào sâu, càng nghiền ngẫm, người đọc sẽ tìm cho mình những suy nghĩ sâu sắc hơn về kiệt tác “Chí Phèo”.
“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết “tiếng chửi” của Chí Phèo đã góp phần làm nên thành công của nhà văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật: nghệ thuật chân chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường. Chỉ có nhà văn lớn có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.
Bài mẫu số 3: Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo
Nam Cao được đánh giá cao với tư cách là một nhà văn hiện thực. Cùng với những tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, các tác phẩm của Nam Cao đã góp phần quan trọng làm nên khuynh hướng văn học hiện thực phê phán (1930-1945). c
Chửi là một trong những hành vi nói năng của con người. Con người có rất nhiều hành vi. Nói năng là một trong những hành vi đó. Trong hành vi nói năng, lại có nhiều hành vi như: hành vi chửi, hành vi chào, hành vi khuyên, hành vi xin lỗi, hành vi yêu cầu, hay ra lệnh… Bài viết xin được lý giải thêm về hành vi ngôn ngữ Chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, ngõ hầu mang đến những kiến giải có cơ sở hơn từ góc nhìn dụng học, mà cụ thể hơn là lý thuyết hành vi (hành vi ngôn ngữ).
Theo từ điển Tiếng Việt, chửi là thốt ra những lời xúc phạm cay độc để làm nhục [1].
Phạm Văn Tình thì cho rằng: “Khi đạt đến đỉnh điểm của sự tức tối, người ta thường thốt ra một lời rủa, lời chửi (mà đi kèm với nó là những từ thô tục)” [2].
Một ý kiến khác của Nguyễn Thị Tuyết Ngân: “Chửi là một hiện tượng ngôn từ văn hóa phản chuẩn bày tỏ một cách chủ động phản ứng bất bình nhằm làm giảm căng thẳng tinh thần của người chửi và hạ uy tín của người bị chửi” [3].
Thực tế, chửi có phải chỉ để trút bỏ bực tức hay không? Đặt hành vi ngôn ngữ chửi của Chí Phèo trong tác phẩm, chúng tôi cho rằng nó còn có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.
Khảo sát toàn bộ tác phẩm “Chí Phèo”, chúng tôi thấy không hề có một cuộc “chửi” hoặc “chửi nhau” trực tiếp nào. Tức là không có việc SP1 (nói) chửi SP2 (nghe) [4]. Đa phần chúng ta biết Chí Phèo chửi qua lời kể, lời dẫn truyện của tác giả. Lúc dọa nạt mụ hàng rượu, Chí cũng chỉ “quát lên” (Ít vốn thì tối nay ông trả. Nhà mày đã chết ngay bây giờ hay sao?). Khi đến nhà Bá Kiến để gây sự, Chí vẫn rất “nhẹ nhàng” (Vâng, bẩm cụ không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện). Ngay cả lúc đến nhà Đội Tảo đòi nợ thay cho Bá Kiến, chúng ta cũng chỉ biết Chí “cất tiếng chửi ngay từ đầu ngõ”. Không biết cụ thể Chí chửi thế nào với một kẻ không nợ nần và cũng không thù oán gì với Chí!
Hành vi ngôn ngữ luôn gắn với người nói và người nghe. Người nói và người nghe luân phiên thay đổi vai nói và vai nghe. Ngay cả ở hành vi chửi cũng vậy. Chính Chí Phèo đã nói: “chửi nhau một mình thì còn văn vẻ gì! “. Có luân phiên thay đổi vai, thì việc “chửi” có lẽ mới “hấp dẫn”. Trong truyện ngắn Chí Phèo, rất ít khi hành vi chửi của Chí được Nam Cao dẫn trực tiếp. Chửi mà không trực tiếp thì quả là giảm đi rất đáng kể tính gay gắt và sự xúc phạm thể diện đối với người bị chửi. Trong khi ở các tác phẩm khác, Nam Cao dẫn trực tiếp hành vi này rất nhiều và không phải là không “ghê gớm”. Ví dụ:
– Đồ phản trắc! Đồ bất lương! Đồ giết chồng!
(Nửa đêm; trang 449)
Hoặc:
– Bẩm bà, bu con đi vắng!
– Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy.
Cái giống chỉ biết ăn không!
(Nghèo; trang 10)
Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong hành vi chửi của Chí còn chất chứa nhiều nỗi niềm hơn thế.
Xem thêm : 99+ tên con gái hay và ý nghĩa nhất để bố mẹ đặt cho con yêu
Thực ra, cho đến thời điểm ấy của cuộc đời với bao lần bầm dập cả về tâm hồn và thể xác, đến mức phải “đi ở tù”, đến mức cái mặt “nó không còn là mặt người” nữa. Và để sinh tồn thì chỉ còn mỗi một nghề là “rạch mặt ăn vạ”. Để có thể rạch mặt ăn vạ, “chửi bới”, “dọa nạt” thì phải có rượu, phải say! Hơn nữa, “chưa bao giờ hắn tỉnh…”, thì hành vi chửi bới kia có phải chỉ là phản ứng “khi đạt đến đỉnh điểm của sự tức tối” hay không?
Thứ nhất, chửi quả đúng là để “bày tỏ một cách chủ động phản ứng bất bình”. Trong toàn bộ truyện ngắn Nam Cao, hành vi ngôn ngữ chửi mắng được dẫn với một tỉ lệ tương đối cao (91 lần [5]). Và cũng rất nhiều lần Nam Cao để các nhân vật của mình “thốt ra lời rủa, lời chửi” và “đi kèm với nó là những từ thô tục”. Ví dụ:
– Quân ăn cướp! Quân giết người! Mày muốn rũ tù thì trêu vào bà!
(Nửa đêm; trang 449)
Hoặc:
– Nói chó nó cũng không ngửi được!…
(Làm tổ; trang 326)
Nhưng với Chí Phèo, đỉnh điểm của bực tức mà chửi có lẽ chỉ diễn ra một vài lần, sau khi Chí “đi ở tù về”… Nam Cao đã viết: “năm hai mươi tuổi hắn đến ở cho nhà Lí Kiến…”. Rồi được một thời gian “Chí bị người ta cho đi ở tù”; “hắn đi biền biệt đến bảy tám năm sau mới về”; “về hôm trước hôm sau đã ngồi uống rượu thịt chó say khướt” rồi “xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi tên tục ra mà chửi”. Đó là lần đầu tiên Chí Phèo chửi. “Thật là ầm ĩ!”. Chí Phèo đã chửi ra trò. Và chắc là phải kèm theo “cả những lời thô tục”. Vì Nam Cao đã viết rất rõ: “Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngoắt làm sao!”. Chửi đến mức mà dân làng “Họ bảo nhau: Phen này cha con thằng Bá Kiến còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mả tổ mả tiên lộn lên hết mất rồi!”, thì chắc hẳn phải là “những lời xúc phạm cay độc” lắm!
Một hành vi ngôn ngữ không chỉ gắn với người nói, người nghe, mà còn gắn chặt chẽ với ngữ cảnh. Trong ngữ cảnh rộng lớn của xã hội Việt Nam những năm dài trước Cách mạng, thì phản ứng để trút bỏ bực tức của con người trước những áp bức bất công là một điều không tránh khỏi. Đi sâu vào ngữ cảnh của tác phẩm Chí Phèo thì rõ ràng là không thể im lặng, mà phải phản kháng, phản kháng mãnh liệt trước sự bất công, vô lý đến tàn nhẫn khi Chí Phèo bị đẩy vào đường cùng và chỉ còn mỗi một cách rạch mặt ăn vạ, đâm chém để tồn tại. Cho nên, chửi có lẽ là một phản ứng tất yếu. Vì thế, khi Chí Phèo chửi, thì cả làng Vũ Đại – họ mới “hả” vô cùng… Rõ ràng hành vi chửi đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng chân dung nhân vật cũng như sự chuyển tải trong chiều sâu tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả!
Thứ hai, chửi còn là cách để Chí chứng tỏ sự tồn tại của mình, sự hiện diện của mình trong cộng đồng cư dân làng Vũ Đại.
Sau lần chửi “thật là ầm ĩ” và “ồn ào như chợ” ấy, Chí Phèo đã trở thành “tay chân” của Bá Kiến. “Hồi ấy mới đâu hắn mới hai bảy hai tám tuổi”…
“Bây giờ hắn đã thành người không tuổi rồi…”. “Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại người ta giao cho hắn làm”. “Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hai nhăm không biết có đúng không?”. “Bởi vì từ đấy bao giờ hắn cũng say”. “Hắn không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. “Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua…”. “Vì thế cho nên hắn chửi hay là chẳng vì cái gì hắn cũng chửi”. Có lẽ Chí Phèo đã quá cô đơn trong sự quẫy đạp của chính mình để tồn tại. Chí uống rượu đấy, đập phá đấy và chửi bới đấy, nhưng dường như Chí đang đơn độc một mình. Và chỉ có thể chửi, bởi vì Chí không biết hát (“giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi”). Hát hay chửi đối với Chí thì cũng đều vậy thôi – đều là tiếng kêu đau đớn của sự đơn độc! Do vậy, ở đây chửi không phải là sự tức tối – chửi để chứng tỏ sự tồn tại, sự hiện diện của Chí trong cuộc đời này, với làng Vũ Đại đã sinh ra Chí!
Thứ ba, Chí Phèo chửi không chỉ để khẳng định sự tồn tại, mà còn để khẳng định vị thế xã hội của hắn. Trong văn hóa của người Việt, thì chỉ những người ở vị thế xã hội cao (chức vụ cao, tuổi tác cao, ông bà, bố mẹ…) mới có “quyền” chửi. Và những người bị chửi thường là những người có vị thế xã hội thấp (nhân viên, con cháu…). Chửi là một cách để thể hiện mình, khẳng định mình. Ông cha ta có câu “Muốn nói không làm chồng mà nói, muốn nói ngoa làm cha mà nói”. Theo cách hiểu của người Việt, thì “nói không” và “nói ngoa” cho ai đó cũng là cách hạ thấp uy tín, danh dự của họ (tức là chửi họ). Và thậm chí không đáng để chửi, thì những người có quyền hơn vẫn có thể chửi. Cho nên, việc chửi của Chí Phèo (“hắn thấy hắn cũng oai, táo bạo vì dám gây sự với cha con nhà Bá Kiến bốn đời làm tổng lí…”; và vì hắn “đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc…”, đến nỗi “tất cả dân làng đều sợ hắn…”) phải chăng là một cách để xác lập vị thế “hơn người” của hắn?
Cuối cùng, trong văn hóa ứng xử của người Việt thì kị nhất là chửi và bị chửi. Bởi vì, “một điều nhịn, chín điều lành”, “nhịn mày tốt tao”. Cho nên, chửi nhất là bị chửi là một sự xúc phạm ghê gớm. Do đó, chửi và chửi nhau là một điều mà người Việt tối kị. Chửi mà không có người ra lời hồi đáp thì sẽ không thành chửi nhau. “Bởi người ta không thể chửi nhau một mình”! Trong tác phẩm Chí Phèo, sự hiện diện của Chí luôn gắn với hành vi chửi, nhưng rõ ràng Chí chưa chửi nhau “trực tiếp” bao giờ – tức không hề có chửi nhau. Có nghĩa là không hề có hành vi được xem là mất danh dự này. Do đó, khái niệm chửi mà lâu nay chúng ta vẫn thường quan niệm, cũng như quan niệm về Chí Phèo với hành vi chửi của Chí một cách thông thường có lẽ nên xem lại.
Như vậy, hành vi chửi của Chí Phèo không chỉ là sự trút bỏ bực tức với những lời cay độc, không chỉ là phản ứng không chuẩn văn hóa, mà chửi còn là để khẳng định sự tồn tại, sự hiện diện và vị thế của mình. Đó có lẽ cũng là cách mà Chí Phèo muốn “làm hòa với mọi người”. Và trong suốt tác phẩm (mặc dù vậy), Chí cũng chưa từng chửi nhau. Nhìn sâu vào tác phẩm và tâm hồn của Chí, rõ ràng đây không phải là tiếng chửi, mà là tiếng lòng thống thiết từ trái tim bị chà đạp đến tận cùng và nó bật lên thành tiếng kêu thương đau đớn với hình thức biểu đạt một cách xót xa (mà chỉ có Nam Cao mới làm được) đó là tiếng chửi. Vì vậy, mặc dù chửi, chúng ta vẫn thấy thương, vẫn thấy đau đáu, vẫn thấy day dứt trăn trở khôn nguôi… dù những trang viết của Nam Cao đã cách xa chúng ta gần thế kỉ.
——————– Hết ——————–
Tham khảo 3 bài mẫu phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, các em có thể hiểu rõ hơn về giá trị tư tưởng nghệ thuật độc đáo và tinh thần nhân đạo của tác giả. Tiếp theo, để ôn luyện kiến thức, rèn kỹ năng viết bài, chuẩn bị tốt cho các bài tập làm văn, bài kiểm tra trên lớp, các em có thể tham khảo bài Nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Tiếng cười trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích bài thơ Tự tình 2, Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh,…
Đăng bởi: thcs Hồng Thái
Chuyên mục: Giáo Dục
Bản quyền bài viết thuộc Trường THCS Hồng Thái Hải Phòng. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường thcs Hồng Thái (thcshongthaiad.edu.vn)
Nguồn: https://thcshongthaiad.edu.vn
Danh mục: Tra Cứu